Nghịch lý loài người: Luôn nhìn ra khuyết điểm của người khác, không chấp nhận đối phương nhưng nhất quyết chẳng nhìn ra vấn đề của chính mình
Chúng ta gọi những đối tượng bên ngoài là những "nguyên nhân làm cho ta khổ". Nhưng kỳ thực, nguyên nhân làm cho ta khổ nhiều khi lại nằm ở chính cái sự "không chấp nhận được" của ta, còn những sự việc đã xảy ra chỉ đơn thuần là những việc "không như ta kỳ vọng" mà thôi...
.
Có một thời gian, trên các trang blog nước ngoài lan truyền thông tin về một cuốn sách được xuất bản với cái tên "How to change your wife in 30 days" (tạm dịch: Cách thay đổi vợ của bạn trong vòng 30 ngày). Ngay lập tức, cuốn sách bán được 2 triệu bản chỉ trong vòng một tuần.
Nhưng chẳng biết là may hay không may, tác giả cuốn sách phát hiện ra lỗi in tên của tác phẩm, nên lập tức liên hệ với nhà xuất bản để điều chỉnh lại tiêu đề đúng của cuốn sách là "How to change your life in 30 days" (tạm dịch: Cách thay đổi cuộc sống của bạn trong vòng 30 ngày). Sau đó, cuốn sách chỉ bán được có 3 bản trong suốt một tuần tiếp theo.
Câu chuyện trên chưa thể xác minh tính thực của nó, nhưng cái quan trọng hơn là cái tiêu đề sách đã phơi bày một đặc trưng tâm lý rất phổ biến của con người: chúng ta luôn thấy không hài lòng về người khác, nhất là đối với người thân thiết nhất của mình, theo đó muốn biến người ta trở thành hình mẫu mà mình mong muốn theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, nghịch lý là chính chúng ta lại chẳng bao giờ thèm nhìn nhận vấn đề của bản thân.
Bởi vậy, khi có những sự việc không như ý xảy ra, con người lại luôn có khuynh hướng tìm đối tượng để đổ lỗi. Đó có thể là vợ, là chồng, là con cái, hay cái phổ biến nhất - hoàn cảnh. "Đời xô đẩy" là cái lý do dớ dẩn nhất thường xuyên được đưa ra để nguỵ biện cho bản thân về một lỗi lầm nào đó.
Chúng ta gọi những đối tượng bên ngoài là những "nguyên nhân làm cho ta khổ". Nhưng kỳ thực, nguyên nhân làm cho ta khổ nhiều khi lại nằm ở chính cái sự "không chấp nhận được", hay nói cách khác, là sự chấp nhận số phận của ta, còn những sự việc đã xảy ra chỉ đơn thuần là những việc "không như ta kỳ vọng" mà thôi.
Theo thói thường, chúng ta có một sự mặc định âm thầm rằng mọi chuyện phải diễn ra theo ý mình. Chúng ta nhận định rằng việc gì mà diễn ra theo ý mình thì là đúng, là hợp lý, còn ngược lại thì là sai, là bất hợp lý. Chính vì quen đánh giá như vậy nên khi một sự việc bất như ý xảy ra thì chúng ta cảm thấy rất khổ và lập tức muốn chống lại nó.
Tương tự, chúng ta luôn mong người khác cư xử đúng với ý mình, đúng với sự kỳ vọng của mình nên khi ai đó cư xử không phù hợp với sự trông đợi của ta thì chúng ta cảm thấy khó lòng mà chịu đựng nổi.
Điều này được thể hiện đặc biệt rõ trong những mối quan hệ gắn bó và thân thiết của chúng ta. Càng thân thiết thì chúng ta lại càng đặt nhiều sự kỳ vọng vào việc người ta thương phải làm cho ta hài lòng, phải luôn mang đến hạnh phúc cho ta. Nhưng sự thật thì đâu có ai làm được như vậy. Không có ai luôn luôn đáp ứng được mọi sự kỳ vọng của chúng ta, chưa kể họ cũng có những quan điểm, những giá trị sống, những nỗi khổ niềm đau và những hoài bão của riêng họ. Đó là lý do vì sao mà những người thân thiết nhất lại dễ gây tổn thương cho nhau nhiều nhất.
Thế nhưng, sự thật là mỗi người trong chúng ta lại có những kinh nghiệm về cuộc sống khác nhau, đứng ở góc độ khác nhau, trải qua những hoàn cảnh khác nhau nên cách nhìn cũng chẳng ai giống ai cả. Đôi khi một đối tượng hay một sự việc xảy ra không hoàn toàn là sai hay là xấu, nó chỉ không đúng với ý mình, không theo sự kỳ vọng của mình mà thôi.
Một ông bố hay bà mẹ có thể đánh giá con mình là có hiếu nếu đứa trẻ ấy răm rắp làm theo ý mình, tuân theo con đường mà mình đã vạch sẵn. Nhưng nếu vẫn đứa trẻ ấy với những giá trị đạo đức ấy mà lại lựa chọn một con đường khác để được sống cho trọn vẹn đam mê và hoài bão của mình thì lại dễ bị cộp cho một cái mác "bất hiếu" từ những vị phụ huynh thiếu sự cảm thông.
Chúng ta cũng có thể thấy câu chuyện "không chấp nhận" này qua một minh chứng cụ thể trong phiên tòa xét xử vụ việc ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo - chủ thương hiệu cafe Trung Nguyên.
Bà Thảo thì không thể chấp nhận việc chồng mình "khác quá", không thể chấp nhận được sự thay đổi của chồng. Ông Vũ cũng không chấp nhận được những việc vợ làm, ông muốn vợ phải sám hối, phải biết tu tập. Ai cũng thấy mình có lý, ai cũng cảm thấy bị tổn thương.
Cũng như bà Thảo, các bà vợ thì luôn mong rằng chồng mình giữ nguyên được những điểm tốt, ví dụ là chiều chuộng, quan tâm vợ như lúc mới yêu, nhưng mặt khác lại mong mỏi chồng tốt hơn, ưu tú hơn ở một số phương diện như làm kinh tế, dạy bảo con cái, gánh vác gia đình. Tương tự, các ông chồng cũng kỳ vọng và đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn cho một người "vợ hiền dâu thảo", kèm theo đó là trách nhiệm của vợ trong việc chăm sóc con cái, vun vén gia đình.
Chúng ta cứ làm khổ nhau bởi những sự kỳ vọng ấy trong khi chính tâm tư, ý thích của bản thân mình cũng còn "sớm nắng chiều mưa", cũng thay đổi liên tục. Vậy thì đâu là đúng, đâu là sai? Đâu là một tiêu chuẩn cho phù hợp?
Nhìn cho kỹ, việc bà Thảo kỳ vọng chồng mình không thay đổi quả là một sự kỳ vọng phi lý. Bởi ngay bản thân mỗi chúng ta, từng ngày từng ngày đều đang thay đổi, kể cả trên phương diện thể chất lẫn tâm lý. Ngay sau khi kết hôn thì chúng ta đều đã khác rồi, huống hồ một hai chục năm sau. Hơn nữa, sự thay đổi không phải lúc nào cũng luôn luôn xấu, tuy không dễ chấp nhận nhưng nó là quá trình bắt buộc cho sự trưởng thành và là điều kiện không thể thiếu cho sự đổi mới để thích nghi.
Ông Vũ thì sau khi tìm đường tu tập rồi cũng muốn vợ phải biết tu tập, biết sám hối và thay đổi. Có thể bản thân người vợ không xấu đi so với trước, mà do chính cách nhìn của ông đã khác, do các tiêu chuẩn của ông đối với vợ đã tăng lên. Mà một khi không còn được chấp nhận thì người phụ nữ có thể bất chấp tất cả để mà chứng minh giá trị hoặc đơn giản chỉ là để trả thù.
Khi không thể chấp nhận, chúng ta bị mắc kẹt trong nỗi thất vọng, bất an và lo sợ. Chúng ta trở nên phán xét, chỉ trích và thậm chí là muốn loại trừ ngay cái đối tượng hay hoàn cảnh mà mình không vừa lòng. Lúc này, chúng ta không thể nhìn nhận vấn đề hay đánh giá người khác một cách trung thực nữa, cách nhìn của chúng ta bị bóp méo trong sự cố chấp của mình, vì thế mà cách giải quyết vấn đề của chúng ta thường chỉ đem đến sự đổ vỡ và thất bại mà thôi.
.
Xưa nay chúng ta cứ đồng nghĩa sự chấp nhận với nhu nhược, yếu đuối và thất bại. Nhưng đó không phải là chấp nhận, mà đó chỉ là buông xuôi. Sự chấp nhận đúng đắn phải dựa trên cơ sở của tình thương và trí tuệ, nó cho phép chúng ta được an bình, thấu hiểu, sáng suốt và từ đó mà chúng ta có thể phản ứng với vấn đề một cách thích hợp hơn.
.
Khi biết cách chấp nhận, ngay lập tức chúng ta được giải thoát khỏi sự chiến đấu nội tâm để chống lại sự bất như ý mỗi ngày. Chúng ta không còn bị trói buộc bởi những cách nhìn chủ quan và có khả năng mở lòng để đón nhận những điểm khác biệt, những góc nhìn đa chiều và từ đó có thể đưa ra những giải pháp tốt nhất. Cho nên chấp nhận là cách duy nhất để cho sự thay đổi tích cực có thể xảy ra.
Để chấp nhận được một người đúng như cách mà họ đang là, chúng ta cần phải có một tình thương lớn và một sự hiểu biết sâu sắc. Điều này không dễ vì nó cần có thời gian để nuôi dưỡng, huân tập, nhưng nó lại vô cùng cần thiết nếu chúng ta muốn hết khổ, chúng ta muốn được hạnh phúc và giúp cho những người xung quanh ta cũng được hạnh phúc lâu dài.
.
Chấp nhận sự thay đổi cũng chính là trí tuệ nhìn ra chân lý. Hiểu rằng không có gì là mãi mãi và chuyện gì cũng có thể xảy ra nên chúng ta sẽ biết trân trọng hiện tại, sẽ không quá bám chấp vào một tư tưởng, một hoàn cảnh hay một đối tượng nào đó. Chúng ta sẽ làm những gì tốt nhất trong khả năng của mình nhưng không quá kỳ vọng vào kết quả, không cố chấp một điều gì đó phải diễn ra theo ý muốn của mình. Đây là nguồn gốc của sự thanh thản và an vui, bất chấp cuộc đời nhiều biến động.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015