Lòng tin chính trị là động lực hợp tác phát triển Việt - Mỹ
PGS-TS Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - nhận định: Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ góp phần tăng cường sự tin cậy giữa hai nước, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác song phương.
PGS-TS Cù Chí Lợi. Ảnh: VÂN ANH
.
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra sớm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Đặc biệt, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra chỉ không lâu sau khi ông Donald Trump nhậm chức. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 14.12.2016. Đây là nét tương đối đặc biệt trong quan hệ Việt-Mỹ, tiếp nối xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã mời lãnh đạo của các nước đối tác quan trọng đến Mỹ để trao đổi hợp tác, như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tôi cho rằng, Việt Nam nằm trong số các quốc gia mà Mỹ coi là đối tác chủ chốt trong chính sách đối ngoại ở Đông Á và Đông Nam Á, nằm trong lộ trình định hình chính sách toàn diện của Tổng thống Donald Trump với Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong 3 năm liên tiếp từ 2015-2017 diễn ra 3 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ năm 2015, Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam năm 2016, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ vào tháng 5.2017. Theo ông nhìn nhận, những chuyến thăm liên tiếp ấy cho thấy sự tin cậy trong quan hệ Việt - Mỹ đang ở mức nào?
- Theo tôi, mặc dù hai nước có hệ thống chính trị khác biệt, nhưng quan hệ Việt-Mỹ phát triển tích cực trong những năm qua dựa trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và hợp tác cùng có lợi. Trong những dịp khác nhau, các nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, và Mỹ sẽ không tìm cách áp đặt thể chế chính trị của mình lên Việt Nam. Đây cũng chính là một nhân tố quan trọng cho việc xây dựng lòng tin chính trị giữa hai nước. Bên cạnh đó, Việt Nam có sự tin cậy, ổn định về mặt chính trị quốc gia. Tôi cho rằng khi Mỹ lựa chọn đối tác cũng đã có sự cân nhắc thận trọng và thoả đáng các lợi ích quốc gia, song phương và đa phương. Việt Nam là đối tác mà Mỹ thấy phù hợp, hợp tác để duy trì và bảo đảm lợi ích của cả hai bên ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Vậy thưa ông, Việt Nam nằm ở đâu trong ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền mới của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương?
- Ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử cũng như sau khi lên nắm quyền đã có những tính toán lại trong chiến lược đối ngoại, nhưng Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một trọng tâm chính. Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á, nằm sát trục hàng hải huyết mạch. Việt Nam là đối tác có sức bền dân tộc, sức bền quốc gia, là một trong những nước có thế mạnh dựa trên những giá trị lịch sử và truyền thống đoàn kết lâu dài. Dựa trên sự tin cậy ngày càng tăng, Việt Nam nằm trong số những quốc gia mà ông Donald Trump lựa chọn để gặp gỡ, trao đổi sớm.
Ảnh: Zing.vn
.
Ông có thể nói gì về lợi ích đôi bên trong quan hệ Việt-Mỹ từ những chuyến thăm cấp cao, nhất là trong lĩnh vực kinh tế?
- Lợi ích tổng thể trong quan hệ Việt-Mỹ là đem lại cơ hội và thịnh vượng thực sự cho nhân dân hai nước. Trong chiến lược hội nhập về kinh tế của Việt Nam, Mỹ là đối tác quan trọng về thương mại. Tôi cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đẩy mạnh quan hệ kinh tế Việt-Mỹ theo chiều sâu hơn, hiệu quả hơn. Trong khi đó, Mỹ cũng nhìn nhận Việt Nam như một thị trường có tiềm năng lớn. Nếu cải cách của Việt Nam được đẩy nhanh hơn, sẽ có nhiều công ty Mỹ vào thị trường Việt Nam hơn. Các dự án hạ tầng của Việt Nam như đường sá, giao thông, cảng biển, sân bay... đòi hỏi nhiều vốn, và có thể trở thành mục tiêu để các công ty Mỹ đầu tư.
Ảnh: Zing.vn
.
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP và có xu hướng bảo hộ thương mại. Điều đó liệu có ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế?
- Mặc dù ông Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP, nhưng cũng tuyên bố sẵn sàng ký hiệp định thương mại tự do FTA với các đối tác có tiềm năng. Những đối tác kinh tế quan trọng sẽ nằm trong tính toán chiến lược của họ. Tôi cho rằng ý tưởng FTA của Việt Nam với Mỹ không quá xa vời, mặc dù nó có thể chưa trở thành hiện thực trong tương lai gần. Còn về cân bằng thương mại thì không có nghĩa là cán cân thương mại bằng không. Theo như tôi nhìn nhận, chính quyền mới của Mỹ đi theo hướng lựa chọn một số đối tác cơ bản, từ đó triển khai chính sách khu vực, chứ không triển khai cả khu vực như một đối tác lớn. Do đó, nước nào trở thành đối tác tin cậy của Mỹ ở khu vực thì lợi ích của cả hai bên đều có cơ sở tồn tại và phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
VÂN ANH (thực hiện)
“Tôi cho rằng, ông Donald Trump, đắc cử Tổng thống Mỹ từ vị trí là một doanh nhân tỉ phú, có thể nhìn thấy những khía cạnh năng động của Chính phủ kiến tạo Việt Nam, từ đó có thể đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế, khởi nghiệp, lấy vấn đề phát triển kinh tế làm trục chính cho sự điều hành Chính phủ đối với quốc gia”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015