Tản mạn đời văn phòng

12:13 CH @ Thứ Năm - 17 Tháng Ba, 2016

Tết văn phòng

Khi cụm từ “cơm bình dân” ra đời và phổ biến, mọi người có ngay từ ngoài luồng: “cơm bụi” để gọi. Còn “cơm trưa văn phòng”, 15.000 đồng một suất, thì nickname của nó là gì?

Từ này hãy còn hơi mơi mới, mà cũng có vẻ thời thượng. Ấy là khi mỗi buổi trưa, các cô váy chữ A, chân dài hoặc không được dài, đi guốc cao gót ỏn ẻn dùng thìa dĩa xúc cơm trong đĩa, xong chiêu bằng bát nước rau xiu xíu hay các thanh niên công chức áo sơ mi quần âu đầu gôm nhai cho xong bữa để mơ đến tan tầm có độ nhậu bia tươi Anchor. Thậm chí nhiều hàng ăn máy lạnh còn trưng biển hộp chiếu đèn rất tự hào “Cơm văn phòng máy lạnh lịch sự”, thiếu “hợp vệ sinh” là đủ những khía cạnh cho một bữa cơm hứa hẹn sự tương hợp với nơi công sở. Từ lóng hình như chưa có, có từ “cơm hộp” nhưng chỉ là một loại cơm, cho cả văn phòng lẫn chợ búa, nên chưa được chuẩn lắm. Vì rằng còn có cơm đĩa, cơm xuất, cơm tự chọn,… có kèm tráng miệng và thêm đồ uống kiểu “Líp tông đá”. Đi với cơm bụi là trà đá, đương nhiên. Dân văn phòng cho đó là những sự kết hợp có tính âm - dương cân bằng.

Nghĩ mà xem, dân văn phòng thì cũng có những nhu cầu thiết thân: cơm văn phòng, thời trang công sở, cà phê Trung Nguyên, trà Dilmah, Nokia giắt túi, phi xe Wave, một số còn tính thêm cả nhà nghỉ để cùng đi “công tác” hoặc “gặp khách hàng”… Một ngày thì gặp đồng nghiệp nhiều nhất, hơn cả so với những người thân yêu của mình. Ta có thể phác ra thời gian biểu thế này: 8 tiếng ngồi làm việc là phải nhìn cái mặt thằng cha bên cạnh, nếu may có người đẹp bàn giấy chân dài thì còn khá. Ngoài công việc thì có 8 tiếng để ngủ, 1 tiếng vệ sinh thân thể, giỏi lắm thì ăn cơm tối 2 tiếng, thêm 2 tiếng xem ti-vi, nghe nhạc đọc báo, “giao lưu” các thế hệ trong gia đình thêm độ 1 tiếng, còn đi với bồ nữa, cũng có 2 tiếng còn lại để làm cái chuyện lãng mạn ở đời (nếu coi là lãng mạn). Thế đấy! Xưa trái tim có “ba phần tươi đỏ”, phần dành để em yêu đã nhỏ rồi, nhưng tỉ lệ đó còn là lớn so với bây giờ, nhận tin nhắn của bồ cũng không biết nên reply thế nào cho đỡ lặp lại vở cũ: “Anh khoe khong? Khoe. Hom nay anh an gi? Com hop. Chieu ve den deo em, em cho. OK”.

Như vậy, đời một người đi làm từ khi 25 tuổi đến năm 55 tuổi, 30 năm ấy biết bao nhiêu tình nơi văn phòng. Dù muốn hay không, văn phòng trở thành một “phần tất yếu của cuộc sống”, nhiều tẻ nhạt, chán chường nhưng đôi khi cũng có những niềm vui, niềm vui tăng lương, niềm vui thắng độ bóng đá MU-Arsenal đêm qua, niềm vui trúng quả dự án, niềm vui thấy cái tay mình ghét bị sếp khiển trách… Sống ở văn phòng với nhiều người biết sống, không hề mắc những chứng bệnh thông thường như dị ứng máy lạnh, viêm xoang, loét dạ dày, đau họng, mà càng ngày càng béo tốt phây phây. Vì thế, những giờ tan tầm, các phòng tập thể dục thẩm mỹ đông đặc người, chập tối các con đường quanh vườn hoa hồ nước nườm nượp dân văn phòng đi bộ giảm béo, hay sang hơn thì áo phông quần short trắng lăm lăm tay vợt chạy tới chạy lui sân tennis. Nhiều cơ quan có mặt bằng, rất tâm lý với đời sống nhân viên, kẻ sẵn những vạch sơn chia ô chơi cầu lông, hết giờ sếp và cấp dưới cùng chơi rất hào hứng. Kết thúc cuộc tỉ thí là lại một chầu bia, người thua trả tiền chẳng hạn.

Vào lúc cuối tuần hay ngày nghỉ, hoặc hôm ấy sinh nhật em yêu, hoặc chẳng vì lý do lý trấu gì, em thấy hơi khó ở, muốn đi xem văn nghệ, ca nhạc hay phim ảnh gì cũng được, miễn là có cơ hội, ngồi lệch một bên đằng sau xe máy, nép mình vào lưng chàng như thể núi Mường Hung vững chãi để em làm sông Mã sông Chu. Nếu là vợ chồng rồi thì nhiều khi hơi loãng, muốn hâm lại cho nóng cảm xúc, các cô vợ vốn rất tin những bài báo như “mười cách giữ chàng” hay “những biện pháp hiệu quả để tạo ra sự mới mẻ trong chuyện ấy”, đem lại cho phu quân một vài “bất ngờ” theo mấy lý thuyết ấy, ví dụ: đợi mãi mới thấy chồng về ăn cơm, giục ăn cơm nhanh nhanh, mà thấy ông này vẫn đủng đỉnh, lại còn xem vô tuyến cho đến hết Bản tin cuối ngày vẫn chưa đi ngủ. Sốt ruột làm sao cho hết, may mà hôm ấy không có bóng đá Ngoại hạng Anh trực tiếp, rồi đức lang quân cũng đánh răng súc miệng đi vào giường ngủ. Thì chị chàng đã thập thò đợi sẵn, rón rén bước ra: “Anh thấy em mặc bộ này được không?” Ôi, vô tâm làm sao những ông chồng sau đám cưới 10 năm (đám cưới gỗ hay sắt nhỉ?), nhướng mắt lên nhìn rồi ngáp mà trả lời: “Em mặc gì mà chả đẹp”. Ôi thôi, thế là ba máu sáu cơn nổi lên, nhẹ hơn thì dằn dỗi, “cấm vận” vài ngày trời. Nhưng dân văn phòng nói chung có sự kiên nhẫn rất lớn, câu chuyện nóng lạnh rồi cũng qua để lâu lâu trở lại, làm cho cả anh cả ả cũng biết cách tạo ra những sóng gió nho nhỏ, cho đỡ đều tăm tắp những tháng ngày mệt mỏi.

Thế thì đời viên chức khác gì một cái cốc mỳ ăn liền, loại người ta gọi là mỳ tôm có sẵn hộp cho nước nóng vào 5 phút là ăn được hay một hộp cơm vuông vức, ô này to để cơm, ô kia bé để thịt rau cá, tí gia vị cho khỏi nhạt mồm? Tròn vành vạnh hay vuông chằn chặn và có vẻ đủ thứ để xuôi cái bụng. Nhưng ai không muốn ổn định, muốn thành thục việc cần làm, dù rằng tất cả chỉ đến những cái đích mà ở đấy, lại lặp lại một chu kỳ quen thuộc đến phát ngấy?

Quanh năm như vậy, dân văn phòng có mong Tết không? Đáng ngạc nhiên là không hẳn thế. Tết đến, là một cái mốc để thể hiện sự đổi thay, nhưng với anh viên chức, ngày Tết chỉ là 5 ngày nghỉ để tiêu số tiền thưởng cuối năm. Tiêu thế nào? Mua ti vi màn hình phẳng mới, giàn âm thanh để mở mấy đĩa nhạc ngày Tết lúc khách đến, ấm chén bát đĩa gà qué rau củ măng miến… Biếu quà sếp, lì xì mừng tuổi trẻ con, đổi tiền lẻ đi công đức chùa chiền, hay găm tiền để sát phạt tá lả mồng ba mồng bốn. Và mua quần áo diện để khoe hàng với nhau mồng năm chúc Tết ở cơ quan.

Vậy là ngay đến Tết là thứ có khả năng sống khác đi nhất thì cũng được đóng hộp kỹ càng, vuông vắn như chiếc bánh chưng gói khuôn muôn đời vẫn thế. Bộ đồng phục hàng ngày, khuôn mặt đồng phục ngày thường, dù đã thay bằng váy áo mới, nụ cười hiếu khách, nhưng bộ đồng phục trong tâm cảm người viên chức cũng chiếm nốt những ngày Tết kia. Đi chúc Tết một gia đình dân văn phòng tưởng như đến một cơ quan, ghế salon, khay mứt, cành đào cây quất, áo vét áo da, chuyện năm nay được thưởng bao nhiêu, năm tới có vụ gì, cơ quan anh cơ quan tôi…

Hẳn là đọc đến đây, bạn – dân văn phòng, sẽ rất bực mình mà phản ứng: “Thế tôi chẳng lẽ làm ngược lại thì mới được à?” Vâng, tất nhiên chuyện này xưa quá rồi, nhưng bản thân cũng là một người sống ở một trong những block bê tông kính thép vây bọc ấy, tôi tưởng đã rớt nước mắt khi đọc được những tâm sự của những đồng nghiệp trao đổi riêng tư với nhau qua e-mail. Những nỗi buồn, nỗi chán chường, sự cô đơn và sự mệt mỏi khi phải làm dáng trong môi trường mình là một mắt xích không được khác biệt so với xung quanh. Họ phải nói vài câu chuyện tiếu lâm tầm phào để cùng nhếch mép tí chút, phải có một ai đó để mà bình phẩm cho khỏi mất đi trạng thái của đời sống thực. Cô gái văn phòng kém nhan sắc gần ba mươi chưa có người hỏi đến, chàng trai bàn giấy tuyệt vọng nỗi không phấn đấu lên được vị trí xứng đáng hơn,… Ngày cưới bạn, họ cố gắng xúng xính bộ cánh để tỏ rõ thiện chí làm hài lòng người khác, và khi tan tiệc cũng như lúc tan tầm, họ có những giọt nước mắt thầm đắng cay, không bởi vì nhọc nhằn vất vả, mà vì nỗi đời nhạt nhẽo, nỗi cô đơn “mình em lầm lụi trên đường về”, không biết cách chi để thoát ra được.

Thế là đã lại một cái Tết đến, và nó cũng sẽ qua thật bình thường, tôi chắc vậy với tư cách một dân văn phòng chính hiệu. Thực lòng tôi không hề muốn có một cái “Tết văn phòng” tí nào. Vậy tôi sắp tính xem nên làm gì từ bây giờ để mà khác.


Sống thế nào là vừa?

Một yêu cầu tối quan trọng mà các ban tuyển người vào làm việc là xét xem ứng viên có khả năng hòa nhập với các đồng nghiệp hay có vừa với vị trí mà cơ quan dành cho. Rồi không biết từ lúc nào, tâm lý “làm sao cho vừa” ngự trị trong anh viên chức văn phòng. Làm quá, cũng không chắc thành công hơn, hay chưa biết có được sếp trả thêm tiền, mà đương nhiên làm ít đi thì không xong rồi. Việc làm sao cho vừa khít khiến anh ta giống như một thứ vữa dẻo khéo léo bít kín những kẽ nứt hay là thứ dính hai viên gạch lại với nhau, gạch đá cứng không dễ mà chặt gọt được thì cái anh vữa hồ này cố mà nhường nhịn vậy. Sợ lắm chứ, nếu mà mình là một thứ không có khả năng kết dính hay là cứng quá, không dùng được vào một dây chuyền đòi hỏi mọi phần tử phải vừa vặn.

Đấy mới chỉ là một cách sống cho vừa trong công việc. Như đã nói ở hồi đầu, dân văn phòng sống nhiều thì giờ tại công sở nhất thì tự nhiên nhiễm bệnh nghề nghiệp, mang lối sống, cách suy nghĩ nơi làm việc vào các chuyện khác. Ấy là cũng có nỗi sợ ám ảnh, ở đây là chuyện không vừa. Các thể loại sợ không vừa: không vừa quần vừa áo, không vừa mắt người khác, không vừa ý sếp, không vừa với yêu cầu công việc, không vừa với môi trường xung quanh. Ở nhà mẹ dặn con gái “vừa vừa phai phải thôi con” nếu trang điểm quá kỹ, vợ dặn chồng “anh đi liên hoan thì uống vừa thôi đấy”, tiếp khách thì sao cho “vừa lòng khách đi”, với quan hệ công việc thì “cho vừa lòng nhau”.

Kể thế, dân văn phòng hóa ra cũng như cô dâu mới về nhà chồng, khổ sở trăm điều, chịu đựng để giữ hòa khí… Nhưng cô ta còn có anh chồng đến tối còn văn nghệ được với nhau, chứ dân đi làm về đến nhà thì lo nấu canh không vừa miệng chồng, đưa tiền không đủ chi tiêu cho vợ, đóng học thêm cho con chưa vừa ý cô giáo, v.v… Mệt thế. Tôi có một bà chị luôn sợ không vừa mọi thứ trên đời. Không hiểu có phải tại tôi vẫn tỏ ra không biết làm vừa ý ai hay sao mà mỗi lần bà ấy hẹn tôi đến cơ quan là bấm tay tôi liên tục mỗi khi tôi há miệng nói, không khác chị vợ buộc dây vào chân chồng đi ăn cỗ để không bị mang tiếng ăn tham như ở nhà vẫn thế. Để khỏi bị một con gà ăn quẩn nào đó vướng dây làm tôi mở máy không phanh, tôi ý thức là mình chỉ cười đáp lễ mỗi khi có đồng nghiệp của chị hỏi han. Ấy thế mà có hôm tiễn tôi về, bà chị yêu quý gắt: “Sao cười lắm thế, bực cả mình!”.

Nói vậy, tôi cũng đã hiểu, cái sự vừa là một điều rất có ích. Ăn vừa đủ chất thì cơ thể khỏe mạnh. Ngủ vừa đủ thì hồi phục cơ thể nhanh. Đấy là những câu có tính giáo khoa. Còn nữa thì nhan nhản những câu châm ngôn. Hạnh phúc là vừa lòng với những gì đang có. Hoa hậu trả lời, hạnh phúc của người phụ nữ như em là vừa mắt xanh một người duy nhất, xanh mầu gì, mầu xanh đô la hay xanh giéc-manh, đều vừa cả. Rồi đến kiến thức, “biết mà bảo là biết thì ấy là biết vậy”… Nhưng mà cái anh văn phòng thì thành ra thái quá, mắc chứng sợ, sợ không vừa. Cái khoản sợ này là một thứ lại không vừa. Cho nên đi đâu làm gì cứ có một ban chỉ đạo trong bụng: làm đến thế thôi chăng? Không biết đã đủ chưa? Hay là họp đi để lấy ý kiến tập thể cho vừa mà an toàn? Đúng như tên một quyển sách là Đèn vàng, anh viên chức văn phòng mỗi khi tiếp nhận một vấn đề, màu đèn vàng tín hiệu giao thông cứ nhấp nháy đã, sau đó để xem các bên ra sao, dò ý dò tứ rồi mới chuyển màu xanh hay đỏ.

Việc luôn “đèn vàng” như thế, sinh ra từ cách sống thiếu trách nhiệm, hay là cái chân lý cứ luôn chạy đi chạy lại như “cái lý có chân”, khiến chẳng ai dám tự khảng khái gật đầu hay giơ tay ý kiến ngay dẫu biết mình đúng. Dần dần cũng hoang mang không biết mình có đúng hay không nữa! Tình trạng này khiến cho kết quả công việc thì kém hiệu quả, đánh giá chất lượng cũng không nổi vì toàn phải “thông cảm” cho những phát sinh để làm vừa nhiều người nhiều thứ, Mà cho đến lối sống thì nhợt nhạt, thiếu vận động, không dám thử sức hay vui sống hết mình, cố gắng gọt mình cho vừa hết thảy rồi khi không cất cánh nổi, buông một câu “đời là thế”!

Nhưng mà chớ có liều lĩnh mà chơi nổi nơi văn phòng. Nếu bạn là cô gái chân dài, đi guốc cao gót đến văn phòng chỉ để thò ra gầm bàn cho khách thấy ở phòng khách hay là nện gót oai vệ trên vỉa hè tiễn Tây, còn đi lại trong văn phòng thì nên xởi lởi mượn đôi dép lê của chị bên cạnh để lệt xệt cho ra dáng biết làm vừa lòng bà con “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Nếu hôm nào có jupe mới, phải nhanh nhẩu mang theo một bịch mận cóc để những giám khảo trong công sở ăn và nhăn mặt vì chua thay vì dẻo mỏ lườm nguýt bình phẩm chuyện chân bạn có trắng mà không có tròn. Nếu bạn là anh giai có “di động” mới, chịu khó tung ra lời nhắn: hết giờ đi “rửa điện thoại” ngoài quán bia. Vân vân và vân vân… Dù bạn có là ai, dù bạn giàu bạn đẹp, nhớ rằng bạn luôn có tiềm năng thành người chơi nổi, vì rằng ở đây có một hệ thống luân chuyển các nhân vật. Có bao giờ hết những câu chuyện dài tập văn phòng? Thủy ơi, anh bảo này… (thằng cha gọi rất hốt hoảng, cả phòng giật mình quay ra nhìn). Gì thế hả anh? (cô em chờ cho vài phút qua mới xoay gót, chân trụ chân chéo quay ngoắt lại, đủ để bà con ngắm cái guốc mới sắm). Em gội đầu bằng dầu gì vậy? (ông anh mặt rất khẩn khoản, dù cảnh này y như quảng cáo dầu gội trị gầu sau 8 lần gội). Hứ, cái anh này… (em vừa cười vừa vẩy vẩy tay, chạy về chỗ). Kép chính cười dọn chỗ và các khán giả cười hòa theo. Một cô nào đấy thích anh kép này và buông một câu chủ ý để anh ta nghe thấy: lão này chẳng biết thế nào là vừa cả. Thế là cũng có một topic cho hệ thống mail nội bộ chạy rầm rập.

Thế nào là vừa? Những thứ vừa nơi văn phòng lại là những thứ kết thúc êm đẹp, nghĩa là sớm sủa và không để lại một dấu vết gì, cũng có nghĩa là “hết phim”. Mọi người nhắc lại cũng chỉ như là nhắc về một đám cưới món cỗ vừa miệng đấy, hai đứa lấy nhau xứng đôi vừa lứa lắm, năm sau lại có nhóc nhỉ, có nhóc thì làm sao nữa, thì hết chuyện để các bà nói? Không hề, ở đây bên cạnh chuyện giật gân nói cho sướng miệng, luôn có hệ thống bản tin thời tiết như chồng tao đi công tác mua cái áo lông sờ vào thích tay lắm, con tớ độ này biết hát nhạc tình yêu rồi cơ đấy, trưa nay anh khao chú chầu cháo lòng tiết canh, con lô hôm qua em mất toi con xe. Nhưng có một điều đặc thù là dù sự kiện ra sao, sự vật thế nào, ngồi ở văn phòng cũng có thể cắt nghĩa và sắp xếp chúng vừa khít với những khung kiến thức xã hội của ta. Một ông anh phòng kinh doanh truyền bí quyết cho đàn em: mọi sự đều có thể làm vừa tay hết, về nguyên tắc, công ty mình làm gì cũng vừa, kể cả bán phở. Cho nên như dự án, những gì không phân loại được thì tống vào mục “Những việc khác”.

Bạn thấy chưa, cuối cùng bạn ở văn phòng và mọi thứ bạn làm đều đã được tính sẵn để cho vừa quy trình. Cho nên bạn chẳng có lo quá về chuyện có vừa không, bạn làm nhạt thì sẽ có người thêm muối, mặn quá thì lại pha bớt cho loãng. Có điều, khi bạn thấy cái áo đang mặc vừa bỗng chật chội, thế là bạn lại phải tìm một cái khác vừa hơn. Cũng như chuyện dài tập văn phòng, có bao giờ lại hết được?


Làm sao cho hết những ngày nghỉ

Hỏi thế thì rõ chán. Đi chơi, thăm bạn bè, liên hoan, hoặc đơn giản là dành thời gian để sửa sang nhà cửa, chừng ấy cũng để bạn thấy đủ thứ để làm. Nhưng làm thế nào để ngày nghỉ năm nay không khiến bạn giật mình, hình như cái hành động bạn trả tiền mua vé xem hát này sao mà giống “cùng kỳ năm ngoái”, bạn giụi mắt để xác minh là mình không có ngủ mê, rõ là năm nay khác năm trước.

Vậy nên ngày nghỉ cũng là một cách để làm bạn tỉnh ngủ sau những chuỗi ngày làm việc “mắt nhắm hờ”. Cứ cho là bạn thật sự có nhu cầu để thư giãn, thì chuyện đi chơi ra sao cũng là một vấn đề nan giải.

Với mức sống của bạn như một người làm văn phòng điển hình, bạn làm gì có nhiều tiền túi để vi vu châu Âu hay châu Úc, giỏi lắm thì hết Thái Xinh Mã lại Bắc Kinh Thượng Hải. Bạn cũng xem sao khi ngày nghỉ không dài để đi lâu lắc thế, vừa đi đến nơi đã lo đi về. “Mỗi năm hè đến lòng man mác buồn”, công đoàn bàn tới bàn lui đi đâu để không mệt mà lại bói ra cái mới sau 3 lần Đồ Sơn, 2 lần Bãi Cháy, lần Sầm Sơn với lần Cửa Lò… Ai đó nhanh miệng, sao không Hội An Nha Trang nhỉ, chỉ thấy sếp cười cười. Thôi rồi Lượm ơi, con nhà lính tính nhà quan, nghỉ thêm 2 ngày nữa là cả cơ quan dẹp đường làm ăn. Cơ quan mình không phải khu vực Nhà nước mà có vẽ ra được những đợt tập huấn ở nhà nghỉ với nhau. Nếu không phải xuống biển thì lên núi, Sa Pa Tam Đảo Ba Vì, ô hay núi cứ ba hòn nhỉ, dắt nhau lặc lè hái sim lội suối. Rồi cái cảnh đi tham quan nghỉ mát thì đến nơi, cánh đàn ông chưa đi chưa biết Đồ Sơn, đã có hệ thống xế ôm chào mời “anh ơi tối nay có hàng ngon đấy”, để xem có hơn đồ nhà không. Cánh các bà bơ vơ, đành chịu dạo bờ cát hay là xì xụp cua ghẹ mực cá. Phân nửa thời gian là tá lả sát phạt, từ lúc trên tàu trên xe cho đến lùa nhau vào phòng nghỉ, thâu đêm suốt sáng. Còn những ngày nghỉ ngắn chẳng tày gang, xếp hàng đi Metro để khuân về vài thứ nhu yếu phẩm giá rẻ. Hoặc làm một nồi lẩu nghi ngút khói, tình của cô văn thư bây giờ mới hé lộ ấm cúng qua bát nước nóng hôi hổi cho anh kỹ thuật.

Dẫn nhau đi chơi Bờ Hồ hay công viên chỉ là việc miễn cưỡng khi bạn có con nhỏ nhèo nhẽo đòi đi. Mà trẻ con thì chóng chán, đến nơi rồi lại đòi về nhà hay đến nhà anh Tý bác Sửu cơ, anh chồng cáu tiết gầm lên giữa phố: “Có đi xem hết không hay để tao quăng mày xuống hồ cho rùa rỉa”. Chị vợ váy hoa xẻ đùi đeo túi giả da lếch thếch chạy theo “đừng chạy thế con ơi, ngã dập mặt bây giờ”… Dẫn con đi chơi công viên là rất phiền, “mỗi cây chốt lại hai người công nhân”, nhóc con vùng khỏi tay ton tót chạy đến xem và hỏi: “Mẹ ơi, cô chú ấy làm gì thế ạ?” Thực ra ở Hà Nội, cũng không phải là ít thứ văn hóa văn nghệ cho dân văn phòng đến thưởng thức. Ví dụ đi xem nhạc Phú Quang, mơ về nơi xa lắm, những đôi cứng tuổi, những chị gái băm bốn “mồ côi tình yêu”, tắm mình trong nỗi niềm “ta đi tìm em như tìm về hạnh phúc”. Hoặc lịch kịch rủ đám bạn sau mười năm tình cũ không rủ cũng tới ngồi quanh bàn quán cà phê Phố, nhớ ngày xưa ấy yêu tớ, tớ yêu con thầy, thầy thích cô lý, cô lý chán chồng,… Đêm ấy đưa em về, mắt em sao chiếu long lanh, em xõa tóc nằm nghiêng hỏi chồng, ngày xưa anh với cô ấy sao không thành.

Ngày nghỉ thì đi nhà nghỉ, nghe vừa tai thế. Những ai ngày thường không có nhau, nay ngày nghỉ, nói tôi phải đi công tác đột xuất, mẹ hay vợ/chồng đừng nấu cơm, tôi ăn phở cũng được. Phở ở đây là “phở nhà nghỉ”, đôi lứa thần tiên suốt một ngày, chán phở thì chuyển sang bún, bún bung chân giò… Nếu dân Hải Phòng ngày nghỉ đi Đồ Sơn hay dân Sài Gòn đi Vũng Tàu để cua đào thì dân Hà Nội sang Gia Lâm. Ăn Giáp Bát, hát Thanh Xuân, ngủ Gia Lâm, đâm Thái Hà, chó Nhật Tân, vần Hồ Tây.

Ngày nghỉ, trong ngày đi làm nghĩ đến thì thích thật, nhưng trong ngày nghỉ mới thấy thà đi làm còn giết được thì giờ. Ở nhà là một lô những việc không lẩn tránh được, việc chồng việc vợ việc con, họ hàng nội ngoại, sửa tủ thay bếp,… Hoặc vô sự thì thấy đi chơi lại ngại tốn kém, ở nhà thì nhớ bồ, xem ti vi thì ghét cái mặt tay dẫn chương trình. Anh viên chức thật là một thể loại người không có chính kiến, nếu bạn rủ anh ta một câu thôi thì còn có tác dụng mạnh “hay nhỉ, ừ đi được đấy…”, câu thứ hai là anh ta đã có thời gian để tự bác bỏ kế hoạch, và nếu bạn sốt ruột hỏi đến câu thứ ba thì rất có khả năng anh ta sợ hãi và không dám đi nữa.

Nếu bạn có bồ là dân văn phòng, đừng tỏ ra quyết liệt trong vấn đề ăn chơi. Anh ta thậm chí không quyết liệt nổi trong mọi thứ cơ. Đi chơi vào ngày nghỉ, cũng đã là một cách mạng nho nhỏ trong cuộc đời cơm hộp của anh ấy.


Tình yêu có từ nơi bàn phím

Hãy cho tôi biết nick của bạn là gì, tôi sẽ nói bạn là người thế nào… Nick ở đây là nickname, tức tên khai báo người dùng trong các hộp thoại trao đổi trực tuyến trên mạng, tức là chat. Mọi người nghe đến chát chít là hoảng lên, ôi, báo An ninh toàn đưa tin về hiểm họa sau những vụ làm quen qua mạng ấy, cẩn thận nhé. Nhưng đấy chỉ là một phần tất yếu của những quan hệ xã hội, nếu nói thế, làm quen qua điện thoại hay gặp nhau nơi quán karaoke cũng chả kém phần nguy cơ. Cách đây 15 năm, video xuất hiện ở ta, mọi người lên án nó vì là nguồn phát ra những băng “vi-đê-ô đen”, rồi nó hết thời hoàng kim và ai nấy nhìn cái đầu đọc lăn lóc bụi bặm mà cười dễ dãi, trông nó hiền lành quá đi! Thế thì hãy nói đến giao lưu trực tuyến trên khía cạnh nhân bản của nó, đưa người đến với người, vừa nhanh vừa rẻ (tuy nhiên ở Việt Nam vẫn là đắt, đắt thứ 3 thế giới!), lại giúp nhiều người còn chưa đủ tự tin hay sẵn sàng để đi đến “phây tu phây”, tức f2f viết theo ngôn ngữ sms… Xin hãy nhập gia tùy tục, ở đây phải quen dần với việc viết tắt triệt để: nghĩa là face to face = mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu, sms – short message = tin nhắn ngắn. Tức là phương tiện này rất hữu ích cho cánh văn phòng trẻ.

Vì dân văn phòng trong thế giới thực rất cô đơn, cũng như muốn chia sẻ nỗi niềm với một ai đó không phải ràng buộc lằng nhằng, thì internet giúp họ được nhiều. Ngay cả ở môi trường giao tiếp thực chẳng hạn, các phòng chat hay mail nội bộ là thứ trao đổi tin tức gọn gàng, thay vì phải ngồi một đám đông ồn ào.

Tuy nhiên, tuy chưa đến mức thành internetmania, con nghiện in-tơ-nét, nhưng mỗi ngày qua là tính phụ thuộc vào phương tiện này càng tăng. Không có cái máy tính là đã không làm ăn gì được rồi, lại không internet thì khác nào kiếm thủ đấu tay không.

Nhưng chủ đề mà tôi muốn đề cập nhân chuyện khô khan này, là chuyện yêu đương nơi công sở. Dân văn phòng một ngày đi làm thì hai bàn tay tiếp xúc với bàn phím nhiều nhất (trừ thủ quỹ hay dân ngân hàng đếm tiền mỏi tay). Cho nên cách tỏ tình, yêu đương và thất tình của họ cũng ít nhiều có cái bàn phím với con chuột dính líu.

Một cô gái thích anh, kiếm cớ gửi những mail đầy hoa lá với smiley cười cười nhấp nháy, những file powerpoint, tức dạng phim chiếu văn bản có các hình và nội dung chuyển cảnh slide (bạn thông cảm, đến mục này thì buộc chúng ta phải hiểu các từ đặc thù), có những câu như “sao bạn còn lưỡng lự, hãy bước tới và…” Bình thường cô ấy đâu có dám dạn dĩ nói lời yêu với anh đâu! Một anh chàng gửi cho nhóm độc thân một bài báo “Sợ hôn nhân – căn bệnh của giới nữ công chức” dưới tiêu đề “thế này thì làm sao mà lấy vợ được cơ chứ!!!” Sau đó là hàng chục reply của nhóm, đại khái đều thống nhất là bây giờ khó lấy nhau hơn ngày xưa mặc dù thủ tục càng ngày càng đơn giản.

Tuổi cao ý chí càng cao, nhưng duy ý chí không có được hiệu quả trong việc có ai đó đến thắp lửa tim mình. Vừa lo ế, lo muộn nhưng lại “sợ hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”. Không hề sợ chút nào, khi mà “Kim Lâu thì mặc Kim Lâu, em đã ba đầu (ngoài 30 tuổi) em phải chạy thôi”… Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông, cô nào sao Kim Lâu chiếu năm nay là phải chờ đến mấy năm nữa mới được tuổi, nhưng đến độ đã băm mấy nhát thì các cụ cũng tháo khoán cho cả. Tiếc rằng…

Khi cảm thấy việc hôn nhân và ràng buộc pháp lý quá mệt cho tình cảm vốn mỏng mảnh dễ đứt, thì lại có người muốn có cái gọi là quyền được cô đơn hay quyền được độc thân. Không biết nhà thơ viết “cầm lá thiếp mừng đám cưới mát trên tay” là có ý gì, chứ bây giờ dân văn phòng thấy nóng giãy. Mỗi mùa cưới sang, một tuần vài ba đám là phải mừng kha khá so với tháng lương. Mà đi đám cưới thì câu đầu tiên người ta hỏi khi thấy mặt là “thế anh/chị bao giờ cho ăn kẹo đây?” Bạn đang bấn lên vì chưa có ai đi tháp tùng hay là đang chủ trương độc lập tự do, chỉ cần mấy hôm đám cưới liền được hỏi như thế, mà ai cũng tỏ thiện chí quan tâm nên câu hỏi ấy nghe đến cả chục lần một buổi, là bạn có thể ăn cỗ mất ngon hay nổi đóa lên, mua kẹo cao su cho mọi người ăn mệt nghỉ.

Nếu bạn làm việc theo nhóm hay phòng, bạn “chưa có gì” theo như quan sát của các giám thị trong cơ quan, “phòng này chỉ còn mỗi mày thôi đấy”, thì bên cạnh việc chuyên môn, những vị này còn có năng lực làm ông tơ bà nguyệt. “Tao thấy con đó được đấy, cố lên nhé”. Người được nhắc ngớ ra và thấy mất hẳn sự tự nhiên. “Dạo này thế nào rồi, kén quá đấy mà, phải thoang thoáng lên chứ, nếu chưa được như ý thì “về” cải tạo dần dần”…

Con thầy, em bạn, gái cơ quan, ba loại phụ nữ nếu lấy phải sẽ thêm những ràng buộc, cả về đạo lý lẫn vật lý. Trong đó loại thứ ba, mặt vật lý trội hơn, sự tự do của bạn bên ngoài gia đình cũng bị mất nốt, quỹ đen của bạn cũng không còn tồn tại, về nhà muốn đá thúng đụng nia cũng không có cớ để hành tỏi với nhau.

Nhưng mà cũng như những người làm văn phòng khác, tôi cũng tin ở cái tình cảm rất ma mị và đáng nghi ngờ kia, là nó sẽ giúp bạn lấy ai thì lấy, dù cùng hay khác chỗ làm, sẽ lấy phải người rất giống bạn. Tại sao tôi nói thế, vì môi trường văn phòng đúc mọi người như nhau cả lượt, không khó gì mà bạn không tìm được sự tương hợp với người bạn đời của mình. Nên tôi vẫn nghĩ, giới văn phòng tuy khó hay muộn chồng kém vợ thật đấy, nhưng mà cơ hội thì quá nhiều đi, xác suất vào chung kết không phải là ít, mà sự lựa chọn sẽ phong phú hơn hẳn những nơi trai làng “quyết tâm bảo vệ gái làng” hay “chỗ nhà ấy với nhà mình trước vẫn đi lại”.

Đấy là tình yêu của giới công chức còn trẻ, những người chưa có “kinh nghiệm” làm cô dâu chú rể hoặc mới chỉ dám thử yêu đôi ba lần không đáng kể. Còn những ai đã qua đò kha khá, nay muốn đi tàu cao tốc, sau nhiều năm chung sống, những vấn đề tình cảm hậu hôn nhân đòi hỏi nâng cấp. Chỉ cần xem qua các tạp chí trên sạp báo là đủ thấy. Chín mươi phần trăm tạp chí dành cho chị em, nhất là chị em tuổi “hơi nhừ”, với những chuyên đề “Hạnh phúc gia đình”, “Tổ ấm chim câu”, “Thế giới phụ nữ”… Muôn vẻ, từ những mẹo mực có tính thế tục như “cách nghịch những điểm nóng trên cơ thể chàng”, siêu thoát như “hãy cùng nhau ngắm những vì sao hay nằm trên cát nghe sóng biển rì rào”, vị tha như “khi chàng có dấu hiệu “ăn vụng”, bạn hãy xem lại hình thức của mình thời gian qua, khi chàng trở về hãy dịu dàng và tha thứ nếu chàng ăn năn”, hoặc thiết thực như “mình tin lạt mềm buộc chặt. Và sản phẩm này là sợi lạt ấy”. Với các ông thì quan tâm hàng đầu đến phong độ của mình, khả năng hưng phấn cùng tửu lượng liệu còn.. như xưa? Đôi khi các báo cũng là thủ phạm để dụ các anh chị vào những ảo tưởng, ví dụ một mẩu tình huống: “Bạn đi cùng gia đình vào quán và thấy người yêu cũ ngồi cô đơn bên khung cửa sổ. Bạn sẽ làm gì, đến gặp hỏi han hay là nhìn nhau ôi cũng như mọi người?”. Vấn đề là báo trả lời tuy khuyên “đành lòng vậy mà quên đi” nhưng mà không dám khuyên anh ta quyết liệt, tình cũ không rủ cũng tới hay là thế nào, mà anh đàn ông đọc lên thấy đàng nào cũng hợp lý cả, muốn được cả hai (vợ cả vợ hai, cả hai đều là vợ cả).

Rồi thì những nỉ non “mười năm tình cũ” cứ nhan nhản, kiêu kỳ như “em sẽ đến, chỉ khi nào, chỉ-khi-nào, người đàn ông trong anh bật khóc” hay bao dung như “mặt đất còn gai chông, bầu trời còn bão tố, bao giờ anh đau khổ, hãy-tìm-đến-với-em”… Sẵn sàng chưa, mọi thứ có vẻ đã được hợp thức hóa từ lâu khi cái tình yêu kia tưởng chôn sâu trong nấm mồ hôn nhân, nay được tiếp sức sống hừng hực để “hãy đến với em dù chỉ một lần nữa thôi, trong trái tim em tình yêu vẫn cháy”…

Dường như mọi thứ ở thời đại thông tin này đã sẵn sàng mọi phương tiện, mọi điều kiện cần và đủ để kết nối con người với nhau, có thêm những “bà mối ảo” - những trang tìm bạn qua mạng phong phú đón chào, chỉ cần thỏa mãn các yêu cầu ta đưa ra là có một lô những match result gửi đến, nhưng với dân văn phòng, những người tưởng đơn giản để gặt hái hạnh phúc, lại như càng khó chọn lựa. Bởi vì họ là dân văn phòng.

Bàn phím ơi, ta đã tán chuyện hơi xa cái bàn làm việc rồi nhỉ, nhưng cũng như đơn giản là một cú nhấp chuột hay gõ enter, mi đưa ta đi xa và nhanh hơn cả mong đợi, nhưng sao chuyện tình cảm nơi văn phòng cứ tiến một lùi hai thế này.


Đi ăn cưới

Tháng này mình phải ăn mấy đám cưới? Bây giờ nhà nào cũng phải hỏi nhau như thế vào mùa cưới. Dù đã bao nhiêu hội nghị và kêu gọi bà con thực hiện “chủ trương tổ chức cưới hỏi an toàn, lành mạnh và tiết kiệm”, nhưng tuần qua tôi vẫn phải ăn 4 đám cưới ở nhà hàng cũng như ở tại gia, ở thành phố và cả ở quê nữa. Thế này nhé, phải tổ chức một cách truyền thống thôi, mời ông nội bà ngoại từ quê ra, không đãi đằng được bữa cỗ linh đình, các cụ lại thích đông con đông cháu, thích cái sự ồn ào của đêm dựng rạp cho đến bữa cỗ đủ 6 đĩa 6 bát, ăn thì chả mấy mà được thăm hỏi thì nhiều, nếu không có thì các cụ không thèm nhìn mặt.

Còn nhiều lý do để mà tuần tới, tháng tới, năm tới bạn vẫn phải đi ăn cưới. Vâng, ăn cưới chứ không phải là dự đám cưới. Do đó, tôi không dám bàn là có nên duy trì tập quán này không, dù biết khá là tốn kém cho cả 2 nhà trai gái lẫn khách khứa. Mỗi đám vài ba trăm nghìn nhét vào phong bì, gọi là trao tay mừng hạnh phúc “cho đôi bạn trẻ đón xuân về”, một tuần qua tôi tốn nửa tháng lương nhưng tôi không kêu ca, vì biết đến phiên mình, mình cũng tuy không ra mặt vui mừng nhưng vẫn mong chờ những chút nghĩa cử có tính thông dụng ấy. Tôi nói đến chuyện chính khi đi đám cưới bây giờ, ăn cỗ cưới.

Thường thì ngày cưới đã được xem giờ đẹp trước, đón dâu giờ đã định. Nhưng còn giờ ăn uống của quan viên hai họ bạn bè gần xa, nhất là ở thành phố thì phải theo giờ nhà nước, nghĩa là tầm 11 giờ trưa và 6 giờ chiều, giờ mà các viên chức và đồng nghiệp cơ quan có thể đến được, tất nhiên là trùng giờ ăn cơm của người ta nữa. Vì chưa no bụng thì mới chén được chứ! Nhà thành phố thì chật, mà có rộng cũng không tiện để bày cỗ bàn, nên hầu hết thuê nhà hàng, vừa có vẻ long trọng, vừa đỡ khoản dọn dẹp. Tuy thế, cái đà tăng dân số, hay là ngày đẹp thì ít, người muốn “lấy chồng đeo gông vào cổ” thì nhiều, cho nên phải một ngày tốt trời hoàng đạo, em họ tôi là cô dâu thứ 50 ở hiệu áo cưới đối diện chợ Hôm ngồi đợi đến lượt trang điểm, xếp hàng từ 5 giờ sáng. Đến 10 giờ sáng đón dâu, 11 giờ bắt đầu thực khách đổ bộ đến nhà hàng Tre Việt, có biển đề “trai trên, gái dưới”, nghĩa là nhà trai thuê tầng trên, nhà gái ở tầng trệt. Cùng chỗ đó có tất cả 4 đám thì phải, các biển chỉ dẫn cứ loạn cả lên, khó khăn lắm mới nhận ra quân ta đứng lố nhố đợi người đến muộn để sắp mâm xếp chỗ. Nhà hàng chuyên cho đám cưới luôn đắt khách, nên tranh nhau đặt chỗ trước cả tháng, cứ nghĩ đến Hà Nội có mấy chục hiệu áo cưới, hiệu nào cũng xếp hàng như chỗ cô em tôi là cũng biết sự vất vả của hai nhà trai gái để tìm cho ra nơi tổ chức được mát mặt với hàng phố. Vì lẽ ăn cưới còn kèm theo một số tiết mục nữa: đợi đủ người, đợi người quen, buôn chuyện làm ăn các ông, chuyện chồng con các bà, chuyện bao giờ cưới con đấy của các chàng, chuyện cô dâu hôm nay thuê váy hết bao nhiêu của các nàng chưa chồng,… nên trước khi vào chỗ ngồi, tôi lại phải đi quanh một lượt.

Đấy, bạn thấy có đáng ghét không. Bạn thấy tôi lòng vòng mãi mà chưa vào mâm, thì cũng như thực tế bạn đi đám cưới từ 6 giờ chiều, nhưng giờ cao su cho đến 7 giờ mới bắt đầu yên vị. Nên bạn hãy chịu khó tí nhé, như khi bạn phải xúng xính một bộ cánh sực nức mùi nước hoa và băng phiến, nửa đứng nửa ngồi trước cửa nhà hàng, để mà đợi một thằng cha nào còn đang trên đường đến hay một bà chị chạy đi mua phong bì để cho tiền mừng vào. Tự nhiên người đi đường thấy một đám người đứng lố nhố, mặt mũi tái xám trong gió lạnh chờ trước cửa, tưởng có vụ “khiếu kiện tập thể” nào. Dịp này cũng để những người quan hệ rộng khoẻ chân chạy đi “buôn bán” giữa các bàn. Ố ồ, hôm nay diện ghê nhỉ, mới mua áo da đẹp thế! Tao mới làm đầu hết 1 vé đó! Trông kìa, dù đã đi cả một ngày đường, tóc chị ấy vẫn thẳng mượt như vừa mới được duỗi trong tiệm ra… Đó, bạn nghe mà tưởng như họ đang đọc script quảng cáo trên TV vậy. Nhưng cũng là nơi gửi gắm: chú xem thế nào, đợt tuyển người mới, nhét đứa nhà anh vào nhớ. Anh ơi, cái vụ hôm nọ phải nhanh lên, không bên kia nó tăng giá mới, sập tiệm mất. Ở quê, thì dựng rạp xong, các thợ nấu thoăn thoắt băm chặt, pha phách món này món kia, đám bạn chú rể tới giúp thì ít mà lăng xăng thì nhiều, thể nào cũng có chiếu tá lả ầm ĩ, các cụ già ngồi nhai trầu bàn cãi chuyện cơ chế suốt đêm.

Rồi cũng đến lúc vào bàn. Đủ mặt anh hào, cụng ly cốp cốp. Khách dợm ghé người ngồi vào ghế, cởi áo khoác, vén tay áo, ngắm mâm một lượt. Nào, 4 bát đủ chưa: bóng, mọc, măng, miến, cũ lắm rồi, ở quê giờ cũng chẳng làm thế nữa. Giờ thì có canh bóng mọc hoa lơ nấm hương mộc nhĩ trứng cút tôm khô đậu ván cà rốt tỉa hoa xoè giữa bát đại tướng. Vì có đồ uống có ga như bia Hà Nội, Cô Ca, Bảy Úp nên bớt đi các bát canh. 6 đĩa: xưa là giò lụa, giò thủ, thịt gà luộc hay thịt lợn quay, đĩa bò xào cần tây, nay thì đâu cũng có cá sốt ngũ liễu, nem bơ Kim Liên, tôm viên tuyết hoa, bò sốt tiêu đen, v.v… Ăn đi ăn lại, ăn tái ăn hồi, đến mức cầm cái thực đơn lên liếc qua cũng thấy quen, và chán đến tận cổ.

Nhất là món súp (hay xúp). Tại sao rõ rành rành là hôm qua mới ăn súp cua, mà hôm nay súp gà nhưng cái mồm mình đánh tín hiệu lên não vẫn y nguyên cảm giác? Thôi, nhón đũa gắp miếng chả, chấm chấm vào bát mắm, đưa lên miệng cho nó mặn mặn. Xong chiêu bằng hớp bia. Thế là các món đánh nhau tá lả, ăn xong tất cả thừ mặt ra như vừa qua kỳ thi, lục tục ra về. Cô dâu chú rể cười ngơ ngẩn chào khách. Đã hết đâu, còn chụp ảnh kỷ niệm nữa. Tôi thề là đám cưới nào trong album sau đó cũng có ảnh một đám áo vét áo da, có một hai chị chàng mặc váy ngắn, khoác áo da, đi bốt đen, tóc vàng duỗi vẻ sành điệu, tay giữ ví (bóp) ríu rít ôm nhau đứng duyên dáng bên đôi uyên ương. Các cô đi ăn cưới mới oai vệ làm sao. Các cô làm đám các bà dắt con đi kèm phải khó chịu, các ông phải chép miệng, các chàng phải làm hề chọc vui. Đám cưới có các cô hiện hữu như nhắc đến không gian thời trang, sau vài chục năm bồi hồi xem lại ảnh, ôi ngày xưa lặng yên ngồi nghe tôi kể chuyện ngày xưa…

Đám cưới là nơi điểm danh xem ai còn đủ gan độc thân. Thế nên ai mà độc thân chưa rõ lý do rất lười đi ăn cưới, mà có thể đi vào tối hôm trước tại nhà, hay gửi quà đến. Đến ăn cưới là phải ngồi vào bàn ăn với tất cả sự diễn xuất, từ cách gật đầu chào, cho đến cách bày tỏ sự chia vui với dâu rể. Còn thì đương nhiên là nếu có gì thì phải tốt đẹp phô ra (không được thì phải đậy lại), oai nhất là cha nào diễu xe hơi đến, vợ chồng con cái lốc nhốc kéo nhau hùng dũng vào đại sảnh trước sự trầm trồ của đám thực khách còn lại. Cô dâu xốc váy tất tả chạy đến, anh chị đến làm em mừng quá, ôi, cháu ra đây với cô nào… Rồi VIP này phải chụp vài bô ảnh với cả nhà.

Đang cuộc vui, nhiều người tự thấy mình có khả năng sân khấu tốt, tranh nhau cướp diễn đàn, hoặc nói những lời có cánh chúc tụng hai họ, hoặc hát vài bài đủ mùi ca ngâm. Đôi khi là một màn hình bật băng video với những bài karaoke sướt mướt não nề anh xin làm người đưa sáo qua sông, với hình ảnh áo tắm lượn ra lượn vào nổ đom đóm mắt. Sang nhất thì có thể cưới ở khách sạn năm sao, có đạo diễn, đèn nến phối hợp lung linh, sâm banh nổ rền trời, máy flash chớp liên hồi như chụp sao Hollywood, các ca sĩ chuyên nghiệp giúp vui. Nhưng vui nhất vẫn là những bài thơ tôi vừa mới viết để tặng cô dâu chú rể, với những câu “một nhà phúc lộc hai sân quế hoè”… càng ngâm, càng được đám đông vỗ tay nhiều.

Đám cưới chẳng hiểu cưới con hay cưới bố cưới mẹ. Đám cưới anh họ của tôi, cả anh cả ả tổ chức bên Nga, quan viên hai họ tự tổ chức ở quê báo cáo với làng xóm, toàn là các cụ ngồi la liệt với nhau. Các cụ thì ăn chả mấy, nhưng mà khắt khe nhất hạng. Nhà này cưới ăn nhạt lắm, nấu nguội ngậm, gớm, cái món thịt gà cứ dai ngoách cả ra,… Các cụ nhà tôi lần ăn cưới nào về cũng hì hục nấu mì tôm. Tại sao bố mẹ không ăn cho thoải mái mà khổ thế? Chẳng thấy ngon gì cả, mang tiếng khách sạn bốn sao mà làm cỗ cưới vớ vẩn, mà ngồi khách khí lễ nghi, ghét lắm. Thế đi làm gì, mình làm mệt thân ra. Nhưng mà cưới anh chị mày đám nào nhà nó cũng đến giúp nhiệt tình…

Nói đi nói lại, người ta đến đám cưới nhiều khi thực tâm không phải vì chuyện ăn uống mà vì nhu cầu giao tiếp xã hội. Chuyện ăn sơn hào hải vị cũng không còn quá khó khăn như thời đói kém xưa kia, nhưng gặp bà con họ hàng, người đằng trên đằng dưới lại là mong muốn của người đi ăn cưới, nó thâu tóm các quan hệ xã hội. Ở đấy, như một loại “hành lang nghị sự” hay “diễn xướng dân gian”, điệu đà hay bỗ bã, kiểu cách hay vồ vập, đều có nhu cầu mượn đám cưới để trình bày. Cho nên muốn bỏ đám cưới tưng bừng ăn uống đi, chỉ có tiệc ngọt hay là báo hỉ “tiền trảm hậu tấu”, thì phải bỏ được cách thức có vẻ rườm rà tốn kém mà ai cũng vẫn chịu kia. Nghĩa là bất khả.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: