“Siêu nghệ sĩ” hãy coi chừng!

12:00 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Giêng, 2008

Xưa kia đôi khi người ta đã dựng lại các sự kiện lịch sử để quay phim chụp ảnh. Nếu ghi rõ là dựng lại để mô tả sự kiện thì A còn có thể chấp nhận được nhưng nếu để cho hậu thế tưởng lầm là tư liệu lịch sử thì quả là tai họa.Trong việc dựng lại các nhân vật lịch sử phải đóng lại, phải diễn lại cho sát với sự thật (sát và trung thành đến đâu)? Và với việc diễn lại vô tình hay hữu ý họ buộc phải đóng vai diễn viên, đóng vai nghệ sĩ. Tư liệu lịch sử và cảnh dàn dựng lại sự kiện lịch sử khác nhau một trời một vực và để có sự lẫn lộn là không thể chấp nhận được về mặt lịch sử và đạo đức. Vấn đề này đã được nhiều nhà sử học đề cập, nên chúng ta không bàn thêm.

Một hiện tượng mới hơn, có tính chất tương tự, hình như cũng đã lác đác xuất hiện trong thời đại bùng nổ truyền thông. Ở đây không có chuyện dàn dựng lại những sự kiện đã xảy ra, mà là dàn dựng những sự kiện sắp xảy ra theo một ý đồ “tuyên truyền" hay "quảng cáo" hay nếu sính dùng từ nước ngoài thì là "PR" rẻ tiền. Nghe nói có vị quan to đi công tác hễ cứ thấy dân truyền hình chĩa camera vào thì bắt đầu xắn quần lội xuống ruộng, vẻ mặt diễn rất thống thiết, có lẽ tài hơn cả các nghệ sĩ nhân dân thứ thiệt. Mới đây lại nghe có vị cũng làm tương tự và còn bắt dân truyền hình quay đi quay lại sao cho “thật đạt" và còn chỉ thị thêm cả về việc phát sóng nữa. Có những ông không biết hay không đủ tài diễn đã chẳng ngoi lên được. Không rõ thực hư ra sao, nhưng nếu đúng vậy thì quả thật đáng buồn.

Nhưng các "siêu nghệ sĩ nhân dân" loại này hãy coi chừng! Trò diễn dễ lộ lắm trong thời đại bùng nổ truyền thông. Chắc ai cũng còn nhớ câu chuyện thầy giáo Hoàng dùng điện thoại di động quay những cảnh lộn xộn ở trường thi, đưa lên lnternet và nhờ đó giúp phanh phui ra những hành động tiêu cực trong thi cử mà ai cũng biết từ nhiều năm nhưng không có bằng chứng xác thực. ThầyHoàng bị cho là "đã vi phạm kỷ luật coi thi một cách nghiêm trọng", rồi lại được khen thưởng vì hành động chống tiêu cực. Máy quay camere chất lượng tốt bây giờ cũng có giá phải chăng, điện thoại di động có khả năng chụp ảnh và quay video là công cụ hàng ngày của dân trung lưu và quan trọng là có hàng trăm ngàn, hàng triệu chiếc. Trên lnternet có hàng chục cách đưa, cách phát các đoạn video như vậy ra thế giới. Thời đại của các "đài truyền hình giá rẻ" mà hàng triệu người chẳng cần đầu tư gì thêm cũng có thể thiết lập. Thí dụ điển hình là Youtube, một Công ty bé tẹo mới được thành lập tháng 02/2005, cung cấp dịch vụ chia sẻ video, hoạt động chưa được 2 năm nó đã được gã khổng lồ Google mua lại với giá 1,65 tỉ USD bằng cổ phiếu của Google. Biết đâu trong đám quần thần hay "khán giả" của show diễn lại chẳng có những “thầy Hoàng" ghi lại các đoạn video cảnh diễn, và ghé vào bất cứ quán lnternet cà phê nào hay ở bất cứ đâu có thể truy cập lnternet để “phát" chương trình của mình ra toàn thế giới. Thế giới đã thay đổi, chẳng có cách gì cấm đoán được người ta làm chuyện như vậy. Thế mới thấy công nghệ cũng góp phần tích cực thế nào trong thực thi quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, trong chống tiêu cực.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: