Lệch chuẩn trong lễ hội là do "mù quáng tâm linh"

11:42 SA @ Thứ Bảy - 09 Tháng Hai, 2019


VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC TÁC GIẢ BÀI VIẾT NÀY:

Vĩnh biệt TS. Nguyễn Quốc Tuấn- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, Viện Hàn lâm KHXHVN vừa từ trần hồi 21h 22 phút ngày 8/2/2019 tại Bệnh Viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Hà Nội.

Mùa lễ hội bắt đầu, cũng là lúc các nhà quản lý tiếp tục "đau đầu" trước những "điệp khúc" nhiều năm, mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để: chen chúc, tranh giành, rải tiền lẻ khắp mọi chỗ, chặt chém du khách vv… Để tìm hiểu thêm về nguyên nhân, nhằm đưa ra những giải pháp, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).


Cảnh chen chúc thường thấy nơi lễ hội.

.

- Thưa ông, đã có nhiều biện pháp quản lý lễ hội được đặt ra, nhưng các vấn nạn vẫn chưa chấm dứt. Là nhà nghiên cứu tôn giáo nhiều năm, ông có ý kiến gì về việc này?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Những biểu hiện lệch chuẩn trong hoạt động lễ hội cho thấy, các nhà quản lý đã làm không trúng, nhà nghiên cứu cũng nghiên cứu không trúng. Do thói quen xấu là sao chép mô hình quản lý từ người khác, mà không có phê phán và điều tra, nên không có lời giải phù hợp, lại đưa ra biện pháp cả gói, cả niềm tin lẫn hoạt động. Năm nào nhà quản lý cũng ra các quy định, chỉ thị, nhưng toàn bị bật ra khỏi cuộc sống. Vì thế, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu phải làm việc với nhau, để xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức điều chỉnh hành vi, hoạt động của lễ hội. Chỉ khi hiểu rõ niềm tin và việc thực hành, mới biết và hướng người ta đi vào sự đúng đắn. Trách nhiệm của nhà quản lý lẫn các nhà nghiên cứu và truyền thông phải phối hợp, để làm cho người dân hiểu. Đang có một thực tế là nhiều phóng viên viết về lễ hội, nhưng hiểu biết còn ít, chỉ quan sát trên bề mặt, dẫn đến lệch chuẩn.

- Thưa ông, để hướng dẫn xã hội, ý kiến của các nhà nghiên cứu, trong đó có ông, rất quan trọng. Vậy tại sao các ông lại không lên tiếng?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Không phải nhà nghiên cứu nào cũng đủ trình độ để nói điều này. Hơn nữa, chúng ta chưa tập hợp được những nhà nghiên cứu chuyên sâu, dày công thu thập tư liệu và nghiên cứu, tiếng nói có trọng lượng. Trong khi đó, nhà quản lý không rõ ràng trong đường hướng, nay cấm đặt nhiều hòm công đức, mai cấm sử dụng tiền lẻ ở các di tích vv… mà đều không có tác dụng, vì không dựa trên những đánh giá tin cậy, khách quan, không dựa vào các nhà nghiên cứu. Về phía người dân, nhiều người đi lễ chỉ là một đám đông phi tâm linh, vì đi theo sự rủ rê, mà không có hiểu biết, nên có hành động rải tiền lẻ, hay chụp giật, tranh giành cho riêng mình một "miếng lộc", một "miếng linh thiêng". Những người này không tạo ra được sự cố kết, cộng đồng luân lý, đạo đức - cốt lõi như hội làng xưa, mà chỉ tạo nên sự ích kỷ, khi mang tất cả những mặt trái của cuộc sống hôm nay vào tâm linh.

- Như ông phân tích, lễ hội truyền thống mang nhiều tính ưu việt. Chúng ta liệu có khôi phục được những giá trị cũ để xây dựng niềm tin cho người dân?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Lâu nay, chúng ta tưởng là có, nhưng thực ra là xây dựng giá trị gì? Việc xây dựng trở lại là hiếm hoi khi niềm tin đã đổ vỡ. Hiện lễ hội đang là một bức tranh hỗn loạn, dù vẫn có những yếu tố tốt đẹp, khi không ai còn chia sẻ với nhau được nữa. Trong khi đó, chúng ta chưa có sự đối thoại cần thiết để xây dựng những tiêu chuẩn chung. Xã hội đang biến chuyển, thay đổi và không phụ thuộc vào ý chí của nhà quản lý, vì là sự vận động chung.

- Theo ông, vì sao chỉ những năm gần đây mới xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy khi đi lễ hội, tranh nhau lấy ấn hay nhét tiền lẻ vào tay tượng, gốc cây, rồi đình, đền thờ cả tượng Phật bà màu trắng?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Sự "mồ côi tâm linh" dẫn đến mù quáng tâm linh. Vì không ai dạy cũng như tạo cho họ môi trường tìm hiểu về thế giới tâm linh, nên không có tri thức, khiến họ trở thành đám đông phi tâm linh, phi chuẩn mực, dù chính họ đang làm những việc tâm linh. Việc nhét tiền lẻ vào tay tượng, gốc cây như một sự "tống tiền", "hối lộ" thần linh, cũng là biểu hiện của tâm lý coi thường đồng tiền. Sự hỗn loạn này do chúng ta tạo ra, vì thế, chúng ta phải cùng nhau giải quyết bằng nỗ lực của cả cộng đồng, của cả quốc gia. Tuy nhiên, điều này chủ yếu xảy ra ở các đền, chùa miền Bắc, chứ ở miền Trung và miền Nam hầu như không có, vì những nơi này được truyền dạy khá tốt về Phật giáo.

.


Cảnh lễ hội xô bồ, hỗn loạn

.

- Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm trước việc sử dụng tiền lẻ ở các điểm tâm linh không được khuyến khích trong mùa lễ hội này?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Không in tiền lẻ chỉ tạo ra cầu thật-cung ảo và điều này phi qui luật kinh tế cũng như tâm linh. Bản chất của việc sử dụng tiền lẻ khi đi lễ, chỉ là sự hướng đến một thế giới linh thiêng. Tiền lẻ không phải là vật ngang giá mà là biểu tượng để người trần liên hệ với thần linh, nên nếu cấm dùng tiền lẻ, sang năm, người dân sẽ dùng thứ khác và nhà quản lý lại chạy theo? Việc sử dụng tiền lẻ như một cách để hợp nhất với thần linh, không phải chỉ có ở Việt Nam mà ở nhiều nước, từ các tộc người thiểu số ở châu Mỹ, đến các dân tộc tiến bộ ở châu Âu. Có điều, họ sử dụng một cách văn minh, để tiền xu vào hòm hay thả xuống hồ nước, chứ không ném và nhét tiền vô tội vạ như ở ta. Không thể thay thế biểu tượng bằng một hành động khác, mà phải tuân thủ và hướng dẫn. Vì thế, thay cho việc cấm, nhà quản lý phải cùng với các nhà nghiên cứu làm cho người dân bớt lầm lạc bằng việc hướng dẫn. Trước đây, các triều đại phong kiến xây dựng hệ thống thần minh kèm hệ thống nghi lễ qui chuẩn, chặt chẽ, từ cấp trung ương đến làng xã. Vì thế, chúng ta cần khôi phục lại những giá trị cốt lõi của hệ thống này, đồng thời, hướng dẫn khoa học cho người dân hiểu và thực hành.

- Hiện chúng ta đang kêu gọi khôi phục một số lễ hội, nhưng cũng xảy ra hiện tượng được gọi là "sân khấu hóa lễ hội". Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Tôi không cho đó là "sân khấu hóa lễ hội", mà là họ đang tạo ra những nghi thức mới với các biểu tượng và hình tượng mới, tức là tách ra khỏi truyền thống. Các nhà sử học đã cung cấp đủ dữ liệu về lịch sử, nhưng nhiều người khi "khôi phục" lại cho rằng họ có quyền sáng tạo, trong khi chuẩn không có, đã đưa đến một thứ không biết gọi là gì.

- Cảm ơn ông!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự hiểu mình hơn qua lễ hội

    03/02/2020Vương Trí NhànAi đọc cổ tích Tấm Cám hẳn nhớ chi tiết mẹ con Cám ghét Tấm, ghen tị với Tấm muốn hành hạ Tấm. Biết Tấm thích đi hội làng, mẹ Cám trộn thóc lẫn với gạo bắt Tấm chọn xong mới được đi. Chi tiết đã quá quen thuộc nhưng chỉ hôm nay tôi mới hiểu. Sức lôi cuốn của lễ hội thật dai dẳng. Có một ma lực nào đó cứ lôi cuốn tôi mặc dù lý trí đã bảo tôi rằng không nên đi tìm ảo ảnh...
  • Lễ hội du nhập cần lựa chọn

    31/10/2019Hải QuỳnhTrong những năm đổi mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, với sự phát triển kinh tế - văn hóa trong tiến trình hội nhập, lễ hội của các nước trên thế giới càng trở nên quen thuộc đối với đông đảo người dân Việt Nam, nhất là đối với tuổi trẻ.
  • Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

    03/02/2020Vương Trí NhànKhông gì xa lạ với văn hóa bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một số lễ hội và trong chừng mực nào đó, làm hỏng các lễ hội thiêng liêng ấy...
  • Đi lễ hội để cầu may và cầu lợi?

    08/02/2019Vương Trí NhànLễ hội càng ngày càng bát nháo với đủ thứ biến tướng của mê tín, kinh doanh trục lợi, nguyên nhân sâu xa của nó từ đâu? Niềm tin mong manh, cuộc sống bất trắc, con người phải bám víu vào tâm lý cầu lợi để lấp đầy hố sâu ham muốn quyền lợi…
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Tình trạng dung tục ở các Lễ Hội

    02/03/2015Vương Trí NhànDưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ, nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt - miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn...
  • Nỗi buồn lễ hội

    19/02/2011TS. Phạm Duy NghĩaXuân đến, phồn thịnh và náo nhiệt, ấy cũng là mùa của những lễ hội. Tựa sợi dây nối tiền nhân với hậu thế, lễ nhắc người ta về đạo làm người. Hội là cuộc vui cộng thể để dồn sức cho cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Giúp gắn kết, tăng niềm tin và sức mạnh dân tộc, lễ hội là một phần thân thuộc và tự nhiên ngày qua ngày bồi bổ nên cốt cách văn hóa của con người Việt Nam.
  • Đại bác, súng lục và lễ hội hoa Hà Nội

    10/01/2009Quốc KhánhThật dễ dàng kết tội vô văn hóa hay thiếu giáo dục cho các hành vi “cướp-phá”, hay dẫm lên hoa tại lễ hội hoa diễn ra tại Hà Nội đầu năm 2009. Căn nguyên của các hành vi này có thể là hậu quả của tiến trình đô thị hóa đang diễn ra, hoặc hậu quả của một nền giáo dục đầy rẫy bất cập.
  • Về việc bẻ hoa lễ hội Tết Dương lịch

    02/01/2009Nguyễn Tất ThịnhĐiều này đã từng diễn ra ở Lễ hội Hoa anh đào tháng 4 Hà Nội cùng năm. Những người có văn hóa như bị nghẹn lại, bàng hoàng mà chỉ có thể tức giận run lên trong ý nghĩ:
  • Nối lễ hội vào... trụy lạc

    16/04/2006Vương Trí NhànCác cơ quan điều tra vừa phát hiện ra những đường dây đánh bạc khổng lồ, giám đốc nọ quan chức kia đánh bạc hàng triệu đô la. Nhưng có một sự thực tôi nghĩ còn tàn nhẫn hơn, đó là hành động đỏ đen muôn vàn kiểu đang trở nên phổ biến đến mức đáng sợ...
  • xem toàn bộ