Muốn hưởng thụ được văn hóa thì phải có giáo dục

09:16 CH @ Thứ Ba - 20 Tháng Hai, 2018

Không bi quan mà cũng chẳng tỏ ra lạc quan, trong phòng khách ấm áp hơi xuân giữa chiều Hà Nội trở gió mùa, GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo của UBTƯMTTQ Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Đại Đoàn Kết về các vấn đề của lễ hội, của tín ngưỡng đang diễn ra với người Việt những ngày tháng này bằng cái nhìn cặn kẽ và thấu đáo của một nhà nghiên cứu tôn giáo...

Thận trọng trong việc quy kết mê tín

Thưa Giáo sư, chúng ta đang ở tháng Giêng, nghĩa là mùa lễ hội và đi lễ đầu năm của người Việt đang vào hồi "cao điểm” nhất. Nên nhìn điều này thế nào?

GS.TS Đỗ Quang Hưng: Theo tôi, nên nhìn lễ hội ngày nay ở nhiều cách tiếp cận. Về mặt bản chất của lễ hội là một phần của của văn hóa dân gian, một phần của văn hóa tín ngưỡng, và đương nhiên, một phần của tôn giáo nữa. Những cái này nó hòa quyện, đan chéo vào nhau rất uyển chuyển, và cũng rất phức tạp. Ai cũng biết rằng, ở trong lễ hội có phần lễ. Lễ thì dính tới tâm linh, tín ngưỡng, đôi khi thậm chí còn dính tới "phép thuật”. Ai đó nhìn ở góc này mà nghiêm khắc thì cũng có thể đã thấy cái yếu tố cái ta gọi là mê tín. Hội thì phải có trò này, trò khác. Như vậy, từ bao đời nay, đối với mọi quốc gia, mọi dân tộc lễ hội nó là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó là nơi bắt chéo của các hình thái tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, đó là văn hóa dân gian, đó là truyền thống hội hè hiểu theo nghĩa đen. Nếu có điều kiện thì nó phát triển. Còn không thì nó sẽ mất đi.

Thưa ông, có phải vì thế mà cho rằng người Việt hiện nay đang rất mê tín không?

- Tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Thế nào là "mê tín”? Nghiên cứu nhiều năm, tôi phải thừa nhận định nghĩa về mê tín khó vô cùng. Thuật ngữ mê tín đã được phương Tây bàn rất nhiều trong thế kỷ này nhưng rất khó lý giải trong việc tìm ra một định nghĩa. Sự phát triển tâm linh của con người giờ đã lên rất cao, vì thế các định nghĩa liên quan luôn có sự thay đổi. Cho nên, trong khoa học, ai đó nói cả nước mê tín là vội vàng. Chúng ta cũng phải rất thận trọng trong việc quy kết thành mê tín. Bởi chúng ta cũng đã mắc sai lầm trong lịch sử, đã từng đồng nhất tôn giáo – tín ngưỡng là mê tín.

Và đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Hiện nay, vấn đề mê tín còn phức tạp ở chỗ sự giao thoa giữa khái niệm tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo là rất phức tạp, với những biểu hiện trong đời sống cá nhân và cộng đồng. Trong đó, sự "quay trở lại của tâm linh và tâm thức tôn giáo” trên phạm vi toàn cầu, khiến cho đời sống tinh thần của con người và xã hội thêm phong phú và đa dạng. Nhiều hiện tượng rất khó bóc tách cái duy lý và cái siêu nhiên, siêu nghiệm khi xem xét những hiện tượng được gọi là " mê tín”.


GS.TS Đỗ Quang Hưng

Hiện tượng dâng sao giải hạn - một vấn đề phức tạp

Nhưng có những biểu hiện rất khó lý giải, ví dụ như lễ dâng sao giải hạn đầu năm ở các ngôi chùa, thưa ông, hình như không đúng với giáo lý nhà Phật?

- Chúng ta đều biết cúng sao giải hạn, đốt vàng mã đã được giới Phật giáo phân tích và thể hiện thái độ ngay từ trong phong trào "Chấn hưng Phật giáo” nửa đầu thế kỷ 20. Ngày nay, nhiều chức sắc, các nhân vật tên tuổi trong Phật giáo đã nói rõ thái độ của nhà Phật với những hiện tượng như thế. Tuy vậy, trong thực tiễn, đặc biệt là những ngôi chùa ở các tỉnh phía Bắc có vẻ như hiện tượng đốt vàng mã, cúng sao giải hạn ngày một tăng thêm.

Cũng cần nói thêm rằng, khi nhu cầu tâm linh của cá nhân và cộng đồng ngày một tăng thêm và đa dạng thì hiện tượng cúng sao giải hạn cũng trở nên đa nghĩa ở cả chiều cá nhân và xã hội, vì thế một kết luận có tính khái quát rằng, cúng sao giải hạn là "đỉnh điểm”, "biểu trưng” của xu thế mê tín hiện nay của cả xã hội, đúng là có phần vội vã.

Nhưng chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng như đã nói ở trên hiện tượng này nếu xét về phương diện xã hội thì đã bộc lộ những hạn chế khó bác bỏ. Mặt khác, hiện tượng này có liên quan chủ yếu đến sinh hoạt tôn giáo, tâm linh của nhà chùa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, sự tác động của "tính hiện đại”, đặc biệt là mối quan hệ tôn giáo và kinh tế hiện nay. Ở nhiều nước đã nói đến khuynh hướng "dịch vụ Phật giáo” với hàm ý Phật giáo hiện đại có khả năng tham gia các dịch vụ tâm linh cho xã hội. Đây là một vấn đề khá phức tạp mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu đầy đủ hơn, song vẫn có thể khẳng định rằng, trong một chừng mực nào đó để khắc phục những mặt hạn chế của hiện tượng như cúng sao giải hạn thì Giáo hội Phật giáo cũng cần có những vai trò tích cực và chủ động hơn.


Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)

Nhiều lễ hội đã vượt cấp làng xã kéo theo nhiều vấn đề xã hội

Thưa ông, gần đây lễ hội lại trở thành "vấn đề” không chỉ của các nhà nghiên cứu văn hóa, mà nó còn là nỗi bận tâm của cả nền công quyền?

- Đúng vậy. Ở Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ như mấy năm nay lại cứ phải tranh luận với nhau là quản lý lễ hội như thế nào cho tốt. Bao nhiêu hội nghị rồi… Có nghĩa rằng, lễ hội đã trở thành vấn đề xã hội, của công quyền, của nhà nước. Xã hội đang cởi bỏ cái nịt áo hơi chặt, giờ mọi người cảm thấy được thỏa mãn hơn. Về mặt thái độ, nếu chúng ta can thiệp hành chính thái quá thì rõ ràng rất không hay. Nhưng oái ăm thay, nhiều lễ hội đã vượt cấp làng xã, cấp vùng, kéo theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội. Nhìn vấn đề lễ hội hiện nay không chỉ là văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng mà nhìn nó là đòi hỏi xã hội, thậm chí đụng đến vấn đề của chính sách xã hội. Không đơn giản là thái độ với văn hóa truyền thống nữa.

Tại sao bây giờ người Việt Nam lại thích lễ hội? Dùng lý thuyết văn hóa học, tôi tạm gọi lễ hội giờ nó đã thành văn hóa tiêu dùng mất rồi. Cộng đồng người ta thích, người ta được xả phóng tâm linh, xả phóng tình cảm, người ta có thể đến lễ hội để chiêm bái, thậm chí cũng có thể là "xin xỏ”… Đó là nhu cầu. Tại sao giờ nhu cầu đó bung nở? Có một lý do đó là cái hưởng thụ văn hóa cộng đồng nó phát triển mạnh và trở thành phổ biến.

Đi lễ hội cũng là một trong những phương thức thỏa mãn cái tâm linh của cá nhân nhưng vẫn có dấu ấn cộng đồng, mà người Công giáo gọi là "linh đạo” tức là cái cảm giác tạo nên đức tin, vừa thỏa mãn cái cá nhân, vừa là sự giao cảm với cộng đồng.

Lễ hội cũng tự nó sẽ phải căn chỉnh lại

Khi lễ hội đã vượt thoát cái ngưỡng của văn hóa và trở thành vấn đề xã hội, thì cũng rất cần một cơ chế quản lý sao cho phù hợp, thưa ông?

- Vấn đề lễ hội bây giờ nó đã "căng” hơn trước nhiều. Thời xưa, lễ hội là chuyện của cộng đồng làng xã. Bây giờ, nhiều người bảo hãy cứ trả lễ hội về cho cộng đồng quản lý. Thoáng nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng tôi xin hỏi cộng đồng đó là cộng đồng nào? Hiện nay, xã hội phát triển, trong đời sống hiện đại đã sinh ra những lễ hội lớn, mang tầm vóc quốc gia thì trả về cho ai? Như Festival Huế, trả về cho ai? Nếu không phải Nhà nước đứng ra làm thì cộng đồng nào làm được? Cũng có người lại bảo, hội Lim cứ trả về cho làng Lim là mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng bây giờ, hội Lim đã trở thành "quả bóng to đùng” rồi, trả về cho làng Lim đâu có ổn. Giờ nó cần một cái áo rộng hơn, chứ cơ thể đã phát triển rồi mà ta vẫn mặc cho nó một cái áo quá chật, làm sao mà ổn thỏa được.

Lễ hội đã không mặc vừa những chiếc áo cũ mang tính truyền thống, dân số cũng đã tăng lên, vì thế, thưa ông, chúng ta cần có những cách tiếp cận mới để hóa giải những vấn đề bức xúc của lễ hội hiện nay?

- Thật ra lễ hội hiện nay đang ào ạt phát triển. Nhưng tôi luôn tin rằng, chỉ dăm ba năm nữa thôi, một số lễ hội cũng tự nó sẽ phải căn chỉnh lại cho phù hợp với xã hội, với tâm thế của đại đa số nhân dân.

Mặt khác, khi con người có ý thức tốt hơn, trưởng thành hơn sẽ có cái nhìn khác đi. Nhưng nếu vai trò của các đơn vị quản lý không lập lại trật tự thì không thể cứ để mãi thế. Để mà phải trả giá thì đâu còn ý nghĩa.

Trở lại với vấn đề của cá nhân, đó là vấn đề rất cốt lõi. Vai trò của tâm linh lễ hội trong đời sống con người, trước hết là cá nhân. Chúng ta cũng phải thừa nhận là ở Việt Nam, trong một thời gian rất dài do hoàn cảnh lịch sử, đời sống tâm linh cá nhân ít được quan tâm. Bây giờ, xã hội phát triển, cởi mở, kinh tế phát triển người ta quay trở về với lễ hội. Trong thế kỷ 21 này, vấn đề tâm linh trở thành đối tượng nghiên cứu. Nhu cầu tâm linh được coi là cận tôn giáo. Nó rất đặc biệt. Nếu lệch đi một chút là có thể bị coi là mê tín. Thế giới coi tâm linh là một thứ siêu tinh thần. Đi lễ hội cũng là một trong những phương thức thỏa mãn cái tâm linh của cá nhân nhưng vẫn có dấu ấn cộng đồng, mà người Công giáo gọi là "linh đạo” tức là cái cảm giác tạo nên đức tin, vừa thỏa mãn cái cá nhân, vừa là sự giao cảm với cộng đồng.

Thay vì việc các nhà nghiên cứu, báo chí lên án, kêu ca về sự biến tướng của lễ hội, mọi người phải cùng nhau tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Bản sắc lễ hội chỉ được giữ gìn, vun đắp của tất cả cộng đồng, thưa ông?

- Tâm lý cộng đồng lôi cuốn trong việc tham gia lễ hội hay đi lễ đầu năm của người Việt hiện nay là có. Nhưng nếu nhìn theo một góc khác, ta cũng thấy nó rất tuyệt vời. Xưa, nhiều người chỉ biết chùa Hương qua thơ của Nguyễn Nhược Pháp hay những bức ảnh. Còn nay, việc đi lại quá dễ dàng. Điều kiện kinh tế có, tàu xe thuận tiện, già trẻ, lớn bé đều có thể tận mắt chiêm bái Hương Sơn. Hay bây giờ, trẻ con thành phố cũng có thể đi xem lễ hội của bà con dân tộc thiểu số. Đó là những hình ảnh rất đẹp, rất đáng biểu dương, chỉ có điều nó không được người ta chú ý và tôn vinh.

Chúng ta nên nhìn nhiều mặt. Lên án thì dễ thôi, nhưng như Marx từng nói, muốn hưởng thụ văn hóa thì phải có giáo dục. Mà thái độ hưởng thụ văn hóa là một điều rất khó để dạy bảo. Chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi. Sự tuyên truyền đúng đắn ở ta còn thiếu, chưa tuyên truyền được là bao.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự hiểu mình hơn qua lễ hội

    03/02/2020Vương Trí NhànAi đọc cổ tích Tấm Cám hẳn nhớ chi tiết mẹ con Cám ghét Tấm, ghen tị với Tấm muốn hành hạ Tấm. Biết Tấm thích đi hội làng, mẹ Cám trộn thóc lẫn với gạo bắt Tấm chọn xong mới được đi. Chi tiết đã quá quen thuộc nhưng chỉ hôm nay tôi mới hiểu. Sức lôi cuốn của lễ hội thật dai dẳng. Có một ma lực nào đó cứ lôi cuốn tôi mặc dù lý trí đã bảo tôi rằng không nên đi tìm ảo ảnh...
  • Lễ hội du nhập cần lựa chọn

    31/10/2019Hải QuỳnhTrong những năm đổi mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, với sự phát triển kinh tế - văn hóa trong tiến trình hội nhập, lễ hội của các nước trên thế giới càng trở nên quen thuộc đối với đông đảo người dân Việt Nam, nhất là đối với tuổi trẻ.
  • Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

    03/02/2020Vương Trí NhànKhông gì xa lạ với văn hóa bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một số lễ hội và trong chừng mực nào đó, làm hỏng các lễ hội thiêng liêng ấy...
  • Đi lễ hội để cầu may và cầu lợi?

    08/02/2019Vương Trí NhànLễ hội càng ngày càng bát nháo với đủ thứ biến tướng của mê tín, kinh doanh trục lợi, nguyên nhân sâu xa của nó từ đâu? Niềm tin mong manh, cuộc sống bất trắc, con người phải bám víu vào tâm lý cầu lợi để lấp đầy hố sâu ham muốn quyền lợi…
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Tình trạng dung tục ở các Lễ Hội

    02/03/2015Vương Trí NhànDưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ, nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt - miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn...
  • Nỗi buồn lễ hội

    19/02/2011TS. Phạm Duy NghĩaXuân đến, phồn thịnh và náo nhiệt, ấy cũng là mùa của những lễ hội. Tựa sợi dây nối tiền nhân với hậu thế, lễ nhắc người ta về đạo làm người. Hội là cuộc vui cộng thể để dồn sức cho cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Giúp gắn kết, tăng niềm tin và sức mạnh dân tộc, lễ hội là một phần thân thuộc và tự nhiên ngày qua ngày bồi bổ nên cốt cách văn hóa của con người Việt Nam.
  • Đại bác, súng lục và lễ hội hoa Hà Nội

    10/01/2009Quốc KhánhThật dễ dàng kết tội vô văn hóa hay thiếu giáo dục cho các hành vi “cướp-phá”, hay dẫm lên hoa tại lễ hội hoa diễn ra tại Hà Nội đầu năm 2009. Căn nguyên của các hành vi này có thể là hậu quả của tiến trình đô thị hóa đang diễn ra, hoặc hậu quả của một nền giáo dục đầy rẫy bất cập.
  • Về việc bẻ hoa lễ hội Tết Dương lịch

    02/01/2009Nguyễn Tất ThịnhĐiều này đã từng diễn ra ở Lễ hội Hoa anh đào tháng 4 Hà Nội cùng năm. Những người có văn hóa như bị nghẹn lại, bàng hoàng mà chỉ có thể tức giận run lên trong ý nghĩ:
  • Nối lễ hội vào... trụy lạc

    16/04/2006Vương Trí NhànCác cơ quan điều tra vừa phát hiện ra những đường dây đánh bạc khổng lồ, giám đốc nọ quan chức kia đánh bạc hàng triệu đô la. Nhưng có một sự thực tôi nghĩ còn tàn nhẫn hơn, đó là hành động đỏ đen muôn vàn kiểu đang trở nên phổ biến đến mức đáng sợ...
  • xem toàn bộ