Nghệ sỹ kiện và kiện nghệ sỹ

02:12 CH @ Thứ Năm - 10 Tháng Sáu, 2010

Báo chí đang rộ lên chuyện một số nghệ sỹ sẽ kiện một số tờ báo đã viết về đời tư của họ với những lời lẽ có tính xúc phạm. Đây là câu chuyện truyền thông muôn thuở trên thế giới. Và đây cũng là câu chuyện mà dư luận đã và đang tranh luận nhiều chiều.

Lẽ thường lâu nay, những người được gọi là "người của công chúng" thường gắn với truyền thông. Truyền thông muốn khai thác họ và nói thẳng ra rằng họ rất muốn khai thác hay lợi dụng truyền thông để quảng bá cho mình. Có không ít nghệ sỹ tìm cách khai thác truyền thông bằng mọi kiểu, mọi giá.

Bởi thế, họ sẵn sàng "cống hiến" cho truyền thông mọi chuyện có thể như chuyện họ ăn, họ mặc, chuyện buồng tắm của họ được dát vàng như thế nào, chuyện chiếc giường ngủ của họ ra sao, chuyện họ mang thai ba tháng hay bảy tháng, chuyện họ đi du lịch ở đâu, chuyện họ mua xe đời mới bao nhiêu tỉ, chuyện họ chụp ảnh bán khỏa thân, chuyện họ chăm sóc làn da, chuyện họ cặp với người này hay chia tay người khác, chuyện họ mất mấy chục ngàn đô la ở khách sạn, chuyện họ mua tàu du lịch để đi chơi lúc buồn... cho đến chuyện họ hắt hởi sổ mũi nữa.

Thế nhưng khi truyền thông khai thác họ ở phía mà họ không muốn cho thiên hạ biết thì họ lại dọa đâm đơn kiện. Tất nhiên, cũng phải nói rằng có một số bài báo khai thác một cách "quá kỹ" những chuyện vốn là chuyện các nghệ sỹ chẳng chút ngại ngùng công khai trước bàn dân thiên hạ.

Trong khi các nghệ sỹ muốn kiện một số tờ báo thì có rất nhiều và rất nhiều bậc cha mẹ muốn kiện họ. Các bậc cha mẹ này kiện nhiều nghệ sỹ trương lên các phương tiện truyền thông một lối sống hưởng thụ, hợm hĩnh và phi văn hóa. Lối sống đó của các nghệ sỹ đang ngày đêm tác động xấu đến con cái họ thông qua các phương tiện truyền thông.

Chúng ta thường xuyên thấy những câu chuyện "đại gia" và "chân dài" trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Hai danh từ nói trên bây giờ đã trở thành mục đích của không ít những người trẻ tuổi. Vậy "đại gia" là gì? Xin thưa chỉ là một số những người nhiều tiền. Vậy "chân dài" là gì? Xin thưa là một số những người có thân xác dễ coi. Đại gia và chân dài chẳng hề có một ý nghĩa nào về vẻ đẹp của trí tuệ và tâm hồn mà chỉ là một nhóm người trong xã hội sống một lối sống hưởng lạc và phi thẩm mỹ.

Đã có những nghệ sỹ từng được truyền thông khai thác chừng nào có thể và các nghệ sỹ ấy cũng khai thác truyền thông chừng nào còn khai thác được để đánh bóng tên tuổi mình. Nhưng rồi một ngày, một sự thật hiện ra: nữ nghệ sỹ này, nữ nghệ sỹ kia đã vướng vào đường dây này, dây nọ. Chúng ta đã từng biết đến có nghệ sỹ đang là thần tượng của giới trẻ bỗng cắp khăn gói vào trại phục hồi nhân phẩm hay dính líu đầy tai tiếng với những kẻ nhiều tiền.

Quá nhiều bậc cha mẹ đã từng nhức đầu không hiểu những nghệ sỹ này, nghệ sỹ nọ là thần tượng về cái gì của nhiều người trẻ. Hay là họ là thần tượng của việc mặc bikini, thần tượng của việc xài sang một cách trọc phú, thần tượng của những mối tình rối rắm và đầy tính thực dụng, thần tượng của một cơ thể gần như phô ra tất cả, thần tượng của những cuộc hôn nhân chóng váng...???

Trước khi kiện những ai đó xúc phạm mình thì các nghệ sỹ hãy xem lại họ đang xúc phạm xã hội như thế nào và gây ảnh hưởng rất xấu tới lối sống của thế hệ trẻ ra sao.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vì sao các văn nghệ sĩ "im hơi lặng tiếng"?

    25/05/2016Hữu Việt (thực hiện)Một tự vấn của nhà văn Văn Chinh về thái độ, tiếng nói của văn nghệ sĩ trước những vấn đề trọng đại của đất nước, tham gia vào diễn đàn ‘Vì sao “văn nghệ sĩ im hơi lặng tiếng”?’.
  • “Cần biết tiếp nhận những cái khác mình!”

    30/04/2016Nguyễn Vinh thực hiệnQua các dự án mà tôi thực hiện, tham gia, hoặc chứng kiến, một số trong những câu hỏi tôi thấy công chúng luôn đặt ra, đó là vậy, ý nghĩa của tác phẩm này là thế nào? Tại sao nghệ thuật lại phải như thế? hay, để nhại lại chính tên của cuốn sách, “thế (này) mà (dám) gọi là nghệ thuật ư?”
  • Đôi điều lạm bàn về âm nhạc

    24/07/2009Tương Lai"Khi thiếu một môi trường xã hội tôn trọng tự do của con người, thì cá tính của người nghệ sĩ làm sao có thể phát huy để làm nên những tác phẩm độc đáo?"
  • “Siêu nghệ sĩ” hãy coi chừng!

    01/01/2008Nguyễn Quang AXưa kia đôi khi người ta đã dựng lại các sự kiện lịch sử để quay phim chụp ảnh. Nếu ghi rõ là dựng lại để mô tả sự kiện thì A còn có thể chấp nhận được nhưng nếu để cho hậu thế tưởng lầm là tư liệu lịch sử thì quả là tai họa.
  • Thử bàn về giá trị và chuẩn mực nghệ thuật

    14/11/2008Trần DuyLịch sử nghệ thuật là quá trình phát triển cái đẹp, quá trình phát triển tính thẩm mỹ thông qua thị hiếu của con người, qua các thời đại. Vậy tiêu chuẩn của nghệ thuật là cái mà tự bản thân nghệ thuật có hay sở dĩ có tiêu chuẩn nghệ thuật là vì thị hiếu của con người?
  • Lại chuyện “đồ giả” trong nghệ thuật

    04/03/2006Vũ Duy ThôngGần đây những người hâm mộ văn học – nghệ thuật phải chưng hửng trước hàng loạt vụ ăn cắp tác phẩm nghệ thuật bị phanh phui...
  • Elite trong giới nhạc trẻ Việt Nam

    04/03/2006Dương ThụCó một số người trẻ tuổi hoạt động trong một vài lĩnh vực của đời sống, ở độ tuổi trên dưới 30, đang được coi là “elite” mới, hay nói nôm na là những tinh hoa của xã hội Việt Nam đương đại. Trong giới nhạc trẻ liệu có được những người như vậy?
  • xem toàn bộ