Ảnh hưởng của văn hóa lạc hậu đối với tiến trình phát triển

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
06:12 CH @ Thứ Hai - 04 Tháng Tám, 2014

Thất bại trong việc xúc tiến sự đồng thuận

Văn hóa và phát triển có mối quan hệ biện chứng sâu sắc. Nếu có bề dày kinh nghiệm văn hoá, chúng ta sẽ có khả năng đồng cảm với những cộng đồng khác trong quá trình tương tác. Sự hiểu biết lẫn nhau sẽ khiến mỗi cộng đồng trở nên tinh tế hơn trong các hành vi tìm kiếm lợi ích của mình.

Ngược lại, sự phát triển quá nhanh sẽ không tạo điều kiện cho sự ngưng tụ của các kinh nghiệm văn hóa và tạo ra trạng thái hời hợt về mặt văn hoá. Điều này sẽ khiến cho các hành vi tìm kiếm lợi ích của mỗi cộng đồng trở nên khó chấp nhận trong mắt những cộng đồng khác.

Thực tế cho thấy, ở những cộng đồng có nền văn hóa lạc hậu, thái độ cứng nhắc, không cởi mở và không khách quan đối với văn hóa tạo ra sự đối kháng không phải chỉ giữa tầng lớp này với tầng lớp kia, giữa thế hệ này với thế hệ kia trong cộng đồng mà hơn thế giữa chính cộng đồng đó với thế giới bên ngoài. Sức phá hoại của văn hóa mặc dù lâu hơn nhưng lớn hơn rất nhiều so với sự phá hoại của chính trị. Sự phá hoại đó thể hiện một cách hiền lành dưới dạng kìm hãm hay không hiền lành dưới dạng xung đột sắc tộc và tôn giáo, cho nên cần phải có thái độ khoa học với văn hoá. Cần phân tích cách đưa các yếu tố văn hóa hỗ trợ và lý giải các quá trình phát triển, trong đó quá trình quan trọng nhất là quá trình hội nhập. Văn hóa không có lợi ích trước mắt, văn hóa có lợi ích tinh thần lâu dài và gián tiếp, cho nên con người phải biết cách nhân nhượng đối với những xung đột quyền lợi mang tính văn hoá. Tóm lại, cần phải có thái độ khoa học đối với vai trò của văn hóa trong tiến trình phát triển của nhân loại nói chung và của thế giới thứ ba nói riêng.

Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, mỗi một nền văn hoá, mỗi một quốc gia không thể tồn tại độc lập với thế giới bên ngoài. Nền văn hóa lạc hậu, không cởi mở chắc chắn không đủ khả năng giúp con người vượt qua ngưỡng của sự chậm phát triển do nó cản trở sự đồng thuận trong nhận thức của cộng đồng. Đã đến lúc các cộng đồng văn hóa cá biệt phải nhận ra rằng, cơ hội chắc chắn sẽ đến từ việc nâng cao tính mở của nền văn hóa vì mở cửa về văn hóa sẽ giúp một cộng đồng nâng cao năng lực thu nhận các giá trị tiến bộ và loại bỏ những gì lạc hậu và cản trở sự phát triển, cũng tức là xúc tiến sự đồng thuận trong việc vượt qua những khó khăn về nhận thức và hiện thực hóa các cơ hội phát triển của cộng đồng.

Những cơ hội bị bỏ lỡ - Hậu quả của việc duy trì các giá trị văn hóa lạc hậu

Văn hóa chính là cái nôi nuôi dưỡng mọi sự phát triển. Văn hóa tạo ra môi trường sống và không gian tinh thần để nâng đỡ các không gian chính trị và không gian kinh tế. Chính bởi vậy, sự phát triển về kinh tế và chính trị phụ thuộc đáng kể vào không gian tinh thần đó. Nếu không gian tinh thần lạc hậu, con người sẽ nảy sinh tâm lý tự mãn về những giá trị của mình, rất khó khăn trong việc nhận ra cái mới và tiếp cận cái mới, và do đó, sẽ bỏ lỡ các cơ hội phát triển.

Các quốc gia đang và kém phát triển thường có khuynh hướng duy trì bản sắc văn hóa như một bằng chứng về sự khác biệt, thậm chí lo ngại rằng, toàn cầu hóa sẽ xói mòn bản sắc văn hóa và bản lĩnh văn hoá, quên mất rằng bản sắc văn hóa hay bản lĩnh văn hóa đều được hình thành sau những quá trình lâu dài, tự nhiên và không thể biến mất trước những tương tác về văn hoá. Chính những lo ngại không có cơ sở và phản ứng tự vệ phi lý này đã gây ra những xung đột về văn hoá, thể hiện qua những xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phát triển và tạo nên những phản ứng cực đoan đối với vấn đề toàn cầu hoá. Đáng lo ngại hơn, thay vì kêu gọi con người vươn tới sự phát triển như một trong những lợi ích quan trọng nhất, các quốc gia đang và kém phát triển còn tập trung nhận thức của con người vào nhược điểm của sự phát triển quá nhanh, không nhận ra rằng điều đó có thể triệt tiêu nhu cầu về sự phát triển trong mỗi con người và thậm chí cả cộng đồng. Mặt khác, các quốc gia đang phát triển luôn cảm thấy mình bị thua thiệt khi tham gia vào quá trình hội nhập và toàn cầu hoá, cho đến khi nhận ra rằng các cơ hội bị bỏ lỡ do sự dị biệt về văn hóa chính là thông điệp về ảnh hưởng của văn hóa lạc hậu đối với sự phát triển.

Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm thức tỉnh về ảnh hưởng của sự lạc hậu của văn hóa đối với những tiến bộ xã hội. Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã nổi lên như một hiện tượng của thế giới. Đương nhiên, sự phát triển của Trung Quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, phải kể đến sự dũng cảm của người Trung Quốc trong việc nhận thức lại các giá trị của bản sắc văn hoá. Trung Quốc đã sớm hiểu rằng sự khác biệt là yếu tố đầu tiên gây ra những xung đột cả về nhận thức lẫn những xung đột trong quá trình kiếm tìm các lợi ích về kinh tế và chính trị. Do đó, duy trì bản sắc văn hóa một cách thái quá, tức tâm lý tự mãn về sự khác biệt, sẽ đem lại cho Trung Quốc sự thua thiệt trong tiến trình phát triển và toàn cầu hoá. Đối với trường hợp của Việt Nam, căm thù những kẻ đã từng xâm lược đất nước mình cũng là một trạng thái tình cảm tự nhiên, và đồng thời, là một giá trị văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không nên và không thể kéo dài lòng căm thù ấy đến hiện tại, bởi điều đó sẽ tạo ra quá nhiều thất thiệt trong quá trình phát triển và hội nhập. Nhận ra sự thất thiệt của việc bảo lưu các giá trị lạc hậu về văn hoá, thế giới thứ ba sẽ dũng cảm chia tay với những giá trị văn hóa lạc hậu và tham gia vào các quá trình hợp tác một cách tự tin và cởi mở. Có thể nói, thất thiệt chính là thông điệp về giới hạn của sự duy trì quá lâu các giá trị văn hóa đã lỗi thời làm cản trở tiến trình phát triển.

Nhận thức về tính giới hạn của sự lạc hậu tương đối của văn hóa thể hiện sự khôn ngoan của con người trong việc phân loại những công cụ hỗ trợ sự phát triển. Có thể nói, sự lạc hậu về mặt văn hoá, nếu nhìn từ góc độ này, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình phát triển của mỗi cá thể, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, thậm chí, tạo ra những trở ngại rất lớn trên phạm vi toàn cầu.

Như vậy, không thể phủ nhận sự kìm hãm của văn hóa lạc hậu đối với tiến trình phát triển của nhân loại nói chung và của thế giới thứ ba nói riêng. Tuy nhiên, ứng xử với sự trì trệ, sự lạc hậu về văn hóa không giống với ứng xử với sự trì trệ, sự lạc hậu về chính trị và kinh tế. Các mâu thuẫn về văn hóa không tạo ra các cuộc cách mạng bởi vì văn hóa là thông điệp chung của cộng đồng, nó được hình thành rất hòa bình. Văn hóa hình thành giống như sự lắng đọng của phù sa, vì thế không thể làm cách mạng văn hóa được. Cái mà Mao Trạch Đông gọi là cách mạng văn hóa thực chất là một cuộc cách mạng chính trị. Bên ngoài không phải là một cuộc chiến tranh nhưng tác hại hay chất lượng chiến tranh trong cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông lớn hơn bất kỳ một cuộc chiến tranh nào khác. Vậy các nước cần phải cải cách văn hóa như thế nào?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: