Người cha thầm lặng...
Tôi định viết về ông đôi lần, nhưng lại thôi do nghĩ đây là chuyện riêng tư. Bởi, tuy có một tính cách lớn, một tấm lòng cao thượng, là ân nhân của hàng trăm gia đình cùng cực trên đất nước này, ông lại rất thầm lặng, ngại ồn ào và chưa bao giờ tiếp xúc truyền thông...
Ông là một doanh nhân Úc, là giám đốc điều hành một công ty cung ứng thiết bị máy xây dựng hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hà Nội. Năm 1997, trong một chuyến thăm Việt Nam, khi biết người hướng dẫn mình là một sinh viên có hoàn cảnh vô cùng khốn khó, ông đã đề nghị trợ giúp để em học đại học. Lúc đó, khoản tiền hỗ trợ này chẳng là bao đối với ông, nhưng lại quá lớn, quá bất ngờ đối với một sinh viên nghèo hiếu học.
Một thời gian sau khi ông sắp quên chuyện cũ thì em sinh viên ông giúp ngày nào đã tìm đến. Lúc này em đã ra trường, đã có việc làm ổn định. Và điều em đem đến cho ông không là lời cảm ơn, cũng không phải món quà cảm tạ, mà chỉ để xin được gọi ông là cha (daddy). Khoảnh khắc ấy làm ông xúc động, hạnh phúc, thoáng như lời kêu gọi, rằng còn nhiều em khác đang cần ông, bởi đây không là cá biệt... Chính sự nặng lòng này đã kéo ông trở lại Việt Nam làm việc cực hơn, ở lại lâu hơn, trực tiếp chia sẻ với người bất hạnh, cụ thể là nuôi sinh viên. Dấu ấn của người cha tôi muốn kể là đây...
Những sinh viên được ông nuôi là những em có gia cảnh đặc biệt khó khăn. Nhẹ là những trường hợp không đủ cái ăn, cái mặc, là lây lất qua ngày, và chuyện học hành trở nên xa vời. Nặng thì vô cùng: là ung thư, tật nguyền, tàn phế, tai ương, neo đơn, mồ côi, không nơi nương tựa. Tuy vậy, ông chọn rất kỹ, có tiêu chí rõ ràng. Để cho chắc, lúc đầu ông phải nhờ cộng đồng người Việt ở Adelaide tư vấn về thông tin và cách xét. Theo đó, chỉ những em đậu đại học và cao đẳng mới được chọn. Bởi ông nuôi bằng tiền túi của mình, không ai bảo trợ, nên không thể mở rộng. Các em sẽ được nuôi ăn học cho đến khi tốt nghiệp, được tiếp sức đến nơi đến chốn để về sau có thể tự sống, tương trợ và giúp người cùng khổ khác.
Trong hơn mười lăm năm qua, số sinh viên “trúng tuyển” vào gia đình ông đã lên đến 650, trải dài 45 tỉnh thành từ Bắc tới Nam. Bình quân mỗi năm có hơn 50 em được nhận thêm và cũng khoảng chừng đó em tốt nghiệp đủ ngành nghề. Không ít trong số này nay là các kiến trúc sư, bác sĩ, kỹ sư giỏi, thành đạt và đã có gia đình. Điều đặc biệt, mặc dù rất bận rộn với công việc điều hành doanh nghiệp, phải di chuyển liên tục trong và ngoài nước, ông vẫn dành thời gian đi thăm từng gia đình, dự đám cưới các em, không ngại ngồi ăn chung hay thậm chí nghỉ lại tại một gia đình nghèo nào đó. Rất bình dị!
Bên cạnh việc nuôi các em ăn học, ông còn làm nên nhiều điều kỳ diệu. Câu chuyện về em bị dị tật ở Đồng Nai là một ví dụ. Em này có đôi chân co quắp, từ nhỏ đến lớn chỉ có thể bò chứ không đi được. Thấu hiểu ước mơ của em và nỗi đau của gia đình, năm 2008 ông đã đưa em sang Úc, cho ăn ở tại nhà mình, thu xếp bác sĩ giỏi và cơ sở chỉnh hình tốt nhất tại Sydney để hội chẩn, tiến hành nhiều bước phẫu thuật phức tạp, thực hiện các kỹ thuật tái lập đồng thời, để đôi chân em có thể duỗi ra và đi đứng được. Quá trình này kéo dài hơn một năm và tôi chắc rất tốn kém. Nhưng chính lòng nhân từ, sự quyết đoán kiên trì của ông mới đáng phục. Bởi không chỉ có lạc quan, bởi ngay giới phẫu thuật Úc cũng thấy đây là ca khó và kết quả đạt được là ngoài mong đợi. Giấc mơ “hóa kiếp” ông đem lại cho em thật là kỳ diệu! Nay thì em đã có thể đi xe máy và đang làm việc tại một công ty trong khu công nghiệp Amata.
Theo nguyên lý kinh tế, lạc phúc cho bởi những đồng tiền vượt xa ngưỡng thỏa mãn sẽ ít dần, ít dần, và sự hoang phí rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, nếu chúng được sử dụng để mang lại điều tốt cho xã hội, cho tha nhân, thì lạc phúc sẽ được nhân đôi. |
Những câu chuyện vượt lên số phận như vậy còn nhiều... Có em đã ví đó như chuyện thần tiên của ngày xửa ngày xưa, với fairy tale và once upon a day... trong một bài viết bằng tiếng Anh của mình.
Tôi gặp ông và đã trở thành thân thiết khoảng hơn mười năm nay. Tháng 7-2010, sau khi dự một sự kiện gia đình cùng chúng tôi tại Wollongong, trên đường cho cả nhà tôi quá giang lên Sydney để bay đi Melbourne, ông nói vui “ngày mai chiếc xe này của tôi sẽ có chủ khác...”. Lúc ấy tôi mới hay đó là thời gian ông thu xếp nhiều việc tại Úc để đến Hà Nội với dự định sẽ ở lâu tại Việt Nam.
Năm ngoái, trong một dịp ra Hà Nội làm việc, tôi được ông đưa về nhà ăn tối. Căn nhà nhìn ra toàn cảnh hồ Tây trông thoáng đãng, hao hao như có chút biển trời của khu Vaucluse sang trọng tại mạn Đông Sydney nơi ông ở.
Ngày nay, vào các dịp “sum họp” hàng năm tại Sài Gòn và Hà Nội, gia đình ông còn có thêm nhiều dâu, rể và các cháu nội, ngoại. Vài thân hữu gần gũi, trong đó có tôi, cũng được ông mời dự như chú bác của các em. Đây là dịp ông truyền thêm sức sống cho các em. Thông điệp mà ông thường nhắc là “dream, believe and do”, và hình tượng ông thích trưng dẫn để động viên các em vươn lên là biểu tượng chuột túi kangaroo và chim emu của Úc, là những con vật có đặc điểm chỉ đi tới chứ không bước lùi. Gần đây ông bắt đầu quan tâm nhiều đến việc làm của các em...
Chắp cánh ước mơ là cách dùng phổ biến khi các em kể lại bước ngoặt làm thay đổi đời mình... “Dad không chỉ giúp tài chính cho sinh viên mà còn là người cha tuyệt vời, là chỗ dựa vững chắc và là tấm gương để chúng con noi theo. Dad là người cha đặc biệt, đã chắp cánh ước mơ cho rất nhiều sinh viên Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước”.
Những lời lẽ đẹp và chân thành tải đi lòng biết ơn của các em với người cha Úc ấy đã được các em tập hợp thành một tập sách dày nhiều trăm trang, coi đó như món quà tinh thần tôn vinh ông. Tôi đã đọc những dòng cảm động của một em gái tên Duyên ở Bến Tre: “Cha tâm thần, mẹ ung thư giai đoạn cuối và mất chỉ ba ngày trước ngày em thi vào đại học... Trong hoàn cảnh khốn cùng ấy ông đã cưu mang cả nhà em, an ủi em khi bế tắc, vực em dậy lúc suy sụp. Nay em đã ra trường, tự tin sống tốt. Tất cả là nhờ công ơn Daddy”. Em kể trong nước mắt...
Theo nguyên lý kinh tế, lạc phúc cho bởi những đồng tiền vượt xa ngưỡng thỏa mãn sẽ ít dần, ít dần, và sự hoang phí rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, nếu chúng được sử dụng để mang lại điều tốt cho xã hội, cho tha nhân, thì lạc phúc sẽ được nhân đôi. Đây có chăng một triết lý kinh tế phước thiện, chút thăng hoa của sự nghiệp kinh doanh, toát lên phẩm giá cao đẹp của doanh nhân sau thành đạt...
Quý mến tấm lòng nhân ái của ông, tôi trộm viết bài này. Và do viết từ xa nên khó tránh thiếu sót. Xin ông bỏ qua nếu có điều không phải. Đến đây, dù rất muốn nêu tên ông, tôi vẫn không thể, vì biết ông thầm lặng. Nhưng với 650 đứa con và chừng ấy gia đình thương mến ông, tôi chắc ông hạnh phúc...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh