Ghi chép Mỹ học

05:14 CH @ Thứ Ba - 06 Tháng Giêng, 2009

I. Mỹ học là gì? Mỹ học là một môn học nghiên cứu sự sáng tạo và cảm thụ theo "quy luật cái đẹp" ( Kunzitxưn). "Quy luật cái đẹp" làm một khái niệm của Mác.

"Đúng là động vật cũng sản sinh. Nó xây dựng cho nó tổ hoặc hang ổ giống như ong, kiến, hải ly và v. v . . . làm tổ, làm hang ổ. Nhưng động vật chỉ sản sinh cái mà bản thân nó hoặc đàn con của nó trực tiếp cần đến; nó sản sinh một cách hạn chế (phiến diện) còn con người sản sinh một cách phổ quát... Động vật chỉ sản sinh ra bản thân nó. Còn con người tái sản sinh toàn bộ tự nhiên... Động vật chỉ xây dựng theo kích thước và nhu cầu của loài của nó còn con người có năng lực sản sinh theo kích thước của bất cứ loài nào và khắp mọi nơi nó có năng lực ứng dụng kích thước vốn có của đối tượng, do đó con người cũng xây dựng theo quy luật của cái đẹp" (K.Mác, Bản thảo kinh tế - triết học, 1844. Tác phẩm (tiếng Nga), t.42, tr.94. Chuyển dẫn từ Mác và Ăng-ghen Bàn về nghệ thuật, T.I. Ixkuxtvo, Moskva, 1 983 , tr. 1 86).

Mác so sánh con người và động vật qua đó hiểu bản chất con người. Hai đặc điểm rút ra từ sự so sánh: 1 - Loài vật sản sinh một cách hạn chế, loài người sản sinh một cách phổ quát. Con người ngày càng có nhiều năng lực phổ quát. Năng lực thông cảm phổ quát với mọi loại người, thậm chí với những loài khác (Tolxtoi tả ngựa giỏi đến mức có cảm tưởng kiếp trước ông ta là ngựa). Năng lực nghệ thuật phổ quát thì nghe dân ca một dân tộc hoàn toàn xa lạ với mình cũng thưởng thức được. Tính phổ quát là thước đo trình độ văn minh, văn hoá của con người.

2- Sáng tạo theo "quy luật của cái đẹp" có nghĩa là: Nắm được kích thước của đối tượng. Giống như may quần áo, phải đo kích thước (hiểu theo nghĩa đen), đối với nhân vật kích thước hiểu theo nghĩa rộng bao gồm: lứa tuổi, nghề nghiệp, tính cách, . . . Một kích thước hết sức cốt yếu của con người là: tiết tấu của nó, tức là thần thái, tính khí, nói như Mác, cái điệu múa "ruột nhất" của nó, qua đó bản chất con người phơi bày ra đầy đủ nhất. Không cứ gì một người, một gia đình, một làng, một xã hội . . . có tiết tấu riêng. Cảm giác được tiết tấu của sự sống hết sức quan trọng với người làm thơ. Maiacôpxki đến New York, đi miên man để nắm bắt nhịp sống của thành phố: ". . . Tôi đã nắm bắt được nhịp sống của New York, một cái nhịp lụi tắt, nghẹn ngào, . . . "

Đọc bài thơ Đêm ngàn của Văn Cao, Thụy Kha cảm nhận có “một ám ảnh dịu mờ” ẩn trong câu “cái gì cũng thấy chơ vơi”'. Câu này, theo Thụy Kha là “câu Văn Cao tóm được tinh thần sống của mình, của cả dân tộc trước cách mạng”1. Ám ảnh "dịu mờ", "chơi vơi" là tiết tấu của bài Đêm ngàncũng như của nhiều giai điệu thơ và nhạc của Văn Cao trước Cách mạng. Cái "chơi vơi" ở Văn Cao khiến ta liên tưởng đến cái "thì thầm" ở Thuỷ Êa Sôla: “Trong mỗi người Việt đều có một chút gì đó thì thầm. Thì thầm cái gì đó. Tôi không hiểu rõ từng người. Tôi vẫn lắng nghe. Hình như tôi vẫn nghe được nó. Vì chính nó đã vực tôi lên”2. Phải chăng cái "thì thầm" là một tiết tấu của cuộc sống Việt Nam?. . .

Trong sáng tác nghệ thuật, "ứng dụng những kích thước vốn có" của đối tượng" có nghĩa là tìm được những kích thước nghệ thuật tương ứng, đó là: thể loại, bố cục, bút pháp, thể thơ, thi liệu . . . , một kích thước nghệ thuật hết sức quan trọng là giọng kể.

II. Mỹ học là "cảm giác học".

Mãi đến thế kỷ XVIII, nhà triết học Đức Baumgarten mới xác lập Esthetique (ta dịch là Mỹ học) như là một bộ môn nghệ thuật. Theo nghĩa từ nguyên của từ này, esthetique là cảm giác học. Baumgarten phân biệt logic học (là môn học nghiên cứu nhận thức bằng lý trí, nhận thức cấp cao) với esthetique (là môn học nghiên cứu nhận thức bằng cảm giác, nhận thức cấp thấp). Với cách đặt tên là “cảm giác học” , B. lưu ý chúng ta đến một điều hết sức quan trọng: điểm xuất phát của những hiện tượng mỹ học là cảm giác, cho nên nói đến cái đẹp, đến nghệ thuật trước hết phải nói đến hình thức tác động tới cảm giác, tất nhiên là không dừng lại ở đây, nhưng nhất thiết phải bắt đầu từ đây.

III. "Cảm giác mỹ học nảy sinh từ sự cảm giác sự hoàn thiện" (Kant). Tư tưởng mỹ học này của Kant đặt yêu cầu sự hoàn thiện của hình thức trong nghệ thuật. Đối tượng của sự tái hiện có thể không hoàn thiện, nhưng bản thân sự tái hiện phải hoàn thiện. Sự hoàn thiện của hình thức như là chỉnh thể đòi hỏi cảm giác mức độ.Năng lực thưởng thức (gout) chính là cảm giác mức độ.

Kant còn nói đến tính chất "vô tư", tính chất "tự do" của cảm giác mỹ học. "Vô tư" với ý nghĩa là không lệ thuộc vào sự thoả mãn những nhu cầu xác thịt, "tự do" với ý nghĩa là không lệ thuộc vào sinh kế. Mác cho rằng Milton là một nghệ sĩ chân chính vì ông đã viết bản trường ca Thiên đường mất điđể bán với giá năm đồng bảng Anh.

IV. Cảm giác mỹ học là cảm giác tinh thần (hoặc tâm linh).

Mác gọi thị giác, thính giác là những "giác quan tinh thần", (khứu giác, vị giác, xúc giác là những giác quan "trần tục"). Một đặc điểm của hai giác quan tinh thần là tách khỏi thực tại mà vẫn quan hệ với thực tại, chẳng hạn, mắt cách xa một ngôi sao hàng chục năm ánh sáng nhưng vẫn nhìn thấy nó (phải chăng đặc điểm chung của "tinh thần" là bứt ra khỏi thực tế mà vẫn liên hệ với thực tế, bứt càng xa bao nhiêu thì càng "tinh thần" bấy nhiêu). Chỉ thị giác, thính giác mới sản sinh ra những ngành nghệ thuật tương ứng (nghệ thuật tạo hình, âm nhạc). Từ đây có thể rút ra một đặc trưng quan trọng của nghệ thuật là: tách khỏi thực tại mà vẫn quan hệ với thực tại

V. Cảm giác học hay mỹ học.

Dịch là mỹ học thì môn học bị hiểu một cách phiến diện: ngoài phạm trù "đẹp, (mỹ) mỹ học còn nghiên cứu những phạm trù mỹ học khác: "bi", "hài", "cao cả".

A. Về cái "bi": tư tưởng lạc quan là đặc trưng thể loại bản chất nhất của bi kịch. Toàn bộ suy sụp nhưng con người nâng lên, bị thất bại về mọi mặt nhưng thắng được bản thân mình, chết đi để sống lại . . . Đó là ý nghĩa lạc quan sâu sắc của kết thúc bi thảm vở bi kịch Vua Ơdíp. (Xem bài Về một đặc trưng thể loại của bi kịch của Hoàng Ngọc Hiến, tạp chí Văn học, số 1, 1988).

B. Về cái "hài": để hiểu đặc trưng của cái hài cần phân biệt trào phúng đả kích và trào phúng hài hước. Tiếng cười hài hước chế diễu những thói xấu đáng khinh ghét đồng thời làm dịu đi những tình cảm khinh ghét.

C. Về cái "cao cả " (sublime): cần phân biệt "cao cả tự nhiên" và "cao cả mỹ học". Cái vô hạn, cái vĩ đại chỉ tạo ra cái cao cả tự nhiên. Cái cao cả mỹ học được tạo ra bằng sự tương phản với cái hữu hạn, cái nhỏ bé. Trong câu thơ của Tố Hữu về Bác: "Mong manh áo vải hồn muôn trượng" bản thân hình ảnh "hồn muôn trượng" chưa đủ để tạo ra sự cao cả "mỹ học", phải có sự tương phản với "mong manh áo vải" thì hình ảnh của Bác mới cao cả. Để tạo ra hình ảnh cao cả cầu Brooklin, Maiacốpxki viết:

Như gã nghệ sĩ quèn mê tranh thánh mẫu
Vào viện bảo tàng mắt sắc mải miết nhìn
Tôi đứng đây dưới trời sao lấm tấm
Nhìn New York qua cầu Brooklin

Trong đoạn thơ này hiệu quả mỹ học không phải ở chỗ cầu Brooklin được đối chiếu với tranh thánh mẫu, sự cao cả mỹ học được tạo ra bởi sự tương phản giữa "nghệ sĩ quèn" và “tranh thánh mẫu”

Để tạo ra hình ảnh cao cả của người yêu, Pastemak viết:

Ngày ấy cặp kè không rời em nửa bước
Anh thuộc lòng em cả bàn chân mái tóc
Như kép hát quê thất thểu phố huyện buồn
Ôm vở Sêchpia nhẩm đọc cố thuộc lòng.

Trong đoạn thơ thiên tài này, vấn đề không phải là ở chỗ người yêu được so sánh với Sêchxpiạ, ở đây sự cao cả được tạo ra bởi sự tương phản giữa Sêchxpia và "kép hát quê thất thểu phố huyện buồn".

VI. Một định nghĩa khác về mỹ học. Mỹ học là sự chủ động của người nghệ sĩ trong sự tính toán gây hiệu quả của tác phẩm nghệ thuật tới sự cảm nhận của công chúng.

Bộc lộ trực tiếp cảm xúc tự nhiên là "tự nhiên nhi nhiên".

Irony (lối nói mỉa mai) là thủ pháp phổ biến nhất gây hiệu quả: chê để khen, ghét để yêu, giận để thương... Người bình thường ghét thì chửi. Người nghệ sĩ ghét, biết ghìm lại tình cảm này để nói lời mát mẻ. Năng lực biết ghìm lại..., đó là sự chủ động, là bản lĩnh, là tư cách tạo hoá.

Trong hiệu quả mỹ học phải tính đến cảm xúc đối nghịch.

L.S.Vygotski xác định mâu thuẫn của tác phẩm ở cấp độ mỹ học. Trong tác phẩm "Tâm lý học nghệ thuật" của ông, mâu thuẫn này được diễn đạt bằng khái niệm "cảm xúc đối nghịch". "Cảm xúc đối nghịch" trước hết là một phạm trù tâm lý học cảm thụ nghệ thuật. Đó là phản ứng mỹ học diễn ra ở người cảm thụ tác phẩm nghệ thuật ". . . từ ngụ ngôn đến bi kịch, Vygotski viết, - quy luật phản ứng mỹ học là một, phản ứng đó diễn ra như sau: cảm xúc phát triển theo hai chiều hướng đối nghịch được tiêu huỷ ở điểm kết thúc như là trong một sự chập mạch ngắn . . . "3

Khái niệm "cảm xúc đối nghịch" còn là một phạm trù bản thể luận tác phẩm. Bởi vì bản thân tác phẩm phải được kết cấu như thế nào thì đó thì mới gây được hiệu quả mỹ học như vậy. Có nhiều kết cấu trong tác phẩm gây được hiệu quả "cảm xúc đối nghịch". Công việc nghiên cứu thi pháp đương chờ đợi những công trình khảo sát và phân loại các kiểu kết cấu nói trên.

Khái niệm "cảm xúc đối nghịch" còn là một phạm trù mỹ học. Nó có liên hệ mật thiết với "catarsis", một khái niệm hết sức quan trọng của mỹ học cổ điển, ". Mọi tác phẩm nghệ thuật... Vygotski viết, - nhất thiết chứa đựng mâu thuẫn cảm xúc, gây ra những dãy tình cảm đối lập với nhau và đưa chúng tới sự chập mạch ngắn và sự tiêu huỷ. Đấy mới có thể gọi là hiệu quả đích thực của tác phẩm nghệ thuật và ở đây chúng ta đương tiếp cận sát nút khái niệm catarsis..."4

Như vậy, khái niệm "cảm xúc đối nghịch" có một nội dung hết sức phong phú. Tuy nhiên, dù là được xem xét như một phạm trù tâm lý học nghệ thuật, hay mỹ học, hay bản thể luận tác phẩm, khái niệm này trước hết là một phạm trù của phép biện chứng nghệ thuật. Nó đưa người nghiên cứu vào trong lòng của mâu thuẫn và sự vận động mâu thuẫn trong tác phẩm nghệ thuật. Nó chỉ ra mâu thuẫn trong nội dung cảm xúc và kết cấu của tác phẩm, trong "ấn tượng mỹ học" mà tác phẩm gây ra ở người cảm thụ, đặc biệt là trong mối tương quan giữa nội dung và hình thức của tác phẩm. "... Toàn bộ mỹ học truyền thống, - Vygotski viết, - đã chuẩn bị cho chúng ta hiểu nghệ thuật ngược hẳn lại: hình thức minh hoạ, bổ sung, hoà hợp với nội dung và bỗng dưng chúng ta thấy rằng hiểu như vậy là nhầm to, thực ra hình thức vật lộn với nội dung, đấu tranh với nó, khắc phục nó và ý nghĩa tâm lý đích thực của phản ứng mỹ học của chúng ta có khi lại ở mâu thuẫn biện chứng này giữa nội dung và hình thức"5 .Ở ta những giáo trình mỹ học, lí luận văn học ngày càng hoàn thiện, chững chạc hơn, đầy đủ hơn. Duy có tinh thần biện chứng vẫn là thiếu. May chăng khái niệm "cảm xúc đối nghịch" sẽ thổi ít nhiều linh hồn biện chứng vào những giáo trình này.

VII. Nghệ thuật là gì? Khoa học nhận thức sự vật bằng khái niệm. Những khái niệm khoa học phản ánh bản chất của sự vật. Nghệ thuật nhận thức sự vật bằng những hình tượng cụ thể - cảm giác, chúng không có nhiệm vụ phản ánh bản chất của sự vật, chúng tiếp cận tính cách của sự vật. Nghệ thuật tạo ra những hình tượng cốt để minh hoạ những khái niệm (chính trị, triết học, khoa học, . . . ) sẽ tạo ra những hình tượng chính luận.

Có những ngành nghệ thuật phản ánh thực tế như văn học, sân khấu, điện ảnh, hội họa và âm nhạc "chương trình".

Có những ngành nghệ thuật có tính chất lý tưởng (không làm nhiệm vụ phản ánh thực tế): kiến trúc, mỹ nghệ, hội hoạ và âm nhạc "phi chương trình".

Thảo luận vấn đề chức năng phản ánh thực tế của văn học nghệ thuật phải tính đến sự phân loại nói trên.

VIII. Một chức năng của nghệ thuật (có thể gọi là chức năng hiện sinh [existentielle]?)

Đó là chức năng thể hiện và thoả mãn những "nhớ tiếc" và "ước mơ" (có khi cũng chỉ là nhớ tiếc) vĩnh cửu của con người.

Ở cõi tục mơ [hay là nhớ?] cõi tiên.

Ở cõi tiên nhớ cõi tục.

Cõi tục là quá trình trưởng thành, va vấp, vật lộn với cuộc đời hiện thực (đời đã làm cho mình nên nông nỗi nào, tự mình đã làm cuộc đời mình ra sao), cũng là quá trình bị tước đoạt, bị ức chế (do đó cảm thấy hẫng hụt, sinh thất vọng)

Mơ ước cõi tiên là một lối thoát, cũng có thể là sự nhớ tiếc cõi tiên.

Nếu cõi tiên là thiên đường thời thơ ấu (có nên kể đến thiên đường khi còn là bào thai nằm trong bầu). Thiên đường với ý nghĩ được chiều chuộng vô tư (không gì vô tư bằng tình cảm của người mẹ đối với con), được sống, hoạt động một cách vô tư, mọi hoạt động mang tính chất vô tư.

Nhớ cõi tiên là nhớ sự vô tư.

Thiên đường bị mất đi có nghĩa là sự vô tư bị mất đi.

Cõi tiên còn là sự lạ hoá để nhìn ra những giá trị, ý nghĩa lớn lao của cõi tục.

Trong tiếng Việt, ý niệm "thơ" được đưa vào "tuổi ngây thơ", "tuổi ấu thơ", nhấn mạnh sự gần gũi, sự thân thuộc giữa bản chất của thi ca (nghệ thuật) và bản chất của tuổi ngây thơ bao giờ cũng có tính chất vô tư, có cách nhìn tinh khôi, luôn luôn mới mẻ (chưa bị mòn, bị gò vào khuôn sáo).

Những ngọn roi quất của cõi tục chạm vào những vết thương của thời cõi tiên còn lại trong vô thức và không bao giờ lành. Lên cõi tiên không phải là thoát tục, đó là nhớ lại thời thơ ấu.

Thiên thai của Văn Cao là tác phẩm (duy nhất trong văn nghệ thế giới?) thể hiện đầy đủ và sâu sắc sự đi về của nỗi nhớ vĩnh cửu của con người, ở cõi tiên nhớ cõi tục, ở cõi tục nhớ cõi tiên.

Văn học tôn giáo của châu âu chỉ nói được một chiều: ở cõi tục nhớ cõi tiên.

Tương ứng với sự lấp lánh cõi tục, cõi tiên là sự lấp lánh nghĩa đen, nghĩa bóng.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn về cái Đẹp

    21/11/2017Nguyễn Hào HảiBàn về cái đẹp, Socrate chỉ nói một tư tưởng ngắn gọn: Cần phải xây dựng được một khái niệm (ý niệm) về cái Đẹp và một cái Đẹp được coi là lý tưởng. Ông chỉ nói có vậy. Nhưng có thể nói toàn bộ nền mỹ học phương Tây cả trong quá khứ và trong tương lai nữa đều chỉ nằm trong câu nói rất ngắn ấy.
  • Định nghĩa về cái đẹp

    20/08/2017Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện đặc biệt nào đó. Nhưng cái gì gây nên sự đáp ứng này từ phía chúng ta? Nó có phải là cái gì trong chính bản thân đối tượng ...
  • Cái đẹp muôn hình muôn vẻ

    10/11/2014Văn NgọcTạo hóa (hay Nghệ thuật?) oai oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?
  • Tâm linh và mỹ học – nền tảng của văn hóa gia đình

    01/03/2007TS. Nguyễn Đình Đặng Lục – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Ban Nội chính TWGia đình đã tạo nên xã hội, mối quan hệ tương tác đó đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất của xã hội loài người. Sự phát triển rực rỡ của nền văn minh nhân loại không phải tự có mà nó được bắt đầu từ chính cuộc sống gia đình. Gia đình truyền thống của Việt Nam vẫn được duy trì trên nền tảng của văn hóa gia đình được hình thành và phát triển dựa trên sự kết hợp chặt chẽ của hai yếu tố: tâm linh và mỹ học...
  • Chủ thể thẩm mỹ trong quan niệm của Hêgen

    22/12/2006Lương Thu HiềnChúng ta đều biết, với mục đích hướng mỹ học của mình vào nghiên cứu nghệ thuật, cụ thể là nghệ thuật trong quá trình phát triển lịch sử, nên những vấn đề cơ bản của mỹ học đã được Hêgen giới hạn ở đối tượng thẩm mỹ. Những vấn đề như cái đẹptự nhiên, chủ thể thụ cảm...ít được ông chủ ý và khi bàn đến chủ thể thẩm mỹ, ông chủ yếu đi sâu vào chủ thể sáng tạo nghệ thuật.
  • Thông diễn học của Hegel

    24/04/2006Ts. Lê Tuấn Huy (dịch)Hermeneutics hiện thường được dịch là "chú giải học". Tuy nhiên, nhánh học thuật này, với ý nghĩa đương đại, đã không còn bó hẹp trong việc chú giải Kinh thánh hay văn bản như trước, mà là sự thông đạt lẫn nhau từ sự diễn dịch tư tưởng, lý luận...
  • Immanuel Kant từ triết học phê phán đến nghiên cứu con người

    12/04/2006Hồ Sĩ Quý...đến giai đoạn triết học phê phán, I. Kant mới xuất hiện như là một nhân vật "khổng lồ". Với ba tác phẩm có tựa đề "phê phán"... ("Phê phán lý tính thuần tuý", "Phê phán lý tính thực tiễn" và "phê phán năng lực phán đoán"), triết học I. Kant - một kiểu triết học có tư duy độc đáo trong văn hoá Tây Âu, đã trở thành điểm khởi đầu của một dòng triết học ảnh hưởng to lớn đến lịch sử văn hoá nhân loại - triết học cổ điển Đức...
  • xem toàn bộ