Giáo dục thiếu người "phản biện"
Tôi vẫn nhớ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, học sinh chúng tôi thường được nghe các Thầy, Cô giáo, thậm chí cả báo đài thời đó nói về công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà. Thấm thoát đã hơn 20 năm, phải nói trường học ngày nay khang trang hơn xưa nhiều lắm...
Ngày xưa, cả huyện miền núi nơi tôi học chỉ có một trường cấp 3, sĩ số cao lắm cũng chỉ đến 300 học sinh, đa phần là con em cán bộ công chức, người dưới xuôi lên học. Còn bây giờ, huyện có tới 3 trường cấp 3, mỗi trường có cả ngàn học sinh.
Sơ qua như vậy cũng mới biết giáo dục Việt Nam hiện nay chịu áp lực như thế nào. Người dân càng ngày càng đầu tư cho con cái đi học, và cũng đặt nhiều kỳ vọng hơn...
Với hơn 20 năm nền giáo dục nước nhà được cải cách, tôi có cảm giác nền móng của việc đổi mới giáo dục chưa chắc chắn. Cái móng này phải oằn mình gánh trên nó biết bao nhiêu thứ cần phải làm... dẫn đến sự quá tải.
"Phù phép" giảng viên?
Hiện nay, các trường xây dựng ngành đào tạo mới trên cơ sở các chương trình khung của Bộ, sau đó gửi ra Bộ, Bộ kiểm tra và ký quyết định cho phép các trường mở ngành đào tạo mới. Quy trình kể trên có vẻ rất đơn giản, nhưng lại tốn công sức tiền bạc của các trường. Chúng ta hiện có gần 400 trường ĐH, CĐ… mỗi năm, mỗi trường xin mở ít nhất từ 1 đến 2 ngành đào tạo mới, thế thì các chuyên viên phụ trách của các Vụ thuộc Bộ còn thời gian đâu để nghiên cứu, để đề ra các giải pháp phát triển giáo dục?
Tôi cho rằng, Bộ nên dừng ở mức ra danh mục mã ngành đào tạo, và các quy định nhà nước về việc xây dựng chương trình đào tạo… để trên cơ sở đó, các trường phải tự phát triển chương trình đào tạo. Còn Bộ sẽ triển khai công tác hậu kiểm, hoặc chính các tổ chức kiểm định sẽ nhận xét, đánh giá chất lượng và công khai trên thông tin đại chúng về chương trình đào tạo các trường.
Chính phủ chưa có chủ trương xã hội hóa công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nên chăng tại Việt Nam cần thành lập ít nhất 3 đến 4 trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục hoàn toàn độc lập, tách biệt khỏi sự quản lý của nhà nước nhằm đánh chất lượng các trường từ cấp tiểu học cho đến đại học, xếp hạng các trường, đánh giá các chương trình đào tạo…
Ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của họ là các cơ quan hoàn toàn độc lập, giúp Chính phủ kiểm soát chất lượng giáo dục. Tiếng nói của các tổ chức này gần như quyết định sự sống còn của các trường.
Một bất cập nữa là hiện nay, cơ chế Xin - Cho trong ngành giáo dục vẫn còn, nhưng việc này thường do chính các trường tạo ra. Khi làm bất cứ một việc gì dù to hay nhỏ, lãnh đạo nhà trường thường hay phát biểu: Cái này, cái kia Bộ bảo vậy, các đồng chí cứ thế mà làm, trong khi đó những việc đó Bộ đã phân cấp cho các trường… Bình thường thì không sao, khi xảy ra việc gì đó là tất cả lỗi đổi cho Bộ, nào là cơ chế không thoáng, Bộ gây khó khăn…
Xã hội hoá học tập, cả xã hội học tập, nên việc mở thêm các trường ĐH, CĐ tư thục hiện nay là việc làm đúng đắn, hợp lòng dân, tạo ra môi trường cạnh tranh sòng phẳng. Rất tiếc là việc kiểm tra giám sát các đề án thành lập của Bộ chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến một số trường được nâng cấp, và thành lập mới không có đủ cơ sở vật chất, hoặc đi thuê mướn địa điểm, có nhiều trường không có đủ giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng vi tính, thư viện…
Thậm chí về nhân sự, có những trường chỉ có mỗi bộ khung quản lý từ 30 cán bộ (trường nhỏ) đến 60-70 cán bộ (trường lớn), còn cán bộ giảng dạy gần như mời giảng từ các trường công lập….rồi bằng cách nào đó phù phép những giảng viên này thành giảng viên cơ hữu của trường mình, đem đi báo cáo khắp nơi… Có trường hợp, một ông TS, GS có thể đứng tên cho 2 đến 3 trường với các chức danh như trưởng khoa, hiệu trưởng, hiệu phó. Nhưng những chuyện này không thấy ai thanh tra, kiểm tra.
Một số trường CĐ, ĐH bề dày truyền thống hàng 40 – 50 năm mới có khoảng 300-600 cán bộ giảng dạy, thế mà, các trường mới thành lập được mấy năm cũng có 250 – 300 giảng viên, nào có thua ai đâu, …Có nhiều cán bộ giảng dạy đến tham gia thỉnh giảng một hai lần, tự nhiên có tên trong danh sách cán bộ cơ hữu của trường…đến lúc Bộ phải có các cuộc điều tra tỉ mỉ, nghiêm túc, đưa danh sách giảng viên lên mạng thì mới hy vọng các trường nghiêm túc vấn đề này.
Tín chỉ: Bài toán trọng tâm của đổi mới
Thực ra, nếu chịu khó nghiên cứu chiều sâu, và thực tế thì việc đổi cơ chế từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, có thể coi là mấu chốt đổi mới nền giáo dục đại học Việt Nam. Triết lý của hệ thống tín chỉ là tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Chương trình đào tạo phải mềm dẻo để dễ dàng đáp ứng các nhu cầu luôn biến động của thị trường nhân lực.
Để được công nhận là một trường có đào tạo theo hệ thống tín chỉ, một trường ĐH, CĐ phải thoả mãn các điều kiện sau:
- Phải có nguồn lực giảng viên, có đủ đội ngũ cố vấn học tập, đội ngũ trợ giảng…
- Phải có hệ thống mạng và phần mềm quản lý đào tạo tốt, đường truyền có tốc độ cao…
- Phải có chương trình đào tạo được thiết kế bài bản, mềm dẻo, cùng với học phần bắt buộc và còn có các học phần tự chọn phong phú, nhằm tạo điều kiện cho người học tự bố trí sắp xếp kế hoạch học tập của họ và chuyển đổi ngành nghề trong quá trình học tập…
- Cơ sở vật chất phải có đủ các phòng học, thực hành, thí nghiệm, phòng tự học…
- Cán bộ giảng dạy và sinh viên phải thực sự sẵn sàng giảng dạy theo tín chỉ, một tín chỉ được tính bằng 15 tiết lên lớp và 30 tiết chuẩn bị cá nhân…
- Thay đổi cách giảng dạy của giảng viên, thay đổi cách thi cử, đánh giá chất lượng sinh viên…
- Thay đổi cách chi trả thù lao cho giảng viên, làm sao để họ đảm bảo cho bản thân họ và cuộc sống gia đình, để yên tâm công tác giảng dạy…
Chỉ sơ qua một số điểm đã nêu như trên, ta thấy bài toán đào tạo theo hệ thống tín chỉ có thể được coi là bài toán trọng tâm của đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, chỉ khi nào bài toán ấy được giải thì lúc đó giáo dục đại học của ta thực sự đổi mới…
Phải chăng Bộ đang chịu áp lực dư luận xã hội trong việc thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nền giáo dục Việt Nam, nên đã đưa ra nhiều chủ trương, như đổi mới đào tạo từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ, khiến nhiều trường "vắt chân lên cổ" mà chạy. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhiều trường còn thiếu thốn, nguồn lực giảng viên vừa thiếu lại vừa yếu, lực lượng kế cận còn thiếu…
Nhiều trường theo không đáp ứng đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn của đào tạo tạo theo hệ thống tín chỉ đề ra, nhưng vẫn phải thực hiện vì Bộ đã có chủ trương đến năm 2010 tất cả các trường phải chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ… Trong khi đó, quy chế đào tạo ĐH&CĐ theo hệ thống tín chỉ của Bộ vẫn còn nhiều bất cập, chưa sâu sát…
Việc chuyển đổi chương trình giáo dục đại học lại càng nhiêu khê, hầu như các chương trình giáo dục đại học chuyển đổi máy móc theo hướng dẫn của Bộ là 1,5 đơn vị học trình bằng một tín chỉ. Bản thân tôi đã tham gia một số cuộc họp Hội đồng khoa học của một số trường đại học nổi tiếng có bề dày đào tạo theo tín chỉ, và thấy rằng: việc chuyển đổi chương trình đào tạo từ niên chế sang đào tạo tín chỉ có khi chỉ sản xuất trong vòng một buổi sáng là xong. Phần mềm quản lý đào tạo phần lớn chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của hệ thống tín chỉ, dẫn đến một số tình trạng bất cập như báo chí nêu gần đây, như đăng ký môn học online tại trường Đại học Cần Thơ…
Theo TS. Hồ Tấn Nhựt, một chuyên gia có thâm niên thiết kế chương trình giáo dục đại học tại Hoa Kỳ thì để thiết kế một chương trình đào tạo phải mất thời gian dài, thậm chí việc thêm bớt một môn học vào chương trình có khi mất cả năm. Thậm chí, phải qua bao nhiêu cuộc họp hội đồng khoa học khoa và bộ môn, lấy ý kiến chuyên gia, hội nghề nghiệp...
Thiếu những người "phản biện" giáo dục
Các chính sách phát triển giáo dục hình như ít có tính cam kết và kế thừa nhằm mục đích cuối cùng là làm sao nền giáo dục nước nhà phát triển... Chúng ta thiếu hẳn những đội ngũ chuyên gia giỏi làm công tác dự báo phát triển giáo dục và thiếu những nhà phê bình giáo dục.
Phải nói rằng quản lý giáo dục là một khoa học. Ở nhiều nước khác, Bộ trưởng giáo dục thường là các chính khách, bản thân họ được lựa chọn cho mình một ê kíp làm việc, với mục tiêu là phải làm sao thúc đẩy nền giáo dục phát triển... Và nếu để xảy ra một việc gì ảnh hưởng đến uy tín của ngành, hoặc để ngành phát triển trì trệ, yếu kém thì bản thân Ông/Bà bộ trưởng ấy và ê kíp của họ phải từ chức…
Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn đề cao chuyện bằng cấp. Nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của ngành đòi hỏi những người có đầu óc quản lý, tài thao lược, biết tập hợp đội ngũ những người giỏi... chứ không nhất thiết phải là GS, TS.
Thực ra, GS, TS là những học hàm, học vị trong nghiên cứu khoa học và chuyên môn, còn quản lý là một khoa học riêng biệt, tôi tâm đắc câu nói của một Thầy giáo ở trường ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM: “Đã làm quản lý thì nên tập trung hết mình cho công việc quản lý, còn chuyên môn thì nên giảm lại”.
Một trở ngại nữa là thông thường giảng viên các bộ môn giữ lại học trò của mình, như vậy vô hình chung, người học trò không mạnh dạn chỉ ra khuyết điểm của thầy cô mình.
Hình như giáo dục Việt Nam đang thiếu những người có chuyên môn quản lý giỏi, độc lập phản biện các chính sách giáo dục của nhà nước, có chăng chỉ thấy đơn lẻ. Khi có sự cố xảy ra, chúng ta mới thấy họ xuất hiện và viết lách dăm ba câu rồi tất cả đi vào dĩ vãng…
Tôi nghĩ, các trường ĐH và Cao đẳng nên mạnh dạn tuyển sinh viên từ các trường khác về làm giảng viên, bởi điều tối kị trong công tác quản lý là không có người phê bình...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh