Quê hương phát tích lễ Tịch Điền

11:47 SA @ Thứ Tư - 13 Tháng Hai, 2019

Với bất kỳ ai, nếu có dịp quan sát mặt và tang trống đồng Đông Sơn (khoảng 2500 – 2000 năm trước CN) ở bảo tàng lịch sử Việt Nam, số 1 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc ở bất kỳ nơi đâu thì đều thấy hiển thị rất rõ nét một nền văn minh nông nghiệp lúa nước phát triển đến rực rỡ ở nước Việt ta thời xưa.

Con sông Hồng chảy dài từ thượng nguồn sông Mê Kông xuống đến tận hạ lưu, được thiên nhiên ưu đãi, bồi đắp phù sa và khí khậu nhiệt đới gió mùa khiến cho nền nông nghiệp lúa nước ở ven hai bờ sông phát triển đến rực rỡ, đời sống muôn dân được ấm no, hạnh phúc, trường tồn mãi đến ngày nay và còn lâu dài cho hậu thế mai sau.

Nói như vậy để thừa nhận rằng đất nước ta là một đất nước nông nghiệp, phần lớn dựa vào “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Kế tiếp sau đó là: “Người ta đi cấy lấy công; Tôi nay đi cấy phải trông nhiều bề; Trông trời, trông đất, trông mây; Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm; Trông cho chân cứng đá mềm; Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”. Không có một hạt thóc, cây lúa nào đơm hoa kết trái mà người dân không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Nên người xưa mới thường khuyên răn: “Ai ơi bưng bát cơm đầy; Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.


Những sá cày đầu tiên trong lễ Tịch điền 2014

.

Để cho mùa vụ được tốt tươi, mùa màng được bội thu, theo điển lệ xưa, các vị minh quân nước ta đã biết dựng đàn xã tắc, cầu cho đất nước được bình an, làm lễ tịch điền đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa và chính bản thân nhà vua xuống ruộng cày cấy.

Xin kể ra đây một vài ví dụ điển hình để soi chiếu việc trọng nông thế nào của ông cha ta xưa kia. Theo sử sách còn ghi lại thì Lễ Tịch điền bắt đầu từ thời triều đại nhà tiền Lê (981 –1009), đứng đầu là vua Lê Hoàn (Lê Đại Hành), vua ra cày ruộng nước ở chân núi Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam năm 987, tiếp nối nhà tiền Lê là triều đại nhà Lý, riêng vua Lý Công Uẩn (1010 – 1028), suốt 18 năm trị nước mà có tới 3 lần khoan thư sức dân, miễn tô thuế đến 3 lần, đầu xuân cho mở hội và thân hành lập đàn lễ, mở lễ tịch điền, xuống ruộng cày để giáo hóa các hoàng nhi.

Đến đời vua Lý Thái Tông – Lý Phật Mã,..."Mùa xuân, tháng 2 (năm Mậu Dần, 1038), vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sai Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua (Lý Thái tông) nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?" Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng 3, vua về Kinh sư.

Đến tháng 3 năm Mậu Thân (1248), nhà Trần cho đắp đê có nhiều chỗ vòng ra, giống hình cái quai vạc, nên gọi là đê Đỉnh Nhĩ. Lần đầu tiên đê này được đắp suốt từ đầu nguồn đến bờ biển để ngăn nước lụt khỏi tràn ngập, bồi thường thỏa đáng cho dân ở những chỗ nào phạm vào ruộng đất của họ.

Năm 1301, trước khi thượng hoàng Trần Nhân Tông đi công cán Chiêm Thành có dặn lại nhà vua Trần Anh Tông: “Thứ nhất là tới lễ tịch điền ta chưa về, quan gia phải tiến hành như thường lệ. Nhẽ ra ta phải tự tay cầy cấy lấy lúa gạo để thờ cúng tổ tiên. Ấy là tỏ lòng hiếu kính của ta với các bậc tiền bối. Ấy cũng là việc tốt để làm gương cho thiên hạ. Không làm được như vậy, ta cũng phải tỏ cái tình của ta đối với việc nông tang. Quan gia cầy một hai đường cầy, có phải là quan gia cầy ruộng đâu, chính là quan gia cầy vào lòng thiên hạ. Còn thiên hạ sẽ vì quan gia mà cầy ruộng. Đấy mới chính là cái gốc của Lễ tịch điền. Cũng như ngày trước, tiên đế mở Đại hội Diên Hồng. Đánh giặc như thế nào, triều đình đã có kế sách. Đâu phải tới Diên Hồng mới bàn kế đánh. Diên Hồng chính là điểm tụ hội lòng dân, khích lệ toàn dân cố kết với triều đình đánh giặc. (trích trong tác phẩm "Huyền Chân Công Chúa" – Nhà văn Hoàng Quốc Hải).

Lễ hội được khôi phục và tiến hành long trọng, thành kính dưới thời nhà Nguyễn. Sách “Đại Nam thực lục” phần Chính biên đã ghi chép vào tháng 2 năm Mậu Tý (1828) vua Minh Mạng đã ban hành lời Dụ về việc cày ruộng tịch điền như sau:

"Vua bảo bầy tôi rằng: “Ðời xưa vua cày ruộng tịch điền, để lấy gạo làm xôi tế Giao Miếu, nhân thể để xét thời tiết làm ruộng khuyên giúp nông dân, thực là việc lớn trong vương chính. Cái điển ba đường cày, sách vở còn chứng. Nước ta đời Trần đời Lê gián hoặc có làm nghi điển ấy, nhưng phần nhiều giản lược. Trẫm từ thân chính đến nay, chăm nghĩ đến dân, thường lấy việc dạy dân chăm nghề gốc làm gấp. Hiện nay triều đình nhàn rỗi, giảng tìm phép xưa, thực là việc nên làm trước. Nên chọn đất ở Kinh thành làm chỗ tịch điền”. Bèn sai đặt ở hai phường Hậu Sinh và An Trạch, bên tả dựng đài Quan canh, đằng trước làm ruộng đế tịch, đằng sau làm điện thay áo, bên hữu đặt dàn Tiên Nông và đình Thần Thương thu thóc. Sai Trung quân Tống Phước Lương coi làm. Thưởng tiền cho thợ và biền binh làm việc 5.000 quan. Lại đặt sở Diễn canh (tập cày) ở phía Bắc cung Khánh Ninh, gọi là vườn Vĩnh Trạch. Sai bộ Lễ bàn định điển lệ. Hàng năm cứ tháng trọng Hạ (tháng 5) chọn ngày tốt làm lễ..."

Đây là một nét văn hóa giàu tính truyền thống và mang đậm tính giáo dục sâu sắc. Như thượng hoàng Trần Nhân tông đã từng nhắc nhở con mình rằng: “Bệ hạ cày ruộng mà không phải là cày ruộng. Cày đây là cày vào lòng dân, để dân biết mà vì bệ hạ để siêng năng cày cấy.” Làm một người đứng đầu của một nước nông nghiệp mà trú mục vào việc nông, làm tấm gương cho thiên hạ soi vào thì làm gì mà dân không tin, không theo.

Nếu nhìn sâu hơn vào bản chất của vấn đề ta sẽ thấy cấy cày không phải chỉ là việc của nông gia mà là của cả xã tắc làm nông nghiệp. Vua biết chăm lo cho đời sống của người dân, biết gần dân, đúng theo tinh thần: “Dân vi bản, xã tắc vi thứ, quân vi khinh”. Vua tôi trên dưới đồng lòng. Làm vua mà biết lo cái lo của thiên hạ, yêu dân như con, biết đặt quyền lợi của người dân lên trên quyền lợi của mình thì chỉ có các bậc cao minh mới làm được như thế. Vua phải biết yêu cái dân yêu và ghét cái dân ghét. Tức là vua với dân là một. Chứ vua mà ghét cái dân yêu thì xã tắc này là của riêng vua rồi. Vua đứng trên cả pháp luật và đứng trên cả dân, thì ấy là cái mầm của loạn.

Lễ tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ngày mùng 5/10/16 vừa rồi, chúng tôi có về núi Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, một mặt thăm lại ngôi chùa xưa (Diên Linh tự) được xây dựng năm 1054, dưới thời vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan, mặt khác muốn tìm hiểu rõ hơn về lễ tịch điền, vết tích còn để lại từ thời vua Lê Đại Hành. Qua tìm hiểu chúng tôi được ông Mùi, tuổi chạc ngoài 70, người dân địa phương cho biết: “Ngày 7 tháng Giêng năm 2010, nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có về đây cày ruộng. Kế tiếp đến năm 2012, ông Trương Tấn Sang cũng đã về đây cày ruộng vào dịp đầu xuân. Hi vọng là đến năm 2017, ông Trần Đại Quang sẽ lại về đây nối tiếp truyền thống đó”.

Tôi hỏi: - Thế ý tứ người dân địa phương ở đây thấy thế nào về hoạt động văn hóa ấy? Ông Mùi cho biết thêm: “Vua bây giờ đi cày rầm rộ lắm, quan lại triều đình đi đủ cả. Lại có lính theo hầu, dẹp đường đâu ra đấy. Vua cũng xuống ruộng cày vài đường cho gọi là. Nhưng là cày ruộng khô thôi. Cày tượng trưng ấy mà. Thực tế, như Tổ tiên chúng tôi vẫn thường kể lại, ruộng mà vua Lê Đại Hành cày xưa kia phải là đằng sau núi Long Đọi Sơn này cơ, phía sau chùa Diên Linh ấy. Phía đó ruộng mới có nước, vua phải lội xuống đó cày, thế mới là thực lòng”.

Chúng tôi thả bộ lên núi Đọi, nhìn về phía đường Tịch Điền, thấy những cánh đồng trải dài thẳng cánh cò bay, hít một hơi thật sâu để cảm nhận hương thơm đồng nội, lòng không khỏi bồi hồi khi ngẫm về một mỹ tục cổ truyền của cha ông ta. Ý thơ tuôn chảy:

“Yêu biết mấy quê hương tha thiết;
Ngọt ngào thơm đồng lúa quê ta.”

Vua mà đi cày tức là thể hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của nhà nước. Vua đi cày là cày vào lòng dân. Âu đấy cũng là chính sách thân dân, biết lấy dân làm gốc. Mà dân thì “dĩ thực vi tiên” – lấy ăn làm đầu. Lấy tấm thân – THÂN GIÁO ra mà làm gương giáo hóa dân chúng thì mọi việc tất thành. Vua mà xa dân, chỉ khư khư mà ngồi giữ ngai, chỉ chăm lo đến quyền lợi của gia tộc mình, vinh thân phì gia, thì rường mối loạn cũng sinh ra từ đấy.

Còn nhớ, trước lúc Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1231 – 1300) lâm chung, vua Trần Anh Tông có hỏi về kế sách giữ nước lâu dài, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương đáp: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước” (Đại Việt Sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển VI, tr.89). Lời dạy quả chí lý, chí tình!

Giờ thì ruộng của dân phải nhường cho các khu dự án công nghiệp, khu nhà ở trung cư cao tầng, cho sân gôn và các khu vui chơi giải trí…, đâu đó dân bị tước mình ra khỏi mảnh đất cắm dùi. Thế là Dân cầm cờ, biểu ngữ đi khắp phố phường Hà Nội để hỏi xem: Dân mất ruộng thì “chân tay họ sẽ để vào đâu”? Thuyết “Danh chính” của Khổng Tử bấy lâu nay đã bị vất vào…xọt rác.

Thời thế tao loạn…

Hà Nội, ngày 14/10/16.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lệch chuẩn trong lễ hội là do "mù quáng tâm linh"

    09/02/2019Mùa lễ hội bắt đầu, cũng là lúc các nhà quản lý tiếp tục "đau đầu" trước những "điệp khúc" nhiều năm, mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để: chen chúc, tranh giành, rải tiền lẻ khắp mọi chỗ, chặt chém du khách vv…
  • Lễ hội du nhập cần lựa chọn

    31/10/2019Hải QuỳnhTrong những năm đổi mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, với sự phát triển kinh tế - văn hóa trong tiến trình hội nhập, lễ hội của các nước trên thế giới càng trở nên quen thuộc đối với đông đảo người dân Việt Nam, nhất là đối với tuổi trẻ.
  • Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

    03/02/2020Vương Trí NhànKhông gì xa lạ với văn hóa bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một số lễ hội và trong chừng mực nào đó, làm hỏng các lễ hội thiêng liêng ấy...
  • Đi lễ hội để cầu may và cầu lợi?

    08/02/2019Vương Trí NhànLễ hội càng ngày càng bát nháo với đủ thứ biến tướng của mê tín, kinh doanh trục lợi, nguyên nhân sâu xa của nó từ đâu? Niềm tin mong manh, cuộc sống bất trắc, con người phải bám víu vào tâm lý cầu lợi để lấp đầy hố sâu ham muốn quyền lợi…
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Tình trạng dung tục ở các Lễ Hội

    02/03/2015Vương Trí NhànDưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ, nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt - miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn...