Luật thừa trừ
Đạo và việc người xưa nay hơn về phía này, tất kém về phía kia - Đó là luật thừa trừ tức là san sẻ cho đều. Tạo hóa sinh ra con người và mọi vật hình như ít khi tạo ra hình mẫu vẹn loàn. Đến cây hoa cũng chịu chung luật đó.
Hoa có hương thì không có sắc, hoa có sắc thì không có hương, có mấy hoa mà hương sắc vẹn toàn. Trong những gia đình đông con, có mấy gia đình mà tất cả các con đều thành đạt, rực rỡ phú quý vinh hoa - nếu có nhiều người xuất sắc, ưu tú thường có người đần độn hay tật nguyền, hình như để san bằng cho cân. Đến các triều vua cũng vậy, Triều thì trị vì vài ba năm, Triều thì trị vì hàng chục, hàng trăm năm, nhưng cuối cùng cũng phải cáo chung nhường cho triều đại khác. Quan hệ giữa con người cũng vậy, lẽ hợp tan là chuyện bình thường. Chả vậy mà nhà văn Trung Quốc La Quán Trung đã mở đầu Tam quốc chí bằng câu: "Thiên hạ đệ thế phân cửu tất hợp, hợp cửu tất phân" nghĩa là "thế lớn trong thiên hạ, chia lâu ắt hợp, hợp lâu ắt chia” là vậy.
Ngày xưa, dưới ảnh hưởng của nho giáo, thuyết định mệnh hầu như thường trực trong quan niệm của cha ông ta và người ta tin vào luật thừa trừ là một điều dễ hiểu.
Đến cái ăn, cái uống cũng phải theo tiền định nữa là: “Nhất ẩm, nhất trác, giai do tiền định". Do đó không ai thích cái tuyệt đối mà còn sợ nữa, sợ cái xấu sẽ đến và sẽ cân bằng. Sinh con đa số người ta tủn tên xấu mà đặt - Ví dụ: Cu, Hĩm, ếch, Nhái, Cóc... toàn những cái tên tầm thường hay hèn hạ - Chỉ sợ con mình mang tên đẹp thì gặp chuyện không may, cụ thể là mệnh yểu. Dạm vợ cho con, nặng về tư cách đạo đức, nhẹ về cái nhan sắc diễm lệ (hồng nhan đa truân) - nhà giàu có quá cũng sợ, con thành đạt nhiều cũng lo - Ai cũng tâm đắc câu "Vạn sự bất như thường" hay "Xấu đều hơn tốt lỏi". Lịch sử Đông Tây đã ghi lại bao nhiêu chuyện đau lòng. Các công thần lập quốc, sau khi đất nước thanh bình, một số không nhỏ đã lâm vào cảnh diệt vong - Hàn Tín, Tiêu Hà bị Lưu Bang hãm hại, Trần Văn Chủng bị vua Ngô trừ diệt, chỉ có Trương Lương, phạm Lãi, biết luật thừa trừ, ngẫm câu “Điểu tận, cung tàng" (chưa hết, cung treo) cho nên người thì đi tu tiên, người thì cùng Tây Thi dong chơi Ngũ Hồ nên thoát nạn.
Ngày nay, trong thời đại khoa học, dưới ánh sáng chủ nghĩa duy vật, có lẽ ít người tin vào luật thừa trừ hay "tài mệnh tương đố” (tài và mệnh ghét nhau) nữa - cái hương sắc của loài hoa đã được giải thích khá thuyết phục - Đâu phải có ong bướm tìm hoa để chơi mà chính loài hoa đã lợi dụng ong bướm để duy trì nòi giống (thụ phấn hộ) cho nên hoa phải có sắc hương để dụ dỗ các loài ong bướm đến. Ban đêm, trời tối, hoa càng phải có nhiều hương hay màu sắc dễ nhận (màu trắng) để bướm ong dễ tìm đường đi lại - ngoài ra cũng có ít hoa sắc hương vẹn toàn, âu cũng là cái cá biệt vì ở đời đến những định luật còn có cái ngoại lệ. Trong đời thường cũng vậy, cũng có những trai tài vô duyên, gái hồng nhan bạc mệnh nhưng không phải là hiện tượng phổ biến, chẳng qua là những cái trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Nếu cứ cứng nhắc theo luật thừa trừ thì bao nhiêu hoa hậu, á hậu hay các tài nhân trên thế giới đều mệnh bạc cả hay sao? Cũng như cũng có nhiều gia tộc, nhiều gia đình đời đời lớp lớp đều có nhiều người đậu đại khoa, nhiều bác học, danh nhân liên tiếp làm rỡ ràng cho cả dòng họ. Hoặc bên cạnh các triều đại ngắn ngủi vẫn có nhiều triều đại trị vì đến ba, bốn năm mà dân giàu, nước thịnh, vui cảnh thanh bình. Chẳng cứ ngày nay mà ngày xưa bên cạnh những người theo thuyết "định mệnh" vẫn có nhiều người đả lại "Nhân định thắng thiên" hay "Đức năng thắng số” đó sao?
Trong một con người, trong một sự việc, bao giờ cũng có hai mặt, mặt tốt và mặt xấu, mặt hay và mặt dở. Nếu ta biết phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm thì con người càng ngày càng hoàn thiện, sự việc càng dễ thành công chứ đâu phải số mệnh xui khiến ...
Trong xã hội ngày nay, có nhiều gia đình giàu có, tiền của như nước, con cái lại hay đua đòi lêu lổng, nhác lao động, nhác học hành, cậy của chùa nhiều nên hư hỏng là điều tất nhiên, đâu phải luật thừa trừ hay "đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Đứng trước hiện tượng khá phổ biến đó, ta phải tự trách lấy ta - Vì ta đã coi nhẹ hay buông xuôi con cái mà chỉ thiên về một mặt làm sao hốt được nhiều bạc, dù có bất minh cũng chẳng từ - một nhân tài cũng vậy, nếu chỉ ỷ lại vào tài hoa của mình (do trời phú và tự học) mà không lo trau dồi đạo đức, thì tài hoa cũng không phát triển được thêm mà có khi còn mắc vạ vào thân, lúc đó lại đổ cho luật thừa trừ!
Xưa kia, các bậc minh quân, đời đã thịnh vẫn chấn chỉnh việc thi cử học hành, khiêm tốn nghe lời các bậc trung thần, xa lánh bọn gian nịnh, chiêu hiền đãi sĩ thì dân no, dân ấm, xã tắc vững bền như bàn Thạch - Bác Hồ đã dạy: "Có hồng phải có chuyên, có chuyên phải có hồng". Nguyễn Du cũng đã viết khi kết thúc "Truyện Kiều”: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!" Khi gặp một chuyện không may, ta hay viện dẫn luật thừa trừ để giải thích và để tự an ủi, tôi nghĩ như thế là làm xói mòn mất ý chí phấn đấu. Trái lại ta phải nghiên cứu lại sự kiện, tìm ra nguyên nhân thất bại, hỏng keo này ta bày keo khác, tìm tòi. suy nghĩ, phấn đấu tiếp tục thì lo gì sự thành công không đến với ta? Ta cũng hay viện câu: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời" hay "bĩ cực thái lai" nhưng nếu không có quyết tâm không có sự chỉ đạo của những bộ óc tài năng thì bao giờ cái giàu mới đến cho, cũng như chữ "thái" trở lại thay thế cho chữ "cực", cái "cam lai" thay cho cái " khổ tận". Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, cuộc kháng chiến thần thánh thắng lợi, cũng như cuộc đổi mới của đảng ta đã chứng minh điều đó.
Trong thời đại hiện đại hóa và công nghiệp hóa, không ai còn nhìn nhận việc làm ăn có phát triển hay không là ở miền đô thị, còn miền núi, nơi ma thiêng, nước độc được sinh ra là chỉ do luật thừa trừ của tạo hóa. Hiện nay, biết bao nhiêu triệu phú, tỷ phú nông dân đã và đang phát huy thế mạnh của các điền trang, trang trại ở những nơi mà ta vẫn quen gọi là "Khỉ ho, cò gáy" để làm giàu cho đất nước. Nhân dân ta cũng không sợ giàu có nữa. Có tài, có đức, có kế hoạch, có tầm nhìn, có quyết tâm thì càng giàu càng có lợi cho Nhà nước cho nhân dân vì thu hút được bao nhiêu lao động dư thừa, góp thêm cho đất nước bao nhiêu là của cải, vật chất - Đất nước đã đổi mới, đã tiến vào thế kỷ XXI, không lẽ chúng ta cứ ngồi yên chờ số mệnh chăng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005