Mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Hỏi: Nhân chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ, chúng tôi xin được phỏng vấn ông để tìm hiểu một số vấn đề xung quanh mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ. Dưới góc nhìn của một người có quá trình lâu dài làm việc với người Mỹ và hiểu họ, xin ông cho biết nhận định của ông về vai trò của nền kinh tế Hoa Kỳ đối với sự phát triển tương lai của Việt Nam và tạo ra một thế cân bằng cho Việt nam bên cạnh một nền kinh tế rất lớn là nền kinh tế Trung Hoa?
Trả lời: Tôi có 20 năm làm việc với các công ty nước ngoài. Tôi đã tham gia vào các hoạt động chuẩn bị xâm nhập thị trường Việt Nam của các công ty Hoa Kỳ từ cuối năm 1987. Khi đó chính phủ Hoa Kỳ chưa bỏ cấm vận với Việt Nam. Vào thời điểm ấy, mỗi một thương nhân hoặc một công dân Hoa Kỳ chỉ được phép tiêu không quá 100 đô la trên lãnh thổ Việt Nam. Công dân Hoa Kỳ không được đi các phương tiện hàng không Việt Nam, tức là nếu đi Vietnam Airlines thì khoản chi phí ấy không được tính vào chi phí hợp pháp theo luật cấm vận của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Vào thời điểm ấy, mỗi cuộc tiếp xúc đối với các thương nhân hay các nhà ngoại giao Hoa Kỳ hoặc các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ được thiên hạ nhìn như một sự dũng cảm tới mức liều mạng. Nhưng tôi đã tham gia cùng với nhóm được lập ra bởi Ngân Hàng Mỹ Citibank trong việc tạo ra một nhóm lobby đối với chính phủ Hoa Kỳ để họ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Tôi cũng tham gia rất chi tiết vào quá trình xúc tiến sự đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thông qua sự hợp tác với nhóm các nhà thương thuyết của phía Hoa Kỳ. Trong 8 vòng đàm phán để dẫn đến việc ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, có 4-5 vòng diễn ra ở Việt Nam. Trước hoặc là sau khi diễn ra mỗi vòng đàm phán ấy tôi đều gặp gỡ những người đàm phán hoặc các cố vấn. Trong tất cả các cuộc liên hoan kết thúc một vòng đàm phán được xem là thắng lợi diễn ra tại nhà ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tôi đều được mời dự. Tôi làm như vậy bởi vì tôi ý thức rất chi tiết về tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bắt đầu từ việc tổ chức quan hệ thương mại. Chúng ta biết rằng do tính vụ lợi rất phổ biến trên thế giới hiện nay mà mọi quan hệ toàn diện giữa các quốc gia đều được bắt đầu xây dựng trên cơ sở các quan hệ kinh tế và thương mại. Và cũng chỉ bằng con đường ấy thì xã hội của mỗi bên mới ý thức được một cách dễ dàng và thuận lợi lợi ích của các quan hệ quốc tế mà các quốc gia có với nhau. Có thể nói quan hệ với Hoa Kỳ là quan hệ hết sức quan trọng để vừa mở đầu vừa đảm bảo, vừa làm thuận lợi toàn bộ quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam. Chúng ta biết rằng các nền kinh tế ở khu vực này, những nền kinh tế có giá trị tích cực với sự phát triển của xã hội Việt Nam đều là các nền kinh tế có chất lượng đồng minh của Hoa Kỳ. Thái Lan đã từng là đồng minh của Hoa Kỳ và Thái Lan trong một thời gian khá dài từ những năm 80 cho đến giữa những năm 90 là cửa ngõ để các thương nhân nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Sau đó, cửa ngõ ấy chuyển dần sang Hồng Kông và gần đây thì chuyển dần sang Singapore.
Vì ý thức được tầm quan trọng của mối quan hệ với Hoa Kỳ mà tôi hoạt động một cách rất tích cực và chủ động. Không ai giao nhiệm vụ cho tôi cả, đấy là ý thức của tôi về lợi ích của đất nước chúng ta trong việc phát triển mối quan hệ này. Cho nên tôi rất hồi hộp, rất thích thú theo dõi và cầu mong cho chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có một chuyến đi thành công. Trong lịch sử lâu dài của dân tộc chúng ta không phải chỉ đến thế hệ này chúng ta mới nghĩ đến việc tổ chức mối quan hệ với Hoa Kỳ. Một vài thế kỷ trước, các vua nhà Nguyễn đã nghĩ đến chuyện tìm kiếm quan hệ với Hoa Kỳ. Khi mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nghĩ đến việc xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ, vì thế mới có việc Chủ tịch gửi thư cho Tổng thống Truman. Về phía Hoa Kỳ họ cũng chủ động. Chúng ta không phải người chủ động duy nhất và một phía về việc tổ chức quan hệ với Hoa Kỳ, mà Hoa Kỳ với tư cách là một lực lượng của Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai cũng chủ động hợp tác với chúng ta. Trong sử liệu chính thống có nói rằng cán bộ quân sự của Hoa Kỳ cũng từng tham gia huấn luyện những đội ngũ đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Và vì thế tôi cho rằng chuyến đi của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là một hành động có giá trị lịch sử, nó là đỉnh cao nhất từ trước đến nay về sự viếng thăm của một nguyên thủ của Việt Nam đến Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm có chất lượng nhà nước đầu tiên. Tôi không theo tôn giáo nào cả nhưng tôi cầu mong tất cả những đấng thiêng liêng trên đời này phù hộ cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết có một chuyến đi thành công.
Tôi đã có nhiều nghiên cứu về những yếu tố có thể làm cho Việt Nam trở thành một nền kinh tế tương đối độc lập bên cạnh một nền kinh tế khổng lồ là nền kinh tế của nước CHND Trung Hoa, trong đó đặc biệt là vai trò của Hoa Kỳ và nền kinh tế Hoa Kỳ. Như tôi vừa nói, tất cả những nền kinh tế quan trọng ở khu vực này đều là nền kinh tế có chất lượng đồng minh của Hoa Kỳ. Nền kinh tế Thái Lan, nền kinh tế Singapore, nền kinh tế Hàn Quốc, nền kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế Đài Loan, nền kinh tế Australia... những nền kinh tế ấy đang giữ một địa vị hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam thông qua sự thâm nhập của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các bạn biết rằng Đài Loan giữ một địa vị hết sức quan trọng, địa vị hàng đầu trong số lượng các nhà đầu tư ở Việt Nam mặc dù địa vị chính trị của họ trên thế giới làm cho họ đôi lúc kẹt và chúng ta cũng kẹt. Nhật Bản là một đồng minh khá lâu dài của Hoa Kỳ. Người ta đôi lúc cho rằng Nhật Bản chỉ trở thành đồng minh của Hoa Kỳ sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai nhưng tôi thì không nghĩ như vậy. Nền văn minh thương mại của Hoa Kỳ đã thâm nhập vào Nhật Bản từ thời Minh Trị. Những cải cách chính trị cũng như cải cách kinh tế mà Nhật Bản tiến hành để đưa mình trở thành một cường quốc về mặt kinh tế được tiến hành lâu lắm rồi, cùng với thời vua Tự Đức của chúng ta. Tức là những tinh thần kinh doanh, tinh thần kinh tế phương Tây trên thực tế đã xâm nhập vào Nhật Bản cho nên sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai thì người Nhật mới trở thành đồng minh về chính trị nhưng trước đó họ đã là đồng minh kinh tế của Hoa Kỳ. Hàn Quốc cũng vậy. Các bạn biết rằng Hàn Quốc giữ một địa vị hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đại bộ phận các nền kinh tế tạo ra được ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam đều là các nền kinh tế có chất lượng đồng minh ở những mức độ khác nhau đối với Hoa Kỳ, kể cả về chính trị lẫn kinh tế. Như vậy, có thể nói rằng nếu quan hệ tốt với Hoa Kỳ thì chưa nói là chúng ta có thêm cái gì nhưng ít nhất chúng ta động viên các nền kinh tế khu vực có chất lượng đồng minh với Hoa Kỳ trong khi họ đã có mặt một cách chính thức trong thực tế phát triển kinh tế Việt Nam trong 20 năm Đổi Mới.
Có rất nhiều người hỏi tôi về vấn đề Trung Quốc. Báo Straits Times đã hỏi tôi rằng liệu quan hệ đồng minh giữa Việt nam với Hoa Kỳ có thể phát triển đến đâu. Tôi đã trả lời họ là Việt Nam chưa thể là đồng minh toàn diện nhưng hoàn toàn có thể là đồng minh của Hoa Kỳ trên từng vấn đề phù hợp và không có hại cho lợi ích của Việt Nam. Mật độ các sự phù hợp về lợi ích như vậy càng lớn thì chất lượng đồng minh của Việt Nam - Hoa Kỳ càng lớn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam không thể trở thành đồng minh của Hoa Kỳ trong việc đối đầu với nước CHND Trung Hoa được, ít nhất là về chính trị, nhiều lắm là để cân bằng và cân bằng về các quyền lợi dân tộc, cân bằng về các quyền lợi kinh tế. Nói như thế không có nghĩa chúng ta có vấn đề gì với nước CHND Trung Hoa, với chính phủ nước CHND Trung Hoa, nhưng chúng ta luôn luôn có vấn đề với nền kinh tế của nước CHND Trung Hoa. Sự vi phạm ở quy mô công nghiệp về các quyền sở hữu trí tuệ ở các khu vực kinh tế phía Nam nước CHND Trung Hoa đã gây ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn. Nó lôi kéo các đồng minh không chính đáng về phía Việt Nam, tạo ra ở Việt Nam những lực lượng kinh tế không lành mạnh và đôi khi còn là chỗ dựa cho những lực lượng này. Việc phổ biến và buôn bán các hàng hoá không có chất lượng hoặc các hàng hoá có chất lượng có hại đã trở thành một hiện tượng kinh tế không lành mạnh phổ biến ở Việt Nam và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Để ngăn chặn xu hướng như vậy buộc chúng ta phải có một nền sản xuất tiên tiến, phải có một nền sản xuất hàng hoá thích hợp để đẩy lùi áp lực đối với hàng hoá rẻ tiền. Nếu không làm được như vậy thì tâm lý thích giá rẻ và tâm lý không quan tâm đến chất lượng sẽ làm hỏng nền kinh tế Việt Nam. Phải nói là thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua bị hàng hoá Trung Hoa làm hỏng, xét về phương diện tâm lý tiêu dùng. Nó làm hỏng cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, nhưng việc làm hỏng tâm lý người tiêu dùng quan trọng hơn là làm hỏng tâm lý nhà sản xuất. Tâm lý nhà sản xuất là lợi ích, khi không có lợi thì họ không làm, nhưng tâm lý người tiêu dùng là thói quen. Nếu người ta mua một sản phẩm có chất lượng cao như một cái sơ mi Louis Vuiton thì khi mặc người ta phải giữ gìn vì nó trị giá hàng trăm đô la. Nhưng nếu chúng ta chỉ mua một cái sơ mi với giá 1-2 đô la thì chúng ta sẽ vứt bỏ nó rất dễ. Sự vứt bỏ dễ dãi các sản phẩm rẻ tiền tạo ra một thói quen sản xuất các hàng hoá rẻ tiền, thói quen sử dụng các hàng hoá rẻ tiền, nó làm vẩn đục, làm hư hỏng nền văn hoá tiêu dùng Việt Nam và trên cơ sở đó nó làm hỏng nền kinh tế Việt Nam. Vì thế khi chúng ta quan hệ tốt với Hoa Kỳ chúng ta có năm lợi ích rất cơ bản:
Lợi ích đầu tiên là chúng ta động viên được các nền kinh tế có chất lượng đồng minh với Hoa Kỳ đã có mặt ở Việt Nam. Các bạn biết rằng các nhà kinh doanh bao giờ cũng đi theo chính phủ. Tại sao lại như vậy? Vì chính phủ là người đối thoại để bảo vệ quyền lợi và để giúp họ chống rủi ro. Các nhà kinh doanh bao giờ cũng quan sát xem quan hệ của chính phủ mình với những chính phủ khác có thể hỗ trợ họ để tạo ra ưu thế quốc tế như thế nào. Chính vì thế ông Chirac hay là cánh của ông Chirac không trúng cử nữa mà ông Sakorzy là một người tương đối cứng rắn, một người không chống phương Tây, không chống Hoa Kỳ thắng cử. Ở các nước bé, xã hội luôn luôn dựa dẫm, nhìn ngó quan hệ của chính phủ họ trong quan hệ với các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ. Cho nên lợi ích thứ nhất mà Hoa Kỳ có thể mang lại cho chúng ta là củng cố sự tin cậy của các nền kinh tế đồng minh của họ đã có mặt trong nền kinh tế Việt Nam. Đấy không phải là một việc nhỏ. Nhiều khi các nhà phân tích của chúng ta không thấy được điều đấy. Họ không hiểu tâm lý thương nhân, họ chỉ hiểu tâm lý chính trị của các chính phủ cho nên họ phân tích thời cuộc thông qua việc phân tích tâm lý chính phủ mà không hiểu được rằng ở những nước chuyên nghiệp, tâm lý chính phủ là một đại lượng diễn biến theo tâm lý xã hội. Đấy là một trong những đặc trưng chính trị quan trọng nhất của cái gọi là nền dân chủ, tức là tâm lý chính trị lệ thuộc vào tâm lý xã hội.
Lợi ích thứ hai mà rất nhiều nhà hoạt động báo chí ở Việt Nam quan tâm là ảnh hưởng trực tiếp từ nền kinh tế Hoa Kỳ. Chúng ta phải nhớ một điều rằng sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế Hoa Kỳ là dựa trên cơ sở huy động được tiền của các quốc gia khác thông qua việc bán trái phiếu chính phủ. Hoa Kỳ là nước nợ nước ngoài nhiều nhất và họ sống và phát triển bằng sự nợ ấy. Cho nên Hoa Kỳ là một thị trường khổng lồ, thị trường nhập khẩu khổng lồ, thị trường nhập khẩu tiêu dùng khổng lồ, thị trường nhập khẩu lao động khổng lồ và vì thế nếu có quan hệ tốt và thuận lợi với Hoa Kỳ thì chúng ta có thể bán hàng ở đó. Lợi ích thứ hai mà tôi muốn nói là quan hệ với Hoa Kỳ tạo tiền đề, tạo các điều kiện thuận lợi cho việc bán hàng sang thị trường Hoa Kỳ.Hoa Kỳ là một nền kinh tế phát triển đến mức mà các hàng hoá tiêu dùng thông thường thường là nhập khẩu, chỉ có những hàng hoá tiêu dùng cao cấp và hàng hoá cao cấp là không nhập khẩu. Tại sao chính phủ Hoa Kỳ lại có thể yên tâm nhập khẩu mà không sợ? Lý do rất đơn giản là cấu trúc dân cư của Hoa Kỳ là một cấu trúc cực kỳ thú vị. Đó là một quốc gia đa chủng tộc và do đó nó rất đa dạng. Không có một nhà sản xuất nào sản xuất đủ những hàng hoá đa dạng thoả mãn cấu trúc của văn hoá tiêu dùng Hoa Kỳ cả. Hơn nữa là nó đa dạng cả về thu nhập. Người Hoa Kỳ có một dải thu nhập rất đa dạng ở các tầng lớp xã hội, do đó, Hoa Kỳ trở thành thiên đường của những nước đang phát triển để bán hàng hoá tiêu dùng cho một cấu trúc dân cư đang phát triển thâm nhập vào thị trường lao động Mỹ. Điều này tôi thấy hình như người ta cũng chưa phân tích. Người Mỹ có một cộng đồng dân cư gốc Việt mà năng lực tiêu dùng của nó tương đương với độ khoảng 20% mức tiêu dùng của người Việt ở trong nước. Như vậy là tự nhiên chúng ta có thêm một thị trường vệ tinh khổng lồ. Nếu như tạo được mối quan hệ thuận lợi với Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ thì chúng ta có quyền bán hàng cho người Việt Nam trên thị trường Mỹ. Rất nhiều nhà chính trị của chúng ta nói về hoà hợp dân tộc như một tình cảm mà quên mất rằng hoà hợp dân tộc chính là xây dựng ưu thế để bán hàng cho những người cùng chủng tộc trên một thị trường có sức tiêu dùng khổng lồ là Hoa Kỳ.
Như vậy, lợi ích thứ hai của quan hệ với Hoa Kỳ là chúng ta có quyền thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ để bán hàng và có thể bán những hàng hoá phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất hiện nay của Việt Nam cho một cấu trúc dân cư đang phát triển đang sống tại một quốc gia đã phát triển như Hoa Kỳ, đặc biệt là cộng đồng người Việt của chúng ta. Với 2 triệu người Việt ở Hoa Kỳ và với khoảng 20 triệu người của các nước thế giới thứ ba thâm nhập vào Hoa Kỳ thì đấy chính là một thị trường khổng lồ cho nền sản xuất có tiêu chuẩn đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Nếu không ý thức và phân tích được chuyện ấy thì chúng ta không xây dựng được chiến lược, chúng ta không thấy ý nghĩa của việc chúng ta phải hy sinh những sự khác biệt khác để có thể xây dựng được chiến lược bán hàng đến một thị trường có ý nghĩa như vậy đối với sự phát triển kinh tế.
Lợi ích thứ ba trong quan hệ đối với Hoa Kỳ là chúng ta kêu gọi được một lượng các đầu tư có chất lượng công nghệ tiên tiến kể cả về nhân lực lẫn thiết bị từ phía Hoa Kỳ. Chúng ta biết rằng, Hoa Kỳ là một nền kinh tế chuyên nghiệp nhất trên thế giới hiện nay. Nó không phải là nền kinh tế tiên tiến nhất như nhiều người vẫn nói, vì đặc trưng cấu trúc dân cư của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ là sự trộn lẫn tất cả các chủng người, tất cả các trạng thái phát triển của con người trên thế giới. Hoa Kỳ là một thị trường kỳ lạ ở chỗ ấy, tức là cấu trúc dân cư của nó phản ánh tính đa dạng về phát triển trên thế giới. Chúng ta cứ nói về chính sách thay thế thị trường Hoa Kỳ bằng châu Âu, đấy là một cách nói không có sự phân tích. Chúng ta có thể thay thế thị trường Hoa Kỳ bằng thị trường châu Âu cho một số mặt hàng, nhưng chúng takhông thể thay thế thị trường Hoa Kỳ bằng bất kỳ thị trường nào khác trong chiến lược lâu dài về bán hàng. Bởi vì đó là một thị trường có sức mua lớn và đặc biệt là có nhu cầu về chủng loại, chất lượng hàng hoá phù hợp với trình độ sản xuất của người Việt. Phân tích điều ấy thì mới thấy rằng không thể thay thế thị trường Hoa Kỳ bằng bất cứ thị trường nào. Chúng ta với tư cách là những người bán hàng, những người sản xuất, chúng ta phải phấn đấu bằng mọi cách để đạt được quyền thâm nhập một cách tự do vào thị trường cực kỳ thú vị ấy. Tuy nhiên, nhu cầu về chất lượng của đời sống tiêu dùng toàn cầu sẽ nâng lên. Nhu cầu về chất lượng hàng hoá nâng lên thì sản xuất phải chạy theo. Khi sản xuất chạy theo trong thế cạnh tranh về giá cả và nhất là cạnh tranh với một nước sản xuất với khối lượng khổng lồ như Trung Quốc thì công nghệ trở thành vũ khí cơ bản chứ không phải tiền vốn. Công nghệ và kỹ thuật quản lý trở thành vũ khí cơ bản cho những nước bé trong quá trình tham gia vào sự cạnh tranh với nền kinh tế khổng lồ đang phát triển như là nước CHND Trung Hoa. Vì thế, nếu chúng ta không lôi kéo được các đồng minh công nghệ, trong đó có cả công nghệ quản lý lẫn công nghệ sản xuất thì chúng ta không có sức cạnh tranh. Như tôi vừa nói, cấu trúc dân cư Hoa Kỳ là một cấu trúc rất đa dạng xét về trình độ phát triển cho nên chúng ta hoàn toàn có thể vừa đào tạo người của mình, vừa lôi kéo các chuyên gia phù hợp với sự phát triển của Việt Nam từ một thị trường nhân lực khổng lồ như vậy. Bây giờ chúng ta mới chỉ nghĩ đến việc gửi người đi học ở Hoa Kỳ nhưng chúng ta chưa dám nghĩ đến việc lôi kéo nhân công ở những nước đang phát triển đã được rèn luyện và đào tạo từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Đấy là một trong những giải pháp có tính chất chiến lược chúng ta buộc phải làm để có thể tận dụng một nguồn khổng lồ về công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý. Chúng ta có học ai đi nữa thì vẫn không thể tránh học Hoa Kỳ về công nghệ được. Hoa Kỳ là một quốc gia biết biến tất cả những người có trình độ thấp trở thành những chuyên gia phù hợp với các mức độ phát triển khác nhau của các nền kinh tế trên thế giới.
Lợi ích thứ tư là tiền vốn. Hoa Kỳ là một hội chợ tiền vốn toàn cầu. Báo chí chúng ta đôi lúc reo vang rằng thị trường chứng khoán London đã bắt đầu vượt lên trên thị trường chứng khoán New York, có khi chúng ta lại nói thị trường chứng khoán Frankfurt đã bắt đầu có những dấu hiệu vượt lên... tất cả những việc đưa tin như vậy thể hiện rằng chúng ta chưa biết phân tích các cấu trúc kinh tế thế giới. Thị trường chứng khoán chỉ là cái hàn thử biểu để mô tả các trạng thái khác nhau của các nền kinh tế. Trong thế kỷ XXI này, không có một nền kinh tế nào phát triển đủ mạnh ngang với nền kinh tế Hoa Kỳ cả. Tôi cho rằng hết thế kỷ này nó vẫn là nền kinh tế lớn nhất. Và vì nó là nền kinh tế lớn nhất nên thị trường chứng khoán của nó cũng lớn nhất. Cho nên, có thể nói rằng Hoa Kỳ là hội chợ tiền vốn toàn cầu. Tất nhiên Việt Nam là một quốc gia có nhu cầu đầu tư không nhiều lắm so với thế giới. Chúng ta có thể gọi những món tiền nhỏ nhoi từ bất kỳ góc nào trên thế giới, cho nên, chúng ta tưởng rằng chúng ta có thể thay thế thị trường vốn New York bằng những thị trường khác. Nhưng không phải người Việt Nam nào cũng nghĩ như thế, đã có người bán những trái phiếu chính phủ Việt nam đầu tiên tại thị trường New York. Đấy là một sự lựa chọn có tính chất thăm dò, không biết là có ý định hay là ngẫu nhiên nhưng là lựa chọn đúng. Nhưng tiếp tục sử dụng thị trường New York bừa bãi thì đấy cũng là vấn đề cần nghiên cứu mà tôi sẽ nói ở một dịp khác. Nhưng cần phải khẳng định rằng Hoa Kỳ là một hội chợ quốc tế về vốn và đấy là tương lai của nguồn vốn chủ yếu để có thể phát triển một nước Việt Nam, giúp chúng ta giữ một địa vị đáng kể nào đó, ít nhất trong khu vực.
Lợi ích thứ năm mà tôi cho rằng quan hệ với Hoa Kỳ mang lại cho chúng ta là quan hệ về quốc phòng. Từ trước đến nay, toàn bộ lý luận quân sự của chúng ta là xoay quanh lý thuyết về chiến tranh. Những người châu Á nói chung loay hoay xung quanh lý thuyết của Tôn Tử về chiến tranh nhưng chúng ta không có lý thuyết về quốc phòng của mình. Lý thuyết quốc phòng chuyên nghiệp về bản chất là lý thuyết phi chiến tranh, tức là xây dựng một nền quốc phòng để không xảy ra chiến tranh. Xây dựng một lý thuyết quốc phòng để không xảy ra chiến tranh là xây dựng lý thuyết quốc phòng trên cơ sở sự cân bằng răn đe. Nước Mỹ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng lý thuyết về cân bằng răn đe. Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Ba Lan, tổng thống Czech, tổng thống Bulgaria tiếp tổng thống Bush và người ta muốn người Mỹ đặt các hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ trên đất nước họ. Họ không bán đất nước của họ, họ yêu đất nước của họ nhưng họ buộc phải làm việc đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng buộc phải nghĩ đến điều ấy thôi. Không phải làm thế là chúng ta theo Mỹ. Chúng ta không đi theo thanh gươm mà chúng ta cầm trong tay bởi vì thanh gươm có thể đi theo chúng ta. Nhưng không có thanh gươm trong tay thì chúng ta không đi được một cách tự tin. Cho nên nước Mỹ dường như là đối tượng duy nhất có thể giúp các quốc gia có ba điều kiện cơ bản: một là bé, hai là nghèo, ba là ở cạnh một cường quốc lớn tạo ra thế cân bằng. Nước Mỹ là nước duy nhất đủ tiềm lực cơ động hoá các lực lượng vũ trang của mình trong phạm vi toàn cầu để tạo ra các năng lực cân bằng quốc phòng. Xưa nay chúng ta chỉ để ý đến cân bằng chính trị nhưng sự cân bằng chính trị có ý nghĩa rất thấp. Thế giới thực dụng này xem các truyền thống chính trị, xem các sự khác biệt tư tưởng chẳng là gì cả. Cái mà người ta quan tâm là cân bằng kinh tế, cân bằng quốc phòng và với một số quốc gia lạc hậu là cân bằng văn hoá nữa. Đối với Việt Nam, chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng quốc phòng, cân bằng kinh tế trong quan hệ với Hoa Kỳ. Đấy là 5 lợi ích cơ bản mà tôi nghĩ rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ mang lại.
Hỏi: Phải chăng trước đây nếu chúng ta bình tĩnh hơn để phân tích về những lợi ích như ông vừa nói thì lịch sử đã không diễn ra như vậy?
Trả lời: Không. Người ta vẫn nghĩ rằng chính trị là một việc hoàn toàn chủ quan nhưng tôi cho rằng chính trị không chủ quan. Các quyết định chính trị hoàn toàn không phải là những quyết định chủ quan, nó là sự ngẫu nhiên của đời sống lịch sử. Nó là sức ép của đời sống lịch sử, nó là sức ép của đời sống chính trị mà đôi khi chúng ta không nhận thức hết được. Cách đây 20 năm những nhà chính trị tiên tiến hàng đầu của Việt Nam có nhận ra được những lợi ích mà tôi vừa nói trong quan hệ với Hoa Kỳ không? Tôi tin là có những người nhận thức được như vậy. Một trong những người mà tôi biết chắc nghĩ được như vậy là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Nhưng nghĩ được như vậy thì không có nghĩa là làm được như vậy. Cũng không phải được nhân dân ủng hộ là làm được. Nhân dân chúng ta có ủng hộ thì cũng không phải vì thế mà chính phủ chúng ta muốn làm gì thì làm. Nếu chính phủ chúng ta thuộc về nhân dân chúng ta, của dân, do dân và vì dân hoàn toàn đi nữa thì cũng không phải nhân dân muốn mà chính phủ làm được. Bởi vì hơn bao giờ hết thời đại của chúng ta là thời đại mà các ràng buộc quốc tế trở thành một yếu tố chính trị khổng lồ trong việc tạo ra các quyết sách của các chính phủ, nhất là các chính phủ của các nước bé như chúng ta. Ngay cả chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Nga hay chính phủ Trung Quốc họ cũng không tự do. Cho nên, nếu chúng ta đòi chính phủ chúng ta tự do thì chúng ta chủ quan, không khoa học. Chính phủ chúng ta không chỉ không tự do đối với nhân dân chúng ta mà còn không tự do đối với nhân dân toàn thế giới nữa. Cho nên, đấy là bài toán rất khó và đấy là nhiệm vụ rất khó của đời sống nghiên cứu cũng như đời sống truyền thông. Nếu không nhận thức được điều ấy sẽ không có sự cảm thông chính trị, mà không có sự cảm thông chính trị đối với một chính phủ thì tức là hạn chế không gian tự do của chính phủ khi hành động theo những chương trình mà họ nhận thức được.
Hỏi: Giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có một hố sâu ngăn cách của quá khứ rất khó vượt qua. Theo ông đâu là trở ngại lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua và bằng cách nào chúng ta có thể vượt qua trở ngại ấy?
Trả lời: Thực ra là chẳng có cái hố nào ở đấy cả. Chúng ta cứ nói vậy nhưng thực ra là không có. Nếu có thì cái hố sâu của người Nhật đối với Hoa Kỳ còn lớn hơn rất nhiều so với cái hố sâu của chúng ta. Hai quả bom hạt nhân, mấy trăm ngàn người chết, bị lăng nhục toàn cầu nhưng người Nhật không cảm thấy hố sâu. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh Nhật đã trở thành đồng minh không chỉ về mặt kinh tế mà về cả mặt chính trị, quân sự thậm chí đôi lúc cả về mặt văn hoá của Hoa Kỳ. Cái gì làm cho người ta cảm thấy hố sâu và không cảm thấy hố sâu? Đó là lợi ích. Lợi ích chính là cách con người quan niệm về hố sâu và không có hố sâu. Chúng ta không biết nghĩ đến lợi ích, chúng ta không ý thức được lợi ích cho nên chúng ta tưởng tượng ra các giãn cách có tính chất chính trị mà anh gọi là hố sâu.
Hỏi:Với vai trò của nền kinh tế Hoa Kỳ rõ ràng Hoa Kỳ có ảnh hưởng rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Chúng ta rất mong muốn Hoa Kỳ hiện diện mạnh mẽ hơn ở Việt Nam nhưng cho đến bây giờ sự hiện diện đó, so với các nước khác, vẫn còn rất khiêm tốn. Tại sao lại như vậy, thưa ông?
Trả lời:Có ba khó khăn cơ bản làm cho Hoa Kỳ chưa hiện diện một cách rõ rệt như ý muốn của người Việt. Khó khăn thứ nhất là chúng ta chưa xây dựng được một xã hội, một thể chế đủ chuyên nghiệp để có thể tương tác một cách thuận lợi với các công ty của Hoa Kỳ.Môi trường pháp lý của chúng ta, môi trường vĩ mô của chúng ta hoàn toàn chưa chuyên nghiệp. Biểu hiện cao nhất của sự không chuyên nghiệp là sự can thiệp của nhà nước vào đời sống kinh doanh một cách quá trực tiếp. Đấy là cái mà tất cả các công ty Hoa Kỳ đều không chịu đựng được và không có kinh nghiệm để chịu đựng điều ấy.
Khó khăn thứ hai là chúng ta không hiểu nền chính trị Hoa Kỳ.Chúng ta luôn luôn cho rằng Hoa Kỳ can thiệp vào các vấn đề nội bộ nhưng chúng ta không hiểu rằng chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn không có tự do đáng kể đối với thẩm mỹ chính trị của người dân Hoa Kỳ. Đôi khi chúng ta quan niệm sai, chúng ta không hiểu họ cho nên chúng ta làm những việc mà họ không thể ủng hộ. Hoa Kỳ có thực sự muốn có Việt Nam không? Có. Bất kỳ Tổng thống Hoa Kỳ nào cũng muốn có Việt Nam, từ Nixon, từ Johnson, từ Kennedy đều muốn có Việt Nam. Vì họ muốn có Việt Nam nên họ đã có nửa thế kỷ ở miền Nam Việt Nam. Chúng ta phải quan sát hiện tượng đó như một thực tế để hiểu rằng Hoa Kỳ muốn có Việt Nam và điều đó bây giờ không còn là một bí mật gì ghê gớm nữa. Sự mỏi mệt của cuộc chiến tranh Việt Nam làm cho có một thời kỳ khá dài các nhà chính trị Hoa Kỳ không muốn nói đến Việt Nam. Họ không muốn nói đến Việt Nam như một cô gái không muốn nói đến vết chàm ở trên người mình nhưng họ vẫn quan tâm đến Việt Nam. Nhưng chúng ta không hiểu nền chính trị Hoa Kỳ, nên chúng ta làm nhiều việc không có ý nghĩa hỗ trợ một cách tích cực đối với đời sống chính trị Hoa Kỳ. Tức là bằng những hành động tương đối chủ quan và định kiến của mình, chúng ta không hỗ trợ chính trị đối với chính phủ Hoa Kỳ để họ có những chính sách tích cực đối với Việt Nam. Đấy chính là một gót chân Asin rất quan trọng của chúng ta trong việc xây dựng quan hệ với phương Tây và Hoa Kỳ. Chúng ta có thể làm việc đó một cách khôn khéo hơn. Trong quá trình nghiên cứu tôi đã xây dựng một lý thuyết về sự đa dạng. Thế giới là đa dạng về chính trị, người Việt hoàn toàn có quyền bảo lưu những truyền thống chính trị quá khứ của mình. Đấy là quyền tự nhiên của đời sống chính trị. Nhưng trong khi chúng ta bảo lưu các truyền thống chính trị thì chúng ta phải chiếu cố đến trạng thái hiện đại của đời sống quốc tế. Chúng ta cứ nói rằng Hoa Kỳ không tôn trọng văn hoá Việt Nam hay là văn hoá chính trị Việt Nam, nhưng Việt Nam là người thể hiện trước sự không tôn trọng đời sống văn hoá chính trị của Hoa Kỳ. Chúng ta muốn quan hệ với họ thì chúng ta phải chiếu cố đến những thói quen văn hoá chính trị của họ, cũng như họ muốn quan hệ với chúng ta, họ cũng phải chấp nhận những đặc thù văn hoá chính trị đôi khi trái ngược của chúng ta. Và người Mỹ đã chấp nhận chúng ta, chấp nhận Đảng Cộng sản Việt Nam. Người Mỹ đã chấp nhận Đảng Cộng sản Việt Nam thì người Việt Nam cũng phải chấp nhận một số tiêu chuẩn chính trị làm cho họ có tư thế thuận lợi trong việc thương thuyết với nhân dân của họ ủng hộ họ trong việc tổ chức mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.
Thứ ba là cơ sở hạ tầng của chúng ta thấp đến mức không thể có các hoạt động chuyên nghiệp được. Chúng ta cũng xây dựng thị trường chứng khoán, nhưng trước đó chúng ta có hệ thống thông tin tồi, hệ thống kiểm soát rủi ro tồi. Chúng ta cứ tưởng như thế là thị trường chứng khoán. Và đôi khi các nhà đầu tư nước ngoài sợ rằng nếu chúng ta quan niệm ở mức như vậy thì họ sẽ bị mất uy tín theo chất lượng của các quan điểm của chúng ta. Nhiều người cho rằng các quỹ lớn chưa đến Việt Nam nhưng thực ra họ đã từng đến rồi. Họ đến để lặng lẽ giúp các tổ chức tài chính của chúng trở nên chuyên nghiệp hơn. Và họ đến không phải bây giờ mà từ 20 năm trước. Tôi là người đã cùng với Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch khu vực châu Á của Ngân hàng Mỹ Citibank, ông Baker ở Hồng Kông gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào những năm đổi mới là ông Cao Sĩ Kiêm để bàn về Luật Ngân hàng Việt Nam và Luật các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ông Cao Sĩ Kiêm có hỏi Phó Chủ tịch Ngân hàng Citibank là tại sao ông lại quan tâm đến Luật Ngân hàng Việt Nam. Ông ta trả lời rằng trong thế giới hiện đại bất kỳ bộ luật nào tương tự như thế này đều là ngôi nhà chung của tất cả các nhà kinh doanh, trong đó có chúng tôi. Chúng tôi quan tâm đến Luật Ngân hàng Việt Nam như là quan tâm đến việc thiết kế ngôi nhà mà chúng tôi sẽ sinh sống ở đó. Họ lặng lẽ quan tâm như vậy đấy. Chúng ta cứ tưởng rằng mang tiền vào mới là quan tâm mà không biết rằng xây dựng ngôi nhà để họ chung sống với chúng ta là mối quan tâm cơ bản hơn cả, bền vững hơn cả. Bởi vì ngôi nhà đó không chỉ có họ sống mà chúng ta cũng sống, họ giúp chúng ta có kinh nghiệm để xây dựng cái ngôi nhà mà chúng ta thấy thoải mái theo tiêu chuẩn của họ, mà tiêu chuẩn của họ về mặt phát triển là cao hơn. Như vậy có nghĩa là họ giúp chúng ta xây dựng tương lai cho chúng ta mà chúng ta không biết.
Hỏi:Cách đây 2 năm Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ có đến trường Đại học Havard và sau đó có ý muốn nhờ các trường đại học ưu tú của Mỹ giúp Việt Nam xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế. Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của dự án xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam. Theo ông chúng ta cần thay đổi bắt đầu ở khâu nào để xây dựng được một trường đại học như thế?
Trả lời:Trường đại học đẳng cấp quốc tế là gì? Tôi không thích khái niệm này bởi vì các trường đại học là nơi đào tạo những người cung cấp dịch vụ tiên tiến cho đời sống xã hội. Vậy độ tiên tiến của xã hội Việt Nam so với độ tiên tiến của thế giới là như thế nào? Tôi cho rằng đưa ra khái niệm đẳng cấp quốc tế là một khái niệm sai. Khi tôi đi xin học cho con trai tôi có rất nhiều người nói với tôi rằng các trường quốc tế là các trường dở nhất. Ở đâu cũng có ngưng tụ văn hoá, ngưng tụ phát triển, có mức độ phù hợp, cho nên đòi hỏi như vậy là đòi hỏi không thực tế. Tôi đã đến thăm trường Havard, nói chuyện với một số giáo sư của trường Havard, tôi đã ăn cơm với ông Hiệu trưởng Trường Havard Law School. Tôi cũng đã đến thăm Havard Club, trụ sở của nó tại Washington DC, tại Boston, tại New York. Đẳng cấp Havard là đẳng cấp mà ngay cả các nước tiên tiến còn mong muốn. Nhưng ngay cả trường Havard cũng không bao giờ tự nhận mình là đẳng cấp quốc tế, họ khiêm tốn hơn chúng ta. Chúng ta muốn mua hàng hiệu với giá rẻ thì sẽ rất dễ mua phải hàng dỏm. Ngay ở Cambridge cũng có những trường dỏm, ở Oxford cũng có những trường dỏm. Chúng ta không có quan niệm rõ ràng về đẳng cấp quốc tế. Nếu nói về giỏi toán thì sinh viên trường Tổng hợp và trường Bách khoa của chúng ta còn giỏi hơn trường Oxford nhưng học toán thì không phải đẳng cấp quốc tế mà chỉ có đẳng cấp quốc tế về toán. Trường Oxford là một trường hàng đầu quốc tế, ngang tầm với trường Havard, nếu học chính trị ở trường Oxford thì nhất thế giới nhưng học luật thì chưa chắc. Vậy thì chúng ta muốn có đẳng cấp quốc tế về gì? Chúng ta hiểu khái niệm ấy như một khái niệm marketing chứ không hiểu như một khái niệm học thuật hoặc giáo dục học. Tôi lấy ví dụ, con trai tôi học ở trường London School of Economics, nếu học về tài chính thì đấy là trường tốt nhất thế giới, nó ngang tầm với trường Wharton ở Đại học Tổng hợp Philadelphia của Mỹ. George Soros cũng học ở đấy. Nhưng nếu học triết học ở đấy thì làm sao so với học người Đức được. Chẳng có đẳng cấp nào cả, chúng ta phải xây dựng một nền đại học Việt Nam tử tế, đứng đắn, phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam.Còn những yếu tố tiên tiến hơn có chất lượng hướng dẫn xã hội phải được nhập khẩu. Nhập khẩu bằng cách gì? Bằng cách hợp tác với các chương trình đại học chứ không phải với các trường đại học. Chúng ta vẫn thích hợp tác với các trường vì chúng ta sính về tổ chức, chúng ta chỉ thích cái tên chứ không thích nội dung. Trên báo Tuổi trẻ có đăng một bài phỏng vấn ông Nguyễn Khánh về cải cách hành chính. Trong đó ông Nguyễn Khánh có nói một ý rất hay là trong khi chúng ta chưa làm rõ được chức năng của Chính phủ và bộ máy hành chính của nó thì chúng ta đã nghĩ đến việc tổ chức. Chúng ta quên mất rằng tổ chức bao giờ cũng là một hoạt động để thực hiện các chức năng và các nghĩa vụ. Nếu không ý thức và phân minh về chức năng thì không có cơ sở để xây dựng tổ chức được. Tôi hết sức cảm phục ông Nguyễn Khánh về điều đó. Vậy chúng ta nên làm gì? Chúng ta phải hợp tác với các chương trình đại học, chúng ta không chỉ và không nên hợp tác với một vài trường đại học. Bởi vì hợp tác với các chương trình đại học có nghĩa là chúng ta thông qua sự hợp tác giữa chính phủ chúng ta với chính phủ của các nước khác và các cơ quan hợp tác của họ sẽ giúp chúng ta lựa chọn được những chương trình thích hợp.
Hỏi:Theo ông, hiện nay mức độ quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ đối với Việt Nam là như thế nào?
Trả lời:Tôi nghĩ rằng họ vẫn rất quan tâm. Họ quan tâm và hợp tác một cách âm thầm với Việt Nam chuẩn bị một môi trường để có thể đầu tư và kinh doanh tốt ở Việt Nam. Đối với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, họ vẫn quan tâm một cách chiến lược đối với Việt Nam. 15 năm trước đây tôi có nhận đề nghị của một công ty của Anh rất lớn ở Hồng Kông trong việc họ được Intel thuê để nghiên cứu đặt một nhà máy của Intel ở khu vực này. Trong sự lựa chọn của họ có Việt Nam, Trung Quốc và Philippines. Tôi đã thực thi nghiên cứu này ở Việt Nam. Tất nhiên, với tư cách là một nhà tư vấn tôi không tô hồng Việt Nam được, tôi buộc phải cung cấp một cách khoa học để phân tích. Sau này khi bàn với Intel, thông qua cơ quan hợp tác của họ, thì họ nói rằng điều kiện của chúng ta lúc ấy chưa đạt. Cũng 10 năm trước đây, công ty Enron của Hoa Kỳ mà bây giờ đã phá sản đề nghị tôi ký hợp đồng nghiên cứu về việc họ tham gia đầu tư vào Nhà máy khí điện đạm Cà Mau ở Sóc Trăng nhưng tôi từ chối. Rất nhiều người muốn tôi ký nhưng tôi không ký vì tôi đã từng biết về sự thất bại của công ty American Rice khi hợp tác với Công ty Vinafood 2 ở miền Nam để thu mua gạo xuất khẩu. Người Mỹ vào thời điểm 15 năm trước đây chưa có mặt một cách thuận lợi ở miền Tây Nam bộ được. Dù lợi ích kinh tế có thể có nhưng sự tin cậy chính trị vào thời điểm ấy không thuận lợi, nhất là trong việc khai thác tài nguyên quan trọng như dầu khí cũng như trong việc cung cấp các vật tư hết sức quan trọng đối với nền công nghiệp lúa nước Việt Nam.
Cho nên vào thời điểm 15 năm trước đây Intel không đặt nhà máy ở Việt Nam nhưng bây giờ họ đã đặt. Nhưng họ đặt ở miền Nam bởi vì thị trường trong đó hấp dẫn hơn, không khí ở trong đó hấp dẫn hơn và vì người Mỹ có mặt ở miền Nam lâu hơn do đó về mặt văn hoá họ thích người Nam Bộ hơn. Đó cũng là lẽ thông thường. Không phải người Mỹ có cảm tình chính trị với người Nam Bộ, mà chính sự sống lâu với nhau tạo ra những cảm tình văn hoá đặc biệt. Người Mỹ thích nhất là miền Trung, người Mỹ chú ý đến miền Trung Việt Nam nhiều hơn miền Nam và miền Bắc. Đấy là đặc điểm của người Mỹ, ở chỗ nào người ta có kỷ niệm nhiều, ở chỗ nào người ta có những khúc mắc nhiều, ở chỗ nào người ta cảm thấy ân hận nhiều thì ở đó người ta có cảm tình. Việt Nam là một nỗi ân hận của rất nhiều người Mỹ và vì thế Việt Nam tự nhiên nhận được cảm tình rất đặc biệt từ người Mỹ. Nhưng chúng ta không hiểu điều ấy, chúng ta vẫn vô tình khoét thêm vào cái mà chúng ta gọi là hố sâu ngăn cách mặc dù người Mỹ đang cố lấp đầy nó.
Hỏi:Trong chuyến đi lần này của Chủ tịch nước sang Mỹ có rất nhiều doanh nhân đi theo. Ông có kỳ vọng gì về triển vọng hợp tác giữa hai nước sau chuyến đi này không?
Trả lời:Phải nói rằng, nhân dân cần nhìn thấy sự thành công của chuyến đi của Chủ tịch. Đảng cũng cần nhìn thấy sự thành công của chuyến đi của một Uỷ viên Bộ Chính trị quan trọng. Trung Quốc cũng muốn nhìn thấy một kết quả phải chăng nào đó. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đương nhiên là muốn chuyến đi của mình thành công. Tất cả những dấu hiệu tuyên truyền và thống kê đều sẽ có đủ để thoả mãn tất cả các yêu cầu như vậy. Tôi cho rằng, về lâu dài chắc chắn quan hệ giữa hai nước sẽ tốt bởi vì trên thực tế người Hoa Kỳ muốn Việt Nam và Việt Nam cần Hoa Kỳ. Không có sự cách biệt lợi ích nào ngoài những định kiến có chất lượng chính trị giữa chúng ta và họ cả. Nếu chúng ta nhận thức lấy lợi ích làm mục tiêu thì quan hệ ấy sẽ thành công và được hiện thực hoá. Nhưng trình độ phát triển của chúng ta xét về mặt cơ sở hạ tầng lẫn thể chế chưa đủ để các công ty Hoa Kỳ có thể hoạt động thuận lợi ở Việt Nam. Cho nên, để hiện thực hoá các quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thì chúng ta phải xây dựng mình chứ không phải là đòi hỏi họ. Nếu chúng ta biến người Mỹ thành người Lào để hợp tác một cách thoải mái thì chúng ta không có lợi ích gì từ người Mỹ cả. Chúng ta buộc nước Mỹ phải chấp nhận những tiêu chuẩn thấp, những hệ giá trị thấp, những mức độ thấp để hợp tác thuận lợi với người Mỹ thì tức là chúng ta biến người Mỹ thành người Lào. Nhưng nếu chúng ta muốn biến thành người Mỹ trong khi hợp tác với người Mỹ thì chúng ta phải vươn lên theo tiêu chuẩn của họ. Tức là chúng ta phải ý thức về cơ sở hạ tầng, ý thức về thể chế, phải xây dựng thể chế tốt, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt. Nếu cứ tiếp tục cắt cáp quang đem bán thì không thể hợp tác với người Mỹ được. Chúng ta vẫn xem đó là vấn đề dân sự thuần tuý, rằng chỉ có người dân mới ăn trộm cáp quang, mà không truy nguyên rằng liệu có sự phá hoại nào trong chuyện đấy không bởi vì sự ăn cắp đấy là rất chuyên nghiệp. Lặn sâu xuống hàng trăm mét là một hoạt động chuyên nghiệp. Tôi đã từng là kỹ sư cầu đường, khi xử lý các công trình ở dưới đáy sông, ở chỗ sâu chúng tôi cần những người thợ lặn. Tôi biết rất rõ cái vất vả của người thợ lặn, cái nguy hiểm của người thợ lặn, họ bị cái bệnh gọi là bệnh thợ lặn vì người thợ lặn không sống lâu được. Lặn xuống sâu để cắt cáp quang và bán vài nghìn đồng một mét thì đấy là một dấu hỏi lớn xét về mặt an ninh quốc gia. Nhưng tôi không thấy ở đâu báo chí đặt ra câu hỏi rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia hay đây là vấn đề tham lam của người dân.
Chúng ta phải có cơ sở hạ tầng tốt, chúng ta phải có một thể chế tốt thì chúng ta mới có khả năng hiện thực hoá quan hệ Việt - Mỹ theo hướng có ích cho chúng ta. Còn chúng ta chỉ muốn sự thuận lợi chính trị trong việc hợp tác với người Mỹ thì chúng ta sẽ có một nước Lào.
Hỏi: Ông có nói một ý rất hay là bản thân các chính phủ cũng là nô lệ của dư luận, họ cũng bị dư luận dẫn dắt. Ở Việt Nam không phải dư luận lúc nào cũng nhìn thấy lợi ích, chính vì thế có rất nhiều ý kiến khác nhau trong việc nhìn thấy lợi ích trong quan hệ với Mỹ. Vậy theo ông có cách nào để vượt qua sự khác biệt về dư luận?
Trả lời:Ý thức về lợi ích là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để xác định mức độ phát triển của đời sống của một dân tộc. Cái đấy cũng không sốt ruột được. Không thể có tuyên truyền gì để người dân nhận ra lợi ích được bởi vì nhận ra lợi ích về mặt lý thuyết khác với nếm được vị ngọt mà lợi ích đem lại. Đối với nhà chính trị thì chúng ta có thể phân tích lợi ích về mặt lý thuyết nhưng đối với người dân thì họ phải nếm được lợi ích. Vậy làm thế nào để nhân dân nếm được lợi ích? Nhân dân không thể nếm lợi ích bằng cách bỏ ra hàng nghìn đô la để mua một cái ví Louis Vuiton được. Không người Việt Nam nào lãng phí như thế cả. Cần phải để cho con người nếm để mà trải nghiệm dần dần. Cho nên ý thức về lợi ích của xã hội đối với các quan hệ đối ngoại là một quá trình mà tất cả các nhà chính trị của cả hai bên đều phải rất kiên nhẫn. Chúng ta phải động viên tính kiên nhẫn của các nhà chính trị trong việc tổ chức các quan hệ chiến lược, đồng thời, chúng ta phải tự xác lập cho mình sự kiên nhẫn để chờ đợi kết quả. Với tư cách là các nhà báo các bạn cũng phải tuyên truyền để nhân dân biết kiên nhẫn. Chúng ta không thể đòi hỏi nước Mỹ trở thành nước Lào để chúng ta dễ trải nghiệm.
Hỏi:Lúc trước ông đã dẫn ra là sau khi kết thúc chiến tranh Thế giới lần thứ 2, mặc dù phải chịu đựng hai quả bom nguyên tử với những đau đớn về mặt con người, về mặt môi trường, về mặt danh dự dân tộc, nhưng người Nhật vẫn nhanh chóng trở thành đồng minh của người Mỹ. Còn với Việt Nam thì chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm mà chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên nhẫn. Vậy có sự khác biệt nào ở đây?
Trả lời:Có, đó là sự khác biệt về văn hoá. Nếu như bây giờ người Nhật mới bắt đầu thu xếp quan hệ với Hoa Kỳ thì họ cũng sẽ vất vả như chúng ta thôi. Bởi vì vào những năm ấy sự thua trận của Nhật Bản làm cho người Nhật trở nên yếu và nhà chính trị sáng suốt lúc ấy có thể làm được điều ấy. Nhưng nếu chính phủ chúng ta không tích cực làm những việc như Nhật hoàng đã làm cách đây 60 năm thì sau 20 năm nữa khi trình độ dân trí của chúng ta tăng lên chính phủ không dễ mà làm được. Chúng ta cứ phân vân, các nhà chính trị của chúng ta cứ phân vân, toan tính. Chúng ta chưa phải là một nền chính trị hoàn toàn dân chủ nhưng chúng ta cũng không có những nhà chính trị kiên quyết để có thể đưa ra những quyết định có giá trị sáng suốt và quyết liệt. Cho nên, vào những thời điểm thuận lợi chúng ta không ra được quyết định mà chỉ ra quyết định vào những thời điểm không thuận lợi. Ở xã hội chúng ta, khái niệm xã hội dân sự chưa được thừa nhận thì có nghĩa là xã hội được lãnh đạo. Xã hội được lãnh đạo mà nhà lãnh đạo không quyết liệt, không đưa ra quyết sách được thì xã hội ấy phân vân mãi. Chúng ta không có một xã hội tự cân bằng, chúng ta cũng không có một xã hội đủ quyết liệt để các nhà chính trị phải đưa ra các quyết định.
Hỏi:Những vấn đề xã hội mà ông nếu ra rất thú vị. Chúng tôi mong rằng có thể làm một chuyên mục với những cuộc trò chuyện như thế này.
Trả lời:Tôi luôn sẵn sàng hợp tác với báo chí để góp phần giúp xã hội nhận ra lợi ích, nhận ra ý nghĩa của nhận thức về lợi ích. Tôi có một thói quen rất thú vị là đi mua đồ second-hand. Tôi theo dõi việc người ta bán những bộ quần áo second-hand ở ngoài phố để nghiên cứu một hiện tượng cực kỳ lý thú ở trên thế giới, đó là hiện tượng thải. Cách đây 10 năm, tất cả các đồ thải, các đồ second-hand đều đến từ phương Tây, được sản xuất ở phương Tây với những tên tuổi như Louis Vuiton, Yves Saint Laurent... Năm năm trước đây là đồ Nhật Bản, những năm gần đây là đồ Hàn Quốc. Nghiên cứu cấu trúc của rác thải để thấy được tính chất của rác hay năng lực thải hồi của thế giới. Chúng ta có rất nhiều cách để nghiên cứu những vấn đề xã hội học mà không cần phải tốn kém, không cần phải mất đến cả chục tỉ, trăm tỉ. Mỗi lần đi mua đồ như vậy tôi chỉ mua 5 cái áo mất khoảng 500.000 đồng nhưng tôi hiểu các dòng thải hồi của thế giới, thậm chí còn hiểu được cả tính chất quá đát của các loại nguyên liệu đối với may mặc, đối với công nghiệp. Các nhà khoa học của chúng ta thích dùng nguyên liệu gốc để nghiên cứu mà quên mất rằng chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu thế giới thông qua rác thải. Còn chuyện mà bạn nói thì tôi luôn sẵn sàng. Tôi sẽ cung cấp cho các bạn những cách phân tích để có thể hiểu thế giới mà không cần phải tốn kém.
Tôi đến thành phố Boston cách đây 18 năm. Buổi chiều tôi đi lang thang ở những cửa hàng bán đồ sinh viên và tôi hiểu ra một điều rất quan trọng là nước Mỹ giầu có như vậy nhưng họ xây dựng một xã hội cực kỳ tiết kiệm. Ở Anh cũng vậy. Trong các trường nội trú của Anh, giá học phí là 25.000 pounds một năm, tương đương với khoảng 50.000 đô la một năm theo tỷ giá hiện nay, đắt hơn cả trường Havard. Thế nhưng sinh viên năm trước vẫn bán lại quần áo cho sinh viên năm sau. Nhà trường có một cửa hiệu để sinh viên có thể ký gửi nhà trường bán hộ hoặc là sinh viên có thể tự trao đổi với nhau. Đó là những xã hội giầu có trong sự ý thức về tiết kiệm cực kỳ nghiêm túc. Ở Anh không có các cửa hàng bán đồ tạp nham trong các trường học nghiêm túc hoặc trong các khu vực nghiêm túc. Hà Nội của chúng ta là thủ đô kinh tế và chính trị, một thành phố nổi tiếng về chính trị trên thế giới nhưng hàng hoá bày bán giống như một xóm digan. Điều ấy chứng tỏ rằng chúng ta chưa có một nền giáo dục tạo ra thẩm mỹ, tạo ra ý thức về thẩm mỹ, ý thức về vẻ đẹp cho con người. Có lần, khi xem tivi tôi thấy một nhà báo lên bình luận về cuộc thi Sao mai mặc một cái áo nhăn, tôi thấy rất là lạ. Họ không ý thức được là không thể ăn mặc như thế với tư cách là một bình luận viên ở trên phương tiện truyền thông. Tôi đến thăm trường Oxford, đến phòng ăn của sinh viên và tôi hiểu rằng tại sao trí thức của họ tự tin. Sinh viên năm cuối cùng trong bữa ăn là có người phục vụ. Khi con tôi học bậc phổ thông năm thứ nhất tức là loại dưới A level thì phải ăn tập thể và tự phục vụ, nhưng từ A level trở lên tức là tú tài thì được phục vụ. Tức là khi anh vượt qua được một lớp thì thái độ kính trọng của xã hội đối với anh khác. Ở chúng ta tất cả đều bằng nhau. Chúng ta không kính trọng những người đi qua những chặng học vấn khác nhau. Thậm chí chúng ta còn cung cấp những bằng giả và những chương trình đào tạo kém chất lượng thì làm sao chúng ta kính trọng những sản phẩm của mình được. Xã hội không tạo ra những sản phẩm đáng kính trọng và trên thực tế cũng không kính trọng những sản phẩm ấy thì làm sao có đẳng cấp quốc tế được. Đẳng cấp quốc tế là sự thừa nhận quốc tế đối với đẳng cấp của mình chứ không phải là chúng ta đòi có đẳng cấp của nó. Chúng ta khi đi thi thì dùng phao nhưng khi tốt nghiệp thì cũng đội mũ cử nhân. Chúng ta diễn như những kẻ có học nhưng chúng ta không học. Chúng ta nặng về hình thức, nặng về thành tích. Chúng ta có một nền văn hoá thống kê, một nền kinh tế thống kê, một nền chính trị thống kê đến mức ngay cả các nhà lãnh đạo cũng phải làm một bản lý lịch và khai là tiếng Anh bằng A, tiếng Pháp bằng B, tiếng Nga bằng C... Tất cả những chuyện ấy là phi văn hoá bởi vì nhân dân rất cần lòng tin đối với các nhà lãnh đạo. Nhân dân mà tin thì họ không cần những bằng chứng như vậy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn