Sẽ là nguy cơ nếu quyền lực không được kiểm soát
Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về “chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến 2010, định hướng đến 2020” đã đi được nửa chặng đường. Quốc hội cùng các cơ quan của Chính phủ đang khẩn trương đánh giá, tổng kết để cụ thể hóa nhiệm vụ 10 năm tiếp theo.
Đây là công việc hệ trọng, góp phần vào việc chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng, chuẩn bị phương hướng lập pháp nhiệm kỳ tới. Cùng thời điểm này, nhiều ý kiến từ các chuyên gia pháp luật, các nhà lập pháp bàn về việc sửa đổi hiến pháp với mục tiêu định rõ yêu cầu mấu chốt của hệ thống pháp luật trong việc phân công phối hợp, kiểm soát quyền lực, bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ của nhân dân…
Để mở rộng diễn đàn góp ý, Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt, một nhà tư vấn chuyên nghiệp, một trong những người đầu tiên đưa nghề tư vấn về đầu tư và phát triển quan hệ thương mại quốc tế vào Việt Nam.
. Quốc hội đang tiến hành sơ kết thực hiện Nghị quyết 48 về chiến lược lập pháp. Ông có ý kiến gì về chiến lược này?
+ Tôi sẽ thẳng thắn: Nếu không dựa trên nền tảng dân chủ mà chỉ dựa trên nền tảng cai trị thì phương thức pháp trị không giá trị hơn cai trị hành chính trực tiếp bằng các chỉ lệnh. Nếu luật pháp chỉ nhằm cai trị thì không khuyến khích dân chủ, sáng tạo và phát triển. Nói cách khác, nếu không có một lộ trình đầy đủ và chi tiết để xây dựng một xã hội dân chủ thì mọi cuộc cải cách đều không có ý nghĩa.
Hướng đến câu hỏi: Người dân sẽ nhận được gì?
. Một số ý kiến cho rằng ít nhiều các đạo luật được ban hành thời gian qua đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, đặc biệt là hình thành các cơ sở pháp lý cho thể chế kinh tế thị trường…
+ Cải cách lập pháp hay cải cách thể chế nhà nước cần trả lời câu hỏi: Người dân nhận được gì? Tôi cho rằng mục tiêu của lập pháp chính là con người, là hạnh phúc và sự phát triển các điều kiện sống. Còn kinh tế thị trường là chỉ phương tiện chứ không thể là mục tiêu. Cho nên cải cách lập pháp theo khuynh hướng dân chủ là đòi hỏi tất yếu.
Việc Vinashinvỡ nợ giờ chót chứng minh việc sử dụng quyền lực nhà nước không được kiểm soát. Trong ảnh: Một góc xưởng đóng tàu của tập đoàn kinh tế Vinashin. Ảnh: CTV
.
Thử nhìn lại để dẫn chứng về thể chế nhà nước mà chúng ta định xây dựng với hiệu lực của nó trong đời sống. Khoản nợ hơn 84.000 tỉ đồng - tức hơn 4 tỉ Mỹ kim của Vinashin là khối tài sản lớn với bất kỳ quốc gia nào. Vậy mà đến phút thứ 89 của sự sụp đổ, những tiếng nói có thẩm quyền mới bắt đầu xuất hiện. Tại sao chúng không xuất hiện ở tỉ thứ nhất của 84.000 tỉ? Rõ ràng, thể chế đã hạn chế độ nhạy của xã hội trong việc tham gia ngăn cản các hiện tượng tiêu cực.
. Vậy trả lời câu hỏi trên, theo ông, lập pháp cần xác định lợi ích nào người dân phải được nhận?
+ Câu hỏi của anh là người dân được gì nhưng vấn đề đặt ra là người dân nào. Trong quá trình công nghiệp hóa, bên cạnh hàng triệu nông dân bị mất ruộng đồng thì rất nhiều công ty hưởng lợi, bán chính miếng đất đó với giá gấp 10, 100 lần chi phí giải phóng mặt bằng. Pháp luật đang bảo vệ ai?
Dù sao cũng phải nhìn thấy: Lợi ích đầu tiên là chúng ta có một xã hội tương đối yên ổn, trộm cướp không hoành hành, đêm đi ra đường vẫn không phải mang súng. Nhưng cái đó không phải là mục tiêu duy nhất của lập pháp.
Tôi nói vậy không phải vì bức xúc, mà vì về mặt khoa học và thực tiễn, sự bền vững của thể chế.
Cải cách để kiểm soát công quyền
. Nhưng cũng có thể lập luận rằng thành tựu của chiến lược lập pháp ấy, của việc cải cách lập pháp chính là tốc độ tăng trưởng 7%-8% trong những năm qua?
+ Xây dựng nhà nước pháp quyền một cách minh bạch, nghiêm túc là xây dựng ngôi nhà vững chãi, một môi trường sống lâu dài cho cả dân tộc. Còn tăng trưởng kinh tế chỉ là trạng thái kinh tế của xã hội thôi. Không nên dỡ nhà ra để nấu cơm rồi tự hào rằng cơm chín ngon. Đến khi mưa bão lấy nhà đâu ra mà ở! Không thể đem thành tích kinh tế ra để giải thích cho sự lạc hậu, sự bê trễ trong việc hoàn thiện hệ thống nhà nước!
Luật pháp cũng vậy, bản chất của nó bên cạnh việc điều chỉnh các quan hệ xã hội còn nhằm hạn chế, kiểm soát bằng được quyền lực nhà nước. Kiểm soát công quyền là mục tiêu tối thượng của luật pháp chứ luật pháp đâu phải chỉ nhằm kiểm soát người dân đi đúng luật giao thông.
. Nếu coi kiểm soát quyền lực nhà nước là mục tiêu của chiến lược lập pháp, theo ông cần tập trung vào những điểm cụ thể nào?
+ Phải nói rằng chuyện Vinashin vỡ nợ ở phút 89 với quy mô 84.000 tỉ đồng, hay việc cho nước ngoài thuê tới hecta đất rừng thứ 400.000 mới bị phát hiện… là bằng chứng không thể chối cãi về việc sử dụng quyền lực nhà nước không được kiểm soát.
Chỉ nhà nước mới có đủ quyền lực để sử dụng những tài sản quốc gia một cách đại trà. Cho nên kiểm soát quyền lực nhà nước chính là kiểm soát sự lộng hành của một vài yếu tố cấu thành nhà nước, để đảm bảo rằng tài nguyên và tài sản quốc gia được sử dụng hợp lý.
Vậy cải cách lập pháp để làm gì nếu như pháp luật không đủ sức kiểm soát quyền lực nhà nước?
Áp lực xã hội là động lực của tiến bộ xã hội
. Ông nói rằng xã hội yên ổn không phải là mục tiêu tối hậu của cải cách lập pháp nhưng ổn định chính trị mà chúng ta đã đạt được phải được xem là một trong những thành tựu cần tiếp nối chứ?
+ Đúng. Nhưng cần chú ý hiện tượng: Xã hội im lặng tới mức việc cầm quyền trở nên dễ dàng. Lúc đó các thế lực phục vụ lợi ích nhóm sẽ có được mảnh đất phát triển màu mỡ. Lúc ấy là lúc người ta thấm thía giá trị của dân chủ. Xã hội có dân chủ mới kiểm soát, răn đe được các lực lượng lộng hành, thao túng, sử dụng một cách vô nguyên tắc các quyền lực của nhà nước.
Nhân dân hoan nghênh quyết định vừa rồi của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Hưởng ứng của người dân tạo ra một áp lực xã hội. Chính áp lực xã hội sẽ trở thành động lực cơ bản để tạo ra tiến bộ chính trị và tiến bộ xã hội.
Ở đây có vai trò của báo chí. Trong một lần thảo luận với Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi có nói: Báo chí là “tiếng kêu đau” của xã hội. Báo chí mà im lặng thì chính các anh sẽ thiệt. Thiệt vì không thể hình dung ra cuộc sống thực và do đó không làm chính sách được. Mà làm chính sách sai thì xã hội thiệt đến mức nào.
. Ông có nghĩ rằng giới nghiên cứu lý luận và các cơ quan hành pháp cũng đã bắt đầu thấy vấn đề?
+ Rất nhiều người và các chuyên gia, giới nghiên cứu ở Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia đã bắt đầu nhìn thấy.
Còn cơ quan hành pháp, ở nước nào cũng vậy, bị công việc hằng ngày lôi kéo nên khó nhận ra đầy đủ. Chưa kể, về nguyên lý, tự do ngôn luận hay tự do báo chí sinh ra là nhằm nói lên tiếng nói của nhân dân, thường nhắm đến chỗ nêu ra mặt yếu kém hoặc những vi phạm lợi ích của xã hội của các cơ quan hành pháp. Có thể nói bệnh của mọi cơ quan hành pháp trên thế giới là không thích dân chủ, không thích tự do báo chí, kể cả ở đất nước tự cho là tự do nhất như Hoa Kỳ.
Để thích nghi với quá trình quyền lực được kiểm soát, các chính phủ buộc phải rèn luyện để có thể nghe được tiếng nói của báo chí, ngôn luận.
Mở rộng dân chủ: Hướng cải cách đúng
. Trong cuộc hội thảo gần đây, một số học giả khi nhận xét về chiến lược lập pháp đã chỉ ra một loạt dự án luật về các quyền tự do, dân chủ đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật nhưng chậm triển khai. Ví dụ, luật lập hội, luật tiếp cận thông tin, luật trưng cầu dân ý, luật sửa đổi luật báo chí… Theo ông, sự chậm trễ đó nói lên điều gì?
+ Việc dừng ấy không phải lúc nào cũng là tiêu cực. Có những cái không tích cực được hơn thì phải dừng. Ví dụ, luật sửa đổi luật báo chí phải dừng lại vì có thể nó không đưa ra được cải tiến tích cực nào vào thời điểm hiện nay. Như thế thà dừng còn hơn.
Luật pháp bao giờ cũng là khế ước. Khế ước ấy là kết quả của cuộc đấu tranh giữa quyền lực nhà nước và tiến bộ xã hội.
. Vậy theo ông, lập pháp trong thời gian tới nên có những điều chỉnh như thế nào?
+ Cách duy nhất là mở rộng dân chủ.
Cần thiết lập một hệ thống luật pháp đầy đủ để xã hội dân sự vận hành đúng như bản chất của cuộc sống sẽ giúp ngăn ngừa các rủi ro trong xã hội, đặc biệt là rủi ro chính trị.
Cần có luật báo chí rành mạch để bảo vệ “quyền kêu đau” của xã hội, thực hiện có hiệu quả “quyền kiểm soát quyền lực” của nhân dân. Hai quyền ấy đặc biệt quan trọng, nó bảo vệ lợi ích xã hội và cả lợi ích nhà cầm quyền.
Cần rành mạch khái niệm sở hữu. Không được để các tài sản, tài nguyên của đất nước và của từng cá nhân bị xâm phạm, bị tước đoạt, cưỡng bức.
Ba cái đấy, nói theo tư tưởng của Nguyễn Trãi, đặt trong hiện tại là “việc chính trị cốt ở yên dân”.
Tôi nhấn mạnh rằng một trong những mục tiêu căn bản của lập pháp là kiểm soát quyền lực nhà nước, mở đường cho nhân dân thành lực lượng kiểm soát quyền lực nhà nước. Chống tham nhũng cũng vậy. Chống tham nhũng mà lại bằng chính cơ cấu nhà nước thì hiệu quả sẽ không triệt để.
. Cảm ơn ông.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá