Nhận dạng ngụy biện
Theo thống kê thì năm 2019 Việt Nam có hơn 57% dân số sử dụng mạng xã hội Facebook và xu hướng sẽ tiếp tục gia tăng. Đây là một con số đáng kể.
Mạng xã hội là nơi mà mọi người có thể kết nối, chia sẻ thông thông tin, giao tiếp trong những cộng đồng ảo theo sở thích hay chuyên môn và cũng là nơi mà những anh hùng bàn phím thi thố tài năng. Do đó thông tin trên mạng xã hội có đủ loại từ tích cực đến tiêu cực, từ chính xác đến hoàn toàn dàn dựng, từ có lý đến hoàn toàn vô lý.
.
Critical thinking (tư duy suy nghĩ chín chắn) được đánh giá là một trong năm kỹ năng quan trọng nhất cho người lao động trong kỷ nguyên 21st này. Thế làm sao để phát triển kỹ năng này? Câu hỏi này rất quan trọng cho các bạn trẻ như đang học THPT hay đại học và nhất là các sinh viên sắp tốt nghiệp.
.
Theo tôi bước đầu phát triển kỹ năng critical thinking thì không có cách nào hay hơn là dùng mạng xã hội Facebook để nhận dạng những ngụy biện.
Dưới đây là danh sách một số ngụy biện thường thấy trên Facebook. Hãy coi đây là một trò chơi lý trí (mental game) tiêu khiển cá nhân – Khi đọc post hay comments bạn thử nhận dạng coi được bao nhiêu ngụy biện trong ngày nhé! Chỉ cần nhận dạng cho mình thôi mà không cần phải nêu phê bình cho người post.
.
1. Ad hominem (Đả phá cá nhân)
Thay vì phản biện trực tiếp vào vấn đề, người nêu ý kiến đánh vào cá nhân của người post bằng cách miệt thị, đả phá hành động trong quá khứ, kể cả tính cách hay giới tính bằng những từ ngữ khiếm nhã. Mục đích là đánh vào cái tôi của người post.
.
Ngụy biện này rất dễ nhận dạng và anh hùng bàn phím thường xử dụng nên không cần thí dụ. Nếu bạn gặp phải ngụy biện này trên post của mình thì cách tốt nhất là coi đó như một tiêu khiển ví nếu bạn giận có nghĩa là họ đạt được mục tiêu! Người ta nói ‘Ngậm máu phun người thì miệng ngươi đầy máu trước!’ Do đó bạn không cần phải giận dữ mà xóa ý kiến, cứ để đó cho mọi người đánh giá nhân cách của người nêu ngụy biện.
.
Tương tự với chiêu này là chiêu ‘chụp mũ’, thay vì tranh luận trên vấn đề thì chụp mũ hay dán nhãn người post là ‘người XXX’ để dễ phản bác cái mũ XXX.
.
2. Strawman (Người nộm)
.
Thay vì phản biện trên vấn đề nêu ra thì người phản biện trước hết hoán chuyển vấn đề qua một vấn đề khác (xây dựng người nộm) vì người nộm thì dễ đốt hơn. Thường chiến thuật là thổi phồng vấn đề một cách quá đáng hoặc đẩy vấn đề vào ngỏ hẹp (ép vấn đề vào một khía cạnh nhỏ) để dễ đả phá.
.
Thí dụ 1: Vị trí: Một số chính sách của TT Trump hợp lý.
Phản biện: Tôi không thể ngờ bạn ủng hộ kỳ thị chủng tộc. (Ép vấn đề vào một khía cạnh nhỏ)
.
Thí dụ 2: Vị trí: Cần tăng ngân sách cho dự án A vì lý do ….
Phản biện: Nếu chúng ta dùng hết ngân sách cho dự án A như bạn nêu thì công ty chỉ có nước phá sản sớm. (Thổi phồng vần đề -- ‘dùng hết ngân sách’)
.
3. Anecdotal Evidence (kinh nghiệm cá nhân)
.
Dùng kinh nghiệm cá nhân, kết quả của một sự kiện để đả phá một vị trí hay kết luận có tính bao quát.
.
Thí dụ: Vị trí: Hút thuốc có hại cho sức khỏe.
Phản biện: Ông Nội tôi hút thuốc hàng ngày cả gói mà sống đến hơn 90 tuổi có sao đâu! (kết quả của một người không thể dùng để phản biện kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học và thông kê kết quả trên nhiều người)
.
4. Appeal to authority (Khẩn cầu quyền lực)
.
Để làm cho vấn đề đáng tin hay nặng ký hơn thì người nêu vấn đề liên kết đến người quyền lực hay có ảnh hưởng lớn ủng hộ quan điểm ấy. Lúc trẻ chúng ta thường dùng chiêu ‘Ba/Má nói vậy….’ và các quảng cáo thường dùng chiêu này.
.
Thí dụ: Một quảng cáo cereal ăn sáng: Ăn cereal (loại A) là món ăn tốt nhất cho buổi sáng vì cầu thủ nổi tiếng Michael Jordan ăn nó mỗi sáng! (Sự thật thì không có nghiên cứu khoa học nào nói ăn cereal loại A là tốt nhất so với loại B, C, D hay với các món ăn sáng khác).
.
5. Appeal to Emotion (Khẩn cầu cảm xúc)
.
Mục tiêu là dùng vấn đề hay hình ảnh để khơi dậy cảm xúc như sợ hãi, giận dữ, căm phẫn, cảm thông, tự hào, v.v. Nó trở nên ngụy biện khi vấn đề không chính xác, thiếu kiểm chứng, hay không khoa học. Tổng thống Trump là bậc thầy sử dụng chiêu này!
.
Thí dụ: Con: Con no lắm rồi con không ăn nổi nữa.
Mẹ: Con ráng ăn cho hết đĩa cơm, con có biết bao nhiêu người đói không có cơm để ăn, con có biết không!
.
6. Bandwagon (khẩn cầu chung xuồng)
.
Để làm vấn đề đáng tin cậy hơn người nêu đưa luận điểm ‘nhiều người tin thế, làm thế, nghĩ thế’ hay ‘Ai cũng làm thế, …’
.
Thí dụ: Mẹ ơi, mua cho con điện thoại iphone mới ra vì bạn con đứa nào cũng có hết! (Lý do tại sao con cần có iphone mới thì không nêu!)
.
7. Begging the question (Cãi vòng tròn)
.
Luận điểm để ủng hộ vấn đề cũng là vấn đề ấy nhưng có thể nói khác hơn một tí.
.
Thí dụ: Con người thích ăn uống vì con người sinh ra có nhu cầu ăn uống để sống.
.
8. Slippery Slope (Trượt dốc)
.
Luận điểm ‘Nếu vấn đề A xảy ra thì vấn đề B trước sau gì cũng xảy ra do đó chống đối không để vấn đề A xảy ra’.
.
Chúng ta thấy khá nhiều phản đối liên quan đến chính sách nhà nước dùng luận điểm này. Sự thật thì rất khó để cãi lại vì không ai biết trước được tương lai. Do đó luận điểm này không hoàn toàn là ngụy biện chỉ là không chính xác mà thôi vì vấn đề A xảy ra nhưng vấn đề B có thể có hoặc không có xảy ra trong tương lai. Phải dựa vào lịch sử hay bối cảnh để có thêm thông tin về xác suất mà vấn đề B có thể xảy ra.
.
Thí dụ: Người ủng hộ quyền có súng ở Mỹ nêu luận điểm: Nếu cấm không cho bán súng máy thì tương lai chính phủ sẽ cấm không cho người dân có súng.
Việc cấm bán súng máy không có nghĩa là tương lai chính phủ Mỹ cấm người dân có súng vì để làm được điều đó phải sửa đổi hiến pháp của Mỹ.
.
9. To quoque (Bạn cũng thế mà)
.
Thay vì phản biện trên vấn đề thì dùng sự kiện ‘bạn cũng thế mà’ để phản đối. Ngụy biện này khá giống với chiêu ‘Đả phá cá nhân’ nói trên.
.
Thí dụ: Mẹ: Con gái à, đánh phấn đậm quá trông không có đẹp.
Con gái: Ơi! Mẹ cũng làm thế mà.
.
10. Black or white (chỉ có trắng hay đen)
.
Luận điểm vấn đề chỉ có hai sự lựa chọn trái ngược nhau. Sự thật thì ở giữa trắng và đen có muôn vàn màu nâu!
.
Thí dụ: Nếu bạn không ủng hộ chính sách A của đảng Cộng Hòa thì bạn theo đảng Dân chủ.
Sự thật thì người không ủng hộ chính sách A cũng có thể là người theo đảng Cộng hòa, và cho dù người không theo đảng Cộng hòa cũng không hẳn theo đảng Dân chủ. Có rất nhiều dân Mỹ trong đó có tôi không theo đảng nào (Independent voter).
.
Tương tự luận điểm ‘đứng giữa’ hai thái cực trắng và đen cũng là một ngụy biện vì không tập trung vào vấn đề đúng hay sai mà lấy trung bình giữa hai thái cực.
.
11. False cause (Nguyên nhân sai lầm)
.
Liên kết giữa hai vấn đề và cho rằng vấn đề A là nguyên nhân để có vấn đề B. Mối quan hệ ‘nguyên nhân’ này không chính xác hay chỉ đúng một phần.
.
Thí dụ: Tiền làm con người trở nên chảnh chọe. (có người giàu rất nhiều tiền mà không chảnh và cũng có nhiều người chảnh vì những lý do khác như xinh đẹp mà không có nhiều tiền!)
.
12. Change the subject (Đổi tiêu đề hay đánh lạc hướng)
.
Để né tránh tranh luận trên vấn đề A, dùng một liên quan nhỏ hay một sự kiện có tính cấp bách hay thời sự để bẻ qua vấn đề B.
.
Thí dụ:
Cha: Hôm nay cha nhận được báo cáo thành quả học tập trong học kỳ qua của con. Chúng ta cần phải nói chuyện.
Con: Ôi! Sao tự nhiên con đau bụng quá. Cha cho con uống thuốc rồi lên phòng nằm nghỉ tí.
.
Còn nhiều chiêu ngụy biện khác nữa. Ở đây tôi chỉ nêu 12 chiêu ngụy biện thấy khá thông dụng trên mạng Facebook. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các ngụy biện khác thì có thể tìm thấy ở đường link này nhé https://yourlogicalfallacyis.com/.
.
Bạn có thể chia sẻ post rộng rãi để mọi người cùng chơi trò ‘Nhận dạng ngụy biện’ nhé và có thể tag #criticalthinking.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)