Bài ca về nghị lực sống và trí tưởng tượng sáng tạo tuyệt vời
Tên sách: Chiếc áo lặn và con bướm
Tác giả: Jean-Dominique Bauby
Giá: 30.000đ
Số trang: 129
Nhà xuất bản: Lao động - Xã hội
Khổ: 12 x 20
Dạng bìa: Bìa mềmThoát khỏi chiếc áo lặn ngột ngạt để biến thành cánh bướm tự do
Có thể đối với bạn hay với bất cứ một người nào khác thì viết một cuốn sách dày hơn 100 trang là một điều bình thường. Nhưng với một người liệt toàn thân, chỉ có thể giao tiếp với thế giới bằng những cái chớp mắt, và việc viết một cuốn sách như thế cần tới hơn 200.000 lần nháy mắt thì đó không phải là một việc bình thường, nếu không muốn nói là phi thường.
Chiếc áo lặn và con bướm (Tên tiếng Anh: The Diving Bell and the Butterfly) là tác phẩm kinh điển của Jean Dominique Bauby – Tổng biên tập tạp chí Elle - sáng tạo ra trong thời gian ông nằm trong bệnh viện thuộc khu nghỉ dưỡng Berck Plage, miền Bắc nước Pháp. Nằm bất động trên giường bệnh, không thể động đậy, ăn uống hay hít thở mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Chỉ có trí nhớ, óc tưởng tưởng và duy nhất con mắt trái vẫn hoạt động. Nhưng chính con mắt đó là sợi dây liên hệ giữa ông và thế giới bên ngoài, với cuộc sống.
Trong thời gian 2 tháng (tháng 7 và 8 tháng năm 1996), ông đã viết tác phẩm Chiếc áo lặn và con bướm. Mỗi lần trò chuyện, cô âm ngữ trị liệu đọc bảng mẫu tự, tới đúng chữ cái mà Bauby muốn thì ông nháy mắt một cái, rồi từng chữ cái một ghép thành một từ, rồi các từ nối với nhau để thành ý nghĩa của một câu... Mỗi buổi sáng, Bauby bắt đầu bằng sáng tác bằng việc ghi nhớ những trang đã viết, sau đó “nghe đọc chính tả” để viết những trang mới, và cuối cùng là sửa chữa tổng hợp, cứ như thế, từng từ, từng câu, từng đoạn. Phải mất hơn 200.000 lần nháy mắt và mỗi từ tốn khoảng 2 phút, tác giả mới hoàn thành cuốn sách.
Cuốn sách mô tả cuộc sống của ông ở bệnh viện thuộc khu nghỉ dưỡng Berck Plage, miền Bắc nước Pháp, mối quan hệ của ông với những người xung quanh, những cuộc viếng thăm của vợ con ông, những buổi làm việc để hoàn thành tác phẩm độc nhất vô nhị này. Bố cục của cuốn sách được chia theo dòng cảm xúc của tác giả: cảm xúc khi ngồi trên “xe lăn”, rồi “tắm” thế nào khi không thể làm chủ được các bộ phận thân thể, “giấc mơ” của ông, những buổi ra ngoài “đi dạo” với các con…
Nằm viện ở tuổi 44 và bị cầm tù bởi bộ quần áo đặc biệt, nhưng tinh thần của Bauby vẫn tự do bay nhảy như một chú bướm. Trí nhớ đưa ông những kỷ niệm đầy xúc động với bố ông, về lần cạo râu cuối cùng cho bố, những cuộc điện thoại của ông bố cũng đang bị “nhốt” trong căn gác ba nơi ông ở, bởi “đôi chân bố tôi, ở tuổi 92, cũng không cho phép bước xuống các bậc cầu thang oai vệ nơi ông ở nữa”. Trí nhớ lại đưa ông tới lần cùng người tình Josephine đi hành hương tại tỉnh lỵ Lourdes, nằm trên rặng núi Pyréné, rồi những chuyến đi đến Hồng Công, đi trượt tuyết, đi thăm Kim Tự Tháp, thực hiện những ước mơ ngày còn bé, trở về thế kỷ trước, được tiếp chuyện cùng Nữ Hoàng Eugénie (Emma de Caunes)… Trí tưởng tượng thoát ly khỏi cái thân thể (giờ đây như là ngục tù) được ví như người lặn xuống biển, thân hình bị gò bó, đóng khung trong bộ đồ lặn, chỉ có cặp mắt để nhìn biển cả, nhưng bù lại trí tưởng tượng là con bướm đưa ông chu du khắp bốn bể năm châu.
Câu chuyện về Jean-Dominique Bauby viết văn bằng… mắt đã làm rung động trái tim của hàng triệu người đọc như một tấm gương về nghị lực phi thường. Cuốn sách ngập tràn sự dịu dàng, hóm hỉnh, một cái nhìn khách quan, nồng nàn và tươi đẹp về cuộc sống. Nói như nhà phê bình văn học Pascale Arguedas khi đọc tác phẩm của Bauby: “Khi người ta chỉ còn có từ ngữ, không có từ nào là dư thừa cả...”
Nghị lực phi thường đã giúp một con người mắc bệnh hiểm nghèo làm nên điều kỳ diệu này. Sau khi được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 6-3-1997, tác phẩm nhận được vô số lời khen ngợi của các nhà phê bình danh tiếng và đã bán được 150.000 bản ngay trong tuần đầu tiên. Nó đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất châu Âu. Có thể nói đây là tác phẩm đặc biệt nhất của thế kỷ và là bài học về nghị lực cho nhân loại nói chung.
Chiếc áo lặn và con bướm được xuất bản vào tháng Ba năm 1997, đúng ba ngày trước khi ông qua đời. Cuốn sách sau đó đã được dịch và xuất bản trên 30 nước, làm xúc động hàng triệu người đọc trên toàn thế giới.
Tháng Năm 1997, chỉ hai tháng sau khi cuốn sách ra đời, bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của đạo diễn Julian Schnabel đã được công chiếu, và liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng quốc tế: giải đạo diễn xuất sắc nhất (Liên hoan phim Cannes 2007, Giải thưởng Quả cầu vàng 2008), giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Mathieu Amalric (giải Cesar 2008), đặc biệt là giải phim nước ngoài hay nhất (Giải thưởng Quả cầu vàng 2008).
Về tác giả: Jean-Dominique Bauby (23/04/1952 - 09/03/1997) giữ chức Tổng biên tập tạp chí phụ nữ Elle cho đến ngày ông bị một biến cố về mạch máu ở tuổi 43. Căn bệnh đã làm ông hôn mê rất nặng. Khi tỉnh lại vào 20 ngày sau đó, các chức năng vận động của ông đều đã bị liệt. Ông không thể động đậy, ăn uống hay hít thở mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Cả cơ thể bất động này chỉ còn một con mắt trái có thể nhúc nhích mà thôi. Nhưng chính con mắt đó là sợi dây liên hệ giữa ông và thế giới bên ngoài, với cuộc sống. Ông nháy mắt một lần để nói “phải” và hai lần để nói “không”. Với con mắt của mình, ông đã lưu ý người đối thoại về những chữ của bảng chữ cái mà người ta đọc cho ông và bằng cách đó lập ra các từ, các câu để viểt thành cả trang sách.
Số phận bi thảm đã khiến Bauby không có được cuộc sống bình thường. Song với tất cả nghị lực của mình, ông đã dũng cảm vượt qua số phận không may mắn để hoàn thành cuốn sách Chiếc áo lặn và con bướm theo một cách viết kỳ lạ, độc đáo và nhọc công nhất. Từng con chữ, từng câu văn, từng trang sách được hình thành bằng cách ghép từng chữ cái qua những lần chớp mắt.
Trích đoạn sách hay:
Từ sau tấm riđô bằng vải bị nhậy cắn là thứ ánh sáng màu sữa báo hiệu ngày mới đang đến gần. Đầu gối tôi đau nhức, đầu cứng ngắc và thứ gì đó như thể áo lặn siết chặt lấy toàn bộ cơ thể. Căn phòng từ từ ra khỏi bóng tối nhập nhoạng. Tôi nhìn thật kĩ các tấm ảnh của người thân, tranh các con vẽ, hình vận động viên đua xe đạp nhỏ bằng sắt màu bạc một người bạn gửi tặng vào trước ngày bắt đầu giải xe đạp đua Paris-Roubaix và cái giá treo hình chữ T đang chìa ra bên trên chiếc giường nơi tôi bị đóng cứng vào từ suốt sáu tháng nay như một con ốc mượn hồn nằm trong vỏ.
Tôi không mất nhiều thời gian để nghĩ xem mình đang ở đâu và hồi tưởng lại cuộc đời mình đã đảo lộn như thế nào từ thứ Sáu ngày mồng Tám tháng Mười Hai năm ngoái.
Cho đến tận khi ấy, tôi chưa bao giờ biết đến thân não là gì. Nhưng ngày hôm đó, tôi đã khám phá ra nó chính là bộ phận quan trọng trong bộ não người, là đường nối liền giữa cấu trúc não và tủy sống. Tai biến mạch máu não hôm đó đã khiến thân não ngừng hoạt động. Trước đây, bệnh này được gọi là chứng “xung huyết não” và người mắc bệnh đơn giản là qua đời. Tiến bộ y học giúp người bệnh tránh được cái chết nhưng cuộc sống của họ lại gắn liền với hội chứng khóa trong (hay “hội chứng bị nhốt trong tiềm thức”).
Tôi đã trải qua 20 ngày hôn mê và vài tuần mờ mịt không hiểu gì trước khi thực sự nhận ra mức độ tàn phá cơ thể của tai biến vừa rồi. Đến tháng Giêng, tôi mới hoàn toàn tỉnh táo, trong căn phòng số 119 thuộc Bệnh viện Hàng Hải, Berck. Căn phòng đang được chiếu rọi với những tia sáng bình minh đầu tiên.
Đó là một buổi sáng hoàn toàn bình thường. Từ bảy giờ sáng, tiếng chuông từ nhà thờ bắt đầu đánh dấu thời gian, cứ 15 phút lại có một tiếng chuông. Sau thời gian “đình chiến” ban đêm, hai phế quản tắc nghẽn của tôi lại bắt đầu thở ầm ĩ. Hai bàn tay co quắp trên tấm vải trải giường màu vàng khiến tôi đau đớn mà không xác định được liệu chúng đang bị bỏng rát hay lạnh cóng. Để chống lại chứng cứng khớp ấy, tôi thực hiện cử động phản xạ vươn vai khiến tay và chân nhúc nhích được vài milimét. Thế cũng đủ để khiến cái tay đang đau kia dịu đi đôi chút.
Chiếc áo lặn trở nên đỡ ngột ngạt hơn và tâm trí tôi có thể lang thang như một cánh bướm. Có nhiều thứ để làm. Tôi có thể bay trong không gian hay thời gian, đi tới đảo Đất Lửa hay triều đình của nhà vua Midas.
Tôi có thể đến thăm người phụ nữ yêu dấu, luồn vào cạnh nàng và vuốt ve khuôn mặt còn đang say ngủ của nàng. Tôi có thể mơ mộng đến việc xây lâu đài xứ Tây Ban Nha, chiếm lấy Bộ lông cừu vàng, khám phá hòn đảo huyền thoại Atlantide, thực hiện những giấc mơ trẻ nhỏ hay mộng ảo của người lớn…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh