Pháp luật phải có ý nghĩa trung lập, là công cụ dung hoà
Một ông giám đốc công ty tư vấn nói rằng: “Nắm bắt pháp luật là nghề chính của chúng tôi mà nhiều lúc cũng bó tay và phải chọn con đường “chạy” vì trong giai đoạn vừa qua nó thực sự “hiệu quả” đảm bảo vừa được việc, vừa nhanh, lại bớt tranh cãi”.
Tại sao chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp lại khó như vậy? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Invest Consult xung quanh vấn đề này.
Hệ thống pháp luật rất khó chấp hành
Trong thời gian qua, sau khi có luật doanh nghiệp mới, có thể nói là doanh nghiệp rất phát triển, đồng thời nhiều hình thức tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân được đưa ra. Tuy nhiên cũng nảy sinh rất nhiều chuyện liên quan đến vấn đề hiểu biết pháp luật, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, vi phạm từ môi trường đến thuế, đến quy định khác. Rất nhiều doanh nhân được tôn vinh nhưng ít lâu sau lại bê bối, đổ bể. Ông nhìn nhận thực trạng hiểu biết và chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào?
NTB: Tôi cho rằng doanh nhân Việt Nam không xấu đến mức họ coi thường pháp luật mà phải nói rằng chúng ta có một hệ thống pháp luật rất khó để có thể chấp hành nó mà vẫn còn giữ nguyên được những nhịp điệu hoạt động, những hiệu quả hành động phù hợp với đòi hỏi thật của cuộc sống. Trước hết, chúng ta phải nói đến quá trình xây dựng hệ thống pháp luật.
Hiện nay, môi trường pháp luật Việt Nam có hai không gian mà có lẽ rất ít người khái quát hoá để có thể phân tích cấu trúc của hệ thống pháp luật Việt Nam. Không gian thứ nhất là không gian các luật. Luật của chúng ta được xây dựng trên một nguyên lý căn bản là công cụ để quản lý nhà nước, cho nên hầu hết các sáng kiến pháp luật, các sáng kiến làm luật được xây dựng bởi các cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế pháp luật với tư cách là một sáng kiến thì nó là sáng kiến của giới quản lý chứ không phải sáng kiến của xã hội. Vì thế cho nên sự xem xét đến, sự chiếu cố đến việc cấu trúc ra một không gian pháp luật thuận cho giới doanh nhân phải nói là ở mức rất hạn chế. Pháp luật của chúng ta hoàn toàn không thuận trên cả nguyên lý lẫn thực tiễn cho hành động của giới kinh doanh. Đấy là không gian nền cơ bản của môi trường pháp luật Việt Nam.
Nhưng không gian ấy còn bị tranh chấp bởi một không gian có yếu tố pháp luật khác là các nghị định và thông tư hướng dẫn. Cho nên bản thân cái cấu trúc của môi trường pháp luật Việt Nam đã bao gồm sự xung đột giữa hai lực lượng như vậy, lực lượng các nghị định, thông tư hướng dẫn và lực lượng các luật cơ bản. Hai lực lượng này không phải lúc nào cũng thuận với nhau.
Để cho các cơ quan hành pháp giải thích và hướng dẫn thi hành pháp luật là một trong những khuyết điểm rất căn bản của hoạt động lập pháp ở Việt Nam. Bởi lẽ người đưa ra sáng kiến pháp luật không có thực tiễn, kể cả thực tiễn quản lý lẫn thực tiến xúc tiến xã hội. Vì thế cho nên nghị định và thông tư, một bộ phận có chất lượng nội dung của luật pháp, trở thành những nội dung rất không ổn định trong quá trình hiện thực hoá pháp luật vào đời sống. Đặc trưng, đặc điểm hay đặc tính của hệ thống pháp luật Việt Nam chính là tính dễ thay đổi, tính hay thay đổi hay là tính khó ổn định trong suốt tuổi thọ tồn tại của một bộ luật.
Một ông giám đốc một công ty tư vấn cũng nói, nắm bắt pháp luật là nghề chính của chúng tôi mà nhiều khi phải bó tay và chọn con đường “chạy”, vì giai đoạn vừa qua “chạy” thì hiệu quả nhanh hơn và lại bớt tranh cãi. Không lẽ luật của chúng ta khó thi hành đến như vậy?
Tôi vừa nói với anh về các đặc trưng cơ bản hay tính mâu thuẫn nội tại trong môi trường pháp lý Việt Nam. Cho nên có thể nói rằng bản thân người muốn tuân thủ pháp luật cũng không đủ năng lực để làm. Hệ thống pháp luật của chúng ta không chỉ mâu thuẫn với quyền lợi của các lực lượng xã hội, mà nó phức tạp và quá dễ thay đổi đến mức trong những điều kiện không ảnh hưởng đến quyền lợi mà muốn chấp hành nó cũng quá khó. Đấy chính là một thử thách rất lớn của công tác xây dựng nhà nước.
Tại sao lại là thách thức lớn?
Trong một bài nói chuyện tại Đại học Luật Hà Nội, tôi có nói với các giáo viên và sinh viên về bản chất của công việc hội nhập của chúng ta đối với thế giới là xây dựng nhà nước và pháp quyền. Cho đến phút này nếu nói một cách bản chất thì chúng ta chưa có những định nghĩa thoả đáng về nhà nước pháp quyền. Chính cái mâu thuẫn căn bản này làm cho đối tượng sử dụng pháp luật để điều chỉnh và đối tượng bị điều chỉnh đều khó khăn cả. Ông Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã nói rằng, luật của chúng ta là luật khung, luật ống. Tức là luật của chúng ta là những cái hộp rỗng, nó chỉ có những nguyên tắc căn bản để phân biệt xem cái luật này nó hình vuông hay hình cầu thôi chứ còn đi trong đó, sống trong đó thì các đối tượng không được điều chỉnh, không được hướng dẫn, kể cả các lực lượng quản lý nhà nước. Cho nên phải nói rằng muốn chấp hành pháp luật cũng không đủ nội dung căn bản để chấp hành.
Thay đổi nguyên tắc lập pháp
Vậy nguyên tắc lập pháp của ta phải có sự thay đổi nào đó?
Chắc chắn 100% là nguyên tắc lập pháp của chúng ta buộc phải thay đổi, nếu chúng ta muốn có nhà nước pháp quyền, nếu chúng ta muốn có xã hội văn minh. Thay đổi theo hướng phải định nghĩa lại rằng pháp luật không phải chỉ là công cụ để quản lý nhà nước, mà còn là công cụ để điều chỉnh các hành vi xã hội. Bản thân pháp luật phải có ý nghĩa trung lập theo định nghĩa nó là công cụ dung hoà giữa đòi hỏi của chính phủ về mặt quản lý và đòi hỏi của nhân dân về mặt tồn tại và phát triển. Nếu quá trình lập pháp không giải quyết được đòi hỏi có chất lượng mâu thuẫn thế này thì chúng ta sẽ còn mệt.
Việc cải tiến công nghệ lập pháp theo khuynh hướng không phải là công cụ của cơ quan quản lý nhà nước là việc không thể không làm. Nếu không làm như thế thì trên thực tế không có pháp luật. Và nếu nói một cách trung thực là trên thực tế chỉ có quyền lực mà không có nhà nước. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta đã thể hiện quyền lực một cách rất phi nhà nước, và cái đó chính là cái mà những người chấp hành pháp luật cảm thấy đau khổ nhất. Chấp hành pháp luật mà vướng phải những va chạm pháp luật là vướng phải vấn đề danh dự chứ không phải chỉ đơn thuần là vướng phải tội.
Nhưng tình trạng bất cập trong pháp luật của chúng ta trước khi vào WTO đã được cải cách rất mạnh, chất lượng làm luật đã được nâng lên cho phù hợp với chuẩn mức chung với các thành viên WTO. Theo ông, những kết quả của việc đổi mới hệ thống pháp luật vừa qua đã đến đâu rồi mà bây giờ doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc chấp hành pháp luật đến thế?
Tôi có thể rất khen những người chuẩn bị một đêm diễn bằng cách dựng phông, dựng màn, bằng cách trang điểm, bằng cách chuẩn bị hệ thống âm thanh tốt. Nhưng tôi không thể khen vở diễn được, bởi pháp luật chính là vở diễn chứ không phải là quá trình chuẩn bị. Cho nên, động viên những nhà lập pháp trong các hoạt động mang tính chuẩn bị của họ thì tức là khen một êkip biểu diễn trong việc chuẩn bị sân khấu, mà không thèm đếm xỉa đến hiệu quả biểu diễn của họ.
Nhưng ở khía cạnh khác, có những cái luật đã quy định nhưng ý thức chấp hành của các cơ quan chức năng và người dân kém. Vấn đề là luật đã có nhưng người ta thực thi nó không nghiêm chỉnh. Ông có thấy vậy không?
Không, tôi không thấy vấn đề như thế. Chúng ta cái gì chẳng có, luật nào chúng ta cũng có, nhưng không phải cứ có luật là có thể thực hiện nó. Xây dựng nhà nước không phải là xây dựng luật. Xây dựng nhà nước là xây dựng tính hiệu quả của luật pháp chứ không phải là xây dựng luật. Chúng ta hoàn toàn không có các cơ cấu có chất lượng nhà nước để triển khai, để thực thi tất cả các điều luật mà chúng ta có. Kể cả những người soạn ra nó, kể cả những người chấp nhận nó như là công cụ mà mình sử dụng để điều chỉnh xã hội cũng không tin vào chất lượng của luật ấy. Cho nên không ai dám xây dựng một cơ cấu trên thực tiễn để triển khai, để kiểm soát, để điều chỉnh xã hội bằng công cụ ấy cả. Công cụ ấy vô hiệu quả ngay đối với chính những người điều hành xã hội.
Phải nói rằng giới tư pháp chúng ta mất rất nhiều danh dự nghề nghiệp, kể cả danh dự chính trị trong quá trình vận dụng luật pháp trong các vụ xử. Đấy là không gian lý tưởng cho cái hoạt động mà chúng ta vẫn lên án là “chạy án”. “Chạy án” là hoạt động tất yếu có trong một hệ thống luật không có năng lực điều chỉnh.
Nhân dịp đầu năm mới tôi kêu gọi giới luật học, giới hành pháp, giới tư pháp, kêu gọi Quốc hội phải đặt vấn đề cải cách hoạt động tư pháp, hoạt động lập pháp trên một căn bản nhất quán, dù là nhất quán theo chiều hướng nào, theo hướng chuyên chính vô sản như cũ hay theo hướng dân chủ hoá xã hội. Năng lực chính trị của xã hội chúng ta đến đâu thì chúng ta lựa chọn khuynh hướng đến đó. Nhưng đã có khuynh hướng rồi thì phải xây dựng hệ thống luật pháp và hệ thống sử dụng luật pháp một cách trung thực và nhất quán. Còn với một đà như thế này thì tất cả các lực lượng tham gia vào các quá trình liên quan đến luật pháp đều không trung thực. Và sự không trung thực ấy đôi khi không vì lợi ích nào, không vì động cơ nào mà bởi vì sự bất lực, không thể trung thực được.
Cái khó của doanh nhân
Theo ông, cái khó của doanh nhân trong bối cảnh như hiện nay là gì?
Kinh doanh là một hoạt động buộc phải có một yếu tố tâm lý rất quan trọng mà tôi gọi đó là lòng dũng cảm dân sự. Lòng dũng cảm dân sự là một yếu tố tâm lý xuất hiện khi đối mặt với tất cả các rủi ro có thể có trong quá trình kinh doanh. Mà một môi trường kinh doanh tốt thì cái rủi ro chỉ xảy ra trong quá trình xác lập tầm nhìn hoặc chính sách cho kinh doanh mà thôi. Còn các yếu tố thuộc về cơ cấu xã hội, những yếu tố thuộc về thượng tầng kiến trúc phải đảm bảo cho nó. Còn hiện nay cấu trúc của lòng dũng cảm dân sự của chúng ta không đi theo hướng là anh tính được đến rủi ro kinh doanh để phiêu lưu trong kinh doanh. Bây giờ những nhà kinh doanh Việt Nam phải phiêu lưu trong môi trường chính trị, phải phiêu lưu trong môi trường luật pháp. Vì thế hầu hết lòng dũng cảm dân sự là để khắc phục các rủi ro chính trị, các rủi ro luật pháp chứ không phải các rủi ro kinh tế và kinh doanh.
Tức là những cái rủi ro kia nó nguy hiểm, nó lớn hơn nhiều so với rủi ro kinh doanh?
Tất nhiên. Sự phân tán trí tuệ của doanh nhân trong quá trình kinh doanh để khắc phục các rủi ro có tính chất chính trị hoặc luật pháp đòi hỏi tốn công sức hơn nhiều so với việc giải những bài toán kinh doanh hoặc kinh tế để cổ vũ lòng dũng cảm dân sự.
Vậy doanh nhân Việt Nam hiện nay ngoài việc lo có lợi nhuận thì phải làm như thế nào cho an toàn trong bối cảnh như vậy?
Thứ nhất là phải đủ liều mạng, thay vì dũng cảm thì phải liều mạng. Và để giảm bớt rủi ro do quá trình liều mạng trong kinh doanh thì người ta buộc phải mua quyền lực. Việc mua bán một cách bất hợp pháp các quyền lực và các quan hệ quyền lực vừa phá hoại kinh doanh, vừa phá hoại nhà nước và xã hội. Bây giờ báo chí cũng buộc phải công bố, phải phản ánh những trạng thái rất tiêu cực của xã hội chúng ta trong khu vực kinh doanh. Hay nói cách khác, 90% các hiện tượng tiêu cực dân sự có trên lãnh thổ Việt Nam bây giờ chính là tiêu cực về kinh doanh.
Với tình trạng như hiện nay nếu thay đổi nguyên tắc lập pháp thì mất bao nhiêu lâu để làm minh bạch được hệ thống pháp luật?
Tôi không nghĩ là mất nhiều thời gian nếu chúng ta chọn đúng. Chúng ta không cần phải xây dựng các luật cụ thể của Việt Nam, bởi thế giới đã có sẵn những luật mẫu. Trong thực tế có những quốc gia có hệ thống luật pháp đã tương đối hoàn chỉnh về nội dung, nhưng chúng ta lại không thừa nhận nó, chúng ta mất thì giờ chế ra một cái không giống ai.
Tôi đã từng đến làm việc tại Miến Điện năm 1995, tôi đã ăn cơm với một vị tướng lĩnh cao cấp hình như là Thủ tướng của Miến Điện vào thời điểm ấy (vì tôi tham gia vào một quỹ đầu tư nước ngoài). Vị tướng ấy nói với tôi rằng thực ra công tác xây dựng pháp luật của chúng tôi đơn giản lắm, chúng tôi thừa nhận hệ thống luật dân sự của Anh, nếu cần thêm cái gì thì chúng tôi bổ sung, tới mức không phá vỡ tính chỉnh thể của hệ thống luật mà chúng tôi đã lựa chọn. Đấy là phát biểu của một viên tướng của chính phủ Miến Điện trong thời kỳ mà bất cứ ai đặt chân suống sân bay Rangoon đều phải đổi 300 đô la tại đó.
Trong rất nhiều nghiên cứu của tôi, tôi đã chứng minh, nếu luật pháp không có năng lực để biến thành văn hoá thì trên thực tế nó không có năng lực điều chỉnh xã hội. Pháp luật mà thay đổi liên tục thì không thể biến nó thành văn hoá được. Ví dụ chấp hành luật giao thông là một văn hoá, chấp hành luật về bảo vệ môi trường là một văn hoá. Nhưng nếu những luật ấy bị sửa đổi liên tục thì nó không có điều kiện để trở thành văn hoá nữa. Và nếu nó không trở thành văn hoá được thì vĩnh viễn nó không bao giờ có hiệu lực thật cả, bởi luật pháp phải xây dựng ra cái tiêu chuẩn hành vi của mỗi một công dân liên kết với hệ thống luật pháp như vậy. Cho nên phải nói rằng, bản chất của cải cách tư pháp chính là cải cách xã hội.
Doanh nhân là lực lượng quan trọng và lực lượng nòng cốt của sự phát triển. Nhưng doanh nhân không hoạt động một mình, doanh nhân tương tác với các lực lượng khác nhau của xã hội. Thủ tướng Phan Văn Khải trong nhiệm kỳ của mình đã có công mà tôi cho là một trong những công quan trọng trong lịch sử hình thành nhà nước Việt Nam, đó là Luật doanh nghiệp. Tôi rất thích Luật doanh nghiệp ấy, nhưng tôi thương Luật doanh nghiệp ấy bởi nó là một bộ luật tương đối tiên tiến trong một hệ thống pháp luật không có giá trị thực tiễn.
Liệu ông có bi quan quá không?
Không hề bi quan. Tôi nói với tư cách là một người nghiên cứu khía cạnh chính trị của đời sống luật học. Tôi không đi theo khía cạnh nghiên cứu về kỹ thuật lập pháp hoặc kỹ thuật hành pháp, tôi đi theo khía cạnh triết học của luật học. Tôi là một người nghiên cứu và tôi chỉ có khả năng nói khía cạnh ấy thôi. Và nếu không đi từ khía cạnh ấy thì mọi cái còn lại là đi mò, loanh quanh, vá víu, cơi nới. Công tác lập pháp của chúng ta là một công tác sử dụng công nghệ cơi nới một cách phổ biến.
Điều kiện lý tưởng
Nếu có điều kiện lý tưởng thì từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì chúng ta theo khuynh hướng, mô hình nào là phù hợp?
Khuynh hướng lý tưởng nhất là tự do kinh doanh. Tự do kinh doanh là môi trường mà ở trong đó mọi nhà kinh doanh đều bình đẳng, nhà nước là lực lượng can thiệp vào tất cả những sự bắt nạt của các con cá lớn đối với cá bé. Tức là phải chống quá trình Tờ rớt hóa các doanh nghiệp, cho nên mới có luật chống cạnh tranh không lành mạnh.
Nhưng hình như thực tiễn hiện nay ở ta lại đang ngược lại?
Thế tôi mới nói rằng nó mâu thuẫn. Hiện nay chúng ta không chỉ Tờ rớt hoá mà còn Tờ rớt hoá trên qui mô nhà nước. Tờ rớt hoá trên quy mô nhà nước thì còn nghiêm trọng hơn nhiều. Hiệu quả của nó là tất cả lượng nước dùng để nuôi sống một môi trường rộng lớn như thế này đều chảy về một số cái giếng được quy định từ trước. Nó tạo ra hiện tượng sa mạc hoá ở những tiểu vùng kinh doanh khác nhau. Sự khô cằn tiền vốn ở những tiểu vùng kinh doanh khác nhau chính là hệ quả tiêu cực của hiện tượng Tờ rớt hoá hoặc Tờ rớt hoá trên quy mô nhà nước.
Phải chăng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng đáng thương nhất?
Họ cũng không phải là đối tượng đáng thương nhất. Đáng thương nhất vẫn là người dân không kinh doanh, những kẻ sống lệ thuộc vào các quá trình kinh doanh lành mạnh. Bởi có phải ai cũng kinh doanh đâu. Kinh doanh là một hệ thống xúc tiến phát triển xã hội, mà hệ thống xúc tiến ấy nó càng tinh tế bao nhiêu, càng chi li bao nhiêu thì nó huy động xã hội càng sâu sắc bấy nhiêu vào trong đời sống kinh doanh. Tức là sự tham gia của các bộ phận, các thành tố khác nhau của xã hội vào quá trình kinh doanh chính là sức sống của xã hội.
Bây giờ chúng ta chỉ nuôi một số động mạch chủ để làm trù phú một số khu vực được gọi là chiến lược, còn tất cả các khu vực khác bị sa mạc hoá, đấy chính là sai lầm của chúng ta. Nếu như doanh nghiệp nhà nước có giá trị như sự xúc tiến những khuynh hướng phát triển công nghiệp hoặc kinh doanh lớn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ là lực lượng xây dựng sức mua của xã hội. Nếu bây giờ dồn tất cả năng lượng cho những tập đoàn lớn mà làm khô hạn nguồn vốn để phát triển khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chính là tiêu diệt sức mua của xã hội, và do đó tiêu diệt tiền đề tồn tại và phát triển của cả khu vực tập đoàn lớn. Đấy chính là một bài toán mà một nhà điều hành vĩ mô phải nhận ra trong cả giấc ngủ của mình. Tôi không biết các nhà lãnh đạo của chúng ta, những nhà điều hành vĩ mô của chúng ta có nghĩ đến chuyện ấy không, nhưng nếu không thì xã hội Việt Nam không phải là một thị trường mà chỉ có nhà nước là thị trường đối với các nền kinh tế khác, bởi vì kẻ mua hàng chủ yếu vẫn là nhà nước.
Trong khi đó về mặt lý thuyết chúng ta lại chủ trương xã hội hoá nhiều lĩnh vực?
Chúng ta đòi hỏi xã hội tham gia vào nhiều quá trình để cấu tạo ra những hoạt động toàn diện của xã hội, ví dụ xã hội hoá giáo dục, xã hội hoá từ thiện, xã hội hoá đủ thứ. Nhưng chúng ta lại rút năng lực tồn tại trong xã hội để tập trung vào một số giếng, tức là chúng ta sa mạc hoá xã hội trong khi đòi nó phải “trồng cây” và “nuôi gà”.
Với tất cả những thực tế như thế thì hiện nay doanh nhân Việt Nam kinh doanh dễ hay khó?
Vấn đề là kinh doanh với mục tiêu nào? Có những mục tiêu dễ và có những mục tiêu khó. Kinh doanh để kiếm một ít tiền để sống thì dễ. Không có gì dễ cho những kinh doanh ở mức ấy hơn là một môi trường vô chính phủ xét về phương diện lập pháp. Đấy là môi trường lý tưởng của những lực lượng tạo ra một nền kinh tế vị thành niên mãn tính. Tôi có một bài đăng trên báo Lao động, trong đó tôi nói rằng "Nếu không cẩn thận thì Việt Nam sẽ rơi vào cái bẫy của sự phát triển vị thành niên mãn tính”. Nhưng kinh doanh để phát triển xã hội thì bằng không trong một môi trường như thế này. Anh biết rằng lượng tiền, lượng sản phẩm, lượng sáng tạo không tăng lên thì kinh doanh là quá trình chạy vòng quanh của đồng tiền, và tất cả những vật mà chạy vòng quanh thì đều tiêu tốn một số năng lượng. Tức là cục vốn của xã hội càng ngày càng bé đi do sự mất mát dọc đường trong quá trình lưu chuyển của đồng vốn.
Nếu tình trạng pháp luật như ông nhận xét chưa được khắc phục thì hậu quả nó sẽ dẫn đến đâu?
Nó chẳng đến đâu cả, mà đến một xã hội không bao giờ phát triển được, một xã hội phát triển ở mức vị thành niên mãn tính.
Nếu ai có khát vọng hướng tới một xã hội nên có thì kẻ đó sẽ trở thành kẻ bất hạnh khi nó phải đối mặt với một xã hội như nó đang có, và như nó đang có một cách vĩnh viễn nếu không có sự thức tỉnh mang chất lượng tư pháp, mang chất lượng chính trị tại thời điểm mà chúng ta đang sống. Đây chính là thời điểm mà người Việt buộc phải thức tỉnh. Số phận đã xui khiến anh đến hỏi tôi về vấn đề hệ trọng này vào thời điểm bản lề để khẳng định người Việt sẽ đi đâu hay tiếp tục nằm xuống ngủ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh