Nền tảng văn hóa nào cho lễ hội?

05:22 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Hai, 2021

Có còn lễ hội chém và lễ hội cướp?

Cách đây bảy năm, trong một bài viết trên Văn hóa Phật giáo, chúng tôi đã nhận định về “Văn hóa lễ hội và lễ hội phi văn hóa”; bài viết bày tỏ sự bức xúc trước những hình ảnh xấu xí của lễ hội, nhất là khu vực phía Bắc, từ “xả rác” cho đến việc chém giết lợn, trâu công khai, tình trạng cướp lộc, cướp ấn... bát nháo và nhiều tệ nạn khác. Từ bấy đến nay, đã có nhiều chỉ thị, nhiều thông tư, nhiều cố gắng từ phía những người, những tổ chức có trách nhiệm nhằm chấn chỉnh những việc phản cảm ấy nhưng đến nay (2017) thì sao?

Điểm qua các báo, các trang mạng, hình ảnh xấu xí ấy có bớt phần nào; ví dụ như người ta vẫn cứ chém lợn, vẫn cứ giết trâu nhưng kín đáo hơn, không công khai như trước... Khai ấn đền Trần được tổ chức chu đáo hơn, tránh cướp giật ấn. Còn lại thì hình như vẫn thế? Thử đọc vài dòng:


"...Đến hẹn lại lên, bến thuyền suối Yến thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội sáng ngày mùng 6 Tết (ngày 2/2) lại tấp nập người đi trẩy hội chùa Hương. Mặc dù lượng du khách trong ngày khai hội trước chừng ít hơn so với các năm trước nhưng khung cảnh hàng trăm, hàng nghìn du khách, Phật tử chen lấn để giành lộc sau khi lễ khai hội kết thúc cũng đủ gây náo loạn cả một góc chùa, Đảng nói hơn là hình ảnh và cách thức nhà sư ném lộc tại chùa Hương vào ngày khai hội tạo nên nhiều phản cảm, bức xúc trong dư luận”. (VTC News)

"...Chiều 9/2 (tức 13 tháng Giêng), lễ hội cướp phết Hiền Quan 2017 (Tam Nông - Phú Thọ) chính thức diễn ra sau phần lễ được các bậc cao niên trong làng tổ chức linh đình. Theo quy chế mới, năm nay hội phết Hiền Quan sẽ giới hạn số người tham gia cướp phết. Chỉ 100 trai tráng được chia thành 2 đội mang đai xanh và đai đỏ mới được ban tổ chức cho phép xuống khu vực cướp phết. Quy định mới này nhằm hạn chế tối đa khả năng xảy ra bạo lực, hỗn loạn trong quá trình cướp phết. Tuy nhiên, người dân trong xã lại không hưởng ứng quy định này. Bất chấp bùn bẩn hay dẫn tới đánh nhau, nhiều thanh niên vẫn lao vào để sờ bằng được vào quả phết. Quá hăng máu, hàng nghìn thanh niên đã lao vào nhau, thậm chí dùng nắm đấm để tranh giành phết. Mỗi khi có người nắm được quả cầu son trong tay, ngay lập tức trở thành mục tiêu của đối thủ. Tranh giành phết ngày càng quyết liệt dẫn đến ẩu đả, các thanh niên choảng nhau, ghì đầu nhau xuống ruộng. Thậm chí, kéo nhau cả xuống ao khi quả phết được tung xuống mặt nước. Mặt ruộng khoảng 1 ha bị quần nát, các thanh niên bơ phờ, người dính đầy bùn sau cuộc tranh giành phết cầu may...”. (baomoi.com)

Người chơi chia thành nhiều nhóm lao vào tranh giành, thậm chí dẫm đạp trèo lên người đối thủ để "cướp" may mắn về cho mình.
Chiến trường" cướp phết chuyển từ đồng ruộng lầy lội bùn đất ra đến ruộng ao bèo.

Vì sao và từ đâu?

Vì sao hành động tranh cướp xấu xí đó vẫn cứ tiếp diễn ở đa số lễ hội, từ hội làng đến hội tầm cỡ quốc gia?

Liệu có phải người Việt hôm nay cho rằng những thứ tranh cướp (hoặc chặt chém) với chính đồng bào của mình mới là thứ quý, mới mang lại cho họ “phúc, lộc, thọ”?

Nên nhớ rằng cướp phết bắt nguồn từ một trò chơi dân gian nhằm rèn luyện sức khỏe cho binh sĩ thuở xưa. Đây là lễ hội được tổ chức để tôn vinh và tưởng nhớ công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa, Đức Thánh mẫu Đại vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Quả phết và quả chúi (nhỏ hơn) được làm từ gốc tre sơn son thếp vàng. Với quan niệm cho rằng cá nhân hay thôn xóm nào cướp được phết thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn nên ai cũng mong muốn cướp được quả phết. Phải chăng người ta thấy khoái cảm trong việc thắng cuộc và nhìn kẻ khác thua cuộc? Mọi cảm xúc muốn làm tổn thương người khác do thua thiệt, thất bại đều là những khoái cảm bệnh hoạn (Krishnamurti, 2010).

Niềm vui luôn thoáng qua những nỗi buồn của kẻ thất bại sẽ âm ỉ, khó nguôi quên.

Ta phải kêu lên như cụ Nguyễn Khuyến: “Khen ai khéo vẽ trò vui thế!”. Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch thì chúng ta có đến gần 8.000 lễ hội diễn ra hàng năm trong phạm vi cả nước. Làm thế nào để “gạn đục khơi trong” là vấn đề của những người lãnh đạo văn hóa. Phân tích về việc biến tướng lễ hội, tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển) nhận định: “Trước đây, lễ hội thường chỉ trong phạm vi các làng (hội làng), gắn với những câu chuyện về lệ làng, điển tích những người lập làng hoặc những lễ hội gắn với những anh hùng dân tộc, người có công khai phá các vùng đất. Mục tiêu trong sáng nhất của lễ hội là tưởng nhớ, giáo dục đạo đức, truyền thống, nhân cách. Nhưng chúng ta có một giai đoạn đất nước chiến tranh loạn lạc, hơn nữa lại theo triết học duy vật biện chứng nên những gì có dấu hiệu của mê tín dị đoan phong kiến cũng bị xóa bỏ. Một thời gian sau, lễ hội được phục hồi nhưng theocách cóp nhặt mỗi nơi một chút, nên có hiện tượng sản xuất ra các kịch bản cho lễ hội cũng như nuôi gà công nghiệp. Làng này thấy làng kia có lễ hội thì mình cũng phải có, nên các lễ hội trở nên giống nhau và bị lạm phát. Vì thế trong một thời gian dài hầu hết mọi người đã không nghiêm túc với lễ hội, để đến nỗi người dân có niềm tin thô tục và đơn giản là muốn xin tiền, xin lộc thì phải đút lót thần linh. Nhiều người cũng mang theo quan niệm đơn giản là cứ cướp được lễ vật thì sẽ có lộc, mà không hiểu đằng sau đó là câu chuyện, sự tích gì. Như vừa rồi các sự ở chùa Hương phát lộc cho du khách hôm khai hội cũng không có trong nghi lễ nhà Phật. Hay lễ hội đền Trần trước đây chỉ là nơi giáo dục lòng yêu nước, nhớ về hào khí Đông A thì nay trở thành nơi cầu thăng quan, tiến chức. Lễ hội đền Bà Chúa Kho trước đây để giáo dục tinh thần liêm we chính thì nay trở thành nơi cầu tài lộc, tiền bạc...”.

Nhưng thật ra nguồn gốc lễ hội không đơn giản như TS Vịnh nói mà phải biết ở Việt Nam, những lễ hội kéo dài hàng tuần hàng tháng vào dịp Giêng hai, trước và sau Tết là lúc nông nhàn, cũng là dịp để mọi người tụ họp chung vui.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè...

Đọc lại sách xưa, chúng ta thấy có những hội thi mang nhiều nét đẹp nhưng tiếc thay không còn duy trì sau những năm tháng chiến tranh như Hội thi thổ sản từng vùng. Theo “Xã Hội Việt Nam” của Lương Đức Thiệp thì ở làng Đồng Vị và làng Bích Đại (tỉnh Vĩnh Yên ngày xưa, nay là Vĩnh Phúc) có tục làm lễ trình nghề: người ta buộc một con trâu giả vào cày có lưỡi gỗ, do một người đàn ông kéo trâu vào và một người khác cầm cày đều cải trang làm đàn bà, đồng thời một người con gái giả trai dưới 17 tuổi bưng một thúng trấu giả cách vãi mạ... Ở làng Liên Bạt (Hà Đông) có tục thi ném bún tại đình, nếu ai quấn một đầu sợi bún vào đầu chiếc đũa rồi quất vào cột đình mà sợi bún không đứt thì xem như trúng cách. Làng Linh Đài ở Hưng Yên có tục mở hội vật lầu để cầu đảo, tranh nhau giành quả bưởi bỏ vào lỗ phe đối phương (một hình thức “bóng rổ” dưới mặt đất) và nằm che lại không cho phe kia lật mình lên thẩy vào.

Cảnh chơi đu lễ hội

Nhưng tại sao những tục lệ “hiền lành” ấy không còn mà thay vào là những lễ hội đậm chất ăn thua? Hãy nhớ rằng ngày xưa người ta tụ họp ở đình hay chùa chiền đầu năm với nhiều ý nghĩa. “Nếu chùa là nơi đến cầu nguyện nghiêng về khía cạnh tâm linh thì đình là nơi tụ họp của dân làng trong những ngày Tết, ngày lễ, quen gọi chung là đình đám...”. Cho nên những đình đám, những bữa ăn công cộng đều được coi là những cao độ của triều sống để mọi người hội thông nhau trong niềm hân hoan toàn triệt. Toàn triệt theo nghĩa thể chế tức là có việc cảm thông qua những việc rất cụ thể: từ việc tế thần ở làng đến việc ăn chơi vui nhộn, để nhu cầu con người toàn diện đều được đáp ứng thỏa thuê... “Cho nên có thể coi cái đình chính là gạch nối giữa nhà và nước...” (Kim Định - Triết Lý Cái Đình). Đã có một thời chúng ta tố cáo “cái đình”, những cuộc tụ họp ấy là dấu hiệu của đám hương chức xôi thịt, mị dân nhưng rồi chúng ta thay nó bằng gì? Bằng những lễ hội “tệ hại” như hôm nay chăng? Theo Kim Định, khi chúng ta “xóa” cái đình thì vô tình chúng ta những kẻ trí thức, đã đồng công lập hộ cửa đình để dọn đường cho các ý hệ ngoại lai vào đập tan chút vốn liếng tinh thần của dân tộc. Cho đến lúc nước nhà tan rã, nhìn trở lui mới nhận ra thâm ý của ngoại nhân”. Chúng ta có thể khôi phục văn hóa cộng đồng với những lễ hội lành mạnh. Tránh “... lâm vào tình trạng bi đát của con người thời đại mà H. Marcuse gọi là con người một chiều kích (unidimensional man) chỉ biết có duy vật hay duy tâm, nên đời trở nên vô đạo, đạo trở nên trống rỗng...” (Kim Định, sđd). Còn phục hoạt “triết lý cái đình” ngày xưa thành một nền văn hóa cộng đồng lành mạnh, nhân bản, văn minh thì thuộc về trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta, và quan trọng nhất là từ những người lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo ngành văn hóa và lãnh đạo đất nước.

Phải bắt đầu từ đâu?

Có lẽ phải giáo dục từ quan xuống dân, từ già đến trẻ. Nếu các quan vẫn dùng xe công đi lễ, cầu “thăng quan tiến chức”, các bậc phụ huynh vẫn bon chen cướp ấn, cướp lộc thì làm sao dạy dỗ con dân được? Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, việc phát lộc của nhà chùa trước hết phải thể hiện được tính tôn nghiêm, trang trọng, trong khi hình ảnh sư thầy phát lộc tại chùa Hương không chỉ đi ngược lại tính chất tôn nghiêm đó mà còn tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, nhốn nháo, khiến cho hàng trăm khách hành hương chen lấn, giẫm đạp lên nhau để tranh lộc.

Phải dạy lại giáo lý cho tín đồ và khuyến cáo cả những bậc tu sĩ theo đúng chánh pháp. Hòa thượng Thích Thiện Bảo - Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh – khi trả lời báo chí, đã khẳng định: “Việc cúng sao giải hạn không phải là văn hóa Phật giáo. Đây là theo tập tục dân gian vốn có từ thời xưa, khi mà con người cảm thấy quá bé nhỏ trước thiên nhiên, bị đủ loại bệnh hoạn mà chưa tìm ra thuốc chữa, rồi cho là vì các vị thần trừng phạt nên sợ sệt mà tưởng tượng ra - từ thần Sấm, thần Sét, thần Cây Đa, Cây Đề, thần Hổ, thần Rắn, thần Núi, thần Sông... Đạo Phật chủ trương con người là chủ nhân quyết định vận mệnh chính mình, theo đó, Đức Phật dạy: Không ai làm cho chúng ta thanh tịnh, không ai làm cho chúng ta ô uế, chính chúng ta làm cho chúng ta ô tuế. Cho nên việc cúng sao giải hạn hoàn toàn không phù hợp giáo lý truyền thống của đạo Phật...”. Hòa thượng cũng khuyến cáo, “Trong Trường Bộ kinh, Đức Phật cũng khuyên các tu sĩ - những người đã thọ dụng sự cúng dường của tín thí Phật tử - không nên thực hành những tà hạnh như chiêm tinh, chiêm tướng, đoán số mạng, xem địa lý, xem mặt trăng, mặt trời, các sao mọc lặn, sáng mờ... sắp đặt ngày lành để đưa (rước) dâu hay rể về nhà, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú...”.

Đến đây, có người đưa ra những đề xuất vĩ đại như “... phải có một chiến lược giáo dục tín ngưỡng trong thời gian dài và liên tục, bắt đầu từ ngày trong nhà trường cho các thế hệ trẻ, để mỗi người hiểu được những điều cơ bản có tính chất văn hóa ở địa phương mình như tiểu sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa...” (Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo)

Nhưng theo thiển ý chúng tôi hãy bắt đầu bằng những việc làm nhỏ nhất, đơn giản nhất là cha mẹ phải dạy lại con cháu cách cúng lễ cho đúng đắn, còn cha mẹ phải học lại nơi các bậc trưởng thượng hơn hay các tu sĩ. Làm sao cho đúng “chánh pháp”, tuân theo “chánh tín”. Các cán bộ văn hóa và cán bộ lãnh đạo địa phương không chỉ vận động tuyên truyền mà bản thân mình và gia đình mình phải thực sự gương mẫu. Những việc nhỏ nhất là gì: từ việc thắp nhang “hàng bó to” hun ngạt mấy tăng ni trong chánh điện cho đến việc dán, nhét tiền bừa bãi vào các vị La-hán hay Phật... Nếu mọi người đều ý thức về bản sắc thật của văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng thì gương mặt của lễ hội sẽ khác đi. Người dân sẽ cảm nhận từ chùa chiền tinh thần chánh pháp. Chúng ta nhớ lời nguyện cầu hàng đêm “Nguyện bỏ các việc ác, nguyện làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch”. Nếu ta đi chùa giải hạn nhưng vào công sở vẫn cứ dụng dưỡng hoặc bản thân chúng ta trộm cắp, tham nhũng, móc ngoặc, làm những việc vô đạo đức thì chắc chắn chúng ta có cúng vái cầu xin cũng vô vọng, hoặc tạm tránh” được một thời gian trước khi bại lộ. Đó là chưa nói đến “lương tâm”. Chúng ta biết rằng theo “Vi diệu pháp”, Bất thiện tâm (akusalacitta) có 12 tâm, cùng với 12 bất thiện nghiệp (akusalakamma) phát sinh do nương nhờ ba nơi: thân, khẩu, ý. Mười hai ác nghiệp phát sinh trực tiếp do tham tâm và sân tâm, và đều do vô minh làm nhân. Việc giết súc vật để tế lễ là tạo ác nghiệp sát sinh và cướp lộc hay phết là tạo ác nghiệp trộm cướp... Tất cả là do ác nghiệp tà kiến mê lầm trong nhận thức. Nói như đức Đạt-lai Lạt-ma, không có ngày xấu giờ xấu mà chỉ có những suy nghĩ tốt hay xấu trong ngày đó hay giờ đó khiến nó trở nên tốt hay xấu mà thôi. Còn về lễ hội, làm sao để khi vào đền đài miếu mạo, người ta luôn cảm nhận được tinh thần yêu nước của cha ông ngày trước như đền Trần, hội Gióng, hay làm sống lại những lễ hội mùa Xuân khác như Giỗ trận Đống Đa, ngày Kỷ niệm Hai Bà... Buồn thay, nếp hay thói nghĩ “vụ lợi” đã bám rễ quá sâu trong tim óc những người tham gia, có cả thành phần trí thức và một bộ phận không nhỏ” quan chức! Làm sao xây dựng lại cả một ý thức hệ, lành mạnh, minh triết trong suy nghĩ, văn minh trong hành động, lịch sự trong ứng xử? Nan đề ấy cần bao nhiêu năm?

Chúng ta nguyện cầu gì cho những lễ hội mai sau? Một tấm lòng thành tín, một cung cách nhã nhặn là những gì mà chúng ta cần khi tham dự lễ hội. Vậy mà dường như khó quá!

Có ai đó nói rằng một dân tộc tin quá nhiều vào thánh thần, sống trong mê tín, là một dân tộc yếu hèn, không thể ngẩng đầu cao được? Có đúng vậy chăng khi điều thứ chín trong Mười điều Bị Ai của Dân tộc Việt mà cụ Phan Chu Trinh từng nêu lên:
Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật”. Ở đây cụ không chê bai việc cầu nguyện, mà hàm ý đừng xem Phật cũng là một đấng thần linh ban phép mầu mà quên đi lời Phật dạy về nguyên lý nhân quả. “Phàm làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Theo nhà Phật, phương pháp đúng đắn đạt đến giác ngộ được gọi là chánh kiến. Thấy đúng thật tánh của sự vật là tin vào việc mình làm dựa trên nền tảng đạo đức. Còn nguyện cầu làm gì? Nói như một tác giả gần đây “Gieo một chút nguyện cầu là thêm niềm hứng khởi để cố gắng hết sức mình cho những kế hoạch đề ra. Gieo một chút nguyện cầu là tạo nên làn gió mát lành ru êm những giọt mồ hôi, thậm chí là cả nước mắt trên con đường nỗ lực dốc sức để tạo nên kết quả. Vậy nên, nguyện cầu không thể là phương thức để đạt đến mục tiêu mong đợi, nguyện cầu chỉ là hương vị cho ý chí thêm phần phấn chấn, là chất xúc tác cho nghị lực thêm phần quyết liệt” (Trần Xuân Tiên - Mê tín quá đà thể hiện sự bất lực tuoitre online 6/2/2017). Còn bản thân chúng ta phải làm việc việc hết sức và chúc nhau những may mắn cho phần còn lại theo công thức: Thành công = 99% mồ hôi + 1% may mắn! Thế nên, hãy đến với lễ hội trong chánh tín!

(2017)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự hiểu mình hơn qua lễ hội

    03/02/2020Vương Trí NhànAi đọc cổ tích Tấm Cám hẳn nhớ chi tiết mẹ con Cám ghét Tấm, ghen tị với Tấm muốn hành hạ Tấm. Biết Tấm thích đi hội làng, mẹ Cám trộn thóc lẫn với gạo bắt Tấm chọn xong mới được đi. Chi tiết đã quá quen thuộc nhưng chỉ hôm nay tôi mới hiểu. Sức lôi cuốn của lễ hội thật dai dẳng. Có một ma lực nào đó cứ lôi cuốn tôi mặc dù lý trí đã bảo tôi rằng không nên đi tìm ảo ảnh...
  • Lệch chuẩn trong lễ hội là do "mù quáng tâm linh"

    09/02/2019Mùa lễ hội bắt đầu, cũng là lúc các nhà quản lý tiếp tục "đau đầu" trước những "điệp khúc" nhiều năm, mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để: chen chúc, tranh giành, rải tiền lẻ khắp mọi chỗ, chặt chém du khách vv…
  • Lễ hội du nhập cần lựa chọn

    31/10/2019Hải QuỳnhTrong những năm đổi mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, với sự phát triển kinh tế - văn hóa trong tiến trình hội nhập, lễ hội của các nước trên thế giới càng trở nên quen thuộc đối với đông đảo người dân Việt Nam, nhất là đối với tuổi trẻ.
  • Lễ Phật đầu năm

    18/02/2021Nguyên CẩnĐầu năm lúc giao thừa, người người đổ về các chùa đi lễ. Họ cầu mong gì? Đã có ai thống kê hay tìm hiểu xem họ cầu mong gì trong năm mới...
  • Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

    03/02/2020Vương Trí NhànKhông gì xa lạ với văn hóa bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một số lễ hội và trong chừng mực nào đó, làm hỏng các lễ hội thiêng liêng ấy...
  • Đi lễ - Tín ngưỡng người Việt

    03/02/2020Đặng Vân PhúcĐầu năm, mọi người đi lễ cầu may, người ta đi lễ Chùa cầu Phật, lễ Đền cầu Thánh, Mẫu, bà Chúa, Thần, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc, Đức mẹ, Chúa, v.v. Tín ngưỡng như một nơi giúp hóa giải và giúp người ta tĩnh tâm, gửi gắm, ước nguyện...
  • Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập (1)

    15/08/2019Phùng QuánNhiều bạn đọc đã yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm tư liệu về ông Nguyễn Hữu Đang, người trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập 2-9-1945, buổi lễ đơn giản mà trang nghiêm sẽ mãi mãi in dấu trong lịch sử Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu độc giả, TS xin đăng lại nguyên văn bài viết "Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập" của nhà văn Phùng Quán...
  • Quê hương phát tích lễ Tịch Điền

    13/02/2019K.M.ĐĐể cho mùa vụ được tốt tươi, mùa màng được bội thu, theo điển lệ xưa, các vị minh quân nước ta đã biết dựng đàn xã tắc, cầu cho đất nước được bình an, làm lễ tịch điền đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa và chính bản thân nhà vua xuống ruộng cày cấy...
  • Đi lễ hội để cầu may và cầu lợi?

    08/02/2019Vương Trí NhànLễ hội càng ngày càng bát nháo với đủ thứ biến tướng của mê tín, kinh doanh trục lợi, nguyên nhân sâu xa của nó từ đâu? Niềm tin mong manh, cuộc sống bất trắc, con người phải bám víu vào tâm lý cầu lợi để lấp đầy hố sâu ham muốn quyền lợi…
  • Cần xóa bỏ lệ đổi tiền lẻ đi lễ chùa, đền, miếu...

    08/02/2019Đinh Hồng CườngTrong khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây, tục lệ đổi tiền lẻ đầu năm để đi lễ chùa, đền, miếu…cầu may đang dần trở thành phổ biến, thịnh hành ở các khu đô thị lớn...
  • Tâm linh... mấy hột

    21/02/2016Lại Nguyên ÂnChỉ tội nghiệp cho những đám đông chắc hẳn không có triển vọng gì về quan lộc, nhưng chỉ vì a dua, vì nghe nhiều tuyên truyền quảng cáo, dấn mình xé rào xông vào lễ hội, bị sảy chân, bị roi đánh ngã ngất, sày vảy mà không xin được ấn được lương, đầu năm đã rông như vậy, cả năm sẽ ra sao? Hãy nghĩ lại: chẳng có một hột tâm linh nào đâu, nơi những lễ hội cửa quyền ấy!
  • Thần, Phật linh thiêng xin phù hộ người Việt cứu lấy “hồn” dân tộc

    30/01/2017Phạm Giang HoàngTâm linh là nhu cầu của mỗi người và nó là chuyện cá nhân. Nhưng khi câu chuyện tâm linh cá nhân được biểu hiện ra hành vi phản cảm của số đông và gây náo loạn xã hội thì quả là chuyện đáng nói và nó đã là câu chuyện văn hóa rồi...
  • Văn hóa lễ chùa chẳng giống ai của người Việt

    02/03/2016Ngọc LêĐi lễ chùa vào những ngày đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Người ta đến chùa để hướng về cõi Phật, cầu một năm mới bình an, như ý. Nhiều người còn xem đó là một đức tin giúp họ vượt qua những chông gai, trắc trở trong cuộc sống...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Tình trạng dung tục ở các Lễ Hội

    02/03/2015Vương Trí NhànDưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ, nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt - miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn...
  • Nỗi buồn lễ hội

    19/02/2011TS. Phạm Duy NghĩaXuân đến, phồn thịnh và náo nhiệt, ấy cũng là mùa của những lễ hội. Tựa sợi dây nối tiền nhân với hậu thế, lễ nhắc người ta về đạo làm người. Hội là cuộc vui cộng thể để dồn sức cho cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Giúp gắn kết, tăng niềm tin và sức mạnh dân tộc, lễ hội là một phần thân thuộc và tự nhiên ngày qua ngày bồi bổ nên cốt cách văn hóa của con người Việt Nam.
  • Lễ, Hội, và Tết

    16/02/2007Nguyễn Tiến VănLễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn...
  • xem toàn bộ