Hồn xuân trong thơ Nguyễn Bính

08:30 CH @ Thứ Năm - 15 Tháng Hai, 2018

Mùa xuân là mùa gieo lộc, mùa hạnh phúc, lòng người rộng mở, vạn vật giao hoà. Thơ Nguyễn Bính góp phần thổi vào mùa xuân sức sống, gợi lên trong lòng người đọc những xúc động, bâng khuâng chìm đắm...

Nguyễn Bính là một nhà thơ của thôn quê Việt Nam truyền thống. Thơ của Nguyễn Bính mang bản chất trữ tình, đôn hậu. Nhẹ nhàng nhưng chứa chan tình cảm. Trong thơ Nguyễn Bính chúng ta không thấy ngôn từ bóng bẩy, văn hoa của thị thành. Đã từ lâu nhiều nhận xét trên thi đàn văn học qua bộ môn thi ca tiền chiến đều đồng ý cho rằng Thơ Nguyễn Bính gần gũi với dân chúng nhất, gần gũi như cành lá sớm mai, tiếng chim hót trên hàng tre ban trưa và làn khói lam thổi cơm buổi chiều...

Trong mạch thơ tìm về khung cảnh làng quê xưa để hoài niệm, để tìm một sự yên lắng cho tâm hồn tránh những rối rắm của kinh thành đô thị thì những bài thơ xuân của Nguyễn Bính có một ý nghĩa đặc biệt. Mùa xuân là mùa “đâm chồi” những giao cảm tình người. Nguyễn Bính lại là người sớm tha hương phiêu bạt tứ xứ, nên mỗi độ xuân về ông càng thổn thức tưởng đến quê hương, đến người thân.


Nguyễn Bính ở báo Trăm Hoa năm 1957

Chẳng thể nào giấu được niềm bâng khuâng trước những bài thơ xuân tuyệt tác như: “Mưa xuân”, “Xuân về”, “Thơ xuân”, “Xuân tha hương”… Có thể nói, đây là những bài thơ thể hiện cái “chất Nguyễn Bính” rõ nhất. Với Nguyễn Bính, cảm hứng mùa Xuân luôn tươi mới và không hề phai nhạt :

Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy

Một áng thơ đề nét chẳng phai.

Mở đầu bài "Thơ xuân" là một không khí vui tươi, hoạt bát:
Đây cả mùa xuân đã đến rồi

Từng nhà mở cửa đón vui tươi

Từng cô em bé so màu áo
Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười

Điều đáng chú ý là mùa Xuân ở trong thơ Nguyễn Bính thật sống động, người và cảnh thật gần gũi mà cũng thật lung linh, kỳ ảo. Những vần thơ mang những hạt mưa xuân của ngày hội làng khi hoa xoan rụng ngập tràn ngõ xóm. Hãy lắng nghe “Xuân về” của Nguyễn Bính để lạc vào một cõi yên bình trong trẻo….

Đã thấy xuân về với gió Đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

Nguyễn Bính có một biệt tài không lẫn là có thể lay động cái hồn quê ở trong mỗi người chúng ta nhờ sức mạnh của những vần thơ. Thơ Nguyễn Bính có đặc điểm chung là thường dùng phương thức tự sự - phương thức truyền thống của văn học Việt Nam. Tự sự thường dễ bị sa vào kể lể dông dài, đơn điệu, nhàm chán. Nhưng thơ Nguyễn Bính luôn thu hút, lôi cuốn người đọc. Chiếc cầu nối chắc bền nhất thi sĩ với công chúng và cũng là điều quyết định sức sống của thơ ca chính là “hồn quê".


Tình yêu với mùa xuân đã giúp Nguyễn Bính xoá tan những ảm ảnh của cuộc đời, đánh thức những tư duy xúc cảm của con người. Mỗi khi Xuân về, Nguyễn Bính lại trào lên tứ thơ nồng nàn. Vẻ đẹp trong trẻo của mùa xuân thật khó cưỡng, màu má em đã nhuộm sắc cho xuân thêm tươi mới. Từ ngõ xóm, đường làng, hàng cây, ruộng vườn, bến sông, con đò đều bừng tỉnh, dập dìu…

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc

Gió về từng trận gió bay đi

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng

Khi đất trời sang mùa mới, thiên nhiên giao hào đã làm bật lên những chồi non trong tâm hồn thi sĩ. Bao nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu tuổi xuân, mỗi mùa xuân lại hiến lên đa sắc, muôn hình muôn vẻ. Bài “Cô lái đò" lừng danh mở đầu bằng một "xuân mong nhớ":
Xuân đã đem mong nhớ trở về

Lòng cô gái ở bến sông kia

Nhưng "Sao chẳng về đây" lại tạo dựng một quang cảnh "xuân - chờ đợi" với sự hối thúc của tác giả. Nhiều khi quá bon chen nơi chốn thị thành xô bồ để vật lộn với cuộc sống, nên không còn biết gì là xuân sang, Tết đến. Sực tỉnh ra điều đó, thi sĩ đã vội vàng về cái xóm Dừa yêu dấu của mình để đón xuân, thưởng thức một mùa xuân đượm chất quê hương với đầy những hình ảnh vô cùng yêu thương của làng quê.

Xuân đã sang rồi em có hay

Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy

Kinh kỳ bụi quá xuân không đến
Sao chẳng về đây, chẳng ở đây

Từ năm 1936 đến năm 1940 là thời kỳ sáng tác sung mãn nhất của Nguyễn Bính. Phần lớn những bài thơ có giá trị đều được ông sáng tác trong thời kỳ này. Tiêu biểu phải nhắc đến “Mưa xuân”. Toàn bộ “Mưa xuân” là một câu chuyện yêu đương hẹn hò, vui buồn của đôi trai gái đến tuổi lấy vợ gả chồng. Cô gái sống bằng nghề canh cửi phải lòng chàng trai làng bên. Họ đã vài lần nói chuyện với nhau. Một hôm, có hội chèo về hát, cô gái xin phép mẹ đi xem với mục đích để được gặp chàng trai:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hai câu thơ ngắn bảy chữ đủ để Nguyễn Bính nói lên được cảnh sắc đất trời vào xuân ở làng quê Bắc Bộ. Mùa xuân trong ông không phải gợi lên từ sắc đỏ rực rỡ của những cành đào, hay sắc vàng lung linh của hoa mai mà gắn với hoa xoan, một biểu tượng của nông thôn Việt Nam. Tả mưa và hoa như thế thật là tài tình. Thiên nhiên bước ra trong “Mưa xuân” có một vẻ đẹp lung linh, huyền diệu.


Đặc biệt nghệ thuật tả cảnh tài tình của Nguyễn Bính được vận dụng vào đây để tạo thành những câu thơ đắt. Mưa phơi phới bay thì đúng là mưa xuân rồi. Những cơn mưa của sự hớn hở trong lòng người. Sự lỗi hẹn của chàng trai đã làm trái tim của cô gái vừa mới chớm nở đã vội tàn. Cô thôn nữ lại trở về ‘’ trong khung cửi’’, lại về với thế giới con gái của mình,chỉ là thôi không còn những xôn xang của lần đầu hò hẹn. Thế nhưng hi vọng vẫn còn đó, cô gái như thủ thỉ, tâm tình mang theo cả khát khao hò hẹn cho những xuân sau.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!

Bao giờ em mới gặp anh đây?

Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ,

Để mẹ em rằng: hát tối nay?

Sau ngày Cách mạng thành công, Nguyễn Bính vẫn nối tiếp nguồn mạch thơ xuân. Những nét vui đã được thấy rõ hơn. "Mưa xuân" thời mới thật ấm áp và có sức gợi đến lạ:
Nào ai nhìn rõ thấy mưa xuân

Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần
Bươm bướm cứ bay không ướt cánh

Người đi trảy hội tóc phơi trần

Bài thơ "Xuân nhớ miền Nam" có hai câu cuối đã phổ biến đến mức không dịp Tết nào không được nhắc đến:
Bốn đường tàu chạy mưa xuân ấm

Triệu lá cờ bay gió tết lành

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh

Xuân trong thơ Nguyễn Bính hiện lên không ồn ào, náo nhiệt, không khoa trương, ầm ĩ, nhưng rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Mùa xuân trong thơ thi sĩ thật dung dị, thật đằm thắm, và đẹp một cách mặn mà, đúng như cách mà thi sĩ đã nói về mùa xuân trong thơ của mình: “Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy”. Nguyễn Bính mất đúng vào ngày 30 tết (năm Ất Tỵ 1966) - không kịp đón xuân mới, nhưng ông mãi để lại cho đời những mùa xuân nồng ấm…

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Công minh lịch sử và công bằng xã hội đối với tự lực văn đoàn

    12/03/2019Văn TạoTự lực văn đoàn là một tổ chức văn học ra đời tại thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương trong thời gian 1932-1939. Về tổ chức và công lao của Tự lực văn đoàn, đã từng có nhiều đánh giá khác nhau cả về các mặt tích cực lẫn về mặt tiêu cực.
  • Từ làm báo Phong Hóa, đến văn phái Tự lực văn đoàn

    22/10/2015Khúc Hà LinhXã hội Việt Nam những năm 1930-1945 trải qua một thời kỳ biến động sâu sắc về chính trị, kinh tế và văn hoá. Chỉ nói riêng về văn hoá, thời kỳ này các loại sách báo hải ngoại du nhập vào Việt Nam khá phong phú. Hàng loạt học sinh từ Pháp trở về nước mang tư tưởng tân tiến, mới lạ đã có ảnh hưởng tới đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp học sinh tiểu tư sản trí thức.
  • Từ dòng sông nghĩ về dòng người

    08/09/2014Hà YênTừ cao ốc nhìn xuống đường phố, thấy dòng người-xe đông nghịt, chuyển động giống cảnh tượng một dòng sông hiền hòa nào đó. Mà cũng đúng như vậy, nếu xét tổng thể, và thêm một chút trừu tượng nữa để dòng người-xe đông nghịt kia, được cảm nhận như một “môi trường liên tục”, thì cả hai đều là chuyển động một chiều, cũng tương đương về mặt động học, và thậm chí, còn có thể có tình huống tương đương động lực học nữa.
  • Giới thiệu hồi ký “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài

    14/08/2014Hà Thủy Nguyên“Cát bụi chân ai” được xuất bản năm 1992, hồi tưởng về những câu chuyện của giới văn nghệ sĩ từ trước những năm 45 đến thời kháng chiến. Dù trong thời kháng chiến gian khổ, nhưng vẻ hào hoa của các văn nhân, thi nhân vẫn không suy giảm, cùng với tình bạn sâu sắc...
  • Tự lực văn đoàn, một "nhóm lợi ích" trong đời sống văn nghệ

    31/03/2014Lại Nguyên ÂnÍt thấy ai đặt hoạt động TLVĐ vào đời sống văn nghệ đương thời để mô tả, nhận định các hoạt động cụ thể của nó; cũng ít thấy ai chú ý tìm hiểu xem TLVĐ được cảm nhận ra sao trong tầm nhìn của những người đương thời, nhất là những đồng nghiệp viết văn làm báo, hoặc công chúng văn nghệ thời ấy.
  • Làm phong phú và trong sáng tiếng Việt

    12/11/2010Nguyễn Trần BạtTôi cho rằng không có tiếng nước nào làm hỏng tiếng Việt cả, nó chỉ làm phong phú tiếng Việt mà thôi. Ví dụ, việc dịch các tác phẩm vĩ đại của nhân loại chính là một trong những cách thức làm phong phú tiếng Việt. Bởi vì các dịch giả phải tìm ra, phải tập hợp vốn từ ngữ và cách diễn đạt để có thể chuyển đổi ngôn ngữ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Không chỉ trên lĩnh vực văn học mà còn nhiều lĩnh vực khác cũng vậy.
  • Tế Hanh, Lời con đường quê

    17/07/2009Vương Trí NhànNgay khi Tế Hanh ngồi giữa đám đông, người ta vẫn thấy ở ông nhu cầu trao đổi trò chuyện một hai câu với một người nào đó thật ra là một biến tướng của nhu cầu độc thoại, kết quả sự đắm chìm triền miên của ông vào bản thân mình ngay giữa cuộc sống hàng ngày.
  • Đừng để mất dần văn hóa làng

    20/04/2009GS. Tương LaiTrong sâu thẳm tâm thức người Việt, hình ảnh mái đình, cây đa luôn ở vào cung bậc nhạy cảm nhất và có sức gợi nhớ mãnh liệt. Bất cứ người Việt nào cũng có và cần một vùng quê để yêu thương, để nhớ. Thật bất hạnh cho ai đó không có được một “vùng thương nhớ” ấy trong hoài niệm tuổi thơ.
  • xem toàn bộ