Minh triết và hạ tầng tư duy

12:44 CH @ Thứ Ba - 31 Tháng Năm, 2016

Muốn phát triển, phải xây dựng được một hạ tầng tư duy vững chắc, phong phú và thông thoáng, để từ đó, tạo ra những sản phẩm tư duy có giá trị. Minh triết, với vai trò như một phông nền văn hóa, có mặt trong nhiều thành phần trong cấu trúc của hạ tầng tư duy. Vì thế, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa minh triết và hạ tầng tư duy có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng tư duy, tạo điều kiện cho việc giải phóng tư duy, hình thành những tư tưởng mới, sáng tạo và có giá trị cho đất nước.

Hạ tầng tư duy

Hạ tầng tư duy là một khái niệm mới, được đề cập lần đầu trong hai bài báo đăng trên Tuần Việt Nam ngày 10 và 11 tháng 8 năm 2009, theo đó, tác giả định nghĩa rằng: “Hạ tầng tư duy là toàn bộ những gì góp phần khai mở, hỗ trợ, giải phóng và phát huy khả năng tư duy của cá nhân và cộng đồng. Cấu trúc của hạ tầng tư duy gồm sáu yếu tố chính: Thành tựu tư tưởng của nhân loại (TTNL); Hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng hiện thời (HTT-QĐ); Cơ chế pháp lý hỗ trợ (CCPL); Thói quen, kĩ năng tư duy cá nhân (TQ-KN);Văn hóa, môi trường làm việc (VH-MT); Liên thông, trao đổi tư tưởng (LT-TĐ)1,2.

Sáu yếu tố của Hạ tầng tư duy:
  • (LT-TĐ): Liên thông, trao đổi tư tưởng
  • (VH-MT): Văn hóa, môi trường làm việc
  • (HTT-QĐ): Hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng hiện thời
  • (TTNL): Thành tựu tư tưởng của nhân loại
  • (CCPL): Cơ chế pháp lý hỗ trợ
  • (TQ-KN): Thói quen, kĩ năng tư duy cá nhân

Trong sáu yếu tố tạo thành hạ tầng tư duy, mỗi yếu tố có vai trò khác nhau, nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau, có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau trong việc hình thành hạ tầng tư duy. Cái này hoặc làm nền, hoặc là sản phẩm gián tiếp của cái kia, hoặc thúc đẩy hỗ trợ cho cái kia hình thành và phát triển. Cụ thể:

  1. Thành tựu tư tưởng nhân loại tạo nền tảng và khung tư duy chung cho mọi cá nhân tiếp cận và sử dụng nó, không phân biệt địa lý, sắc tộc. Một cá nhân hoặc dân tộc tiếp thu được càng nhiều thành tựu tư tưởng của nhân loại thì hạ tầng tư duy của cá nhân hoặc dân tộc đó càng phong phú, vững chắc.
  2. Hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng hiện thời chi phối và quyết định việc hình thành các khung mẫu tư duy hiện thời của một cá nhân hoặc một dân tộc, được hình thành thông qua sự lựa chọn của cá nhân hoặc dân tộc đó từ kho tàng tư tưởng nhân loại dưới sự chi phối của các đặc điểm lịch sử, cụ thể.
  3. Cơ chế pháp lý hỗ trợ có vai trò thúc đẩy việc và phát huy khả năng tư duy của cá nhân và cộng đồng, thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, tập thể trong việc khám phá, truyền bá, tiếp thu và sáng tạo tri thức (ví dụ các cơ chế khuyến học, các giải thưởng, v.v), đồng thời bảo vệ quyền lợi của những cá nhân có các sản phẩm tư duy có giá trị (ví dụ luật bản quyền).
  4. Thói quen, kĩ năng tư duy cá nhân quyết định việc các nhân đó có tư duy hiệu quả hay không, thông qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng tư duy của xã hội như một tổng thể.
  5. Văn hóa, môi trường làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen và hiệu quả làm việc của cá nhân và cộng đồng. Nếu văn hóa và môi trường làm việc cởi mở, lành mạnh, tôn trọng sự khác biệt thì hạ tầng tư duy phong phú, đa dạng và linh hoạt. Ngược lại, sẽ chỉ là sự nghèo nàn, xập xệ và cứng nhắc một chiều.
  6. Liên thông, trao đổi tư tưởng – tự do học thuật - làm cho hạ tầng tư duy của các cá nhân và do đó của toàn xã hội được kết thành hệ thống vững chắc, biểu hiện dưới dạng một mạng lưới liên thông hữu cơ mà qua đó, tư tưởng được tự do lưu thông và tương tác với nhau. Nếu không có liên thông, trao đổi tư tưởng, thì sản phẩm tư duy của mỗi cá nhân chỉ có tác động đến đời sống của cá nhân cụ thể đó, như một ngưới có trí tuệ nhưng sống giữa đảo hoang, mà không có tác động nào đáng kể đến hạ tầng tư duy và sự phát triển của xã hội mà cá nhân đó đang sinh sống.

Nếu một người chỉ được coi là trưởng thành khi có thể suy nghĩ độc lập thì một đất nước cũng vậy. Đất nước chỉ trưởng thành khi có tư duy độc lập, phong phú và sáng tạo. Muốn vậy, phải có một hạ tầng tư duy vững chắc, lành mạnh, cởi mở và thông thoáng làm nền tảng.

Nếu hạ tầng tư duy manh mún, nghèo nàn và xập xệ, đất nước sẽ chỉ mãi quẩn quanh trong vòng nghèo hèn và lạc hậu. Xã hội khi đó sẽ chỉ là tập hợp của những đứa trẻ to xác. Đất nước sẽ mãi chỉ là đất nước vị thành niên.

Biểu hiện rõ nhất của tình trạng vị thành niên này là cả xã hội sự phụ thuộc và chạy theo tư duy, ý thức hệ hoặc cách hành xử của bên ngoài và sự ra đời của những kiểu tư duy kì quặc trong mọi mặt của đời sống xã hội, ở mọi cấp độ, như tư duy nhiệm kì, tư duy đối phó, tư duy bằng cấp... mà thiếu đi những kiểu tư duy lành mạnh, như tư duy sáng tạo, tư duy độc lập, tư duy hệ thống, tư duy phê phán...

Tác giả: TSGiáp Văn Dương.
Tốt nghiệp kĩ sư Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Hóa Dầu năm 1999, Thạc sĩ Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) ngành Công nghệ Hóa học năm 2002, Tiến sĩ Đại học Công nghệ Vienna ngành Vật lý kĩ thuật (PhD) năm 2006.


Minh triết và hạ tầng tư duy

Nhìn vào cấu trúc của hạ tầng tư duy thì thấy, minh triết có mặt chủ yếu trong ba thành phần: Hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng hiện thời (HTT-QĐ; Thói quen, kĩ năng tư duy cá nhân (TQ-KN;Văn hóa, môi trường làm việc (VH-MT). Minh triết vì gắn liền với lối sống và văn hóa của cá nhân, mở rộng ra là của cả một dân tộc, nên góp phần quyết định lựa chọn Hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng hiện thời, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến Thói quen, kĩ năng tư duy cá nhânVăn hóa, môi trường làm việc. Nói cách khác, việc một cá nhân, và rộng ra là cả xã hội tư duy hiệu quả hay không, tạo ra được sản phẩm tư tưởng gì đáng kể hay không một phần là do nền tảng văn hóa –mà ở đó, minh triết có sự góp phần quan trọng– quyết định.

Như vậy, minh triết có thể coi là một bộ phận cấu thành hạ tầng tư duy của cá nhân, và rộng hơn là của xã hội.

Điều này nhìn bề ngoài thì có vẻ gần với quan điểm của François Juillien cho rằng, minh triết là hạ tầng của tư tưởng3, nhưng thực tế, lại khác về bản chất.

Trước hết là sự khác biệt giữa hai đối tượng mà minh triết hỗ trợ: tư duy và tư tưởng. Tư duy là quá trình não bộ xử lý thông tin mà nó tiếp nhận để tạo ra tư tưởng. Vì thế, tư duy gắn liền với quá trình làm việc của não bộ, đặc biệt là quá trình lập luận, phân tích, tổng hợp, ra quyết định..., còn tư tưởng là sản phẩm của quá trình làm việc đó. Nói cách khác, tư tưởng là sản phẩm của tư duy. Vì thế, nếu coi minh triết là một bộ phận của hạ tầng tư duy thì minh triết sẽ tham gia quá trình tư duy để hình thành tư tưởng, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình này, tùy đặc điểm của minh triết và tùy cách sử dụng minh triết của cá nhân và xã hội. Còn nếu coi minh triết là hạ tầng của tư tưởng như François Juilien quan niệm thì bản thân minh triết cũng phải là tư tưởng, mà lại là tư tưởng nền tảng. Nếu như vậy, minh triết trở thành triết học. Nhưng sự thực, minh triết không phải là triết học. Cho nên, minh triết không thể là hạ tầng của tư tưởng, mà chỉ có thể là hạ tầng tư duy. Chính xác hơn, minh triết là một bộ phận cấu thành hạ tầng tư duy của cá nhân và xã hội.

Trên thực tế, minh triết gắn liền với văn hóa sống ở thì hiện tại nhiều hơn tư tưởng như một hệ thống có lịch sử. Minh triết thể hiện ở lối sống, nếp sinh hoạt, cách ứng xử của cá nhân với thế giới xung quanh. Nếu cá nhân tư duy để tạo ra một sản phẩm tư tưởng nào đó, thì minh triết sẽ tham gia vào quá trình tư duy đó, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình tư duy thông qua việc ảnh hưởng đến thói quen, văn hóa làm việc, kĩ năng tư duy cá nhân..., chứ bản thân minh triết không phải là sản phẩm của quá trình tư duy.

Vì thế mới có một thực tế đáng buồn là: một xã hội gồm những người minh triết, chưa chắc đã tạo ra những tư tưởng có giá trị, nhất là những tư tưởng có khả năng định hướng và thúc đẩy sự phát triển, dẫn đến một nghịch lý là tập hợp của những minh triết cá nhân có thể dẫn đến u triết tập thể, làm cho xã hội trì trệ vì chỉ quẩn quanh trong những giá trị lạc hậu, cũ rích.

Sự chậm phát triển của nhiều nước phương Đông trong những thế kỉ gần đây là minh chứng rõ ràng cho điều này. Các bậc hiền triết ở phương Đông không hề thiếu, nhưng xã hội của các nước phương Đông giậm chân tại chỗ hàng thế kỉ, vì không tạo ra tri thức và tư tưởng có khả năng dẫn dắt và thúc đẩy xã hội phát triển.

Nguyên nhân là do minh triết phương Đông đặt trọng tâm sự chú ý vào đời sống con người, nhấn mạnh vào cách ứng xử và điều phối các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, mà không quan tâm đúng mức sự khám phá giới tự nhiên, dẫn đến tình trạng ứng xử xã hội thì đạt mức nghệ thuật, nhưng tri thức để thúc đẩy xã hội phát triển thì gần như không có.

Vì đặt sự quan tâm vào đời sống xã hội của con người, một thực thể đầy biến động, và đôi khi nguy hiểm đến sinh mạng khi có bất đồng, nên minh triết phương Đông đẻ ra văn hóa trọng sự hài hòa, trọng cái trung dung, trọng sự biến dịch, trọng đạo đức mà coi nhẹ đấu tranh, coi nhẹ sự dấn thân khám phá, coi nhẹ tri thức khoa học, dễ dấn đến sự coi thường chân lý.

Chính việc trọng sự hài hòa, trung dung, biến dịch này đã đẻ ra tính cách “dĩ hòa vi quí”, thói quen ngại phê bình phản biện, tránh va chạm để giữ yên thân, thích áp đặt và vâng lời hơn là tranh luận, dẫn đến rất nhiều nghịch lý như cam chịu sự áp đặt nhưng lại độc đoán khi có điều kiện, xuê xoa dễ dãi, và phần nào đó là hời hợt, trong khi luôn tìm cách đạt đến Chân, Thiện, Mĩ.

Xã hội khi đó trọng sự gắn kết và quyền lợi tập thể, đặc biệt là trong các mối quan hệ người-người, nhưng làm lu mờ vai trò của cá nhân và bản thân cá nhân như một thực thể có cá tính cần tôn trọng. Điều này dẫn đến tình trạng nghèo nàn về thành tựu tư tưởng, vì suy cho cùng, tư tưởng là kết quả của quá trình tư duy của cá nhân, nhưng lại đạt mức nghệ thuật về ứng xử trong cuộc sống.

Vậy vai trò của minh triết là gì?

Minh triết vì quan tâm chủ yếu đến đời sống con người, nên có khả năng điều phối các mối quan hệ giữa người và người để giữ cho xã hội ổn định, một yêu cầu quan trọng không kém yêu cầu phát triển. Như thế, minh triết có vai trò duy trì nền tảng đạo đức cho xã hội.

Văn minh phương Tây vì chú trọng tìm hiểu và khai phá tự nhiên, đề cao cá nhân, nên dễ dẫn đến tình trạng phá sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên và tạo ra xã hội tiêu thụ cá nhân. Cả hai điều này đều trái với những đặc trưng cơ bản của minh triết là đề cao sự hài hòa và lợi ích tập thể. Nên minh triết có vai trò hãm bớt sự hủy hoại thiên nhiên do bị khai phá quá mức và ngăn chặn sự suy đồi đạo đức do chú trọng quá đáng vào cá nhân mà xem nhẹ tập thể.

Cũng vì vai trò ngăn chặn này, và nhờ đặt sự quan tâm chủ yếu với đời sống con người, minh triết có vai trò bảo tồn văn hóa. Vì bảo tồn văn hóa, không gì khác là bảo vệ những kết tinh của các giá trị cũ trước sự tấn công của văn minh tiêu thụ và sự hung hăng của xã hội vật chất có được thông qua khai phá tự nhiên.

Như vậy, minh triết có ba vai trò chính: giữ nền tảng đạo đức trong xã hội thông qua điều phối quan hệ giữa người và người, bảo tồn văn hóa và giữ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Trong đó, giữ sự hài hòa giữa người với thiên nhiên là một kết quả tất yếu của việc giữ nền tảng đạo đức, bảo tồn văn hóa và tinh thần trọng sự hài hòa của minh triết.

Nhưng đạo đức, văn hóa, sự hài hòa chỉ là một phần của cuộc sống. Lại là phần ổn định chứ không phải phần phát triển. Muốn phát triển, xã hội cần tri thức, cần khai phá, cần tư tưởng dẫn dắt v.v. Minh triết như cái phanh hãm, còn tri thức và khai phá giống như động cơ. Nếu chỉ có phanh hãm mà không có động cơ thì xã hội không phát triển. Nhưng nếu chỉ có động cơ mà thiếu phanh hãm thì dễ mất kiểm soát, gây ra sự tàn phá, đổ vỡ.

Đây là lý do tại sao các xã hội minh triết phương Đông giậm chân tại chỗ hàng trăm năm, nay đang có xu hướng gạt bỏ minh triết để học theo văn minh phương Tây vì họ thiếu động cơ tri thức và khai phá có khả năng kéo xã hội thoát khỏi vũng lầy nghèo khó, còn các xã hội phát triển về vật chất phương Tây lại tìm đến minh triết như một phanh hãm cần thiết cho xã hội.

Minh triết đóng góp gì cho phát triển?

Nếu coi phát triển kết quả của việc ứng dụng tri thức vào mọi mặt của đời sống, thì minh triết chỉ có thể đóng góp vào sự phát triển nếu minh triết tham gia vào việc tạo ra tri thức.

Nhưng thực tế cho thấy, minh triết hầu như không đóng góp gì nhiều vào việc tạo ra tri thức, bằng chứng là sự tụt hậu của các xã hội minh triết phương Đông so với văn minh vật chất phương Tây.

Như thế, muốn đóng góp vào phát triển, bản thân minh triết và việc sử dụng minh triết phải thay đổi.

Minh triết phải tự cải biến mình trên cơ sở tiếp thu những thành tựu tư tưởng của nhân loại, những tri thức khoa học mới, để thay đổi nội dung và cả hình hài, mở rộng phạm vi quan tâm sang cả giới tự nhiên chứ không phải chỉ giới hạn trong đời sống con người. Những nền tảng của minh triết như trọng trật tự, trọng tập thể hơn cá nhân ... cũng phải có những điều chỉnh phù hợp khi những thang giá trị đã có sự thay đổi, sự sáng tạo và vai trò của cá nhân ngày càng được đề cao.

Cách sử dụng minh triết cũng cần thay đổi theo. Minh triết, sẽ không chỉ còn đóng vai trò duy trì đạo đức, bảo tồn văn hóa, giữ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên mà còn phải trực tiếp tham gia quá trình tạo dựng tri thức, tư tưởng.

Một trong những cách sử dụng minh triết có hiệu quả là định vị minh triết như là một bộ phận của hạ tầng tư duy, từ đó khai thác những thế mạnh của minh triết như khả năng nhận thức bằng trực giác, khả năng cân bằng và điều phối các mối quan hệ, tư duy tổng thể... để tạo ra những sản phầm tư duy có giá trị - những tư tưởng và tri thức có khả năng định hướng và thúc đẩy xã hội phát triển.

Những hạn chế do minh triết gián tiếp gây ra hoặc cổ vũ như lảng tránh phê bình, phản biện, hay thay đổi, thích áp đặt và vâng lời, trọng ổn định hơn phát triển... cũng cần phải giảm thiểu, tiến tới loại bỏ vì chúng gây cản trở cho sự phát triển, vì suy cho cùng, ổn định mà không phát triển là ổn định giả tạo. Ổn định chỉ thực chất khi có phát triển làm nền tảng nâng đỡ.

Tính ù lỳ của minh triết, thể hiện ở xu hướng bảo thủ, luôn có xu hướng trở lại những giá trị cũ, và sự dễ dài, xuề xòa trong làm việc, thích sử dụng các giải pháp tình thế... do quá coi trọng cái biến dịch và sự trung dung, hài hòa gây ra cần phải được kiểm soát. Vai trò của cá nhân cần được coi trọng. Chỉ có như thế, minh triết mới thoát khỏi nghịch lý: tập hợp các minh triết cá nhân lại tạo ra u triết xã hội như đã từng thấy trong lịch sử.

Cũng chỉ có như thế, minh triết mới có thể làm tốt vai trò giữ ổn định xã hội một cách thực chất và có đóng góp tích cực vào sự phát triển. Tiềm năng của minh triết khi đó mới được khai phá và khai thác một cách xứng đáng.

---

Ghi chú: Phần khái niệm về hạ tầng tư duy đã đăng ở TuanVietNam.Net, ngày 10/8/2009.

Chú thích:

1. Giáp Văn Dương, Hạ tầng tư duy và phát triển đất nước, TuanVietNam.Net, ngày 10/8/2009.

http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/7684/index.aspx

2. Giáp Văn Dương, Xây dựng hạ tầng tư duy, TuanVietNam.Net, ngày 11/8/2009.

http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/7697/index.aspx

3. François Julien, Bàn về minh triết, trao đổi tại trung tâm Minh Triết Việt ngày 8/9/2009.

http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Gợi ý về minh triết tâm linh & cuộc sống

    24/10/2019Tuệ Thiền Lê Bá BônNgày nay có nhiều nhà khoa học xiển dương các giá trị của tôn giáo, vì thế tôi xin trích dẫn một số quan điểm của vài vị Phật giáo...
  • Minh triết Tam Giáo trong văn hóa Việt

    28/02/2016Hoàng Ngọc HiếnThời nào cũng vậy, nội lực mạnh mẽ trong đời sống tinh thần và hoạt động xã hội, tinh thần tự xét mình và tự giác cao, bản lĩnh độc lập và tinh thần cầu thị trong sự xem xét và phán xét riêng, coi trọng dư luận của quần chúng nhưng không bị ràng buộc bởi bất cứ dư luận nào..., những đức tính này thường là được thiên hạ quý trọng, ở đâu cũng vậy thôi, là người hẳn hoi không thể thiếu những đức tính nói trên.
  • Hành trình tìm Minh triết - Thượng Đế hằng sống và "lập trình" thế gian

    16/09/2015Ngô Sỹ ThuyếtNhà nghiên cứu Ngô Sỹ Thuyết: “Thượng Đế tồn tại và Ngài là Nhà lập trình vĩ đại nhất, vũ trụ là công trình sáng tạo vĩ đại của Ngài, là đồ án được Ngài thiết kế và triển khai, giám sát một cách hoàn toàn tự động bằng phần mềm “Chương trình Tạo hoá”...
  • Triết gia Kim Định với minh triết Việt

    04/07/2015Hà Văn ThùyĐơn thương độc mã và chịu nhiều sự đả kích, trong 50 năm qua, triết gia Kim Định đã có những khám phá độc đáo về Minh triết Việt. Tiểu luận này bước đầu trình bày những cống hiến của ông...
  • Minh triết và hạ tầng tư duy

    17/12/2010Giáp Văn DươngMuốn phát triển, phải xây dựng được một hạ tầng tư duy vững chắc, phong phú và thông thoáng, để từ đó, tạo ra những sản phẩm tư duy có giá trị. Minh triết, với vai trò như một phông nền văn hóa, có mặt trong nhiều thành phần trong cấu trúc của hạ tầng tư duy. Vì thế, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa minh triết và hạ tầng tư duy có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng tư duy, tạo điều kiện cho việc giải phóng tư duy, hình thành những tư tưởng mới, sáng tạo và có giá trị cho đất nước.
  • Một số ý kiến về minh triết Việt

    02/01/2010TS. Hồ Bá ThâmLàm rõ đặc dểm và vai trò của minh triết Việt Nam trong lịch sử trong quá trình tiến lên văn minh, hiện đại...
  • Trở về cội nguồn minh triết Việt

    10/10/2009Hà Văn ThùyTrong ý nghĩa nào đó thì minh triết là “Sự khôn ngoan và sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa và tỏa năng lượng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.” Vì vậy, muốn tìm cội nguồn của minh triết, trước hết phải tìm ra cội nguồn văn hóa.
  • Bàn về minh triết

    23/09/2009Nhận lời mời của Hoàng Ngọc Hiến, chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu Minh Triết Việt, trong 3 ngày 7, 8, 9 nhà triết học François Jullien, giáo sư Đại học Tổng hợp Paris- Diderot, Viện trưởng Viện Tư tưởng đương đại, đã đến thăm và làm việc với Trung tâm.. Dưới đây là bài nói chuyện của ông về 3 chủ đề: Đấu tranh…và quản lý cái tiêu cực, Cái phổ quát, Minh triết và Thời hiện đại.
  • Luận bàn về những vấn đề minh triết

    10/09/2009Hoàng Ngọc HiếnMinh triết trong vốn trí tuệ và tâm linh của chúng ta không tách rời minh triết nhân loại bao gồm minh triết của nhiều nền văn minh, nhiều khu vực văn hóa, tôn giáo…. Ngay trong bản thân minh triết lưu hành ở Việt Nam có thể tìm thấy nhiều vết tích vang vọng của minh triết những nền văn hoá, văn minh khác. Người Việt không thể không tìm hiểu minh triết của những nền văn hoá khác. Công việc này giúp chúng ta thấy được rõ hơn, tinh tế hơn bản sắc riêng của mình. Đồng thời thấy được tính phổ quát của minh triết, thấy dược cái chung giữa ta và người, cũng có thể xem đây là một sự chuẩn bị tinh thần đi vào con đường hội nhập.
  • Ngày xuân bàn về Minh Triết

    25/01/2009Hoàng Ngọc HiếnĐịnh nghĩa minh triết là gì? - việc này rất khó. Một câu nói hóm của một học giả: "Tìm cách định nghĩa minh triết, đó là bằng chứng của sự thiếu minh triết". Đại học tổng hợp Chicago vừa đưa ra Dự án đề tài Định nghĩa Minh triết với kinh phí trợ cấp 2.000.000 USD, học giả bất cứ nước nào đều có thể tham gia. Đây là nội dung tham luận trong buổi sinh hoạt học thuật đầu tiên của Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt được thành lập cuối quý II năm 2008...
  • Minh triết phương Đông & Triết học phương Tây

    07/07/2006Nguyên Ngọc (Dịch & giới thiệu)Viết công trình này Francois Jullien qua lại giữa hai bờ của thượng lưu dòng sông tư tưởng nhân loại: tư tưởng TrungHoa cổ dại (là cơ sở để nghiên cứu minh triếtphương Đông) và triết lý Hy Lạp cổ đại (là căn cứ để xác định tư duy triết học phương Tây)...
  • Minh triết đại học đến từ đâu?

    28/05/2003Đã từ lâu, bất cứ ai quan tâm đến nền giáo dục đại học đều nhận thấy rằng lối giảng dạy như hiện nay không thể nào kích thích được năng lực tư duy độc lập, phát triển óc phê phán, biết hoài nghi khoa học, biết và dám không phục tùng ngụy lý, biết và dám phê phán cái lạc hậu, cái sai lầm nơi người học Tức là lối giảng dạy đó không thể mang lại sự "minh triết” cần phải có của một nền giáo dục đại học "chính danh". Tại sao lại như thế vậy, cái gốc của tình trạng này hệ tại ở đâu?
  • xem toàn bộ