Một lần gói bánh chưng

08:56 CH @ Thứ Tư - 18 Tháng Hai, 2015

Khi con đã lớn, tôi quyết định gói bánh chưng. Khi con còn bé quá, việc "biểu diễn" của gói bánh là không có tác dụng. Nay thằng bé đã có thể cùng rửa lá, đong gạo, nhặt củi, tôi quyết định một cách rất thực dụng: đã đến thời điểm.

Một mùa Tết mỗi gia đình thành phố ăn bao nhiêu cái bánh chưng? Hai cái? Bốn cái? Mười cái? Hay chỉ để nhà này mang biếu nhà kia? Nếu bí mật đánh dấu trên lạt chẳng hạn, khả năng "ta gặp lại bánh ta" là rất có thể.

Nếu để ăn, có lẽ chỉ số bánh được biếu là quá đủ. Hoặc không thì mua thêm ở những hàng nổi tiếng một, hai cái thật đúng ý. Với tôi, gói bánh là để làm việc khác. Một người Việt trung niên rồi mà chả lẽ chưa từng tự nấu một nồi bánh chưng! Bạn nước ngoài hỏi bánh truyền thống "nhất" của nước mày là gì? Thì bánh chưng, bánh tét. Mày có biết gói không? Không, tao mua. Bao nhiêu phần trăm dân nước mày mua bánh mà không làm? Tao không biết, chắc chỉ ở nông thôn mới gói. Vì sao lại chỉ nông thôn? Vì họ có chỗ để làm. Chỗ cần rộng bao nhiêu mới làm được?... Những câu hỏi càng lúc càng như vòng vây thít lại, khiến tôi nhớ cảnh ngày xưa cả nhà cùng dồn một con chuột vào góc bếp. Giờ mình còn khỏe, phải tự nấu một nồi bánh thôi. Không sau này già rồi, con cháu thể nào cũng có lúc quây quần bên bà hỏi, bà đã bao giờ tự gói bánh chưng chưa?

*

Lá dong hóa ra phải lên tận chợ đầu mối. Nồi cần lên lịch với các gia đình, ai trước ai sau. Củi soạn ra phơi sẵn. Nếp dặn người ngoài quê. Rồi nong rồi nia, rồi chậu to, gạch kê, đào bếp... Trong mọi công đoạn đều có thằng trẻ con ở cạnh phụ việc, làm ăn như mèo mửa nhưng vì giáo dục là chính nên phải nén giận để yên. Rồi vừa rửa vừa lau từng cái lá dong vừa nghĩ, truyền thống càng cầu kỳ càng hấp dẫn nhưng càng dễ mai một. Vào lúc mệt nhất thì tự hỏi trong những khâu này có khâu nào tinh giản được không? Được chứ, nấu bằng bếp ga hay bếp điện này, mua đậu xanh đã đãi vỏ sẵn này, mầu xanh của bánh thay vì hì hụi giã lá giềng thì lén cho tý phẩm này, và muốn luộc nhanh thì như báo năm nào có nói, gỡ tạm trong cái đài của cụ nhà mấy cục pin, cho vào nồi... Nhiều lối tắt lắm để truyền thống vẫn còn cái áo, ngó tinh tươm ngỡ ai cũng mặc vừa nhưng bên dưới là hình nộm bệch bạc, sợ đến trẻ con cũng đã không đánh lừa được nữa.

*

Được tặng bánh chưng, sợ nhất là những cái to đùng, dày cộp như từ điển. Để lên bàn thờ ngày Tết thì đẹp lắm, nhưng mà thế lại cũng bệnh hình thức nữa rồi. Đến người sống có thể chủ động "điều phối" một cái bánh to thế còn thấy e ngại, nói gì đến cửu huyền thất tổ trên kia hoàn toàn bị động, con cháu bày lên thế nào dùng thế nấy. Bánh to mở ra gạo dày cồm cộp, bốn góc như bốn cục xôi nát, trẻ con toàn lừa lừa đẩy sang bát mẹ. Bánh ăn dở dang, để đến chiều thớ thịt trong nhân lộ ra ngó đã khô khan, nhìn ra ngoài cửa cây mai rụng hoa vàng một góc, thực tâm trạng không khác gì thơ cổ rầu rầu biết Tết sắp hết rồi.

Cho nên làm bánh bé thôi, cứ công thức của người già trong nhà lẳng lặng bớt đi một nửa, thêm tý thịt cho mỗi góc xa đều màu mỡ tựa "trung ương"; bánh bé thửa lá to, lạt cật đem luộc kỹ, lại lượng sức mình mà gửi mua luôn cái khuôn gỗ cho tư thế còn thong thả, không liều mạng gói tay e lóng ngóng và cáu kỉnh. Bài "biểu diễn" đầu tiên của một phụ nữ Việt Nam trước mặt con bắt buộc phải thành công là thế...

*

Mặc cho bao nhiêu là lích kích, bừa bộn của một ngày gói bánh, rồi ký ức trẻ con về những lần làm bánh chưng sẽ toàn những chuyện vui vẻ, dễ dàng, hệt như tôi nhớ về những ngày xưa: bánh con con xếp chồng vuông vức đợi vào nồi, chiều trong vườn vừa ăn thịt nướng vừa canh nồi bánh sôi, ngày hôm ấy không phải ngủ trưa và đến đêm vẫn còn được thức...

Dù làm vất vả, dù ăn không bao nhiêu, giữa năm bình thường chẳng ai gói để ăn chơi trong nhà, ngày thường cũng hiếm người thèm một miếng bánh chưng như thèm cá kho, cà muối..., vậy mà hỏi "bánh nào là đáng nhớ nhất, bánh nào truyền thống nước mày?", thì câu trả lời vẫn là tự động: bánh chưng.

Có lẽ vì đó là thứ bánh biểu tượng cho những năm tháng còn bình an của các gia đình, khi trong nhà chưa có người ốm, khi cuối năm không phải lo trốn nợ, khi các thành viên còn đầy đủ, khi vẫn còn niềm vui đi biếu Tết các nhà... Nhà neo người, chán đời sẽ chẳng ai muốn gói bánh chưng. Là thứ bánh lấy vui ở không khí "cùng làm", nên chẳng mấy người một mình mà gói bánh, nếu không phải là gói thuê hay để bán. "Bánh chưng phải đông mới gói", khi trẻ nghe người già nói trong lòng vẫn ngầm coi thường, đến có cái bánh cũng không thể đơn độc mà gói hay sao! Lúc đã trung niên lần đầu làm bánh mới hiểu, khi gói bánh chưng người ta không thể giả bộ sum vầy.

*

"Năm nay nhà mình có gói nữa không?" Tôi hỏi thằng bé như một trắc nghiệm, xem tác dụng của bài học năm ngoái tới đâu.

"Gói chứ!" nó nói, nhưng nghe có vẻ không gói thì cũng chẳng sao.

Có thực mình muốn ăn không? Hay đó chỉ là một thứ nghi thức để truyền thống không lợt lạt, để con lớn lên nhớ tới những lúc sum vầy...?

Rồi lại bắt đầu gọi điện đặt gạo. Lại tìm mớ khuôn. Lại cố nhớ ra năm ngoái mình đã gia giảm gạo, thịt thế nào... Vừa làm vừa nghĩ "sum vầy" là thứ Trời cho, không phải lúc nào cũng được. Những khi khó khăn vẫn phải gồng mình nghĩ rồi sẽ hết, lúc đang bình an thì nghĩ đây là đẹp nhất, ngày mai khó được thế này. Thôi không thắc mắc làm gì, chỉ biết còn được thong dong để gói bánh chưng mỗi năm là trong lòng đã biết ơn, biết mọi thứ còn vuông vắn, biết mọi thứ còn tươi xanh...

Tháng 1-2015

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hồn Tết vơi đi

    02/02/2019Đào Vân ViệtLại sắp Tết rồi! Nhớ những lúc giao thừa. Hình như năm nào bà cũng đi ra đi vào, rồi phàn nàn với con cháu rằng thế này thì bỏ hết tết à! Năm nào cũng vậy, sau khi sắp xong mâm cỗ giao thừa là con cháu tản đi hết...
  • Hồn xuân trong thơ Nguyễn Bính

    15/02/2018Thùy DươngMùa xuân là mùa gieo lộc, mùa hạnh phúc, lòng người rộng mở, vạn vật giao hoà. Thơ Nguyễn Bính góp phần thổi vào mùa xuân sức sống, gợi lên trong lòng người đọc những xúc động, bâng khuâng chìm đắm...
  • Tết là cái phúc cho dân tộc

    12/02/2018Đỗ ĐứcCòn nhớ hồi bé, cứ mong bao giờ đến Tết. Đến Tết để có một bộ quần áo mới, Tết để được mừng tuổi, dù chỉ vài xu vài hào. Ngày Tết, có bánh chưng bánh mật, được đi xem hội...
  • Suy nghĩ tản mạn về văn hóa

    24/03/2014GS. Mạc Văn TrangTrong cuộc tọa đàm (22 - 01- 2014) về Văn hóa, Giáo dục và phát triển Nhân cách người Việt Nam… khi được giới thiệu bài “Mấy suy nghĩ tản mạn về giáo dục” của tôi vừa viết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao, Du lịch Hồ Anh Tuấn liền đặt viết bài này. Dẫu không chuyên, nhưng trước một gợi ý đầy cảm hứng, nên thành thật bầy tỏ mọi nghĩ suy, chỉ mong gợi ra chút gì đó để cùng tư duy…
  • Viên chức và nhà buôn - Hai nét tính cách "Người Hà Nội"

    21/03/2014Lại Nguyên ÂnCòn nhớ, hồi giữa những năm 1960, đám trẻ chúng tôi từ các miền quê ra Hà Nội học đại học, một trong những chuyện khiến chúng tôi thường xuyên để tâm quan sát và luận bàn cùng nhau, ấy là những nét tính cách chung của “người Hà Nội”, người “thị dân” nói chung, điều mà chúng tôi chưa thấy, chưa biết, khi còn sống tại các vùng quê và tỉnh lẻ...
  • “Câu đối – một phương tiện trắc nghiệm trí tuệ của người xưa”

    22/01/2014Dương Thiệu TốngNgày nay, cứ mỗi độ xuân về, người ta mới sực nhớ đến câu đối Tết, vì câu đối là một trong sáu thứ tiêu biểu nhất của ngày Tết theo phong tụccổ truyền của dân ta:  Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.
  • Từ "Cái Tết của mèo con" tới cái Tết của... Nguyễn Đình Thi

    05/02/2011Hoàng NguyênGiản dị nhưng trong trẻo và đầy cảm xúc, Cái Tết của mèo con là tác phẩm duy nhất mà cố nhà văn Nguyễn Đình Thi viết tặng thiếu nhi trong suốt cuộc đời cầm bút của mình. Ít ai biết, câu chuyện được đưa vào SGK này đã lấy “nguyên mẫu” từ một chú mèo thật, với những con người thật...
  • Tết Hà Nội đầu thế kỷ XX

    02/02/2011Thành HuếNằm lặng lẽ trong một con ngõ nhỏ phố Ngô Quyền (Hà Nội), ngôi nhà giản dị của nhà Hà Nội học (HNH) Nguyễn Vinh Phúc ấm áp thân tình. Giữa miên man sách báo được xếp tràn trên các bậc cầu thang và các bằng khen treo kín tường, ông ngồi trầm tư, kể về cách người Hà Nội ăn Tết từ những năm đầu thế kỷ XX...
  • Tết quê

    01/02/2011Hoàng Giang - Anh Tuấn“Về quê ăn tết” đâu chỉ là khái niệm đi - về mà là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn...
  • Tết, chính và phụ

    31/01/2011TS Nguyễn Quang ATết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất đối với người Việt. Phần cốt yếu nhất, quan trọng nhất của Tết liên quan đến mặt tinh thần, văn hoá, tâm linh. Phần phụ là phần vật chất...
  • xem toàn bộ