Nền văn hóa bong bóng
Bộ phim hoạt hình Up (Bay lên) của Mỹ là một tác phẩm cảm động kể chuyện một ông già góa vợ khát khao tìm đến vùng đất nơi ngày xưa ông bà từng hò hẹn. Ông đã buộc hàng ngàn quả bóng bay vào ngôi nhà gỗ của ông, để cho chúng bay lên kéo ngôi nhà và một cậu bé tình cờ đến chơi đã cùng ông lang thang trong một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Xem phim này khán giả có thể liên tưởng đến tình trạng giá cả đất đai, nhà cửa, ô tô, vàng, chứng khoán và bao nhiêu thứ khác ở Việt Nam cứ theo nhau tăng vọt, như đang bị hàng ngàn quả bóng bay kéo lên bay lơ lửng trên trời, xa cách dần với cuộc sống người dân!
Chắc chắn người nghĩ ra cụm từ "nền kinh tế bong bóng" chưa xem phim Up, vì khái niệm này ra đời trước bộ phim kia gần hai thập kỷ. Nhưng cái cảnh ngộ mà hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam đã gặp phải trong thời điểm giá cả đua nhau tăng vọt có cái gì giống như ông lão nghèo trong bộ phim hoạt hình trên. Họ cùng bị những quả bóng-bay-giá-trị- ảo kéo họ xa dần những giá trị thực để phiêu lưu trong vào thế giới ảo, cho đến khi những quả bóng bốc đồng ảo tưởng nổ tung ném thẳng họ trở về mặt đất. Có khác chăng, những bong bóng trong nền kinh tế Việt Nam có vẻ sặc sỡ hơn và cũng mỏng manh hơn, như bong bóng xà phòng vậy. Nó dường như được thăng hoa từ một nền văn hóa bong bóng có mầm mống từ ngàn xưa, khi thằng Bờm khốn khó có chiếc quạt mo được phú ông thổi phồng giá cả ngang với ba bò chín trâu.
Có lẽ phú ông trong bài ca dao Thằng Bờm là kẻ đầu tiên tạo ra cuộc đảo lộn giá cả trong thị trường mua bán trao tay, gợi cho người ta những suy nghĩ băn khoăn về giá trị Việt. Có điều gì đó giống nhau trong việc phú ông đẩy giá quạt mo lên cao ngất trên với việc giá đất ở Hà Nội có những lúc cao hơn giá đất ở Paris. Người ta biết đó là những giá cả phi lý, những giá trị ảo, nhưng không thể ngăn giá cả tiếp tục vọt lên. Vì đua nhau xông vào một lĩnh vực theo kiểu phong trào, vì sĩ diện sẵn sàng vung tiền ra mua bán bằng mọi giá, vi máu mê kiểu cờ bạc ăn thua... Rốt cục, tất cả những yếu tố bắt nguồn từ tâm lý và văn hóa dân tộc đó đã trở thành những quả bóng bay sặc sỡ liên tục kéo giá cả trên thị trường Việt vọt lên.
Khi thằng Bờm quyết không bán cái quạt mo để kiên định giá trị của con người “phú quý bất năng di”, thì phú ông tăng giá vô tội vạ cho chiếc quạt mo chỉ để quật ngã cái nhân cách gàn dở ấy! Rốt cục, giá trị của chiếc quạt mo kia không nằm ở giá trị sử dụng, cũng không nằm ở giá trị trao đổi. Phú ông đã nâng vọt lên cho nó, mà nằm ở cái khát vọng chiến thắng trong cuộc đối đầu của hai bản lĩnh. Suy cho cùng, giá trị của những giá cả ảo được thị trường Việt Nam đẩy lên cao chất ngất nhiều khi là giá trị của nhân cách mà người ta muốn thể hiện qua mua bán. Việc đặt giá cao chỉ là trò chơi trội, gây sốc, nhằm tạo thêm uy lực và danh tiếng. Cũng có khi máu phiêu lưu bạt mạng nổi lên người ta sẵn sàng ôm hàng, mua cổ phiếu hay đầu tư bằng mọi giá theo kiểu đỏ đen cờ bạc được ăn cả, ngã về không. Có thế nói, thói sĩ diện thích khẳng định mình và máu đỏ đen chảy trong huyết mạch người nông dân Việt Nam bao đời nướng thời gian rỗi rãi trong bạc, chiếu tổ tôm - đó là những quả bóng bay ngày ngày kéo giá cả lên cao.
Một nhân vật trong vở hài kịch "Lễ nhận huân chương" do Nhà hát Tuổi trẻ vừa dàn dựng đã chua chát nhận xét về thói đời “Phú quý sinh lễ nghĩa” trong xã hội thời nay: “Một con chó chết chúng nó cũng biến thành lễ hội”. Quả thực, con người Việt Nam có máu ham vui. thích hội hè đình đám. Dù nghèo khổ đến đâu, vào những thời khắc thiêng liêng, thăng hoa của cả cộng đồng, ai ai cùng sẵn sàng dốc hầu bao mua sắm bằng mọi giá không hề tính toán. Trong đêm chung kết Sea Games của đội tuyển Việt Nam, giá một lá cờ Tổ quốc, một quả pháo hoa có thể tăng vọt lên tới hàng chục lần mà vẫn bán đắt như tôm tươi, vì giá ấy thể hiện khát vọng chiến thắng của người hâm mộ. Giá cả thật khó ổn định khi cuộc sống của người Việt luôn luôn là một chuỗi những khoảnh khắc thăng hoa.
Với người Việt Nam thì giá trị của giá trị đất đai, nhà cửa, vàng bạc, ô tô, chứng khoán... không chỉ là giá trị sử dụng hay trao đổi, mà còn bao gồm cả giá trị son phấn tô đẹp thêm cho diện mạo cá nhân và giá trị thiêng liêng của đồ cống nạp cho nghi lễ cộng đồng. Những giá trị tinh thần hư ảo ấy làm nên một nền văn hóa bong bóng luôn luôn có xu hướng thoát ly giá trị thực để bay lên bằng đôi cánh bạt mạng của con bạc, đôi cánh đảo điên của con đồng và đôi cánh hân hoan hãnh diện của nhà thơ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc