Chia sẻ nhân dịp 5 năm ngày ra mắt chungta.com

08:28 SA @ Thứ Bảy - 17 Tháng Bảy, 2010

Kính thưa bạn đọc,

Nhóm thực hiện Chungta.com chân thành cảm ơn bạn đọc hàng ngày đã viếng thăm website, cũng như nhiều cộng tác viên, tác giả đã ủng hộ về tinh thần với Chungta.com .

Kể từ ngày 17/7/2004, Chungta.com bắt đầu hoạt động phi lợi nhuận với mục đích trở thành cổng thông tin chia sẻ tri thức. Đến nay website đã tròn 5 tuổi. Nhân dịp này, chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị đôi điều về quá trình hình thành – phát triển cũng như phương thức hoạt động, tầm nhìn, mục đích của website.

1. Vài mốc thời gian của Chungta.com:

Ngày 27/10/2003, Chungta.com xuất hiện lần đầu trên Internet dưới dạng website của một nhóm bạn bè, chia sẻ thông tin cá nhân, gia đình trong nội bộ nhóm.

Ngày 17/7/2004, Chungta.com thay đổi phương thức hoạt động hướng tới mục đích như hiện nay "Chia sẻ tri thức - Phát triển văn hóa - Khai sáng cá nhân - Khai sáng cộng đồng". Chungta.com phát triển dựa trên sản phẩm VIE Portalcủa công ty Hanoi Software Jsc.


Hình ảnh web thuở ban đầu

Như vậy, Chungta.com ra đời và được định hướng hoạt động từ chính nhu cầu tiếp nhận văn hóa, tri thức mới của nhóm quản trị - một nhu cầu tinh thần tất yếu và thường trực. Mặt khác, càng làm website chúng tôi càng học hỏi, hấp thụ được nhiều điều bổ ích và nghĩ rằng Chungta.com còn có thể giúp cho mỗi người đi chậm lại trên thế giới online, suy ngẫm về những điều đã, đang và sẽ làm một cách sâu sắc, nhằm tự hoàn thiện chính những người còn trẻ và làm phần mềm như chúng tôi.

Lý giải logo ban đầu (có từ 7/2004)

Slogan:

Học từ quá khứ, Sống với hiện tại, Tin tưởng vào tương lai.
Quang trọng là người ta không ngừng hỏi. Sự ham hiểu biết có lý do để cần tới. (Albert Einstein)

* Hình Người vươn lên với ngọn lửa trên tay.Ngọn lửa tượng trưng cho ánh sáng của phong trào Khai Sánghồi thế kỷ 17-18 ở các nước Tư bản Anh - Pháp...

Ánh sáng tượng trưng cho Lý trí, Tiến bộ, Tự do đưa con người vượt khỏi huyễn hoặc, giáo điều, lạc hậu "tiểu nông đắc chí", bất công, tự hoàn thiện mình, vươn tới cái chân, cái thiện, cái đẹp. Tinh thần học hỏi, tinh thần hoài nghi, phê phán, nâng cao năng lực lý trí cá nhân, giúp cho con người suy nghĩ sáng suốt, xét đoán độc lập và có khả năng hành động đúng đắn, uốn nắn bản thân và không ngừng vươn lên trong xã hội.

* Cùng thắp lửa thành công: Chúng ta tiến vào tương lai không thể thiếu ánh sáng của ngọn lửa với tinh thần của kỷ nguyên Khai Sáng ấy.

Chungta.com sau 5 năm được cập nhật đều đặn và liên tục, từ tháng 2/2009 đến nay: logo và slogan của Chungta.com đã được thay đổi.

Lý giải logo hiện nay

Slogan:

Chia sẻ tri thức,
Phát triển văn hóa,
Khai Sáng cá nhân,
Khai Sáng cộng đồng.

Định hướng kế tục, làm chủ và vun đắp văn hóa mới

* Chim hạc: tượng trưng cho Bản sắc - văn hóa dân tộc, truyền thống - trường tồn; chuẩn mực - thống nhất - hài hòa; Giá trị đạo đức - nhân văn

* Mặt trời: tượng trưng cho ánh sáng của Văn minh - hiện đại, tính năng động - phát triển; phong phú - đa dạng - thực tiễn.

Chungta.com là nơi chia sẻ kiến thức và trao đổi quan điểm cá nhân một cách bình đẳng, trung dung, không cực đoan và không thành kiến. Các bạn có thể coi website như một môi trường:

- Khai sáng cá nhân: đem đến cho bạn đọc có thêm những góc nhìn mới, những phương pháp tư duy mới. Điều đó giúp mỗi cá nhân tự thúc đẩy, gia tăng giá trị bản thân và có giá trị cộng đồng.

- Khai sáng cộng đồng: Phát hiện, chia sẻ, truyền bá, cộng hưởng và phát triển văn hóa Việt cùng học hỏi thành tựu văn minh nhân loại.

2. Suy nghĩ trong quá trình xây dựng Chungta.com

Nhóm biên tập Chungta.com bao gồm những người trẻ tuổi, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực CNTT, am hiểu về kỹ thuật nhưng luôn có nhu cầu về tri thức, văn hóa.

Internet là biểu tượng của nền văn minh, một công nghệ - phương tiện cho phát triển cá nhân và xã hội hiệu quả, mở ra cơ hội cho một nước nghèo như Việt Nam tăng tốc vươn lên. Tuy nhiên, Internet tại Việt nam bị khai thác theo hướng giải trí quá đà, đồng thời là phương tiện tiếp tay cho cái xấu lây lan nhanh hơn tốc độ virus và làm cho các cá nhân (nhất là những người đang ở tình trạng Chưa Trưởng Thành) dành nhiều thời gian hơn để ngó nghiêng, cái vô bổ, cái độc hại bao vây, dụ dỗ...

Khi xây dựng Chungta.com, chúng tôi nhận thấy xét về mặt số lượng thì đa số websites nghiêng về web giải trí, vô bổ hoặc cung cấp thông tin mang tính tức thời. Ngược lại, số web có nội dung sâu sắc, có tầm nhìn và mục đích rõ ràng giúp cho độc giả có được phương pháp tư duy hiệu quả, phong cách tư duy độc lập, nâng cao tầm hiểu biết... lại rất ít. Trong khi đó, một mảng trầm tích - tư tưởng văn hóa của dân tộc (nhiều trăn trở, suy ngẫm của các trí thức, nhà văn hóa lớn), của nhân loại hết sức khổng lồ cũng đang chờ đợi chúng ta khám phá, khai thác, làm chủ.

Người Việt trưởng thành từ văn hóa tiểu nông, phong kiến "nối dài" đang trong giai đoạn chuyển mình sang văn hóa hội nhập. Nếu không có định hướng, các cá nhân dễ bị kinh tế thị trường lôi kéo, kích thích theo hướng không dừng ham muốn, thỏa mãn nhu cầu vật chất, mà bỏ quên các giá trị tinh thần.

Càng làm Chungta.com, các thành viên ban biên tập càng được khai sáng, càng phát triển khả năng tự nhận thức và gia tăng năng lực chia sẻ. Trong quá trình đó, chúng tôi đã tìm tòi, nhận ra, vô cùng kính phục những nhà văn hóa, nhà trí thức lớn của dân tộc. Họ thực sự là những thế hệ tinh hoa đã trở thành người khai sáng, mở đường và trao ngọn đuốc văn hóa cho thế hệ chúng ta tiếp bước đưa đất nước vào tương lai.

Để gánh trách nhiệm tiếp đuốc cha anh, mỗi người chúng ta cần kế tục những tư tưởng, suy tư sâu sắc, thấm đẫm văn hóa và tinh thần nhân văn của các thế hệ trước. Nó đòi hỏi các cá nhân sắp xếp, dành thời gian, huy động cả tâm tư, trí tuệ để giao lưu, chia sẻ, tranh luận cọ xát. Đó là thông điệp Chungta.com đem đến để mỗi người có thể tự khai thác ở website những tư tưởng giúp ích việc tự hoàn thiện.

2.1 Khai Sáng, quá trình mỗi cá nhân và dân tộc phải trải qua

Khai Sáng theo cách hiểu của triết gia Kant năm 1784 có nghĩa là "Mỗi người có quyền bình đẳng, dám hiểu biết, dám can đảm sử dụng lý trí của mình, không vì sự dẫn dắt của người khác. Mọi niềm tin, hành động đều đến từ lý trí chứ không dựa trên Mê muội của thiếu hiểu biết, Bóng tối của uy quyền, Thần quyền của tôn giáo, thói quen, kinh nghiệm hay truyền thống." Từ đó, xã hội luôn đề cao, tôn trọng những ý tưởng mới, tinh thần sáng tạo, phê phán của cá nhân và đề cao tầng lớp trí thức. Phong trào Khai Sáng tại châu Âu đã làm nên những biến chuyển "dân quyền, tự do, dân chủ..." của Nhà nước, xã hội và con người của phương Tây, Nhật Bản các thế kỷ 17, 18 từ mô hình phong kiến trước đó.

Trong những danh nhân văn hóa lớn của dân tộc, nhóm biên tập Chungta.com chú ý đến những người sáng lập ra phong trào Duy Tânkhai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Việt Nam từ năm 1906 là Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng. Họ đã sớm tiếp nhận tư tưởng Khai Sángvà đưa tinh thần đó vào Việt Nam.

Tiếc rằng, cho đến nay do điều kiện lịch sử của đất nước, phong trào đó bị gián đoạn và chúng ta chưa thực sự sống với tinh thần Khai Sáng. Bởi thế, Khai Sáng không nên chỉ là phong trào nhỏ lẻ mà thực sự cần được khuyến khích tái sinh và chuyển hoá vào thực tiễn và hành động cụ thể, nhất là trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. (Xem thêm: Cần cuộc cách mạng Khai Sáng của người Việt )

2.2 Tha hóa - cảnh báo về vấn nạn của mỗi cá nhân thời kinh tế thị trường

Vấn nạn lớn nhất, trầm trọng nhất của từng người và đất nước ta sẽ là gì? Karl Marx năm 1848 khi nghiên cứu Chủ nghĩa Tư bản đã dự báo một cách khoa học cho chúng ta rằng khi bước vào kinh tế thị trường thì con người có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của sự tha hóa: từ người lao động đến người chủ doanh nghiệp đều có nguy cơ luôn thường trực khả năng bị tha hóa. Làm thuê theo quan hệ chủ-tớ, bóc lột và tư hữu hóa, nhà nước bất bình đẳng của giới chủ... là căn nguyên của sự tha hóacon người ở cả người làm thuê lẫn chủ bóc lột.

... Tha hóa đồng nghĩa với biến chất, mất đi phẩm chất, mất đi những giá trị làm người, ta không còn là ta, ta đã đánh mất ta. Sự bóc lột trong xã hội tư bản làm cho con người nghèo khổ, đánh mất giá trị của mình. Đồng tiền của tư bản đã làm cho người công nhân bị tha hóa. Đồng tiền đã chế ngự họ, làm cho họ trở nên sống sùng bái đồng tiền. Trong sản xuất của chủ, người công nhân trở thành một loại sản phẩm, và họ càng ngày càng trở nên nghèo nàn hơn trong đời sống nội tâm và càng ngày họ mất đi thời gian chăm sóc mình, xa lánh và mất dần bản thân.

Sản phẩm lao động không thuộc về người thợ. thể xác, tinh thần, những đau khổ, những mệt mỏi, yếu đuối, đời sống riêng tư... tất cả đều chống lại người thợ, độc lập với người thợ và không còn thuộc sở hữu của họ. Họ xa lạ với sản phẩm, với nhau và với thế giới loài người.

Nhà tư sản thông qua bóc lột ngày một giàu có hơn, tư bản nhiều hơn, cũng trở nên bị tha hóa. Dựa trên tư hữu cho bản thân ngày một nhiều, họ đặt sự ích kỷ thành triết lý sống, đặt lợi nhuận lên trên hết. Họ sẵn sàng làm xói mòn đạo đức xã hội, tìm cách tư hữu cả tài nguyên sở hữu của xã hội, gây băng hoại xã hội. Sự tự do quá trớn của cá nhân trong xã hội tư bản làm nảy sinh các nhu cầu quái dị, các loại tệ nạn xã hội... Cuối cùng sẽ tước đoạt hạnh phúc của nhiều người khác...

Biểu hiện của tha hóa cá nhân rất đa dạng: từ mất tự do trong phát triển cá nhân - mất năng lực tư duy và phản ánh của cá nhân/ tiếp cận các tài nguyên phát triển chung của xã hội, thiếu tự chủ và tự do trong sử dụng lý trí/ tâm hồn, thiếu năng lực tưởng tượng, tiên đoán tương lai, mất năng lực hướng dẫn chính trị, bất bình đẳng trong xã hội, tham nhũng/ lộng hành quyền lực...

Chúng ta có thể giúp gì cho việc hạn chế sự tha hóa con người đang rất trầm trọng trong xã hội hiện đại? Làm thế nào để các cá nhân cân bằng giữa lao động và phát triển vững bền cá nhân, giữa sử dụng lao động và chia sẻ thành quả lao động chung?

Trả lời những câu hỏi lớn nêu ra ở trên và có biện pháp giúp cho giảm bớt hiện tượng tha hóa đang là yêu cầu thiết yếu của dân tộc, các tổ chức và của mỗi người chúng ta.

2.3 Về những điều tốt đẹp, nhân văn vượt khỏi vòng kiềm tỏa của tính thực dụng trong nền kinh tế thị trường

Như đã biết, cơ chế thị trường có "bàn tay vô hình" điều chỉnh các hoạt động của cá nhân và tổ chức. "Dù phục vụ có lợi cho mình hay cho cộng đồng... trên con đường thực hiện thì dường như có một bàn tay vô hình điều chỉnh..." (Adam Smith, Sự thịnh vượng của các dân tộc, 1776).

Từ quá khứ, rất nhiều việc nhỏ, việc lớn của đất nước, dân tộc chúng ta đã làm được, vượt ra ngoài khuôn khổ tác động của cơ chế thị trường. Từ khi vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường , trong xã hội đồng tiền nhiều hơn, phương tiện công nghệ tân tiến hơn nhưng số đại gia và số người nghèo khổ không ngừng gia tăng, còn các đóng góp hảo tâm, không vụ lợi cho xã hội mang giá trị nhân văn tốt đẹp, theo chiều sâu văn hóa vẫn còn rất hiếm có. Liệu việc có ít những đóng góp đó (giúp cho con người và xã hội phát triển bền vững) có bắt nguồn từ nguyên nhân kinh tế thị trường không?

Chúng tôi cho rằng có những điều có ý nghĩa sâu sắc, nền tảng cho con người, xã hội phát triển bền vững như ước mơ, ý chí, sức mạnh tinh thần, nội lực văn hóa, giá trị công lý, niềm tin, tình yêu... là những giá trị ý nghĩa và không thể bị "bàn tay vô hình" của thị trường điều chỉnh. Đất nước ta sẽ sớm có đóng góp cho xã hội những giá trị to lớn, có tầm và tính văn hóa giống như các doanh nhân xã hội vĩ đại ở Mỹ như: Henrry Ford1), Andrew Carnegie2), Warren Buffett3), Bill Gates4)... (Xem: Các tỷ phú trong chiến dịch Nhân Ái hiến tặng 50% tài sản cho nhân loại)

Trong phạm vi khả năng, việc xây dựng Chungta.com nhằm đóng góp sự nghiệp Khai Sáng và phòng chống hiện tượng Tha Hóa phi lợi nhuận là lựa chọn của chúng tôi như một đóng góp tốt cho cộng đồng.

3. Nội dung và chuyên mục nội dung của chungta.com

Xét về cá nhân, tuy mỗi chúng ta là một cá thể duy nhất về ngoại hình, tính cách, trí tuệ tâm hồn, có những bí mật, sở thích và số phận của riêng mình nhưng cùng chung một con đường tiến về tương lai. Trên cuộc hành trình ấy, chúng ta chia sẻ với nhau những giá trị nhân sinh cao đẹp như tình yêu, sáng tạo, kiến thức... cùng soi sáng, phản tỉnh lẫn nhau, cùng hướng tới cái chân-thiện-mỹ, cùng lãnh trách nhiệm làm chủ đất nước, làm chủ nền văn hóa...

Kiếp nhân sinh của mỗi người có thể ngắn hay dài… lâu hay nhanh không quan trọng bằng ta biết cách ngẫm nghĩ và ngẫm ra những điều thực sự sâu sắc. "Cuộc sống như một cuốn sách. Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng. Người khôn ngoan vừa đọc vừa suy nghĩ. Vì biết rằng mình chỉ được đọc có một lần" (G. Paul). Những kinh nghiệm, lời khuyên sâu sắc, thông tuệ, thâm thúy ấy mỗi người đều cần đến. Nếu những điều sâu sắc đến đúng thời điểm và có tính thuyết phục cao thì giá trị đối với đời người là vô giá. Lầm đường lạc lối, hay nguy cơ phạm những sai lầm lớn sẽ ít xảy đến hơn.

Nhóm biên tập xây dựng Chungta.com để chia sẻ những gì gặt hái được, gạn lọc và lưu giữ những giá trị tốt đẹp, những bài học và hiểu biết để từng người nhận thức được đích đến, các giá trị cuộc sống và cách thức đạt được những điều đó. Tại đây mọi người phát biểu về cái chung đúng với tinh thần chia sẻ, cầu thị, gợi mở, nhẹ nhàng...

Nhóm biên tập đã xây dựng các chủ điểm theo tiêu chí trả lời những câu hỏi quan trọng cho cuộc đời một người. Bốn nhóm nội dung lớn của mục Suy ngẫm là:

a. Về bản thể:

Anh biết gì về thế giới mà anh quan sát được từ trước tới nay? (thế giới với nghĩa bao gồm tất cả: từ sâu thẳm tâm hồn/ tâm linh của anh, nỗi day dứt/ đau khổ/ sung sướng của đồng loại tới vũ trụ xa xăm và cả những nơi bí ẩn anh chưa còn chưa từng quan sát thấy). Chuyên mục:Về Hiện hữu

b. Về nhận thức luận:

Anh hiểu biết gì về cách anh đang đang quan sát thế giới; Về cách lý giải các mối liên quan giữa một hiện tượng đã và sẽ diễn ra với những hiện tượng đã diễn ra trước đó thế nào? Cách tìm ra và phân biệt được cách lý giải đúng với cách lý giải sai như thế nào? Chuyên mục:Về Nhận thức

c. Về giá trị:

Điều gì anh coi là có giá trị nhất, tối hậu cần phải gìn giữ, theo đuổi trên đời này, làm cho đời anh thực sự có ý nghĩa? Anh mong đợi, hy vọng vào một thế giới lý tưởng ra sao? Tiêu chí gì anh để lựa chọn một thế giới lý tưởng và hiện thực hóa nó?Chuyên mục:Về luân lý và giá trị

d. Về hành động:

Anh dự đoán những vấn đề cốt lõi gì chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai? Anh nên làm gì, làm như thế nào, theo nguyên tắc gì để có thế giới được như mong muốn? Chuyên mục:Về thực tiễn và hành động

4. Về mong đợi ở phía trước với Chungta.com

Để làm đúng tôn chỉ, mục đích của mình, ban biên tập Chungta.com còn phải vượt qua nhiều thách thức và khó khăn. Trên hành trình lâu dài ấy, rất mong cùng bạn đọc nỗ lực nhiều hơn nữa trong các hoạt động của website như sau:

  • Giới thiệu cho ban biên tập các bài viết hay hoặc các tác giả lớn có thể tham gia viết bài.
  • Viếng thăm website và dành thời gian chia sẻ, đóng góp ý kiến, tranh luận cọ xát cho các bài viết tâm đắc. Các ý kiến viết dưới dạng tiếng Việt có dấu, mang tính xây dựng, bổ sung suy nghĩ về nội dung bài mà không nhằm chỉ trích cá nhân, bôi xấu chính quyền đều sẽ được nhanh chóng đăng tải.
  • Giới thiệu web cho bạn bè. Chúng tôi không tiến hành quảng bá website rầm rộ mà mong muốn mọi người tự tìm đến và khai sáng bản thân. Vì vậy, nếu bạn đọc thấy website là có ích, hãy chia sẻ về Chungta.com với bè bạn của mình.
  • Đóng góp ý tưởng và cùng tham gia để Chungta.com hoạt động tốt hơn, hữu ích hơn cho cộng đồng.
  • Mọi hình thức hỗ trợ khác từ các cá nhân, tổ chức có cùng quan điểm, mục đích, tầm nhìn,... đều đáng trân trọng.

Chungta.com tin tưởng ở tương lai chung, sẽ nỗ lực hơn nữa và gia tăng hợp tác để chung tay góp ích cho cộng đồng. Rất mong được bạn đọc động viên, tham gia thường xuyên hơn!

Mọi thông tin xin liên hệ với ban biên tập

Bùi Quang Minh

Phụ trách website
E-mail: [email protected]
Mobile: 0903 205 306

Xem thêm:


1)Henrry Ford (1863-1947):vua ôtô đầu tiên của thế giới; áp dụng việc sản xuất hàng loạt và chế độ đãi ngộ cao công nhân, chia lợi nhuận cho công nhân. Cuối đời ông hiến tặng toàn bộ tài sản cho Quỹ Ford đẩy mạnh sự thịnh vượng cho cá nhân.

2)Andrew Carnegie (1835-1919): ông vua ngành thép của nước Mỹ; phần lớn cuộc đời ông chuyên tâm công việc từ thiện, xây dựng các thư viện cộng đồng và nghiên cứu khoa học.

3)Warren Buffett (1930-): ông là một nhà đầu tư thành công nhất, doanh nhân giàu nhất thế giới và nhà từ thiện lớn, đóng góp 85% tài sản (khoảng 30,7 tỷ USD) cho Quỹ từ thiện của Bill Gates và đóng góp thêm cho các quỹ giáo dục.

4)Bill Gates (1955-): vua ngành phần mềm, đã ngừng việc kinh doanh vào tháng 6/2008 và đang chuyên tâm làm từ thiện qua Quỹ Bill & Melinda Gates về y tế, giáo dục - quỹ từ thiện lớn nhất thế giới có vốn vào năm 2006 khoảng 31,9 tỷ USD.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: