Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập (1)
LTS: Nhiều bạn đọc đã yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm tư liệu về ông Nguyễn Hữu Đang, người trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập 2-9-1945, buổi lễ đơn giản mà trang nghiêm sẽ mãi mãi in dấu trong lịch sử Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu độc giả, TS xin đăng lại nguyên văn bài viết "Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập" của nhà văn Phùng Quán. Bài viết đã được đăng trong tập Nhớ Phùng Quán của NXB Trẻ 2004 và Phùng Quán - Ba phút sự thật của NXB Văn Nghệ. Bài này được đăng theo bản mới nhất của NXB Văn Nghệ, 2-2007
Tôi là người viết văn nhưng lại đặc biệt say mê nghệ thuật kiến trúc. Đầu năm 1990, Đại hội kiến trúc sư toàn quốc, tôi có gửi một bức điện 300 chữ, chào mừng Đại hội. Mở đầu bức điện văn, tôi viết: “Nếu đất nước xây dựng một Đền đài Nghệ thuật, tôi xin được làm thủ từ. Ngày Lễ hội, tôi xin được trải chiếu để văn nghệ sĩ ngồi. Chiếu một tôi dành riêng cho các kiến trúc sư. Vì các anh chị là những người trước tiên đem lại vinh quang, niềm tự hào hoặc ô nhục cho xứ sở, bằng chính các tác phẩm kiến trúc của mình...”.
[Ở nhà tôi, ngoài hình ảnh](+) Kim tự tháp, Vạn lí trường thành, Đền Ăngco, Chùa Vàng Miến Điện, Cố cung, Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn... tôi có chừng vài chục tấm hình cắt ra từ các báo như Nhân Dân, Quân Đội, Lao Động, Hà Nội Mới... chụp cảnh Lễ đài Độc lập với tổng thể vườn hoa Ba Đình trong ngày Mồng hai tháng Chín năm Một nghìn chín trăm bốn lăm.
Mỗi lần ngắm nhìn cái công trình kiến trúc mỏng mảnh được xây dựng bằng gỗ, ván, đinh, vải; được thiết kế và thi công trong vòng 48 giờ - nếu chậm lại một giờ là hỏng - rồi sau đó biến mất khỏi mặt đất như một lâu đài trong cổ tích, cặp mắt mờ đục của người lính già tôi bao giờ cũng cay lệ. Lòng tôi dâng trào biết bao niềm cảm xúc và suy tưởng miên man ... về Tổ quốc và Nhân dân, về Cách mạng và Khởi nghĩa, về máu xương của lớp lớp anh hùng hào kiệt đã thấm đẫm giang sơn kể từ khi trên mặt đất xứ sở Việt Nam xuất hiện công trình kiến trúc mỏng manh này. Nó biến khỏi mặt đất, nhưng tầm vóc, hình dáng cùng với tổng thể kiến trúc của nó, đã tạc khắc đời đời vào ký ức của cả dân tộc...
Ba Đình nắng thu vàng rực rỡ, một biển người vừa bước từ đêm dài trăm năm nô lệ ra bình minh Độc lập Tự do, cờ hoa trong tay và câu hát trên môi... Người Hiệp sĩ vĩ đại của Nhân dân cùng khổ và hai triệu người chết đói, bước vào tuổi năm mươi lăm, râu đen, mắt sáng, lễ phục kaki... đứng trên lễ đài, mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng...”
Ai có thể tái tạo công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập cùng với tổng thể kì vĩ đó? Không một ai! Kể cả thánh thần... Theo ngu ý của tôi, Lễ đài Độc lập là cái cột mốc giữa đêm dài trăm năm nô lệ và bình minh của Độc lập Tự do của cả dân tộc. Kể từ khi trên mặt cỏ nắng Ba Đình mọc lên cái cột mốc này, số phận của cả dân tộc đã thay đổi, và số phận nhỏ bé, hèn mọn của cả thằng tôi cũng đã thay đổi. Từ một đứa trẻ chăn trâu mù chữ [tôi đã trở thành] một nhà văn... Cũng từ cái mốc kiến trúc mỏng manh này, cả dân tộc đã xuất phát, bước vào cuộc trường chinh sáng láng nhất, lâu dài nhất và dữ dội nhất của thế kỉ, với gánh nặng lịch sử trên vai: “Ta vì ta ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời”.
Ngắm nhìn một công trình kiến trúc như vậy, những người lính già dãi dầu chiến trận chúng tôi, làm sao không ứa lệ tự hào?
+
Vậy ai là tác giả cụ thể công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập? Từ mấy chục năm nay, tôi luôn bị thôi thúc bởi niềm mong ước tìm hiểu cho ra. Nhưng cái khó bó cái khôn, và trong điều kiện và hoàn cảnh trắc trở của đời mình, tôi không sao thực hiện nổi niềm mong ước đó.
Thế rồi cách đây ba năm, tôi được một người bạn tặng tôi những tư liệu có liên quan đến sự kiện lịch sử mồng 2 tháng 9.1945 anh vừa tìm thấy trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Bảo tàng Lịch sử, Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, và kho Lưu trữ Quốc gia. Trong số những bản sao chụp, có mấy tư liệu tôi đặc biệt chú ý:
Thư của Bộ tuyên truyền có tiêu đề VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ đề ngày 31.8.1945 gửi Thị trưởng Hà Nội, về việc tổ chức Ngày Độc lập (Đây là bản chính được đánh máy bằng giấy than đen trên giấy trắng, khổ rộng 130 mm X 210 mm, đóng dấu tròn với dòng chữ “Ngày Độc lập” và C.P.C.H.D.C. vòng quanh con dấu, một ngôi sao năm cánh ở giữa, nổi lên dòng chữ BAN TỔ CHỨC). Nội dung thư:
"Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội, Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2.9.1945 một “Ngày Độc lập”.
Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập.
Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”
Một thư khác của Ban Tổ chức “Ngày Độc lập” thuộc Bộ Thông tin và Tuyên truyền, đề ngày 31.8.1945. Hình thức và con dấu như trên. Nội dung thư:
"Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,
Nhân “Ngày Độc lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận.
Còn về lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi nhờ Ngài cho sửa soạn cho chúng tôi một chiếc cột cao 12 thước tây đủ cả giây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu toà Thị chính.
Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”
Một thư khác, hình thức, tiêu đề và con dấu giống hai bức thư trên, với nội dung:
"Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,
Muốn cho Ngày Độc lập tổ chức vào ngày 2.9.1945 tới đây được hoàn hảo, chúng tôi yêu cầu Ngài thông báo ngay cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình biết rằng Cụ nào trong nam giới hay nữ giới muốn đi dự lễ ấy sẽ đến họp ở Hội quán Khai trí hồi 13 giờ trước khi đi lên vườn hoa sau Sở tài chính.
Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”
Sau khi đọc kỹ những tư liệu trên, tôi suy luận: ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập, vậy chắc ông phải biết ai là tác giả công trình kiến trúc Lễ đài. Cần phải tìm gặp ông để hỏi cho ra.
+
Chân dung Nguyễn Hữu Đang (ảnh chụp năm 1976, khi ông 63 tuổi) - Ảnh tư liệu
Nguyễn Hữu Đang thì tôi được biết mặt từ mấy chục năm trước, nhưng rất ít khi được chuyện trò với anh. Mỗi lần tôi được anh hỏi chuyện, tôi bối rối, sướng mê nguời, đầu không khiến mà chân cứ rụt về tư thế đứng nghiêm, như ngày còn làm trinh sát mỗi lần được Chính ủy Sư đoàn hỏi chuyện.
Tôi nghĩ bụng: Tôi là cái thá gì mà được một người như Nguyễn Hữu Đang hỏi chuyện? Nguyễn Hữu Đang, người tham gia hoạt động cách mạng từ khi tôi chưa đẻ; nhà hoạt động báo chí công khai của Đảng cùng thời với Trường Chinh, Trần Huy Liệu; một trong những người tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ cùng thời với Phan Thanh, cụ Nguyễn Văn Tố. Một trong những người sáng lập và tổ chức Hội Văn hoá Cứu quốc cùng với Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi. Và cuối cùng là Trưởng ban Tổ chức ngày Đại lễ của đất nước: 2-9-1945.
Cách đây khoảng mười lăm năm, anh từ cao nguyên Hà Giang trở về, tá túc tại quê nhà. Hàng năm vào dịp giáp Tết, lại thấy anh đáo lên Hà Nội trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô (cũ). Anh mang đến cho mấy bạn cũ mỗi người một cân gạo nếp. Một lần tôi cũng được anh cho một cân. Tôi cảm động và ngạc nhiên hỏi anh: “Anh kiếm đâu ra gạo nếp mà cho chúng em thế?”. Anh cười: “Mình sống ở nông thôn cũng phong lưu ra phết. Không những có gạo nếp biếu bạn, lại còn có cả thóc và rơm cho nông dân vay”. - “Hiện nay anh đang làm gì ở dưới đó?”. “Mình nghiên cứu Lão Trang và dịch lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô qua bản tiếng Pháp. Đối chiếu thấy bản dịch đã in sai nhiều quá”.
Hai năm trở lại đây không thấy anh lên Hà Nội nữa. Mấy anh em quen cũ chúng tôi hỏi nhau: “Không biết anh Đang có gặp chuyện gì trắc trở dưới đó không?”
Nỗi lo lắng này thường xuyên ám ảnh tôi. Nhân thể tôi muốn tìm hiểu về công trình Lễ đài Độc lập, năm đó tôi nhất quyết phải về thăm anh, mặc dầu đã gần giáp Tết. Tôi nói khó với vợ: “Em bớt cho anh một phần lương hưu tháng này; lấy tiền tàu xe, ăn đường, về Thái Bình tìm thăm anh Đang...” “Nhưng tết nhất đến nơi rồi, chờ ra giêng anh đi có được không?”. “Anh bỗng nhiên thấy nóng ruột quá... đợi đến ra giêng e chậm mất. Anh Đang đã gần cái tuổi tám mươi, mà lại một thân một mình...”. “Anh có biết địa chỉ của anh Đang không?”. “Anh chỉ biết anh ấy ở Thái Bình, địa chỉ cụ thể thì không biết”. “Cả cái tỉnh Thái Bình rộng mênh mông với hơn hai triệu dân, không có địa chỉ cụ thể làm sao anh tìm được?”. “Trời đất! Một người như anh Nguyễn Hữu Đang thì anh tin rằng về dưới đó hỏi đứa con nít nó cũng biết”.
Vợ tôi đành trao cho tôi nửa số tiền lương hưu tháng cuối năm vừa lĩnh, với vẻ mặt nhẫn nhịn của người vợ phải trao cả một nửa sản nghiệp cho chồng tiêu hoang vào một việc không đâu! Tôi vội nhét mấy tờ giấy bạc vào túi, nhảy lên xe đạp, cắm đầu đạp thẳng ra ga vì sợ vợ thay đổi ý kiến.
Vừa đi tàu, vừa ô-tô, xe đạp... Sáng 26 Tết, tôi có mặt tại thị xã Thái Bình. Để đỡ bớt thì giờ tìm kiếm, tôi hỏi đường đến Sở Văn hóa và Hội văn nghệ tỉnh, hỏi địa chỉ của anh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy nhiều anh chị em cán bộ ở hai cơ quan này không biết Nguyễn Hữu Đang là ai. Có vài người biết nhưng lại rất lơ mơ: “Hình như ông ta ở Quỳnh Phụ, Kiến Xương hay Tiền Hải gì đó...”.
Ở Hội văn nghệ tỉnh, tôi làm quen với một nhà thơ trẻ. Khi biết rõ ý định của tôi, anh hăng hái nói: “Cháu sẽ đưa chú ra cái quán thịt chó nổi tiếng, ở đó thường có mấy anh cán bộ về hưu, chắc sẽ hỏi ra”. Đến quán thịt chó, tôi đành móc số tiền còm cõi trong túi, gọi một đĩa thịt chó luộc và hai chén rượu cho phải phép. Đợi chừng nửa tiếng, có một người đứng tuổi để chiếc xe cúp trước cửa, đi vào quán. Nhà thơ trẻ bật dậy nói với tôi: “Ông này ở cơ quan an ninh tỉnh, hỏi chắc biết”. Tôi vội níu tay anh lại, dặn nhỏ: “Cậu đừng giới thiệu mình là ai, sẽ rách việc”. “Biết rồi, biết rồi, chú không phải dặn”.
Anh bạn trẻ đi đến gặp anh ta, nói cái gì đó, và chỉ tay về phía tôi. Anh cán bộ an ninh tươi cười bắt tay tôi, ngồi đối diện và niềm nở hỏi: “Xin lỗi cụ, năm nay cụ hưởng thọ bao nhiêu tuổi ạ?”. Tôi đoán chắc anh ta thấy tôi ăn vận nhếch nhác – áo quần bà ba nâu, chân dép lốp – râu tóc bạc trắng, nên hỏi vậy. Tôi liền nói phứa lên: “Cám ơn đồng chí – tôi cười – cũng thất thập cổ lai hi rồi đồng chí ạ”. “Trước cụ có làm công tác ở đâu không ạ?”. “Tôi làm thường trực cho một cơ quan thương nghiệp trên Hà Nội... về hưu đã gần chục năm rồi”. “Cụ là thế nào với ông Nguyễn Hữu Đang ạ?”. “Tôi có quen biết gì ông ta đâu. Thậm chí cũng chưa biết mặt. Chẳng là ở tổ hưu của tôi có một cụ nghe đâu hồi bí mật cùng hoạt động với ông ta. Biết tin tôi về thăm đứa cháu họ công tác giáo viên ở Quỳnh Côi, ông cụ gửi tôi mười ngàn bạc để biếu ông ấy, mà giao hẹn phải đưa tận tay. Tôi tưởng ông ấy ở thị xã, hỏi loanh quanh mãi không ai biết...”.
Anh cán bộ cười: “Ông ấy đâu có ở thị xã. Hiện ông ấy đang ở thôn Trà Vỵ, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương... cách đây gần hai chục cây số. Ngược gió này mà cụ đạp xe về đó cũng vất vả đấy...”. Thấy tôi chăm chú lắng nghe, anh cán bộ trở nên cởi mở: “Nói để cụ biết, trước kia cái ông Đang ấy cũng là người hoạt động cách mạng có tên tuổi... Nhưng rồi ông ta giở chứng, làm báo làm văn chống đối Đảng và Nhà nước, bị xử phạt 15 năm tù ngồi, đưa lên giam trên trại tù Hà Giang. Mãn hạn tù, ông ta xin về cư trú tại quê quán. Tuy vậy [cách đây mấy năm ông Đang này tự tiện đi] sang Nam Định không có giấy đi đường, đến nhà một đối tượng mà công an đang theo dõi. Công an hai tỉnh liền phối hợp, hỏi giấy tờ đi đường của ông ta, rồi bắt giam giữ bốn tháng ở nhà lao hai tỉnh để cảnh cáo, và tổ chức khám nhà. Sau đó thả cho về...”.
Tôi tỏ ý sợ hãi gãi đầu gãi tai: “Chà... biết rắc rối thế này thì tôi chẳng gặp ông ấy nữa... đem tiền về trả lại thôi...”. Anh cán bộ xuê xoa: “Không sao đâu cụ ạ, chính sách của ta bây giờ là đổi mới tư duy. Nghe đâu trên cũng đang sửa soạn cho ông ấy được hưởng lương hưu. Nếu cụ muốn về thăm ông ấy, cứ việc về. Tôi sẽ chỉ đường cho cụ”. Anh cán bộ chấm ngón tay vào li rượu, vẽ lên mặt bàn, chỉ vẽ cho tôi rất cặn kẽ con đường từ thị xã về chỗ anh Đang tá túc. Tôi đứng lên rối rít cảm ơn anh...
- Xem tiếp: Phần 2
Chú thích:
(+): Bản in này căn cứ vào bản thảo 19 trang viết tay của Phùng Quán. Một vài trang chụp thiếu một hai dòng chót. Chúng tôi phải khôi phục lại đoạn câu bị mất nhưng vẫn để trong ngặc vuông (chú thích của NXB Văn Nghệ)
(1): Họa sĩ Lê Văn Đệ (theo tạp chí Bách Khoa Sài Gòn 1963) sang La Mã, được phong hoạ sư, được chính Giáo hoàng Pie XI giao cho trang hoàng điện Vatican (chú thích của tác giả)
(2): Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh sau này có thời là Thứ trưởng Bộ Xây dựng (chú thích của tác giả)
(3): Số len này lấy được ngày 19-8-1945, khi tấn công chiếm Trại lính khố đỏ ở phố Hàng Bài (chú thích của tác giả)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)