Chúng ta không nhìn, mà tưởng tượng thế giới

04:04 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Bảy, 2005

Những hình ảnh mà bạn nhìn thấy mấy phần thực, mấy phần hư? Các nhà khoa học khi quan sát não chồn sương - với cấu trúc gần giống não người - đã phát hiện 80% những gì con người biết về thế giới là do hình dung.

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên sự thừa nhận rằng những nguyên lý cơ bản của con người cũng giống như với các loài thú như chồn sương.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Rochester ở New York đã cắm các điện cực rất mảnh vào vùng vỏ não thị giác của chồn sương. Ba nhóm chồn thí nghiệm gồm một số con non vừa mở mắt, số khác khác lớn hơn một chút và nhóm thứ ba là những con đã trưởng thành. Nhóm nghiên cứu sau đó so sánh hoạt động não của chúng trong 3 tình huống: khi chúng đang xem bộ phim Ma trận, khi đang xem các cảnh tĩnh trên tivi, và khi ở trong bóng tối hoàn toàn.

Michael Weliky, trưởng nhóm nghiên cứu, phát hiện thấy nếu như não của chồn con nhấp nháy không theo một quy luật nào ứng với những hình ảnh mà chúng nhìn thấy, thì ngược lại, ở nhóm trưởng thành, não loé sáng rất có trật tự, ngay cả khi chúng ở trong bóng tối.

Khi chồn sương trưởng thành xem phim hoặc ảnh tĩnh trên tivi, não của chúng hoạt động mạnh lên 20% và phản chiếu những hình ảnh mà chúng thấy. Trong khi đó, ở nhóm chồn mới mở mắt, cũng là các hoạt động tư duy, song chẳng có gì khác nhau khi chúng ở trong phòng tối, đang xem ảnh hay phim khoa học viễn tưởng.

Điều này chứng tỏ dù chồn sương con (hay đứa trẻ) có để ý đến bức ảnh tĩnh hay cuốn phim động, nó không thể phân biệt được chúng. Trong khi đó, người trưởng thành, qua quá trình quan sát lâu dài, có thể phân biệt được hai vật thể đó. Nói cách khác, khi chúng ta lớn lên và trưởng thành, não bộ học cách phân biệt cảnh vật bên ngoài bằng cách đối chiếu chúng với những tư duy của mình về thế giới, Weliky lập luận.

Điều ngạc nhiên là dường như vận động nội tại của não tạo ra đến 80% nội dung mà chồn sương trưởng thành cảm nhận về môi trường xung quanh. Nếu điều đó cũng đúng với người, thì theo Weliky, nó có nghĩa là hiểu biết của chúng ta về thế giới phụ thuộc phần lớn vào khả năng giải mã thực tế của não. "Nó giống như một đại dương - nơi nước sâu tới hai dặm với một số gợn sóng lăn tăn trên bề mặt. Các gợn sóng này là những thực tế mà bạn thấy được, còn toàn bộ dưới sâu là vùng hoạt động nội tại của não còn chưa được biết đến".

"Khi quan sát một vật, 80% những gì chúng ta nhìn thấy bắt nguồn từ tư duy nội tại, trong khi chỉ 20% là thực tế", Weliky nói. "Câu hỏi lớn ở đây là, điều gì diễn ra trong đầu để tạo nên bức tranh đó". Ông cho biết nghiên cứu đã minh chứng một bài học mà Neo, nhân vật của bộ phim Ma trận đầu tiên học được, rằng thực tế không chỉ là những gì bạn nhìn thấy.

Mục tiêu tiếp theo của nhóm nghiên cứu là tìm ra yếu tố đã tạo nên 80-90% hoạt động não bộ này.

Nguồn:Vnexpress
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giới hạn của nhận thức

    23/09/2014Đỗ Kiên Cường“Tự nhiên như người đàn bà ưu làm đỏm, khi thì phơi bày phần này, khi thì phơi bày phần khác trên cơ thể của mình. Và người chiêm ngưỡng kiên nhẫn đến một lúc nào đó sẽ nhìn thấy tất cả”. Đầu thế kỷ XIX, nhằm ca ngợi khả năng vô hạn của nhận thức, nhà khoa học Pháp lừng danh, hầu tước Laplace (1749-1827), được người đương thời xem là có đóng góp khoa học chỉ sau Newton, đã thốt lên nhận định bất hủ như vậy. Hỏi còn gì ve vuốt trí tuệ loài người hơn?
  • Nghệ thuật, trí tưởng tượng và nhà khoa học

    19/07/2005Tôi muốn mượn tiêu đề bài báo của giáo sư sinh lý học Robert Root-Berstein, Viện Đại Học tiểu bang Michigan, trên tạp chí Nhà khoa học Mỹ đầu năm 1997 để bàn về mối quan hệ giữa ý thức và vô thức, giữa trí tưởng tượng và tư duy phân tích trong sáng tạo văn học nghệ thuật và sáng tạo khoa học kỹ thuật, một chủ đề hấp dẫn từng gây nhiều tranh cãi không chỉ tại Việt Nam ta.