Trả lời phỏng vấn nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hoa Kỳ

10:46 SA @ Thứ Hai - 13 Tháng Bảy, 2015

Hỏi: Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến công du chính thức đầu tiên của ông tới Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và hai năm ký kết đối tác toàn diện giữa hai nước. Giới chuyên gia nhận định chuyến công du của TBT Nguyễn Phú Trọng mang ý nghĩa lịch sử trong việc thắt chặt mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và sẽ tác động không nhỏ tới sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia.

Để đánh giá khách quan và chính xác ý nghĩa lịch sử cũng như tầm quan trọng của sự kiện này, thực sự đối với chúng tôi là điều không hề dễ dàng. Bởi thế chúng tôi muốn có cuộc trao đổi với ông. Là người đã tham gia các hoạt động chuẩn bị gia nhập thị trường Việt Nam của các công ty Hoa Kỳ từ rất sớm, ông bình luận thế nào về tầm quan trọng của chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Trả lời: Báo chí thế giới, báo chí Việt Nam đã nói một cách rộng rãi rằng đây là một chuyến đi lịch sử nên tôi không mô tả giá trị lịch sử của chuyến đi nữa, mà tôi muốn chứng minh rằng nó có giá trị lịch sử thật.

Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai giữa chúng ta và người Mỹ đã kết thúc được 40 năm và chúng ta đã có quan hệ bình thường với người Mỹ 20 năm rồi, nhưng trong tất cả các khía cạnh hòa giải thì hòa giải về chính trị vẫn chưa được tiến hành một cách thực chất. Chưa có cuộc gặp gỡ nào thật sự giữa những nhà lãnh đạo chính trị thuần túy của Việt Nam với những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Năm nay đã xuất hiện một số cuộc gặp gỡ như vậy. Cuộc gặp gỡ của Ủy viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị, đấy là tín hiệu ban đầu, tiếp đó là cuộc gặp gỡ của Ủy viên Bộ chính trị Trần Đại Quang và cuộc gặp gỡ của Ủy viên Bộ chính trị Phùng Quang Thanh. Tất cả các cuộc gặp gỡ như vậy là những nấc thang tạo tiền đề cho cuộc gặp gỡ rất quan trọng ngày hôm nay. Lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam có cuộc gặp gỡ chính thức.của người lãnh đạo cao nhất của Đảng với Tổng thống Hoa Kỳ. Đấy là một sự thú vị chính trị thật sự.

Chúng ta đã phải làm rất nhiều việc vất vả trong suốt bao nhiêu năm chiến tranh để giữ gìn độc lập, chúng ta kết bạn với tất cả những người có thể làm bạn để tạo ra một giai đoạn phục hưng đất nước, và bây giờ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang làm một việc quan trọng nhất trong những việc như vậy, đó là kết nối Việt Nam với Hoa Kỳ.

Hỏi: Trong buổi gặp đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định rất giống nhận định của ông vừa nói, đó là cách đây 20 năm không ai có thể hình dung tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng diễn ra cuộc gặp thú vị giữa Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ. Rõ ràng hình ảnh này là một hình ảnh rất thú vị về mặt chính trị, nhưng dưới góc độc của một nhà nghiên cứu xã hội và một chuyên gia kinh tế, ông còn tìm thấy sự thú vị nào khác?

Trả lời: Không phải 20 năm trước đây chúng ta không thể nào tưởng tượng được chuyện này, mà 5 năm trước đây cũng khó tưởng tượng. Nói như thế mới hiểu được sự dũng cảm, sự năng động và sự cấp tiến của những người cộng sản Việt Nam.

Dư luận luôn cho rằng những người cộng sản là bảo thủ. Nghiên cứu về những người cộng sản Việt Nam, tôi biết quá trình họ chuẩn bị ra khỏi các trạng thái bảo thủ của từng giai đoạn lịch sử của Đảng Cộng sản như thế nào. Cho nên tôi hiểu được rằng không có một chút bảo thủ nào, và phải thay chữ bảo thủ ấy bằng một chữ mà từ nay nên dùng một cách rộng rãi, đó là sự cẩn trọng của những người cộng sản Việt Nam trước khi họ tiến hành các hoạt động cấp tiến.

Hỏi: Chúng ta thấy rất rõ những hành động, những nụ cười, những cái bắt tay rất từ tốn và thận trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp với Tổng thống Obama. Điều đó phản ánh cái gì?

Trả lời: Tôi nghĩ chuyến đi này là một chuyến đi vô cùng thận trọng. Chúng ta thấy thông tin được công bố trước chuyến đi chỉ ít ngày và danh sách của đoàn đại biểu cũng được công bố một cách thận trọng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời báo chí quốc tế trước chuyến đi của mình để thông báo với người Mỹ rằng độ cấp tiến của chúng tôi chỉ đến thế, các ông có vui lòng không. Tôi nghĩ sự thận trọng như vậy rất phù hợp với truyền thống chính trị mà chúng ta có trong suốt cuộc chiến tranh lâu dài. Đấy là di chứng và cũng là kinh nghiệm của chúng ta trong việc xử lý các quan hệ quốc tế nhạy cảm.

Nếu quan sát thật kỹ sẽ thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mở đầu bằng việc trả lời báo chí rất thận trọng, nhưng nụ cười của ông tại Nhà Trắng là rất tươi. Tôi còn quan sát thấy Tổng thống Obama cười sau 1/10 giây so với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi gọi hiện tượng Tổng thống Obama cười là hiện tượng cười lây. Tôi nghĩ rằng sự phấn khởi, sự cởi mở của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam lây sang Tổng thống Mỹ, đấy là điều vô cùng may mắn với chúng ta. Tìm được ở Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam một nụ cười như thế là không dễ. Nếu tưởng rằng đó là nụ cười của sự dễ dãi là nhầm. Nụ cười ấy là kết quả của sự thỏa mãn các tiêu chuẩn chính trị của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đối với tổng thống Hoa Kỳ. Nụ cười ấy làm thư giãn một lịch sử.

Hỏi: Rõ ràng chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, người dân nói đến câu chuyện này rất nhiều trên mạng xã hội, trên báo chí và cả trong các cuộc nói chuyện riêng tư.

Ông đã viết trong một bài rằng ông ý thức được tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngay từ chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Vậy chúng tôi sẽ phải hiểu và truyền tải thế nào cho đúng và ngắn gọn về ý thức cũng như tầm quan trọng mà ông đã nói trong cuốn sách này?

Trả lời: Tôi ý thức về vai trò của người Mỹ đối với tiến trình phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam từ năm 1986. Tôi nghiên cứu về người Mỹ một cách thật sự nghiêm túc. Có lẽ một trong những bài báo hay nhất tôi viết về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chính là bài báo tôi viết nhân chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ. Tôi không biết Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có đọc bài đấy không, nếu có thể nhờ các đồng chí chuyển cho Chủ tịch. Tôi đã viết bằng tấm lòng của tôi vào lúc ấy. Tôi cũng đang nói về chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng tấm lòng tương tự. Tôi nghĩ rằng các anh ấy đã giải quyết những bài toán khó nhất của đất nước chúng ta bằng chuyến đi của mình.

Hỏi: Vào thời điểm ông viết bài đó, ông ý thức rất rõ về tầm quan trọng của mối quan hệ này. Vậy chúng tôi phải truyền tải ý thức của ông như thế nào tới những vị khán giả cũng như những người dân đang xem chương trình?

Trả lời: Chúng ta nên nhớ một điều là thế giới có những đối tượng chiến lược, đó là những đối tượng có kích thước khổng lồ. Người Mỹ, người Trung Quốc, người Liên Xô trước đây, người Nga bây giờ, người Ấn Độ và người Nhật Bản, đấy là những con khủng long của nhân loại. Tất cả những ai nghĩ đến việc gây gổ với chúng đều dại. Việt Nam là một nước vừa về mặt địa lý và là nước bé về mặt kinh tế, chúng ta buộc phải làm quen và thu xếp quan hệ một cách tốt đẹp đối với những con khủng long ấy, cho dù là con nào. Tôi nghĩ Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã biết cách thu xếp và đã thu xếp thành công một phần nào trên thực tế quan hệ như vậy. Đấy là điều may mắn cho người Việt Nam chúng ta.

Hỏi: Vậy đối với người dân nhỏ bé như chúng tôi và rất nhiều người khác có thể ý thức được rằng, việc làm bạn và quan hệ với những quốc gia khác là nên làm và rất cần thiết?

Trả lời: Các nước lớn tự nó là đối tượng chiến lược, tự nó có giá trị chiến lược trong toàn bộ đời sống chính trị và kinh tế quốc tế và tự nó cân bằng với nhau. Chúng ta sống bên cạnh sự cân bằng của nó chứ không chỉ sống bên cạnh nó.

Hỏi: Các phương tiện tryền thông đã dùng những mỹ từ có cánh, đẹp nhất, sâu sắc nhất dành cho mối quan hệ song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đi vào bản chất chúng tôi cho rằng lợi ích mới chính là điều quyết định kéo giãn hay rút ngắn khoảng cách quan hệ giữa các quốc gia. Vậy thực sự người Mỹ có lợi ích gì từ Việt Nam?

Trả lời: Như tôi đã nói, Việt Nam không phải là một nước lớn, Việt Nam là một nước vừa về địa lý và là một nước bé về kinh tế. Nhưng GDP của một nền kinh tế chỉ là tiêu chuẩn của những nhà chính trị thông thường khi đánh giá một quốc gia. Còn đối với những nhà chính trị có giá trị chiến lược trên thế giới này thì việc đánh giá một quốc gia hoàn toàn không dựa vào GDP mà dựa vào những năng lực đột phá của quốc gia ấy.

Trong suốt quá trình lịch sử lâu dài ở thế kỷ XX, người Việt đã chứng minh rằng chúng ta là một dân tộc có năng lực đột phá. Vậy năng lực đột phá ấy được sử dụng như thế nào, được quản lý như thế nào, được tổ chức quan hệ quốc tế như thế nào, đấy là trí tuệ thật sự của các nhà chính trị có giá trị chiến lược trên thế giới. Và những người đứng đầu các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, họ chắc chắn có phẩm hạnh của những nhà chính trị chiến lược. Họ biết đánh giá điểm quan trọng nhất của một quốc gia chính là năng lực đột phá của nó trong đời sống kinh tế và đời sống chính trị.

Hỏi: Có một sự thật dù có thể không muốn nói ra, đó là có rất nhiều người trong chúng ta cũng không tin lắm vào năng lực đột phá của quốc gia nhỏ bé như Việt Nam?

Trả lời: Đây là một điều thú vị. Năng lực đột phá không phải là năng lực nổ của một quả bom, mà là năng lực nổ dây chuyền của các hoạt động con người. Dân tộc chúng ta là dân tộc có năng lực nổ dây chuyền trong hoạt động con người. Sức sáng tạo vĩ đại, lòng dũng cảm không thể kìm hãm được của người Việt Nam là năng lực đột phá của họ một khi có vấn đề. Tuy nhiên, một dân tộc có năng lực đột phá không phải là dân tộc lúc nào cũng cháy đùng đùng, phải biết cháy một cách đúng lúc và tiết kiệm. Dân tộc chúng ta là dân tộc biết cháy một cách đúng lúc và tiết kiệm. Đấy là một năng lực chính trị quan trọng trong quan niệm của các nhà chính trị chiến lược trên toàn thế giới.

Hỏi: Đó là điều người Mỹ cần ở người Việt Nam?

Trả lời: Tôi nghĩ như thế.

Hỏi: Vậy người Việt Nam thực sự cần gì từ phía người Mỹ, thưa ông?

Trả lời: Bất kỳ dân tộc nào cần sự đột phá đều hiểu rằng đột phá phải bắt đầu từ tiếp năng lượng. Nước Mỹ là một nguồn năng lượng khổng lồ cho mọi quốc gia để phát triển, trong đó có chúng ta. Chúng ta chơi với người Mỹ là chơi với một thùng dầu, chơi với một mỏ than. Nước Mỹ là nguồn năng lượng khổng lồ cho tiến trình phát triển của bất kỳ quốc gia nào có quan hệ với nó.

Hỏi: Tại sao nó lại đặc biệt đến mức độ như vậy?

Trả lời: Nó đã như thế từ khi có nó đến bây giờ. Nước Mỹ là đồng minh phát triển của các quốc gia có quan hệ với nó. Lịch sử nước Mỹ là lịch sử phát triển của các đồng minh của nó chứ không chỉ có mỗi nó.

Hỏi: Trong những cuốn sách của ông, ông có nói rằng những nước đang đầu tư vào Việt Nam như Singapore hay Thái Lan hay Nhật Bản đều là những nước có mức độ quan hệ đồng minh nhất định với Mỹ, việc chúng ta quan hệ với Mỹ sẽ tạo thêm môi trường thuận lợi để chúng ta nhận thêm đầu tư từ các nước này. Liệu cách hiểu của chúng tôi như vậy có đúng không?

Trả lời: Bạn nói rất đúng. Có một nguyên lý mà người ta hay nói là tôi rất để ý đến bạn của bạn. Loài người là như thế, khi nào một đồng minh có vấn đề thì các bạn bè của nó sẽ xông vào ứng cứu. Sự ứng cứu dưới giác độ chính trị, kinh tế, xã hội là bản chất của mọi sự hỗ trợ phát triển trên thế giới này, đấy chính là khái niệm ODA. ODA là ứng cứu cho sự phát triển.

Hỏi: Trong rất nhiều bài báo người ta có đề cập tới mối quan hệ song phương này đem lại những lợi ích song phương. Chúng tôi cho rằng, trong một xã hội hiện đại và kết nối như thế này, lợi ích song phương gần như chưa mô tả đúng về mối quan hệ song phương giữa hai nước, ông có nghĩ như vậy không?

Trả lời: Đối với những suy nghĩ đơn giản thì nó đủ, nhưng đối với những suy nghĩ không đơn giản thì nó không đủ.

Hỏi: Vậy chúng ta sẽ hiểu như thế nào cho đủ?

Trả lời: Các dòng chảy lợi ích đổ vào một lưu vực tạo thành nguồn năng lượng cho phát triển, nhưng các dòng chảy ấy có thể chịu những sự tác động. Ví dụ, dòng chảy của sông Mekong chảy về hồ Tonle Sap ở Phnom Penh, nếu người Trung Quốc hay người Miến Điện làm một cái đập thủy điện thì nó không chảy vào hồ nữa. Nhưng nếu cái đập ấy không còn tồn tại nữa thì nó lại chảy tiếp. Tất cả các điều kiện ấy người ta gọi là điều kiện địa chính trị. Chúng ta phải xử lý các điều kiện địa chính trị để mọi lợi ích đều có thể tụ tập vào một nguồn theo các nguyên lý tụ tập năng lượng phát triển.

Hỏi: Liệu người Việt Nam và người Mỹ có nhận được những lợi ích đa phương từ mối quan hệ song phương của hai nước không?

Trả lời: Có, chính vì thế người Mỹ luôn luôn quan tâm đến những vấn đề nội bộ của Việt Nam, ví dụ vấn đề nhân quyền. Người Mỹ quan tâm đến vấn đề nhân quyền không phải là để bắt chẹt Việt Nam như bắt một đứa trẻ giải bài toán khó. Mà bởi vì nếu Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền với tư cách là một người bạn của nước Mỹ thì họ rất khó để nói tốt về Việt Nam với các đối tượng khác, do đó khó có thể phát triển những quan hệ gián tiếp khác với Việt Nam. Người ta quan tâm đến những tiêu chuẩn chính trị của xã hội chúng ta là có lý do, chúng ta không nên phán xét đấy là sự khó tính của nước Mỹ hay sự khó tính của nước Nhật mà đấy là sự khó tính của cộng đồng nhân loại xét về quan điểm lợi ích.

Hỏi: Nói về lợi ích, về mặt lý thuyết chúng ta đã nghe rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Việt Nam có lợi ích rất nhiều. Nó mang lại lợi ích cho cả hai nước. Nhưng làm thế nào để mỗi người dân đều có thể nếm vị ngọt của lợi ích đó?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng để nếm vị ngọt đó, nó có hai chiều khác nhau của giải pháp. Nhà nước buộc phải nghĩ ra cách làm cho người dân đến gần các lợi ích. Ví dụ, nếu chính phủ Hoa Kỳ tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc cấp thị thực cho người Việt thì đấy chính là làm cho người dân được nếm vị ngọt. Nếu muốn chính phủ Hoa Kỳ cấp thị thực một cách dễ dàng thì chính phủ Việt Nam phải thỏa mãn họ một số điều kiện. Tức là sự trao đổi các điều kiện để cho người dân có quyền nếm các vị ngọt trực tiếp là công việc của chính phủ. Về phía người dân, không phải ai cũng có đủ năng lực để có thể nếm những vị ngọt, tự xã hội cũng phải phấn đấu vươn lên. Muốn xã hội phấn đấu hơn nữa thì nhà nước cũng phải hỗ trợ. Nếu anh không được đào tạo cẩn thận thì sang Mỹ anh không kiếm được việc làm. Khi đó anh sẽ nói về nước Mỹ không ngọt như Tổng thống Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn. Để nhân dân mô tả được vị ngọt thì nhân dân phải có trình độ đủ để đến gần các “nguồn ngọt”.

Hỏi: Như vậy theo ông trình độ và năng lực của mỗi người dân và chính phủ là những điều kiện để có thể nếm được vị ngọt?

Trả lời: Đó là một trong các điều kiện.

Hỏi: Vậy ngoài ra còn những điều kiện nào nữa?

Trả lời: Rất nhiều. Giai đoạn đầu tiên của toàn cầu hóa các quốc gia va chạm với nhau như những quả trứng trong cùng một giỏ. Nhưng hiện nay nó đã chuyển sang trạng thái khác. Sang giai đoạn thứ hai của toàn cầu hóa, sự va chạm của các quốc gia là sự va chạm giữa lòng đỏ và lòng trắng trong một quả trứng. Thế giới phải học cách va chạm trong trạng thái mới của hội nhập. Người đầu tiên học cách thiết kế các va chạm trong trạng thái mới ấy chính là các nhà chính trị chiến lược như tổng thống Obama. Và tổng thống Obama đã làm một việc khiến tôi vô cùng cảm động đó là tiếp Tổng Bí thư của chúng ta một cách thân mật như vậy. Đấy chính là sự tự hòa giải về mặt chính trị trong lòng tổng thống Obama.

Hỏi: Quay lại câu chuyện lợi ích, chúng tôi muốn đặt ra một câu hỏi rằng liệu những vấn đề lợi ích chúng ta đã bàn tới từ đầu đến giờ các nhà lãnh đạo hàng đầu của chúng ta đã ý thức được toàn diện chưa?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng không có cá nhân nào có thể ý thức một cách toàn diện. Đòi hỏi một cá nhân phải ý thức một cách toàn diện là một đòi hỏi không biện chứng. Liệu chúng ta đã tạo ra một thiết chế để xã hội đi đến nhận thức toàn diện, hợp tác với nhau một cách toàn diện chưa? Đó mới là câu hỏi đúng, bởi vì toàn diện bao giờ cũng là kết quả của sự trộn lẫn giữa các nhận thức.

Hỏi: Vậy chúng ta đã làm được điều đó chưa?

Trả lời: Chưa. Chúng ta chưa làm điều đó một cách bài bản, một cách có công nghệ. Hay nói cách khác là chúng ta chưa nếm được thành công của quá trình này.

Hỏi: Hình ảnh mà chúng tôi chọn làm nền cho ngày hôm nay là những nụ cười của ông Obama và ông Nguyễn Phú Trọng cũng như cái bắt tay rất nồng ấm của họ. Đó thực sự là hình ảnh rất đẹp biểu trưng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi biết ông là một người yêu văn học, là người nghiên cứu rất sâu sắc về văn hóa. Liệu ông có thể đặt tên cho mối quan hệ này?

Trả lời: Tôi không định đặt tên cho mối quan hệ này, bởi vì đây là một công việc. Chúng ta vừa mới nói đến việc phải tạo ra một cơ chế, một công nghệ để xã hội chúng ta xây dựng được một phổ nhận thức toàn diện. Chúng ta hãy để cho khán giả đặt tên cho hiện tượng này. Đây là hiện tượng mà xã hội được nhờ nên xã hội cần phải có thái độ, cần phải cổ vũ chứ không chỉ có tôi và anh. Nếu chúng ta lợi dụng diễn đàn này để nói hết phần của xã hội thì chúng ta sẽ mắc một lỗi là thiếu khiêm tốn.

Hỏi: Nhìn vào bản chất của mối quan hệ, để những cái bắt tay, những nụ cười có thể biến thành những kết quả cụ thể thì cần sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh và quan điểm chính trị của cả hai nước. Vậy Việt Nam đã có đủ những yếu tố đó chưa, nếu chưa thì chúng ta cần phải làm gì?

Trả lời: Không bao giờ có được đầy đủ các yếu tố như vậy. Cách đây vài năm chúng ta chưa hề nghe đến IS và chúng ta cũng không hề nghĩ rằng nước Mỹ sẽ gặp phải một đối tượng như vậy. Và đối tượng ấy đang chi phối khoảng 25% sức chú ý chính trị của nước Mỹ với những vấn đề toàn cầu. IS gây ra sự thất thiệt cho chúng ta trong việc huy động sự chú ý chính trị của nước Mỹ đối với những vấn đề Đông Dương và những vấn đề như biển Đông. Các bạn biết rằng thế giới đang khủng hoảng về kinh tế. Trung Quốc cũng đang có vấn đề khủng hoảng ở thị trường chứng khoán. (Hiện nay có rất nhiều phỏng đoán nghe rất ghê gớm, nhưng tôi nghĩ chưa đến mức như vậy.). Phải nói rằng không bao giờ chúng ta ý thức hết được những yếu tố ngẫu nhiên trong đời sống chính trị và kinh tế toàn cầu. Vì thế bản lĩnh mà chúng ta cần xây dựng đó là luôn luôn sẵn sàng di chuyển một cách nhạy bén đến các trạng thái cân bằng khác nhau của đời sống chính trị thế giới.

Về vấn đề cơ sở hạ tầng cũng vậy. Cơ sở hạ tầng luôn luôn phải xem là nhiệm vụ quan trọng. Bởi vì cơ sở hạ tầng là cái nôi để ra đời các ý tưởng sinh lời, các ý tưởng kinh doanh. Nếu không có cơ sở hạ tầng tốt, mọi sáng tạo đều không thể tốt. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng không thể tốt ngay cùng một lúc được, nó cũng không thể tốt mãi mãi được, sẽ đến nó trở nên lạc hậu so với nhu cầu của con người. Do đó chúng ta cần có các hoạch định mềm đề thay đổi những trạng thái khác nhau của cơ sở hạ tầng. Tất cả những cơ sở hạ tầng mềm và cứng đều phải được cải thiện thường xuyên để luôn luôn phù hợp vớí đòi hỏi của cuộc sống.

Hỏi: Khi nói đến người Mỹ thì chúng ta thường nhắc đến sự chuyên nghiệp trong những hoạt động hay trong các tổ chức chính trị, tổ chức kinh doanh của họ. Để tiếp đón sự chuyên nghiệp đó sang Việt Nam, chúng tôi hiểu nó như hai bánh răng. Nếu như bánh răng thực sự chuyên nghiệp đặt gần một bánh răng không được chuyên nghiệp lắm thì không thể tạo thành sự chuyển động nhất định được.

Trả lời: Có một bánh răng chuẩn, mọi bánh răng khác phải chuẩn theo. Chúng ta không thể mô tả một cách cơ học như vậy. Kẻ lãnh đạo về kinh tế và phát triển thế giới buộc phải có bánh răng phù hợp với bánh răng của thế giới. Nước Mỹ phải sáng tạo ra hai công cụ. Công cụ chuẩn để hiểu những cái đúng và công cụ linh hoạt để khích lệ cái kém. Cho nên tôi nghĩ rằng vai trò lãnh đạo của các cường quốc là có hai khía cạnh. Thứ nhất là xây dựng hệ thống chuẩn. Thứ hai là phải xây dựng hệ thống linh hoạt, châm trước với một số điều kiện của một số quốc gia chậm phát triển, đấy chính là phần mềm của hệ thống chuẩn.

Hỏi: Tức là cả Việt Nam và Mỹ đều phải tự điều chỉnh?

Trả lời: Đúng thế, nếu không thì chúng ta lại rơi vào trạng thái nô lệ mới. Chúng ta có một ông chủ đưa ra một cái bánh răng bằng kim cương không bao giờ thay đổi và chúng ta phải cắn răng thay đổi theo. Người ta khó mà có thể chấp nhận trạng thái nô lệ mới ấy, hiện tượng người Hy Lạp đang bỏ phiếu “No” là như thế.

Hỏi: Như vậy bản chất là cả hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ đều phải chung tay và tự thay đổi mình để phù hợp với ngôi nhà chung của cả hai?

Trả lời: Đúng thế.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến châu Mỹ

    23/05/2017Nguyễn Hiến LêTừ một người đi tìm vàng ở California, ông đã trở thành ký giả người Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Ông là Trần Trọng Khiêm, người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, Phú Thọ...
  • Mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

    22/05/2016Nguyễn Trần BạtCó thể nói quan hệ với Hoa Kỳ là quan hệ hết sức quan trọng để vừa mở đầu vừa đảm bảo, vừa làm thuận lợi toàn bộ quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam...
  • 235 năm thành lập Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ

    08/06/2013Hà Văn ThịnhTrong hàng ngàn năm lịch sử loài người kể từ khi có nhà nước, lịch sử nước Mỹ (tính từ thời điểm công bố Tuyên ngôn Độc lập – 4.7.1776) là một trong những trang sử có rất nhiều những điểm lạ kỳ, độc đáo. Do khuôn khổ của một bài báo, những ghi chép sau đây hướng tới vài phác họa nhỏ về những điều ‘hổng giống ai’ nhưng rất đáng để suy ngẫm ấy...
  • Mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

    12/07/2010Nguyễn Trần BạtDưới góc nhìn của một người có quá trình lâu dài làm việc với người Mỹ và hiểu họ, xin ông cho biết nhận định của ông về vai trò của nền kinh tế Hoa Kỳ đối với sự phát triển tương lai của Việt Nam và tạo ra một thế cân bằng cho Việt Nam bên cạnh một nền kinh tế rất lớn là nền kinh tế Trung Hoa?
  • Địa vị của nền kinh tế Hoa Kỳ và các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Obama

    13/11/2008PV Vietnamnet phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt"Tất cả các giải pháp về nền kinh tế Hoa Kỳ trước hết phải bắt đầu bằng việc tổ chức lại nền kinh tế tài chính của Hoa Kỳ, việc này không chỉ đơn thuần là xây dựng lại một số chính sách trước mắt." - Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet ngày 6/11/2008
  • Về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ

    14/04/2008TS. Ngô thanh NhànHồn Việt đã có cuộc phỏng vấn về chủ đề này đối với một số bạn đọc Hồn Việt tại Mỹ và ngay lập tức, TS Ngô Thanh Nhàn (New York University) và GS. Sophie Quinn - Judge (Temple University) đã trả lời. Các vấn đề mà hai vị đặt ra rất sâu sắc và mới...
  • xem toàn bộ