Chia sẻ về sứ mệnh xây dựng chungta.com

04:49 CH @ Chủ Nhật - 19 Tháng Sáu, 2011

Ngày 11/5/2011, Chungta.com đã có hơn 100.000.000 lượt truy cập. Đây là một niềm vui nho nhỏ của chúng tôi trên chặng đường rất dài hoạt động theo tôn chỉ “Khai sáng cá nhân, Khai sáng cộng đồng” (dẫu cho nó chỉ bằng lượt đọc 1 tuần của trang web Dân Trí thôi).

Ngày 27/10/2003, Chungta.com xuất hiện lần đầu trên Internet với bài viết đầu tiên với “Chuyện Alibaba và Nền giáo dục Việt Nam trong thế kỷ 21: Ý tưởng cho giáo dục Việt Nam“.

Ngày đó, chúng tôi thấy rằng, nền giáo dục phải đảm nhiệm trọng trách của xã hội trao cho là giúp cho mỗi người biết cách chủ động trong học tập, biết độc lập suy nghĩ, sử dụng trí tuệ của mình, biết làm chủ và phát triển năng lực trí tuệ, năng lực tinh thần, biết cách nhận thức quyền tự do và sử dụng quyền tự do của mình (gồm cả tự do chính trị) một cách có trách nhiệm… Con người trưởng thành của nền giáo dục đó là con người thực sự tự do, con người của tinh thần Khai sáng, con người của nền giáo dục Khai phóng mà văn minh loài người vạch ra từ hơn 200 năm trước.

Vào lúc đó, và cả cho đến nay, hai điều chúng tôi nhận ra không có thay đổi gì đáng kể:

Điều thứ nhất, còn có rất nhiều người Việt tôi quan sát được, chưa từng khai sáng, nghĩa là chưa thể tự mình thoát khỏi trạng thái “vị thành niên” để trở thành “người trưởng thành” , nói như Immanuel Kant năm 1784, thì người trưởng thành là “con người thực sự với những phẩm chất mang tính người cao nhất“2). “Vị thành niên là vì không có khả năng sử dụng lý trí của mình mà không cần đến sự dẫn dắt của kẻ khác”. Có một tỷ lệ lớn người Việt ở mọi lứa tuổi đang lảng tránh những việc chung của đất nước bởi họ cho rằng đó là việc người khác nghĩ, người khác lo. Họ đang lười suy nghĩ, đang ích kỷ cá nhân chăng? I. Kant đã nói rõ “Lười biếnghèn nhát là những nguyên nhân tại sao có một phần lớn đến như vậy của nhân loại, sau khi đã được giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào thiên nhiên, mà suốt đời vẫn muốn tồn tại trong trạng thái tự phụ thuộc. Đây cũng là nguyên nhân tại sao có một số người dễ dàng phó mặc số phận của họ cho những người bảo hộ.”

Hậu quả của điều thứ nhất này là gì?

Càng trì hoãn khai sáng cho mình, cá nhân càng lún sâu vào việc phụ thuộc người khác, mất đi tự do hay là bị kẻ khác lợi dụng. Nhìn trên một diện rộng thì cá nhân đó đang vô trách nhiệm với nhân loại, với lịch sử, bị loại bỏ các nấc thang đầu tiên của chiếc thang sự nghiệp, mất đi năng lực làm một người công dân đúng đắn. Một cách không chống cự gì, người đó đã tự đánh mất cơ hội trở thành một người tự do bởi chính sự ru ngủ của “kẻ giám hộ”, của vỏ kén “vị thành niên” của mình.

Lý trí ngủ quên có thể hóa thành
loài vật.

Kant nói về trách nhiệm khai sáng của cá nhân với lịch sử nhân loại như sau: “Một người nào đó, có thể là vì lý do cá nhân, trong một giai đoạn nhất định, có thể trì hoãn sự khai sáng của anh ta về những vấn đề mà anh ta buộc phải nhận thức. Nhưng việc triệt tiêu sự khai sáng, có thể cho bản thân anh ta và hơn thế nữa, cho các thế hệ kế tiếp, đồng nghĩa với việc vi phạm, và chà đạp lên những quyền thiêng liêng của nhân loại.”

Kant nói về tính sâu sắc của các cuộc cách mạng xã hội như sau: “Một cuộc cách mạng cùng lắm là lật đổ được một chế độ độc tài bạo ngược, giải phóng khỏi sự áp bức về thân thể, nhưng một cuộc cách mạng không thể ngay lập tức làm thay đổi được tư duy của cộng đồng. Ngược lại, thành kiến mới lại đến, thay cho cái đã bị phế truất, để điều khiển đám đông ngu xuẩn kia.”

Và Kant cũng nói về đòi hỏi với một người công dân đích thực: “Một công dân không thể từ chối nghĩa vụ đối với quốc gia, anh ta có bổn phận phải thực hiện, một lời đùa cợt thôi cũng có thể bị trừng phạt một cách nghiêm khắc, để tránh những vi phạm có tính dây chuyền. Tuy nhiên, chính người đó, với trách nhiệm của một công dân và với tư cách của một học giả, công khai quan điểm của mình về những sự bất hợp lý, thậm chí là sự phi pháp của những nghĩa vụ mà anh ta đang phải thực hiện.”

Nói như Karl Marx: “Sự ngu dốt, đó là cái sức mạnh quỷ sứ, và chúng tôi sợ rằng nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch.”. Con người thiếu khai sáng, cộng đồng thiếu khai sáng sẽ đi đến kết cục xã hội không có tự do. I. Kant nói về điều này hết sức rõ ràng: “Điều đáng nói ở đây là cộng đồng, vốn dĩ trước đây bị hãm trong gông cùm của trạng thái tự phụ thuộc, lại dễ dàng bị lung lạc bởi một số kẻ đỡ đầu bảo thủ, những kẻ không đủ khả năng tự khai sáng. Đau đớn thay, những định kiến xấu xa do những kẻ kia gieo rắc đã khiến cho cộng đồng đó tự trả thù chính mình bằng cách kìm hãm, buộc những người ưu tú cùng ở lại trong vòng nô lệ. Do vậy, khai sáng cả cộng đồng là một quá trình lâu dài.” Cái hiện thực đơn sơ nhất của một cộng đồng chưa được khai sáng là:

“Khai sáng cho cả một cộng đồng, tất cả không cần gì khác ngoài tự do. Quyền tự do ngôn luận đó chính là dạng thức tự do nguyên sinh nhất để công khai trước cộng đồng lý trí của một cá nhân về mọi lĩnh vực. Nhưng tôi đang nghe thấy ở khắp mọi nơi tiếng rền rĩ: Đừng có tranh luận. Ngài sĩ quan nói, chớ tranh luận, hãy thực hành. Ông thuế vụ nói: Đừng tranh luận, trả tiền đi. Vị giáo sĩ nói: Đừng tranh luận, hãy tin tưởng. (Duy chỉ có một Ngài trên thế giới nói: Hãy tranh luận bằng tất cả năng lực của các người về bất kỳ cái gì các người muốn, nhưng hãy vâng lời!). Tất cả những điều này có nghĩa là giới hạn của tự do có ở mọi nơi. Nhưng giới hạn nào ngăn cản, và giới hạn nào thúc đẩy Khai sáng?

Tôi có thể trả lời: quyền tự do công khai lý trí cá nhân cần phải được tôn trọng tuyệt đối, và nó sẽ mang đến sự khai sáng cho nhân loại; Việc sử dụng lý trí một cách riêng tư thường được chấp nhận trong một giới hạn nhất định khi mà nó không làm cản trở sự tiến bộ của khai sáng. Nhưng quyền công khai lý trí của một cá nhân, theo tôi hiểu, đó là việc một cá nhân, với tư cách là một học giả, được phát ngôn trước toàn thể công luận, còn việc sử dụng riêng tư lý trí của một người, đó là một cá nhân cụ thể được sự tín nhiệm của cộng đồng, có thể sử dụng lý trí của riêng họ một cách riêng tư trong những điều kiện và khuôn khổ nhất định.“

Khi còn vị thành niên, người ta tuy sống trong thế kỷ 21 sẽ vẫn vô cảm, sẽ vẫn không bận tâm về những điều quan trọng, những nguyên do đã được cả kỷ nguyên Khai Sáng khởi thảo và văn minh nhân loại đi suốt hơn 200 năm qua. Nhờ phong trào Khai Sáng mà tại châu Âu đã làm nên những biến chuyển “dân quyền, tự do, dân chủ…” của Nhà nước, xã hội và con người và Nhật Bản các thế kỷ 17, 18 bứt lên ngoạn mục từ mô hình phong kiến lạc hậu trước đó.

Điều thứ hai, người Việt đã quá lãng phí và vô cảm đối với những cơ hội để cùng nhau vươn lên, cùng nhau khai sáng. Ba yếu tố tôi quan sát là: 1) việc tận dụng công nghệ Internet cho học tập, thực học; 2) xuất bản và học tập tinh thần của những tác phẩm kinh điển, tinh hoa; 3) môi trường tư tưởng, phản biện cởi mở, văn minh

1) Về công nghệ Internet, rất nhiều bạn vẫn đang quay cuồng trong thế giới tin tức online theo cách sai lệch, vô nghĩa.

List 10 bài đọc nhiều nhất Vietnamnet lúc 11h30 ngày 19/11/2010

1. Bất ngờ vụ “người giàu nhất Quảng Ninh”
2. Bé 3 tuổi đào được hộp vàng 4 triệu USD
3. Hà Nội: Người nước ngoài cướp taxi, gây TNGT liên hoàn
4. Nhức lòng teen múa thoát y để “show hàng”
5. “Bộ mặt” lạ của những sát thủ máu lạnh
6. “Lấy ròng rọc chở quan tài xuống à?”
7. Xôn xao clip bắt quả tang gái mại dâm “nude toàn tập”
8. Học sinh “tống tình” cô giáo cũ vì cuồng yêu
9. MC Hàn Quốc mặc như không lên truyền hình
10. Chúa là người và không phục sinh!

Lượng web site giải trí, đăng tin thời sự và lượt truy cập rất cao chúng nói lên điều gì? Thời gian của tuổi trẻ và công nghệ đẳng cấp nhất của nhân loại của những người “vị thành niên” chỉ dành cho tin hot, tin giải trí? Càng ngó nghiêng, cái vô bổ, cái độc hại bao nhiêu, họ càng dễ bị chúng dụ dỗ, lôi kéo bấy nhiêu. Internet, một biểu tượng của nền văn minh lẽ ra trở thành cơ hội để bạn vươn lên, trưởng thành, tự do thực sự lại vô tình tiếp tay để các bạn trẻ trao nhau những cái xấu, làm bạn kẹt trong hỗn độn những cái thấp cấp/ vô bổ, thậm chí đẩy bạn lệ thuộc nhiều hơn vào cái xấu xa, bao quanh bởi những kẻ lợi dụng.

2) Về xuất bản và đọc sách: Qua quan sát, chúng tôi thấy người Việt chưa có thói quen đọc sách, lại càng hiếm người đọc sách tinh hoa, sách kinh điển của thời kỳ Khai sáng. Nền tảng tư duy của “người trưởng thành”, của văn minh nhân loại lại nằm ở những cuốn sách tinh hoa lớn của thời kỳ Khai sáng 200 năm trước (ví dụ: Montesquieu, Rousseau, Voltaire,…) và tiếp tục xuất hiện thêm những tác giả mới cho đến hôm nay.

Khoảng năm 1902-1907, các cuốn sách đó được dịch sang tiếng Trung thành Tân Thư. Những sĩ phu Việt Nam đã thông qua Tân Thư nắm được những nền tảng tư tưởng của văn minh tiến bộ và nhìn ra vấn đề của dân tộc ta. Cụ Huỳnh Thúc Kháng viết năm 1928: “Cái dốt là cái họa của người An Nam”. Do đó, cụ Phan Châu Trinh đã lập nên phong trào Duy Tân năm 1906với trọng tâm là “Khai Dân Trí” nghĩa là nhằm khai sáng người Việt. “… nếu có thoát khỏi tay ngoại bang, giành được độc lập, mà không có dân quyền, không có dân chủ, dân trí thấp, người dân không giác ngộ về quyền dân chủ của mình và sử dụng có hiệu quả quyền đó để làm chủ đất nước, xã hội, thì cũng là vô nghĩa, nhân dân không thể có hạnh phúc, đất nước không thể phát triển, và như vậy nền độc lập dân tộc cũng không thể vững chắc”. Tiếc rằng phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục của các cụ nhằm dạy chữ, dạy tri thức mới, học hỏi Tân Thư sớm bị thực dân Pháp dập tắt, người Việt lỡ nhịp hơn 200 năm, chưa từng quay lại hơi thở cách mạng đó. Thật may, gần đây một số sách Tinh hoa đã được NXB Tri thức xuất bản lại, còn người đọc vẫn thiếu những ý thức đọc trên tinh thần Khai sáng hay của phong trào Duy Tân thuở 100 năm trước và những sách xuất bản mới của thế giới.

3) Về môi trường tư tưởng, phản biện: Qua quan sát đến những sự kiện mới nhất đây, chúng tôi thấy rằng nước ta chưa thoát khỏi tàn dư phong kiến là không được tự do thảo luận, phản biện mọi vấn đề mà người trưởng thành cần trao đổi; còn có rất nhiều tư tưởng bị gán ghép thành “tà”, “thuyết”; vấn đề này, vấn đề kia, chủ đề này nọ còn có kỵ, húy, sự độc quyền và cấm đoán tư tưởng ở 1 số nội dung dù cho nó liên quan sát sườn đến mọi hoạt động của Nhà nước… Đất nước chưa thực sự có môi trường trao đổi và tôn trọng những tư tưởng khác biệt, chưa có sự bình đẳng trong việc trao đổi và truyền thông tư tưởng. Các lãnh đạo không phải là người đi đầu trong phong trào Khai sáng cho đất nước. Ít có nhà lãnh đạo nào nói tới tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do xuất bản… và có hành động khuyến khích, bênh vực, bảo vệ trước sự xâm phạm các quyền này.

Hậu quả của điều thứ hai này là gì?

Thời gian cho phát triển, công nghệ hiện đại xã hội đã đầu tư đang bị vận hành hết sức lãng phí, thậm chí ở nhiều nơi quan trọng 2 nguồn lực quan trọng nhất này đã bị vô hiệu hóa. Không tụt hậu về trí tuệ thì cũng lạ thật!

Một “xã hội học tập” trên diện rộng là đây? Một xã hội không ngừng tìm kiếm tầm cao trí tuệ mới, mọi người đang cùng nhau hừng hực khai sáng đúng nghĩa và vươn lên là đây? Việt Nam đang hội nhập sâu sắc với phần nhân loại đang khai sáng là đây?

Xã hội rồi sẽ mang dáng dấp “Vị thành niên” bởi duy trì và vận hành bởi những sản phẩm tư tưởng mang nguy cơ lạc hậu nhãn tiền. Càng ngày, điều đó càng bộc lộ rõ hơn trước công cuộc phản biện của những người đã vươn lên khai sáng.

Xã hội ngày một thiếu năng lực tích lũy, kế thừa áp dụng những điều ngày một hợp lý hơn trên tầm cao của sự học hỏi liên tục. Các tư tưởng cốt lõi của Nhà nước, của xã hội văn minh tiềm tàng khả năng bị hiểu sai, áp dụng sai cách vì nó không được cộng đồng, mổ sẻ, phân tích, lật đi lật lại, bác bỏ. Người thụ hưởng thiếu cơ chế đánh giá, kiểm nghiệm công bằng, khách quan bằng lý trí. Xã hội không dựa trên tri thức hợp lý, sẽ tràn lan hiện tượng đối xử tùy tiện với tri thức, không tạo ra những phương thức chọn lựa để có “tri thức cộng đồng” ngày một hợp lý hơn.

Ở một xã hội như vậy, con người dễ dàng bị lệ thuộc, bị lợi dụng, thiếu hụt năng lực nhận thức và tự bảo vệ mình, ít ra bằng tư tưởng, không sẵn sàng nhận ra bất công và bênh vực những người bị oan ức, bị thiệt thòi. Còn người nổi trội quá về trí tuệ, càng thiếu cơ hội phát triển, trở nên lạc lõng, còn càng thể hiện trách nhiệm thì càng dễ bị quy kết này nọ, rồi bị vô hiệu hóa… thiệt hại vô cùng lớn để xã hội có thể vươn lên.

Đến nay, chúng tôi thấy rõ sự cần thiết khôi phục lại phong trào Khai Sáng cho người Việt, giúp chuyển biến ý thức, thói quen, nhận thức của từng cá nhân, một chặng đường tất yếu mỗi cá nhân phải trải qua. Khẩu hiệu phong trào Khai sáng của I. Kant năm 1874 phải trở thành khẩu hiệu của chúng ta bây giờ: “Tri thức làm nên dũng khí! Hãy can đảm sử dụng tri thức của chính mình!

Trong quá trình tự khai sáng mình, nhóm biên tập chungta.com 8 năm qua luôn mong mỏi mỗi người ý thức hơn nữa việc tự khai sáng mình và hỗ trợ người khác tham gia khai sáng (để cùng làm chủ xã hội), có ý thức vượt qua 2 thói quen cố hữu “Lười biếng và hèn nhát“. Càng ngày, ban biên tập càng mong muốn thay đổi chungta.com thành một công cụ hữu ích thúc đẩy ý thức khai sáng và trợ giúp cho mọi cá nhân nâng tầm trình độ, năng lực tư duy để thực thi khai sáng.

Sứ mệnh và mục tiêu của chungta.com sẽ là gì?

Chia sẻ rộng rãi, phổ cập tới từng người:

- Cung cấp phương pháp làm việc với tri thức: học/ nghiên cứu, đọc/ viết, tư duy/ tranh luận, giải quyết vấn đề, thuyết trình, phản biện
- Hệ thống hóa những Tri thức nền tảng, cơ sở: Tư tưởng chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa đang là căn nguyên phát triển cá nhân, cộng đồng thời nay.
- Giới thiệu các tác phẩm, bộ sách tinh hoa thế giới chứa đựng suy nghĩ, ý tưởng căn bản

Thôi thúc Ý thức, tinh thần Khai sáng của từng người:

- “Thực Học” cố gắng vượt qua chính mình, theo đuổi, chiêm nghiệp và vận dụng các tư tưởng lớn của phương Tây để hoàn thiện cá nhân, cộng đồng
- Nâng cao ý thức của người dân về dân quyền – quyền làm chủ của mình, xây dựng xã hội văn minh, chuyên nghiệp; cá nhân trông chờ vào mình, bằng suy nghĩ độc lập, sáng tạo, biết hoài nghi, không trông chờ, ỷ lại
- Chia sẻ các Phong sách sống tích cực: sống trí tuệ, tâm hồn rộng mở, trách nhiệm cộng đồng.

Phổ cập, phát triển văn hóa Việt Nam:

- Phát hiện (nội dung, tác phẩm/ công cụ, sự kiện/ con người…) liên quan văn hóa
- Tổ chức, liên kết, liên hệ các giá trị văn hóa
- Gợi ý, chia sẻ, trao đổi, phổ biến nhanh các chủ đề: lý tưởng, thế giới quan, giá trị quan…

Bài này có thể coi là một tổng kết, một vài suy nghĩ về chặng đường mình đã đi qua cùng bạn đọc! Khai sáng là sự nghiệp lâu dài chung của TẤT CẢ chúng ta. Phía trước chúng tôi còn nhiều mục tiêu phải vượt qua.

Nói như Alibaba trong câu chuyện thuở đầu tiên của chungta.com, thần chú “Vừng ơi mở cửa!” để mở kho báu Trí tuệ và Đạo lý cho mỗi người chúng ta chính là: “Tri thức làm nên dũng khí! Hãy can đảm sử dụng tri thức của chính mình!

Rất tự hào được đồng hành cùng các bạn trên con đường Khai Sáng!

Tham khảo:

  1. Cần cuộc cách mạng Khai sáng của người Việt
  2. Trả lời câu hỏi: Khai Sáng là gì? (I. Kant, những đoạn trích dẫn chữ xanh)
  3. Cuộc hội ngộ 5 nhân vật phi thường ở Mác-xây
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tinh thần "khai sáng"

    15/01/2016Duy LinhTôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”...
  • Việt Nam cần các tư tưởng Khai sáng

    12/05/2012Nguyễn Trang NhungTrong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19.
  • Tư tưởng, phong trào Khai Sáng là gì?

    09/10/2010Bùi Quang MinhPhong trào Khai sáng là phong trào bắt đầu thời thế kỷ 18 ở châu Âu, coi việc tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng tiến bộ, nâng cao các chuẩn mực đạo đức và tri thức khoa học (chứ không phải tôn giáo, điều giáo điều có sẵn) là những phương tiện quan trọng để biến đổi cuộc sống xã hội, con người, làm cho nhân loại tiến bộ.
  • Cần cuộc cách mạng Khai Sáng của người Việt

    27/09/2010Bùi Quang MinhĐể ý nhiều bạn trẻ, trung niên, và cả bậc cao niên lảng tránh bàn luận việc lớn nhỏ của đất nước, dân tộc hay của chính họ, tôi nhận thấy nguyên nhân chung họ đưa ra là: “Ôi dào, rách việc, nghĩ nhiều thì cũng đến thế, việc khó để người khác lo”. Có phải họ lười suy nghĩ, hay là họ ích kỷ cá nhân, họ chưa đủ khả năng nhận thức đầy đủ về dân quyền và việc quốc gia hay là họ đang thờ ơ với vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình chăng? Họ chưa trưởng thành dù cho cơ thể và địa vị xã hội của họ đã lớn...
  • Tương lai của Khai Sáng? (*)

    25/07/2009Bùi Văn Nam SơnNguyên tắc của truyền thống Khai sáng là không xem người khác có “ít” lý tính hơn mình, rằng có thể phản bác nhau bằng lập luận chứ không được quy kết bản chất của người khác vào “trục ác”; để từ đó, phân biệt sự Khai sáng với lịch sử của nó và không xem Khai sáng là một công cuộc “nhất thành bất biến” hoặc có thể xoay ngược lại kim đồng hồ.