Người đàn bà trong xã hội “An Nam”
Phong trào đòi nam nữ bình quyền trên thế giới xuất phát từ Pháp với Cách mạng 1789. Từ đó, các cuộc đấu tranh nổ ra khi nơi này, lúc nơi khác. Phong trào đã đạt được những kết quả toàn vẹn lần đầu tiên ở các nước Bắc Âu vào cuối thế kỷ 20. Thí dụ như ở Đan Mạch, nam nữ hoàn toàn bình đẳng, không những do pháp luật và những biện pháp cụ thể của nhà nước, mà cả ở trong phong tục tập quán và tâm lý xã hội.
Nhưng lại nảy sinh ra một vấn đề mới:Phải chăng mục tiêu nam nữ bình quyền là biến nữ thành nam, đàn bà phải chăng chỉ mong được giống đàn ông hoàn toàn? Nếu quả như vậy thì ý nghĩa cuộc sống và hương vị cuộc đời thật tẻ nhạt! Vậy phụ nữ phải có một bản sắc khác nam giới, bản sắc đó là gì? (ý kiến của chị H.V. Holst, người Đan Mạch).
Có điều lạ là ý kiến trên, rất hiện đại, phát biểu vào đầu thiên niên kỷ thứ 3 lại có phần trùng hợp với ý kiến của một trí thức “An Nam”, ông Đặng Phúc Thông, cách đây tám chục năm, khi Việt Nam thời Pháp thuộc bị gọi là An Nam: “Tại sao phụ nữ hiện đại lại muốn bước từ trên đài cao xuống, nơi mà các dân tộc dựng lên để tôn sùng họ, sao họ bước xuống để tự ném mình trong cuộc bon chen? Ảnh hưởng của phụ nữ sẽ kém dần khi cuộc sống của họ ra ngoài xã hội. Đối với chúng ta, người đàn bà sẽ còn tượng trưng được cái gì khi đã mất bản chất thực của mình? Chúng ta muốn tìm thấy ở phụ nữ không phải là bóng dáng mờ nhạt của đàn ông chúng ta, mà phải là một sinh vật có một bản chất khác, có một cảm xúc cao hơn, chiếu sáng cho cuộc đời chúng ta, tư duy chúng ta và hành động của chúng ta.”
Vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu
Nữ nhà văn Pháp Simone de Beauvoir đã từng đưa ra những luận điểm nổi tiếng về bản sắc phụ nữ trong tác phẩm Giới thứ hai. Hai ý kiến trên tuy rất khác nhau, nhưng cũng cùng theo hướng đó, cùng đặt vấn đề bản sắc phụ nữ đích thực là gì?
Đặng Phúc Thông (1906-1951) đã viết công trình nghiên cứu tiếng Pháp Người đàn bà trong xã hội An Nam. Ông thuộc tầng lớp trí thức đại học của ta đầu tiên được đào tạo ở Pháp. Ông tốt nghiệp xuất sắc tại trường Mỏ và trường quốc gia Cầu Đường. Ở Pháp về, ông làm chuyên môn về Mỏ và hỏa xa. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông không nhận làm bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim mà chỉ nhận làm chuyên môn. Ông tham gia Cách mạng tháng Tám ngay từ những ngày đầu. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông bị kẹt ở Hà Nội, mãi mấy tháng sau ông và gia đình mới lên chiến khu Việt Bắc. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm và giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng: Thứ trưởng bộ Công chính, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công chính, sau khi ông được bầu làm đại biểu Quốc hội đầu tiên tại Việt Nam và tham gia đàm phán Pháp - Việt ở Fontainebleau. Ông ốm nặng, mất năm 45 tuổi.
Đặng Phúc Thông viết công trình nghiên cứu trên, mười năm trước Cách mạng tháng Tám. Vào thời điểm đó, việc hiện đại hoá tức Tây phương hoá Việt Nam, về phương diện văn minh vật chất đã tạo ra một tầng lớp tư sản và tiểu tư sản Tây học, ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi phong tục tập quán, tư duy và tâm lý xã hội, đặc biệt là ở thành thị. Sự xung đột giữa nền văn hoá phương Tây, cá nhân chủ nghĩa và nặng về vật chất với văn hoá truyền thống Việt Nam, chịu ảnh hưởng của Khổng học, nặng về ý thức cộng đồng và đạo đức đã đặt ra nhiều vấn đề xã hội. Về vấn đề phụ nữ, Đặng Phúc Thông đề cao những đức tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Theo ý ông, ảnh hưởng Khổng học đối với phụ nữ Việt Nam không khắt khe như ở Trung Quốc nên trong khuôn khổ xã hội Khổng học, người phụ nữ Việt vẫn có thể “tự thể hiện mình” (se réaliser).
Sau đây xin trích dịch đoạn kết công trình nghiên cứu ấy, một tài liệu hầu như chưa được công bố: “Thời nào cũng vậy, người phụ nữ An Nam luôn là hình mẫu của sự trong sáng vô cùng thuần khiết. Các chị luôn là nơi gửi gắm những phẩm chất phụ nữ cao quý; trong khuôn khổ gia đình, đã từ nhiều thiên niên kỷ nay, các chị vẫn luôn thể hiện được mình mà không bị tác động bởi những biến đổi của xã hội hay đất nước. Những bất cập trong hệ thống xã hội của chúng ta, những yếu kém của nam giới chẳng bao giờ khiến các chị đi chệch khỏi con đường mình đã chọn theo sự mách bảo của trực giác sâu sắc. Các chị luôn nhận thức được rằng Khổng học tuy có đặt ra những khuôn mẫu quá đỗi chật hẹp nhưng lại giúp mình đảm bảo được cuộc sống vật chất đầy đủ để có thể vươn tới một sự tự do đích thực. Các chị không tự khẳng định mình bằng những đòi hỏi này nọ ầm ĩ, mà bằng chính sự chiến thắng của tinh thần trách nhiệm vượt lên trên bản năng. Các chị không phải là nô lệ, không hề, bởi các chị đã biết tự giải phóng mình khỏi những ham muốn, tự nhìn rõ bản thân.
Người phụ nữ An Nam về bản chất chẳng cao siêu gì hơn những chị em ở phương Tây hay phương Đông của mình; các chị thuộc mẫu người mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu có trật tự đạo đức, mỹ học và tôn giáo mạnh mẽ có thể giúp các chị tìm được câu trả lời thoả đáng cho nỗi lo và quan niệm về cái vô hạn của mình. Thực chẳng ích gì việc đem so sánh Andromaque với Khương Thị, Brunehilde với Bùi Thị Xuân... Việc sản sinh ra các nữ anh hùng hào kiệt không phải là đặc quyền của riêng một chủng tộc nào. Trong mọi thời đại, các chị luôn là những minh họa bi thảm cho sự bất diệt của Tình yêu. Chừng nào người phụ nữ An Nam còn chưa bị cám dỗ bởi chủ nghĩa vật chất cá nhân trong vỏ bọc đẹp đẽ, chừng ấy các chị vẫn giữ được những truyền thống đúng với bản chất phụ nữ của mình...”
Sự gặp gỡ tư tưởng giữa Đặng Phúc Thông với chị H.V.Holst cách nhau gần một thế kỷ ở hai phương trời khiến ta thêm trân trọng lớp trí thức Tây học đầu tiên của đất nước.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015