Đến như Tổng thống Hoa Kỳ vẫn phải giản dị và dân chủ...
Từ cái nhìn của một nhà nghiên cứu, NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trần Bạt xung quanh chuyến thăm của ông Obama...
Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama để lại nhiều dấu ấn trong lòng người Việt Nam. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, chuyến thăm là cột mốc lịch sử quan trọng đối với tiến trình phát triển của đất nước. Từ cái nhìn của một nhà nghiên cứu, NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trần Bạt (ảnh) xung quanh chuyến thăm của ông Obama...
.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama là vô cùng tích cực và có ý nghĩa lịch sử. Quyết định xóa bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam có giá trị vô cùng lớn đối với sự hình thành tương lai chính trị của Việt Nam....
Việt - Mỹ gần gũi hơn, sâu sắc hơn
Thưa ông, như nhận định của ông đây là chuyến thăm lịch sử. Vậy ông có bình luận gì khi nhìn thấy hình ảnh người dân cả nước đứng vẫy tay chào Tổng thống Hoa Kỳ một cách nồng hậu như vậy?
Người Việt Nam chào đón ông Obama với tư cách là cá nhân và chào đón nước Mỹ với tư cách là một quốc gia. Đặc biệt là khi quốc gia ấy có những biểu hiện muốn xây dựng quan hệ thân thiện lâu dài. Điều này cũng phản ánh thành công quan trọng nhất của chúng ta trong chính sách đối ngoại.
Nhân dân chúng ta chào đón Tổng thống Obama là chào đón sự có mặt của nước Mỹ trong cấu trúc quan trọng của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị Việt Nam. Nếu chỉ mô tả nó như tình cảm của người Việt đối với Tổng thống Obama thì không sai, nhưng nó không lột tả hết tầm quan trọng có chất lượng lịch sử của chuyến thăm này.
Vậy việc chào đón đó nói lên thông điệp gì, thưa ông?
Nhân dân bày tỏ một cách hoàn toàn bản năng tình cảm của mình đối với Tổng thống Mỹ. Người ta thường nghĩ rằng nhân dân trên thế giới sợ nước Mỹ và Tổng thống Mỹ. Cho nên người ta phải bày tỏ thái độ này khác, nhưng người Việt thể hiện một cách tự nhiên. Tôi rất thích chỗ này. Có thể nói nhân dân Việt Nam đã bắt đầu dũng cảm bày tỏ các tình cảm chính trị một cách thông thái.
Thưa ông, có những việc ở gần nhưng lại xa, ở xa nhưng lại gần. Phát biểu trước Chủ tịch nước Việt Nam và giới báo chí, ngài Tổng thống khẳng định sẽ thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ gần gũi hơn và sâu sắc hơn. Ông nhận định gì về hai chữ gần gũi và sâu sắc ấy? Đôi khi chúng ta hay quan tâm đến việc có bắn 21 phát đại bác để nghênh đón không?
Tôi không cho điều đó là quan trọng và tôi tin Tổng thống Obama cũng vậy. Hãy để thì giờ nghe 21 phát đại bác ấy mà suy nghĩ về chuyện xúc tiến quan hệ theo hướng gần gũi và sâu sắc. Tầm quan trọng của nhà chính trị cỡ Tổng thống chính là xúc tiến cái gì. Gần gũi thì tăng cường độ tin cậy, còn sâu sắc thì tăng cường tính hữu dụng của quan hệ thiết thực. Thông qua việc Chính phủ Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, Việt Nam đã có quan hệ hoàn toàn bình thường với Hoa Kỳ như là một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Tôi đánh giá cao về quyết định này của Chính phủ Hoa Kỳ nói chung và hoạt động này tại Việt Nam của ông Tổng thống Mỹ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì lễ đón Tổng thống Obama - Ảnh: Tùng Đinh
.
Kết quả đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Chúng tôi muốn hỏi ông, với thực lực của doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ đáp ứng được như thế nào trước các cam kết và tín hiệu từ ông Obama?
Đo đạc thực lực của doanh nghiệp Việt Nam để phán xét chất lượng của nó trong quan hệ đối với một nền kinh tế khổng lồ như Hoa Kỳ là một quan sát sai. Nó giống như việc chúng ta đi ra vườn bách thú để xem voi và kiểm điểm xem năng lực của mình so với voi.
Là một nhà chính trị đại diện cho nước Mỹ, ông Obama đã trình bày một hình ảnh để các nhà quan sát khó tính nhất cũng phải chấp nhận và cực kỳ có lợi cho nước Mỹ cũng như có lợi cho quan hệ Việt - Mỹ.
Nếu ông ấy thể hiện một nước Mỹ khỏe, đẹp, giàu có, thông thái chưa chắc người Việt đã thích. Ông ấy đã trình bày một nước Mỹ làm cho người Việt thích, đó là một nước Mỹ phát triển mà không xa cách, vẫn gần gũi với Việt Nam. Tôi nghĩ ông ấy đã thành công trong chuyến thăm này.
Thành công ấy như một bài giảng về thẩm mỹ phát triển của nước Mỹ mà người Việt học tập được, và hiệu quả đầu tiên là thích thú các tiêu chuẩn thẩm mỹ về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Mỹ thông qua sự thể hiện của Tổng thống Obama.
Khuyết tật của chúng ta
Đến Việt Nam ông Obama nhắc những người hiền tài như Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt, Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Ông có bình luận gì ở góc độ một chính trị gia Mỹ lại am tường văn hóa Việt và sử dụng những câu chữ hợp lý trong bối cảnh lịch sử?
Đây là câu hỏi tôi không muốn trả lời!
Vì sao vậy thưa ông?
Tổng thống Barack Obama đã khôn ngoan đến mức đánh đúng vào cái huyệt sĩ diện của người Việt.
Như thế thì ngài Tổng thống có ý định gì?
Ông ấy sưu tầm tất cả các huyệt chính trị của người Việt và đánh rất trúng các huyệt ấy, làm cho người Việt sướng lên một cách khó điều chỉnh, làm bộc lộ một nhược điểm chính trị vô cùng quan trọng của người Việt là sự nhẹ dạ. Cho nên tôi không muốn trả lời câu hỏi của bạn.
Ông có thể lý giải thêm?
Nếu để ý sâu hơn các bạn sẽ thấy không phải tất cả những yếu tố ấy đều gồm những nét thuận. Giới trí thức Việt Nam phải đủ bản lĩnh để nhặt những hạt sạn ra khỏi cái bánh mà Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra để chúng ta có ăn cũng thấy an toàn.
Đến như Tổng thống Mỹ cuối nhiệm kỳ vẫn muốn làm một điều gì đó cho Đảng của ông ấy thắng cử, tức là ông ấy không vô cảm với chính trị và trách nhiệm của mình. Nhìn nhận ở Việt Nam, có những người hoàng hôn nhiệm kỳ lại vơ vét hoặc vô cảm, vô trách nhiệm? |
Để ý sẽ thấy khi ông Obama nói đến một số yếu tố không thuận, hội trường không vỗ tay. Cái vĩ đại của những nhà chính trị chính là lặng lẽ thưởng thức và khai thác một cách khôn ngoan tất cả các ưu điểm mà Tổng thống Hoa Kỳ mang đến trong chuyến thăm này.
Truyền thông cũng như các nhà lãnh đạo phải cẩn thận. Dễ dãi xúc động như thế này làm bộc lộ tính hời hợt về nhận thức chính trị.
Vì tình cảm chân thật đôi khi cũng giống như sự hớ hênh của con cháu làm cha mẹ lo lắng. Tôi cũng có những lo lắng ấy. Đấy là thông điệp quan trọng nhất mà tôi muốn nói.
Nhân việc ông nói về nhận thức chính trị của người dân, tôi lại nhớ đến hình ảnh đang lan truyền những ngày qua về một anh bảo vệ cõng những quan chức vào hội trường dự hội nghị. Trong khi ông Obama sang Việt Nam lại rất lịch lãm, gần gũi, thân thiện, bình dị?
Tôi không thấy và cũng không thích điều này. Vấn đề anh đặt ra cho thấy tính không tự giác về chất lượng hành vi chính trị của đại bộ phận cán bộ Việt Nam và đấy là khuyết tật của sự lãnh đạo của chúng ta.
Chúng ta đưa ra Chỉ thị này đến Chỉ thị khác về việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tất cả những sự cố gắng làm lấy được ấy là để khắc phục hậu quả một giai đoạn chúng ta quên mất đạo đức, quên mất nhân dân và hoàn toàn không đếm xỉa gì đến nhân dân trong việc cấu tạo ra hệ thống chính trị. Chúng ta thay làm bằng nói, thay đạo đức thật bằng nói dối, đấy chính là nhược điểm buộc phải sửa chữa.
Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam với một tác phong vô cùng có giáo dục về mặt chính trị là một ví dụ để cảnh báo chúng ta rằng: mạnh đến như Tổng thống Hoa Kỳ vẫn phải giản dị và dân chủ.
Sự vỗ tay chào đón của nhân dân Việt Nam có tác dụng tăng cường khả năng thắng cử của người đại diện của đảng Dân chủ trong nhiệm kỳ tiếp theo. Cho nên một người đại diện ngay ở những phút cuối của nhiệm kì như ông Obama cũng không chểnh mảng trong việc thể hiện thái độ khiêm tốn, thái độ đạo đức đối với đời sống chính trị, đối với Đảng của ông ấy.
Chúng tôi đi ra trận cũng thấy những lão tướng 60-70 tuổi. Người ta để một viên tướng cao tuổi ra trận không phải vì ông ấy có khả năng đấm đạp mà cái chính là kinh nghiệm. Đôi khi muốn có kinh nghiệm của người già chúng ta phải cõng họ ra trận, chỉ có điều người ấy có đủ trí tuệ để đáng cõng không thôi.
Trong quan hệ Việt - Mỹ đã có nhiều dịp bị bỏ lỡ, ví dụ như thế kỷ 19, năm 1832 ta cũng có đưa người sang Hoa Kỳ nhưng rồi bỏ lỡ, mối quan hệ của Hồ Chí Minh với nhóm Con Nai trên chiến khu Việt Bắc. Sau giải phóng chúng ta cũng có những cơ hội bị bỏ lỡ. Nhìn nhận về mặt ngoại giao, trong tương lai, liệu chúng ta có bỏ lỡ thêm cơ hội, thưa ông?
Còn chứ, bởi vì thông minh như cụ Hồ mà còn bị bỏ lỡ. Cơ hội hoàn toàn không lệ thuộc vào sự thông minh của nhà chính trị nào. Vì thế nghiên cứu sự bỏ lỡ cơ hội mà đi tìm lỗi ở cá nhân là sai về mặt phương pháp. Cơ hội là số phận, cơ hội là quy luật tự nhiên của đời sống, không nên đi tìm sự bỏ lỡ cơ hội ở khuyết điểm của một vài cá nhân, một vài nhà chính trị, mà nên đi tìm sự tổng hòa các quan hệ có tính chất chính trị để cấu tạo ra cơ hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn