Nguyễn Tuân, xuân 1957 kể chuyện cổ tích
Đọc lại báo cũ đôi khi tìm được những cái hay hay, ví dụ như đọc lại tuần báo Tổ quốc (cơ quan của Đảng Xã hội Việt Nam đã thôi tồn tại từ 1989) số tết Đinh Dậu 1957, gặp được cái truyện rất ngắn của Nguyễn Tuân (1910 – 1987) trong đó ông nhà văn này kể lại một chuyện cổ tích về một cuộc thi nói láo. Tác phẩm này hầu như chưa được đưa vào mấy bộ tuyển tập, toàn tập của tác gia Nguyễn Tuân, cho nên sự gặp lại câu chuyện này cũng có thể tạm coi là chuyện phát hiện lại được một tác phẩm cơ hồ bị lãng quên đến dăm chục năm rồi.
Đọc lại và thử đặt lại mẩu chuyện này vào mạch thời gian nó được viết ra và đăng tải, có thể người ta sẽ cảm được chút gì đó mơ hồ như là cái thâm thuý của người kể chuyện cổ tích ấy. Song, chỉ cần biết: việc nghe chuyện cốt nhất sướng tai. Thi nói láo là thi nói điều… vô lý; ai nói điều thậm vô lý, kẻ đó vô địch. Nguyễn Tuân phát hiện một “thi pháp nói láo” dân gian giản dị như thế!
Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Lại Nguyên Ân (sưu tầm)
Kể chuyện mùa đông xưa
Thưa ông, tôi tự coi như một đứa trẻ xúc xắc xúc xẻ tôi đến mừng tuổi ông năm nay thêm một tuổi giời, và chúc ông suy nghĩ bằng năm bằng mười năm ngoái.
Thưa ông, xin phép ông cho tôi không uống vào cái cốc rượu ông đang rót cho tôi kia, mặc dầu lúc này có ngàn ngàn người đang uống rượu. Không phải là tôi đã gương mẫu gì nhưng chính là vì uống rượu với ông rất khó; ông thì vẫn cho rằng chỉ nên say sưa một cách tương đối thôi − không cứ rượu mà bất cứ cái gì, ông cũng cứ muốn mọi người cứ nên vừa vừa phải phải thôi. Nhưng thôi, bóng thiều quang lúc này rất quý, tôi xin đi ngay vào việc, tức là làm đúng cái việc năm ngoái ông dặn tôi: “Xuân này, tớ chủ động thời giờ nắm vững lịch họp, các cậu đến chơi kể chuyện cổ tích cho nghe nhá”.
Thưa ông, ngày xưa, xuân buồn lắm. Chuyện tôi kể, cũng có thể không hợp với cái không khí bây giờ.
***
Một mùa xuân đã xa lắm, có năm người rủ nhau hội họp. Họp để làm gì? Thật ra họ họp nhau lại cũng chẳng để làm gì cả; hồi ấy, không làm gì cả, hình như lại hoá ra người cao đạo; bây giờ chúng ta hay làm, có cái thích thú trong cái làm, nhưng hồi xưa đó, biết làm cái gì? Chẳng nhẽ động mả lên mà lại đòi làm vua! Vậy thì làm gì? Làm gì cho Tây? Làm quan tắt? Làm giàu? Làm “giặc”? Làm đĩ, hay là làm lành với cuộc đời? Cho nên có một số người, thời ấy không làm gì cả, tâm hồn hiu hắt như tâm hồn cỏ cây ngoài nội phẳng. Một buổi chiều xuân trăm hoa cùng nở, họ là năm người chung tiền lại mua pháo và mua rượu, cùng đem cái lòng của mình ra mà chơi với nhau, đem cái tâm tình của mình ra mà sát phạt nhau như là trong một cuộc đánh bạc cao thượng vậy. Nói khôn nói dại, đủ cả. Lại nói láo nữa. Năm ông Ngày Xưa ấy bèn thi nhau nói láo, vọng ngôn một cách phi lý hơn cả Bồ Tùng Linh.
Ông Ngày Xưa thứ nhất nói:
− Cố đô Thăng Long xưa có một con trâu to lớn bằng tất cả biết bao con trâu khác gộp lại. Nó nằm bên cái bờ sông chúng ta đang ngồi đây mà nghển cổ sang bờ tả ngạn bên kia, ngoạm một cái mất hai mẫu mạ gần bãi Bồ Đề.
Ông Ngày Xưa thứ hai nói:
− Vùng tôi, có người làm giầy mũi lộn đóng đinh tre, mỗi ngày đóng hết một ngàn thúng đinh tre vót sẵn.
Ông Ngày Xưa thứ ba nói:
− Có một cái cây to gớm ghê. Tôi đang lỏng cương định dừng lại ở cái quán dựng dưới bóng cây khổng lồ ấy thì một con ngựa hồng cái vút qua. Thế là con ngựa trắng đực của tôi tế lên như bay. Mặt giời vừa mọc, bóng người trong quán nước đều soi ngang. Tôi không ghì nổi con ngựa tôi động đực, chỉ đành bám miết vào bờm nó. Hai con ngựa quỷ sứ cứ thế mà đuổi miết nhau, bên vế tay trái tôi, cái vỏ thân cây bách trượng loáng loáng vút vút một vệt rêu xanh bất tận. Con ngựa động cỡn của tôi phi như thế bao lâu? Chỉ biết rằng không thấy mặt giời nữa, tắt nắng lúc nào cũng không biết. Chỉ biết rằng chạy vòng cái thân cây ấy mất đúng một ngày. Lúc ngựa tôi dừng lại được ở cái quán nước buổi sớm mai đó, thì mặt giăng vừa ló lên. Con ngựa cái không rõ của ai kia, và con ngựa động đực của tôi, hai con ngựa vía ấy mồ hôi mồ kê ngửi ngửi nhau bên cái quán sáng giăng. Còn tôi thì mệt lử, một mình ngồi suy luận về cái đường kính một cái thân cây kinh khủng.
Có lẽ Mạnh Thường Quân mà sống lại, thì nhất định phải mua gỗ cây đó xẻ làm mặt bàn tròn thồi rượu. Ba ngàn quan khách của ông ta, chỉ ngồi quanh một cái bàn tròn ấy cũng vẫn còn thừa vô khối chỗ.
Ông Ngày Xưa thứ tư nhân thấy ông Ngày Xưa thứ ba đưa vấn đề thời gian vào câu chuyện, nào là bắt đầu bằng mặt giời mọc, nào là mặt giăng mọc lên để gói ghém đoạn cuối chuyện, cũng cho luôn mọi người thấy rằng mình cũng không chịu thua kém ai về mặt sử dụng thời giờ của cuộc đời:
− Có một cái cầu bắc trên con sông Thời Gian. Nếu cuộc đời những người “sinh không gặp thời” như chúng ta mà cũng cứ phải lấy cái con số một trăm ra làm cỡ cho năm cho tuổi, thì có lẽ cái cầu ấy cũng dài đến một trăm nhịp gì đó. Có anh học trò đang buồn về thi hỏng, lại được tin vợ chết ở bên kia sông, ở ngay cái xóm đầu cầu bên kia sông. Anh liền đặt ngay đôi chân trắng hỏng thi lên cầu Thời Gian, về quê vợ để chịu tang. Lòng dạ anh như lửa đốt, anh không nghỉ ở nhịp cầu nào, đi miết đi miết, nhưng về kịp tới làng vợ ở ngay đầu cầu, thì cũng vừa giỗ hết.
Từ nãy, cái ông Ngày Xưa thứ năm không tỏ thái độ ra sao, thủng thẳng nói tiếp:
− Mình mới nhớ ra một cỗ trống cái sơn son thếp vàng không biết tu tạo từ đời nào. Cứ cầm dùi mà nện vào mặt trống đánh thùng một cái là nó rung hết kim thanh lên, tiếng trống ngân dài trong ba bốn năm ròng…
Không đợi ông Ngày Xưa thứ năm nói thêm, cả bốn người nói láo kia đều đứng phắt cả dậy, bừng bừng hơi rượu, chỉ mặt người kể chuyện mà lớn tiếng:
− Mi khinh bọn ta quá. Ý chừng mi cho bọn ta là không một tý chữ nghĩa nào, nên mi đưa ra điều xàm bậy. Trống phách nào, âm thanh nào mà lại vang hưởng rền trong ba bốn năm ròng hử? hử?
Ông Ngày Xưa thứ năm vẫn tỉnh táo, lại khoan thai:
− Những bậc đại trượng phu trong thiên hạ, cái vui cái giận không phát tiết lộ liễu ra ngoài như vậy. Các bác cứ lộng giả thành chân, giao hẹn với nhau là nói nhảm cho nó qua ngày đoạn tháng, đã đính ước như thế rồi mà giờ lại còn phản bội lại! Tôi xin nhắc lại nhé! Bác Ngày Xưa thứ nhất đưa ra một con trâu, có ai ở đây kêu con trâu của bác ấy to quá đâu? Bác Ngày Xưa thứ hai đưa ra hàng ngàn thúng đinh tre đóng giày da mũi lộn, có ai kêu là nhiều quá đâu! Bác Ngày Xưa thứ ba đưa ra một cái thân cây bách trượng, có ai kêu là cao quá đâu! Bác Ngày Xưa thứ tư bắc luôn qua sông một cái cầu như thế, nào có ai ở đây đã mở miệng ra kêu cái cầu đó là dài lắm đâu? Riêng tôi cứ khiêm tốn mà nghĩ rằng: sẵn cái thứ gỗ thân cây ngựa-chạy-từ-lúc-giời-mọc-đến-lúc-giăng-lên-mới-hết-một-vòng-thân-cây, nay đem nó ra mà làm cái tang trống; lại sẵn cái da con trâu ngoạm-hai-mẫu-mạ-Bồ-Đề mà làm mặt trống; lại sẵn cái chỗ hằng ngàn đinh tre kia đem ra đóng da trâu bịt mặt tang gỗ. Rứa là như tôi đây đã có một cái trống. Nguyên liệu các bác cung cấp cho người thợ mọn này nhiều đến như thế mà không làm nổi một cái trống nho nhỏ mà chơi, chẳng hoá ra tôi xoàng lắm sao! Cái trống ấy tôi đem treo lên cái cầu đoạn tang trên giòng thời gian mà gõ lên, tiếng ngân kia nhất định phải vang hưởng đến nghìn sau đó, các bác ạ.
Đến đó, cả năm ông Ngày Xưa đều đốt pháo khói mù, say cứ như điếu đổ, say đến đâu lại lấy khói pháo làm thang dã rượu. Bốn người đều quỳ xuống tế sống ông Tiếng-trống-ba-bốn-năm, và kính tặng ông cái giải thưởng nói láo.
Bỗng có một người râu tóc đầy mặt nhưng thân hình như trẻ mười tuổi, xóc cái bị cói tiến vào. Trên đầu vẫn hiên ngang cái nón mê, người đó vứt một củ thuỷ tiên nẫu vào tiệc rượu, rồi vung gậy quát:
− Bay đâu, trói hết bọn này lại! Tội vạ đâu, đã có ta.
Năm ông Ngày Xưa vừa kịp nhận ra người đó vốn là một người vẫn nhặt lá bánh ở chợ đầu làng, liền đồng thanh nổi giận:
− Thằng ăn xin kia sao dám hỗn xấc? Há không biết rằng bọn ta mặc dầu chưa nhận chức với cuộc đời, nhưng chúng ta là những người thượng lưu xã hội. Bọn ta đang cuồng chữ với nhau, sao dám vô đây quấy phá vô lễ?
Người ăn mày giờ mới ngả nón, nhe hàm răng vàng ệnh, cười nói:
− Con đi ăn mày đã lâu đời nhưng hôm nay mới thấy buồn quá, buồn như một người đã đòi phen xa phí thừa thãi. Cho nên cũng muốn cười lên một tiếng. Ngồi nghe trộm các ngài mở khoa nói láo, con cũng xin phép vào nói láo một câu cho vợi khổ. Chứ các ngài thử nghĩ mà coi: các ngài không trói tôi thì thôi, chứ tôi thì trói người khác để làm gì! Có mà phải vạ.
Năm ông Ngày Xưa không ai bảo ai, liền chèo kéo người ăn mày cùng ngồi vào tiệc rượu, đãi đằng thân mật như đối với người thức giả. Từ chối mãi không xong, người ăn mày biết chơi chữ ấy đã phải ăn cái giải nói láo do ông Ngày Xưa thứ năm trao lại.
***
Thưa ông, chuyện cổ tích của tôi vô hậu. Nó có ích gì hay không, tôi cũng chưa rõ. Ông là người hiểu chuyện, ông bắt tôi kể chuyện cổ tích, tôi cũng xin mạo muội kể ra. Vâng, nó chỉ có thế. Vâng, đó là chuyện những mùa đông ngày xưa, chứ không phải chuyện bây giờ. Nếu ông không chê là nhạt, xin ông cứ tuỳ tiện dùng để cho nó rộng thêm đường ngôn luận trong các chỗ bà con.
10.1.1957
Nguyễn Tuân
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015