Sự khẳng định của Hoa Kỳ, có lợi cho kinh tế Việt Nam
Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama sang Việt Nam vào ngày 23 – 25/5, nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đều đánh giá cao về hiệu quả trong cải thiện mối quan hệ, hướng tới hợp tác sâu, rộng về kinh tế - chính trị...
Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group về những cơ hội hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Hỏi: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ của Việt Nam và Hoa Kỳ thời điểm 10 năm trở lại đây?
Trả lời: Tôi luôn luôn cho rằng quan hệ với Hoa Kỳ là một hướng quan hệ quốc tế đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội có chất lượng đột phá đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Sự khắt khe của những đòi hỏi hợp tác quốc tế về kinh tế cũng như các hợp tác quốc tế toàn diện với Hoa Kỳ đặt cho chính phủ chúng ta một thách thức, đó là phải cải cách thể chế ở những mức độ khác nhau phù hợp với năng lực của Việt Nam. Rõ ràng đối với chúng ta những đòi hỏi ấy là căng thẳng, là khó, là những thử thách trong hội nhập nói chung.
Do nhu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế Việt Nam và của xã hội Việt Nam, cải cách cũng là một đòi hỏi. Đòi hỏi cải cách là do sức trưởng thành của nền kinh tế, do sự thúc bách của sự phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng đồng thời nó là đòi hỏi thỏa mãn các điều kiện để hợp tác quốc tế, trong đó hợp tác quốc tế với Hoa Kỳ là một trong những hợp tác nhiều thách thức nhất. Tôi nghĩ rằng đấy là một bài thi trong việc thực hiện các cải cách thể chế kinh tế cũng như những mức độ khác nhau của cải cách toàn diện, làm cho Chính phủ, nhà nước, nhân dân chúng ta hiểu được thực tế nào dẫn đến đòi hỏi phải cải cách nhiều như vậy.
Đấy có phải là những đòi hỏi mang chất lượng thách thức gây khó trong các quan hệ quốc tế về kinh tế của phương Tây hay là những điều kiện đòi hỏi phải thỏa mãn để giao lưu kinh tế một cách thuận lợi. Đến giờ có thể nói rằng người Việt Nam đã chủ động nhận thức được những đòi hỏi như vậy là khách quan, là mềm dẻo, Chính phủ chúng ta có thể mạnh dạn thương lượng với các chính phủ tham gia vào quá trình này, đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ.
Hỏi: Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm của tổng thống Obama trong thời điểm hiện nay, khi mà Việt Nam mới có chính phủ mới và có bộ máy mới?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng kế hoạch viếng thăm của tổng thống Obama đối với Việt Nam đã được hoạch định từ lâu, trước khi chúng ta hình thành chính phủ mới. Tuy nhiên, thời điểm như thế này là một thách thức, các nhà chiến lược của chúng ta cũng phải có một sự chuẩn bị nào đó để tiếp cận. Bởi tiếp xúc với Hoa Kỳ là một vấn đề, tiếp xúc với tổng thống Hoa Kỳ là một vấn đề khác.
Hỏi: Tại sao lại thế?
Trả lời: Vì Tổng thống Hoa Kỳ là một cá nhân, và là nhà chính trị hàng đầu của nền chính trị Hoa Kỳ, năng lực quan sát của tổng thống Hoa Kỳ là một năng lực đáng để chúng ta suy nghĩ, và đáng để các nhà chính trị của chúng ta chuẩn bị tiếp cận. Theo thông tin trên báo chí cả bốn nhà nhà lãnh đạo cao nhất của chúng ta đều có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ. Chính phủ nhiệm kỳ này mới nắm quyền một vài tháng, có thể quỹ thời gian để chuẩn bị cũng chưa thoải mái lắm, cho nên đây cũng là một thách thức đối với năng lực cá nhân của từng nhà lãnh đạo.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt
Hỏi: Theo ông chuyến thăm này đem lại lợi ích gì cho Việt Nam về khía cạnh kinh tế?
Trả lời: Rất khó có thể trả lời một cách chi tiết là tổng thống Hoa Kỳ mang lại cái gì cụ thể. Chúng ta hay lượng hóa một cách dân dã hiệu quả kinh tế của chuyến thăm của một nhà chính trị cỡ tổng thống. Tôi không nghĩ như vậy. Sự đến thăm của tổng thống Hoa Kỳ dường như là một khẳng định về mặt chính trị của nhà nước hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Sự thừa nhận nào của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng đều có lợi, bởi vì hầu hết các nhà đầu tư đều đến từ phương Tây mà trong một chừng mực nào đó họ chịu ảnh hưởng của những tiêu chuẩn Hoa Kỳ về kinh tế, họ là những người đã được huấn luyện theo tiêu chuẩn của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cho nên việc thừa nhận ở mức tổng thống Hoa Kỳ đối với nền kinh tế Việt Nam mang lại sự hiểu biết Việt Nam, thừa nhận Việt Nam một cách thuận lợi từ các nhà đầu tư phương tây.
Hỏi: Ý ông là việc tổng thống Obama kéo theo đoàn tùy tùng hàng trăm doanh nghiệp thì có thể là định hướng để lôi kéo được luồng vốn cũng như một số lượng các doanh nghiệp trên thế giới vào Việt Nam?
Trả lời: Tôi không nói như thế. Chúng ta biết rằng có rất nhiều công ty Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam, nếu chúng ta cứ phân loại theo kiểu cũ thì không còn đúng nữa. Có rất nhiều công ty Hoa Kỳ tại các thiên đường thuế. Gần đây trong việc đấu tranh chống tội phạm và rửa tiền thì có thể có những dấu hiệu tiêu cực, nhưng việc lập công ty kiểu ấy đã trở thành thói quen của nhân loại trong quá trình đầu tư, vì đầu tư là phải mạo hiểm, mạo hiểm thì người ta phải tiết kiệm nhất tên tuổi. Tổng thống dẫn đi một hay vài trăm doanh nghiệp để cấu tạo thành đoàn của mình, cái đấy cũng quan trọng nhưng không phải chỉ có thành phần ấy mới quan trọng. Đã có nhiều công ty Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam rồi. Họ đôi khi cũng bế tắc vì không tìm ra các lối thoát phát triển. Sự hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ thông qua việc xây dựng một số hiệp định làm cho các công ty Hoa Kỳ kinh doanh ở Việt Nam phát hiện ra những thị trường mà họ có thể tiêu thụ hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam. Việc tìm ra những cơ hội tiêu thụ hàng hóa của các công ty Hoa Kỳ hoặc các công ty phương Tây là những sự phát hiện kinh tế có thể thuận lợi ở Việt Nam
Hỏi: Doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng có ở Việt Nam rồi nhưng số lượng đầu tư Hoa Kỳ cũng còn khiêm tốn so với Nhật Bản, Hàn Quốc. Vậy luồng vốn cũng như các doanh nghiệp Hoa Kỳ sang Việt Nam lần này có thể có tác động nào đó đối với ý thức của họ?
Trả lời: Tôi không nhìn vấn đề như thế, phải tìm hướng đi đúng mới tìm thấy thành tựu cụ thể. Tôi nghĩ các công ty Hoa Kỳ mới, và những kinh doanh mới của các công ty Hoa Kỳ cũ ở Việt Nam đều cần phải phân tích. Các công ty Hoa Kỳ mới đến Việt Nam thì họ cũng tìm hiểu, cũng phải tìm ra cơ hội kinh doanh, họ không bao giờ mở ngay cái gì. Có thể, họ xin mở một văn phòng đại diện, xin mở một công ty, thậm chí mua một công ty nào đó có sẵn của chúng ta. Nhưng cái cuối cùng, cái có lợi thật sự cho nền kinh tế của chúng ta là họ tiến hành dự án nào ở Việt Nam.
Hỏi: Trong quá trình làm việc của ông, cũng như việc tiếp xúc với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, thì mất bao lâu doanh nghiệp Hoa Kỳ từ chỗ ý tưởng đến lúc rút tiền từ túi ra để đầu tư sang Việt Nam?
Trả lời: Rất khó để nói, với những dự án nghiêm túc có khi hàng năm.
Hỏi: Khía cạnh họ xem xét là ở lĩnh vực gì?
Trả lời: Bây giờ chúng ta chỉ nghĩ đến đầu tư, đầu tư thì gắn với tiền, bao nhiêu tiền vào, tiền ra, cái đấy gắn với một loại thống kê mang chất lượng thành tích. Quan hệ thương mại không như thế, bao giờ họ bán được những lô hàng đầu tiên của họ ở Việt Nam, câu hỏi đó quan trọng hơn là họ định đầu tư cái gì ở Việt Nam. Họ bán được hàng được ở Việt Nam tức là Việt Nam là thị trường của họ, hoặc họ sản xuất hàng hóa ở Việt Nam và bán được sang Mỹ thì Mỹ trở thành thị trường của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam là thị trường của hàng hóa Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường của hàng hóa Việt Nam là một cặp quan hệ hai chiều cực kỳ quan trọng, nó cần có sự xúc tiến chính trị để tăng cường độ tin cậy hợp tác và tin cậy đầu tư. Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ là dấu hiệu quan trọng nhất trong các hoạt động có chất lượng xúc tiến chính trị. Đấy là ý nghĩa thực tế của nó.
Hỏi: Một số chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp Hoa Kỳ không coi Việt Nam là thị trường, chủ yếu họ coi Việt Nam là nơi để có thể tận dụng chi phí sản xuất rẻ, nhân công rẻ để làm cầu nối xuất khẩu sang các thị trường khác. Ví dụ như Intel, họ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam thì họ không chỉ sản xuất để đưa ra thị trường Việt Nam mà họ còn đưa ra toàn thế giới?
Trả lời: Chúng ta lâu nay chỉ quan tâm đến thị trường hàng hóa, mà không nghiên cứu Việt Nam như một thị trường toàn diện. Họ tranh thủ nhân công rẻ thì Việt Nam là thị trường nhân công. Thị trường ấy giúp người Việt Nam rèn luyện năng lực cho một đội ngũ nhân công không chỉ cung cấp dịch vụ một lần cho Intel, mà có thể cung cấp nhiều lần cho các nền kinh tế khác, hoặc cho các công ty khác của Hoa Kỳ.
Việc quan tâm đến Việt Nam như là một thị trường rộng hơn nhiều so với việc bán được gì ở Việt Nam. Trước đây tôi đã từng làm việc với Intel. Năm năm trước khi vào họ đã để ý đến Việt Nam, lúc ấy chúng ta thua trong cạnh tranh với Trung Quốc, kết quả là Intel chọn mở nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Lý do là người lao động của chúng ta không đủ năng lực. Những người tuyển dụng ở Hoa Kỳ không tìm được nhân công có thể trả lương cao ở ta. Không có nhân công cao nên chúng ta không thể có các dự án khoa học hoặc công nghệ lớn vào được. Cái đó làm cho Việt Nam thành một thị trường rất hẹp và thấp. Hẹp và thấp về phương diện sản xuất là một trong những nhược điểm lớn. Chúng ta phải nâng cao năng lực của thị trường nhân công.
Trong chuyến thăm này của tổng thống Obama báo chí nói nhiều đến việc Chính phủ Việt Nam cho phép mở trường đại học Fullbright. Cái đấy tuy chưa có giá trị như một thực tế giáo dục, nhưng nó chứng minh một thực tế rằng chúng ta đã thức tỉnh về vấn đề giáo dục nhân lực. Tuy nhiên phải nói rằng chúng ta vẫn thiếu một quan niệm đầy đủ và đi trước về vấn đề cải cách giáo dục. Không có một nền giáo dục tốt, không cung cấp được những nguồn nhân lực tốt phù hợp với đòi hỏi của sản xuất thì còn lâu Việt Nam mới trở thành một nền kinh tế hấp dẫn. Hiện nay chúng ta nhặt nhạnh, cố gắng thống kê những dấu hiệu có lợi, mà không thấy việc cần làm là phân tích những quan hệ kinh tế cụ thể như biểu hiện khái quát của các khuynh hướng kinh tế trong thời kỳ phát triển.
Hỏi: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ?
Trả lời: Tôi đã từng làm giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, là quỹ cung cấp nền tài chính cho các đầu tư dọc sông Mekong, từ Trung Quốc cho đến Campuchia. Các quỹ là những người đi bán dạo các dịch vụ tài chính, bao gồm cả cung cấp vốn lẫn quản lý vốn. Các quỹ là những tổ chức cần phải có, nó hoạt động càng nhộn nhịp bao nhiêu thì càng xác định là nhu cầu tài chính càng lớn bấy nhiên. Nhu cầu tài chính là một biểu hiện khách quan của các nhu cầu phát triển, nếu các quỹ nhiều thì chứng tỏ là thị trường chúng ta hấp dẫn các nhà đầu tư, các quỹ thường là những nhà tiền trạm cho các đầu tư.
Hỏi: Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm lôi kéo các tập đoàn?
Trả lời: Chúng ta cứ đi tìm cách lôi kéo như thế nên bao giờ chúng ta cũng vồ nhầm. Không có chính phủ nào sáng suốt và nhạy cảm bằng các quỹ. Khi nào các chính phủ nhạy cảm hơn các quỹ thì chính phủ thành các quỹ và chính phủ là những kẻ hàng xén. Người ta đề cao sự đúng đắn chứ không đề cao sự nhạy cảm, dễ thay đổi của Chính phủ. Đúng đắn là thuộc tính cần có của chính phủ, còn nhạy cảm là thuộc tính của người điều hành các quỹ tài chính. Chính sự đúng đắn của chính phủ hấp dẫn các nhà tài chính chứ không phải sự thay đổi một cách nhạy cảm hấp dẫn họ.
Hỏi: Thưa ông, những đặc điểm gì quan trọng nhất, khu biệt nhất để nói về các nhà đầu tư Hoa Kỳ mà Việt Nam cần lưu tâm?
Trả lời: Hoa Kỳ là một quốc gia có một hệ thống chính sách kinh tế, có một hệ thống pháp luật có năng lực bao quát rộng nhất đến tất cả các miền lãnh thổ khác, cho nên sự nhạy cảm do tính toàn diện, do vùng ảnh hưởng lớn của luật pháp Hoa Kỳ là rất thách thức đối với những công ty ở những nền kinh tế mới nổi như chúng ta. Thích nghi được, thỏa mãn được các điều kiện của nền luật pháp Hoa Kỳ là một thách thức quan trọng, nếu qua được chúng ta sẽ có rất nhiều kinh nghiệm để hợp tác với các nền kinh tế khác.
Không có cách gì thuyết phục các nhà đầu tư nếu tình thế kinh tế của chúng ta không có gì để thuyết phục họ. Cho nên tìm một cách chủ động tác động vào các nhà đầu tư là sai. Tôi đã xem các cuộc vận động đầu tư, đến dựng rạp nói chuyện ở Mỹ, ở New York, nơi mà tất cả mọi tên ăn trộm đều chuyên nghiệp, ở đó chúng ta bắt đầu thể hiện sự ngớ ngẩn của mình. Những chuyện ấy là của 15 năm về trước, còn bây giờ chỉ cần một câu phát biểu đúng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì thế giới sẽ bừng tỉnh về tính đúng đắn của khuynh hướng phát triển của Việt Nam. Chất lượng của các nhà điều hành vĩ mô là công cụ PR quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Không cần phải lôi kéo gì vì tất cả các con ruồi đều nhạy cảm với bữa cỗ.
Hỏi: Trong các mối quan hệ kinh tế, hiện tại Việt Nam có quan hệ lớn nhất với Trung Quốc, sau đó mới đến Mỹ, Nhật Bản, EU và Asean, Trung Đông. Trước chính sách hướng đông của Mỹ cả về chính trị, an ninh và các lợi ích kinh tế, theo ông Việt Nam cần thay đổi những gì và cần tận dụng thế nào để tham gia vào toàn cầu hóa?
Trả lời: Câu hỏi này hơi lúng túng, bởi ý bạn định nói chúng ta tận dụng mối quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ để cân bằng với tình thế chúng ta không muốn, đó là chúng ta có quan hệ lớn hơn với nền kinh tế Trung Quốc. Việc không khai thác được lợi thế có trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc là do chúng ta sai và kém. Không thể nào dùng quan hệ với Hoa Kỳ để thay thế quan hệ với Trung Quốc được. Dùng quan hệ với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc thì chỉ có trong lĩnh vực chiến tranh, còn trong kinh tế thì không có chuyện ấy.
Để trả lời câu hỏi này tôi cho rằng, nếu chúng ta không khai thác được lợi thế có trong quan hệ đối với nền kinh tế Trung Quốc là chúng ta kém. Chúng ta phải thay đổi, bởi không tranh thủ được lợi thế đấy tôi sợ rằng chúng ta khó tranh thủ được lợi thế nào khác. Trung Quốc là một thị trường rất dễ về mặt chất lượng, rất dễ về mặt thói quen thương mại. Trên thế giới này tôi chưa thấy nền kinh tế nào mà phát triển trong mấy chục năm gần đây mà thoát khỏi được ảnh hưởng và quan hệ với nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc là nền kinh tế mà chính người Mỹ cũng đã tận dụng được. Người Mỹ rất coi trọng nền kinh tế Trung Quốc và giữ gìn mối quan hệ kinh tế ấy. Tôi sợ là chúng ta sai khi nghĩ rằng có thể dùng quan hệ kinh tế với Mỹ để cân bằng với Trung Quốc. Không bao giờ chúng ta làm được việc ấy. Quan hệ kinh tế của chúng ta với Mỹ bao giờ cũng tạo ra hiệu ứng yếu hơn quan hệ kinh tế giữa chúng ta với Trung Quốc.
Hỏi: Trong cuộc chơi với các ông lớn, Việt Nam bao giờ cũng phải khéo léo?
Trả lời: Không phải. Tất cả các con ruồi muốn ăn cỗ đều phải khéo léo mới lọt vào nhà được. Không gian kinh tế thế giới là không gian được hoạch định bởi các nước lớn, vì thế chúng ta phải tuân thủ quy tắc mà các nước lớn vạch ra. Chúng ta không có cơ hội đòi bình đẳng với các nước lớn. Chúng ta phải tận dụng không gian đã được hoạch định bởi các nước lớn, đó là một thực tế. Cách tốt nhất là chúng ta đừng lấy nước nọ để cân bằng với nước kia mà phải quan niệm rằng các anh có đánh nhau thì tôi cũng ăn được, các anh có hợp tác với nhau thì tôi cũng ăn được.
Tôi kể bạn nghe câu chuyện, khi Bộ trưởng ngoại giao của chúng ta, bác Nguyễn Duy Trinh có đến thăm Nhật Bản thì ngoại trưởng Nhật Bản thông báo cho ngài Nguyễn Duy Trinh là: Thưa ngài, tôi thông báo cho ngài biết là người Mỹ và người Trung Quốc đã ký hiệp định hợp tác hữu nghị, tức là người Mỹ và người Trung Quốc đã chính thức quan hệ với nhau rồi. Trong khi chúng ta đang chống Mỹ thì đấy là một tin sét đánh. Bác Nguyễn Cơ Thạch lúc bấy giờ là phó cho bác Nguyễn Duy Trinh nói rằng: Thưa ngài, nếu đúng là hợp tác hòa bình và hữu nghị thì ai ký với ai chúng tôi cũng ủng hộ. Đôi khi phải đạt được sự khôn ngoan như thế mới sống nổi trong thế giới hiện đại. Bây giờ càng ngày càng khó, đòi hỏi phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phải khôn ngoan hơn cả bố mình.
Thứ trưởng Bộ quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về nguyên tắc không liên minh với nước này để chống nước khác. Nhưng ba không trong lĩnh vực quốc phòng chưa phải là một phổ quát, ba không trong tất cả các lĩnh vực hợp tác quốc tế mới chính là chân lý phổ quát.
Hỏi: Thưa ông, một vấn đề đặt ngược ra là, trong tư duy cũng như trong nhận thức xã hội trong 30 năm qua quan hệ với Trung Quốc thì hầu hết chúng ta thua thiệt, nhập siêu rất lớn, các máy móc nhập từ Trung Quốc về chủ yếu là hàng phế liệu, đặc biệt có những dự án đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam như đường sắt nội đô Hà Đông vừa rồi cũng bị delay tiến độ, chất lượng công trình. Đơn cử một số dự án của Trung Quốc tham gia đầu tư chứ chưa nói đến việc hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam. Rõ ràng lợi ích mà Việt Nam quan hệ với Trung Quốc không đem lại lợi ích nhiều cho Việt Nam?
Trả lời: Câu kết luận của bạn rất không công bằng. Chúng ta có mạnh hơn người Myanmar không? Chúng ta từng thắng cả Mỹ cơ mà. Vậy tại sao chúng ta bắt buộc phải chấp nhận những sự thắng thầu liên tục. Nhiều sự thắng thầu của người Trung Quốc ở Việt Nam là do cán bộ hư, sau đó có những giải thích là do bị gây sức ép. Thử xem người Trung Quốc có làm được gì người Myanmar khi người ta không cho phép xây đập? Đến người Lào mà không ủng hộ thì người Trung Quốc cũng không làm gì được. Vấn đề là chúng ta không có một đội ngũ cán bộ đủ nghiêm túc để hoạt động kinh tế quốc tế.
Hỏi: Dân họ bài Trung Quốc, không muốn mua hàng Trung Quốc, nhưng các cơ quan doanh nghiệp thích hàng Trung Quốc?
Trả lời: Nhân dân chúng ta nghèo, người Trung Quốc làm thương mại rất giỏi, sản xuất rất giỏi, họ hiểu cái bế tắc của kẻ nghèo và họ sản xuất hàng hóa cho kẻ nghèo. Tình báo họ tốt nên họ đánh giá được tốc độ phát triển của các xã hội, các thị trường và cung cấp hàng hóa rất đúng tâm lý, đánh trúng cái bế tắc tinh thần của người nghèo. Chúng ta thì không. Kinh tế chúng ta chưa ra gì mà chúng ta đã muốn thành một nước thu nhập trung bình rồi lại còn lo rằng chúng ta sắp sửa rơi vào bẫy thu nhập trunh bình. Tất cả những chuyện đấy phản ánh một thái độ hiếu danh bừa bãi.
Hỏi: Trong quan hệ Việt Nam với Mỹ, ông đánh giá như nào về quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong bối cảnh liên kết toàn cầu hóa?
Trả lời: Câu hỏi đấy chia làm hai mảng, so sánh tương quan giữa Mỹ và Nhật Bản và các nước phương Tây khác và so sánh tương quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Phải chia như thế chúng ta mới nhận thức được, còn nếu không chúng ta không nhận thức được. Với các nước phương Tây thì người Mỹ vốn dĩ có hai khía cạnh, hai khuynh hướng khác nhau, những quốc gia thích Mỹ, những quốc gia xem Mỹ là đồng minh bình đẳng với nhau cho nên nó có hai mặt, có cả mặt cạnh tranh và có cả mặt đồng thuận. Phải nhạy cảm để lợi dụng sự đồng thuận của họ khi chúng ta có quan hệ với Mỹ. Có quan hệ với Mỹ thì tự nhiên chúng ta đi qua một số thử thách mà các nước khác cần phải tiến hành để hiểu Việt Nam, đấy là cái lợi. Còn cái hại là phải cạnh tranh với nhau, trong quá trình đó nếu chúng ta thân Mỹ quá thì chúng ta sẽ mất đi những lợi ích từ các nước phương Tây khác. Cho nên chúng ta cũng phải thận trọng ở khía cạnh cạnh tranh với các nước phương Tây trong tương quan quan hệ với Hoa Kỳ.
Đối với Trung Quốc thì vai trò của Mỹ là rất quan trọng, vì nước Mỹ chiếm được ưu thế là người nắm giữ tiêu chuẩn của sự phát triển. Đấy là một nền kinh tế đã phát triển ở mức cao nhất có thể có, với một quy mô áp đặt thế giới về tiêu chuẩn. Cho nên, khi có quan hệ với Hoa Kỳ chúng ta phải học cách làm của họ để có kinh nghiệm về hệ thống tiêu chuẩn hoàn chỉnh.
Cái lợi nhất trong quan hệ với Hoa Kỳ là học được việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn của người ta và được thừa nhận đồng dạng với hệ thống tiêu chuẩn của họ. Để học được thì phải đầu tư, còn để có sự đồng dạng về mặt tiêu chuẩn thì phải quảng bá. Buộc phải thừa nhận tiêu chuẩn của người ta một cách công khai thì mới làm cho thiên hạ thấy rằng Việt Nam ít nhất là thừa nhận tiêu chuẩn. Chúng ta đừng làm cái gì quá để người ta thấy rằng hệ thống tiêu chuẩn của chúng ta trái với hệ thống tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Chúng ta có thể nhân nhượng một chút để được hiểu là đồng dạng với hệ thống tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Đồng dạng ở đây giống như hai tam giác cân thì dù sao cũng có sự giống nhau, đấy là nguyên lý đồng dạng.
Hỏi: Rõ ràng việc chúng ta phải tự thay đổi là một thách thức trong cuộc chơi với Hoa Kỳ, theo ông đánh giá những thay đổi này phải xuất phát từ đâu?
Trả lời: Đây không phải là cuộc chơi giữa chúng ta và Hoa Kỳ, còn lâu lắm chúng ta mới có một cuộc chơi với Hoa Kỳ nếu không phải là chiến tranh. Trong mọi cuộc chơi về kinh tế mà chúng ta có trên thế giới này thì cách chơi với Hoa Kỳ quan trọng hơn nhiều so với việc chơi Hoa Kỳ. Chúng ta là đồng minh kinh tế, đồng minh trong nhiều vấn đề đạo đức, xã hội của họ thì chúng ta sẽ được hiểu như là một đồng dạng đối với các tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Tôi nhấn mạnh khái niệm tiêu chuẩn là để nói điều ấy.
Hỏi: Việt Nam vào TPP cũng là một ưu tiên của Mỹ, đặc biệt là một số đối thủ lớn của Mỹ như Trung Quốc thì không vào được TPP, ông đánh giá việc Việt Nam khai thác thị trường Mỹ như thế nào trong thời gian sắp tới?
Trả lời: Người Mỹ có lẽ rất thích chúng ta nói về TPP, tổng thống Obama thì thích hơn, nhưng đến bây giờ TPP coi chừng khó được thông qua nhất tại Mỹ. Chúng ta với tư cách là một người có ý đồ tham gia thì chúng ta nói khẽ về chuyện này, bởi vì khi nói về chuyện này chúng ta có thể mất những loại đồng minh khác. Đầu tiên phải nói về chuyện này là, nếu có TPP thì chúng ta là thành viên tích cực thừa nhận nó, bởi vì trong chuyện này Việt Nam chắc chắn là bị động, trong không gian kinh tế ấy Việt Nam là người lép vế và lép vế lâu. Tôi nghĩ là chúng ta phải thận trọng, tôi khuyên báo chí phải thận trọng, bởi nếu nói ra lộ quá sau này chúng ta không cãi được.
Hỏi: Đã có văn bản chính thức về việc Việt Nam phê chuẩn?
Trả lời: Hội nhập không phải chỉ là của công việc của Chính phủ. Chính phủ chúng ta thừa nhận TPP là một chuyện, còn xã hội Việt Nam có đủ năng lực để tham gia hay không lại là chuyện khác. Thực lợi của nền kinh tế chính là nhân dân có thể tham gia hay không chứ không phải Chính phủ có muốn tham gia hay không. Nếu như nay mai nhân dân tham gia không có lợi ích gì thì người ta sẽ nói là Chính phủ chúng ta sai.
Hỏi: Nói về việc hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ, hiện tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ hợp tác rất sâu, rất rộng về kinh tế, nhưng trong đó khoa học công nghệ và giáo dục cũng rất quan trọng. Ông có thể đánh giá quan hệ khoa học và giáo dục trong thời gian vừa qua như thế nào?
Trả lời: Nếu xem việc chúng ta có rất nhiều người đi học ở Mỹ là bằng chứng của sự hợp tác giáo dục thì tôi đồng ý. tôi không xem việc người ta đi học ở Hoa Kỳ như là bằng chứng của sự hợp tác. Đấy là quan hệ thương mại. Mỗi một năm chúng ta chi bao nhiêu tỉ đô la cho việc du học, cái đấy thể hiện sự kém cỏi của nền giáo dục của chúng ta hơn là tính ưu việt của nền giáo dục Hoa Kỳ. Tôi không xem chúng ta đã có hợp tác khoa học và kỹ thuật gì ghê gớm. Tất cả mọi nước dù chậm phát triển trên thế giới này hầu hết thành phần Trung ương của nó đều đi học ở Mỹ. Các nước châu Phi với những điều kiện tồi tệ về nhiều mặt nhưng rất nhiều người da màu đã thành công ở Hoa Kỳ.
Tôi nghĩ rằng không nên vơ vào như vậy nhân dịp tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam. Chúng ta cần khai thác đúng, phân tích đúng tất cả các lợi ích mà chuyến đi này mang lại, bày tỏ sự cảm nhận đúng và chính xác về vai trò của tổng thống Hoa Kỳ đối với việc xúc tiến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ở nhiều mức độ, nhiều cấp độ. Ở mức cao nhất là cấp độ tổng thống tôi nghĩ rằng tổng thống Obama rất xứng đáng để chúng ta xem đấy là một trong các yếu tố quan trọng nhất tạo ra sự xúc tiến các quan hệ hiện có.
Hỏi: Còn về mặt Việt Nam có thể khai thác được từ thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt kênh đầu tư chuyển mối sang Hoa Kỳ, gần đây xuất hiện một số các nhà đầu tư vào Việt Nam sang Hoa Kỳ nhưng chưa được nhiều, chủ yếu là lĩnh vực bán lẻ. Ông có thể chia sẻ một số quan điểm?
Trả lời: Cái đấy chúng ta phải nhìn vào số liệu về sự chảy máu đồng tiền từ Trung Quốc sang nước ngoài. Chúng ta cảnh báo người Trung Quốc về xu hướng ấy, nhưng chúng ta không tự cảnh báo mình. Hầu hết là chuyển tiền, sau khi kiếm được một số tiền thì đi sang Mỹ.
Hỏi: Nhưng các doanh nghiệp đầu tư thì sao thưa ông?
Trả lời: Doanh nghiệp đầu tư cũng thế. Doanh nghiệp đầu tư là một cái vỏ, chẳng ai làm gì, chúng ta không có hàng hóa gì sản xuất ở Hoa Kỳ, chúng ta không có gì, thành tích mà làm ầm ĩ một thời gian là chúng ta mua được một thị trấn bỏ không. Mọi người cứ tưởng thế, nhưng tôi thì không. Chúng ta chưa làm gì được, cái gì làm được chúng ta làm rồi, tôi đã lang thang khắp nước Mỹ để xem cái chúng ta làm được. 90% những người Việt thành công ở Mỹ là đi làm thuê cho các tổ chức có uy tín.
Hỏi: Xâm nhập vào thị trường Mỹ quá khó?
Trả lời: Không phải quá khó. Ở đâu cũng thiếu việc làm. Người Mỹ hàng năm cũng vẫn thiếu việc làm, tổng thống nào cũng phấn đấu để tăng việc làm cho người dân. Chúng ta chen vào thị trường lao động ấy rất khó, thường là công việc ở mức rất thấp, trừ một số người có năng lực. Ví dụ như những người làm việc cho World Bank, làm việc cho các ngân hàng Hoa Kỳ ở New York hay những người đi dạy ở các trường là có năng lực. Số đấy không nhiều và vẫn là một thiểu số làm thuê, không có ảnh hưởng xã hội đáng kể. Đại bộ phận những người dân thường mở quán bán phở hoặc làm nail.
Hỏi: Quay lại quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ, ông đánh giá như thế nào về các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đàu tư vào Việt Nam.
Trả lời: Họ là những người rất tốt. Tất cả những công ty kiểu cổ điển của Hoa Kỳ đã từng có mặt ở Việt Nam: IBM, Ford, TM, Vchuck, công ty công nghiệp máy xây dựng lớn nhất Hoa Kỳ...tất cả những công ty đó đã từng có mặt ở Việt Nam và họ đã từng bán cả những vệ tinh như Lockheed Martin, họ là khách hàng của tôi.
Hỏi: Về việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí thì sao?
Trả lời: Tôi nghĩ là chưa, không phải vì khó. Nếu Việt Nam có vũ khí quan trọng của Mỹ thì Việt Nam có đủ tiền để bảo vệ an ninh cho nó không? Anh có thể rất chân thật, anh muốn giữ nhưng anh có đủ năng lực để giữ không. Ngăn ngừa con em mình lấy trộm đã khó chứ đừng nói đến ngăn ngừa anh hàng xóm. Qua nhiều câu chuyện đã gặp chúng ta hiểu rất rõ là để giữ được những an toàn về phương diện ấy rất khó.
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi họp báo công bố các nội dung buổi hội đàm ngày 23-5-2016. Ảnh: Tuổi trẻ
Hỏi: Ông có kỷ niệm nào với các tổng thống Mỹ sang Việt Nam?
Trả lời: Tôi kể cho bạn nghe một ví dụ là khi tôi được tham gia một buổi tiếp tân của tổng thống Bush cha ở hội trường UBND thành phố Hà Nội cách đây 20 năm, thời đấy ông ấy vừa mới thôi làm tổng thống. Tôi được mời với tư cách là luật sư của ngân hàng City Bank. Mọi người xông vào hỏi những câu rất khiêu khích. Giám đốc ngân hàng là người tổ chức ra cuộc gặp gỡ ấy sợ vỡ trận mới đến gặp tôi và nói: ông làm ơn hỏi tổng thống một câu gì để thư giãn một chút, căng thẳng quá. Lúc ấy tôi ngồi cạnh anh Phạm Chuyên là giám đốc sở công an. Tôi hỏi ông Bush: Tổng thống phải đi qua một chặng đường dài về địa lý và chính trị để gặp cựu thù của mình là Việt Nam, tổng thống đánh giá chúng tôi và các nhà lãnh đạo của chúng tôi như thế nào? Ông ấy bảo “tôi đã gặp Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cho đến phút này tôi vẫn chưa hết cảm động về thái độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tôi phải cảm ơn số phận cho phép tôi có những cuộc gặp gỡ thú vị như vậy”. Cả hội trường vỗ tay và không khí giãn ra. Trước đó không khí căng thẳng đến mức có một anh hỏi bằng tiếng Anh ú ớ, ông Bush phải nói “thưa ngài, ngài làm ơn hỏi bằng tiếng Việt, tôi có người phiên dịch cho ngài, vấn đề không phải là tại tiếng Anh của ngài mà do cái tai của tôi”. Đấy là kinh nghiệm.
Hỏi: Ông có thể nói về tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Trả lời: Phải nói rằng chúng ta là nước bé, chậm phát triển, nghèo. Chúng ta luôn luôn phải đi dây giữa các cường quốc. Đến năm 1995 khi chúng ta xác lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, thì trước đó chúng ta đi dây giữa Nga và Trung Quốc. Chúng ta dùng Nga để cân bằng với Trung Quốc và ngược lại. Sau khi có quan hệ với Hoa Kỳ chính sách đối ngoại của Việt Nam chuyển từ đi dây giữa Nga với Trung Quốc thành đi dây giữa Trung Quốc với Mỹ. Một quốc gia mà thoắt một cái đi dây giữa hai cường quốc hàng đầu của thế giới như vậy có phải là một sự thay đổi ghê gớm không? Trong tất cả các thái độ mà chính phủ chúng ta thể hiện thì thái độ đối ngoại là thể hiện khó nhất và quan trọng nhất. Vì thế cho nên nhân dịp này tôi kêu gọi các lực lượng xã hội đừng bắt chính phủ chúng ta làm việc khó là nghiêng về bên nào. Không phải do tự ái hay do năng lực của các nhà lãnh đạo, tất cả các tình thế khó là do năng lực của dân tộc chúng ta mà buộc phải làm thế. Để đi qua được trạng thái như hiện nay cũng còn rất khó, để có thể yên ổn được như hiện nay cũng đã rất khó chứ đừng tưởng rằng chúng ta đã thành rồng thành phượng gì. Tất cả những thứ thành rồng thành phượng người ta chỉ nói để động viên chúng ta thôi.
Hỏi: Việt Nam đang bị kẹt giữa những luồng tư tưởng khác nhau và những lợi ích khác nhau. Giai đoạn tới chúng ta cần làm gì?
Trả lời: Hãy là chính mình. Sai lầm nhất của Việt Nam là lúc nào cũng “muốn làm gì”, lúc nào cũng “định làm gì đó”, bày đặt ra một cách chủ quan do trí tưởng tượng méo mó của mình về thế giới. Sống bình thường thôi, nghe cho kĩ tất cả những khuynh hướng, theo cho sát tất cả những lợi ích. Khuynh hướng đúng thì mình theo, các lợi ích rõ ràng thì mình chộp lấy. Chúng ta cứ định chen ngang, đi tắt và đón đầu nhưng không đi tắt được bởi phát triển là phải phát triển hoàn chỉnh, từ trong ra ngoài, từ gen, làm sao đi tắt đón đầu được.
Hỏi: Lợi ích của một số dân tộc trên thế giới đang bị đe dọa khi họ đang nắm giữ tài nguyên như dầu mỏ ở Libi, Sirya...Trong các cuộc tranh chấp giữa các cường quốc lớn thì lợi ích dân tộc của họ bị ảnh hưởng và đe dọa. Việt Nam cũng đang có rất nhiều lợi ích, như lợi ích ở biển Đông. Chúng ta đang bị mắc giữa Trung quốc, Mỹ và nội lực của Việt Nam đối với khai thác nhưng lại bị một anh lớn chèn ép?
Trả lời: Tôi sợ anh mô tả và diễn đạt tình huống sai. Việt Nam là nước khai thác sớm nhất nguồn dầu ở biển Đông. Lấy lí do là chèn ép về quyền lợi thì không giải thích được thái độ hiện nay của Trung Quốc với Việt Nam. Trung Quốc mới bỏ tiền ở biển Đông chứ chưa khai thác gì, chúng ta phải nghiên cứu xem họ định làm gì với biển Đông.
Giải thích như anh rất dễ gây nhầm lẫn về nhận thức. Biển Đông có giá trị hơn nhiều so với một vài thùng dầu mà chúng ta khai thác. Chúng ta nghèo thì khai thác dầu khí và thấy nó quan trọng, nhưng so với thế giới mênh mông này thì dầu khí ở biển Đông không quan trọng. Tôi cho rằng chúng ta đang sai khi nhận thức vấn đề này.
Tàu chúng ta đi ngoài biển Đông rất có thể vướng phải Trung Quốc, nhưng nếu là tàu Mỹ thì Trung Quốc không dám đụng, tàu của Thụy Sĩ đi Trung quốc cũng không dám đụng. Cho nên vấn đề không phải là kinh tế, biển Đông đang được sử dụng cho vấn đề gì đó quan trọng hơn vấn đề kinh tế. Nghiên cứu về cấu trúc tác chiến của quân đội Trung Quốc thì thấy rằng họ không có chỗ nào để tập kết các phương tiện chiến tranh đường thủy cả. Biển Hoa Đông rõ ràng quá nguy hiểm cho Trung Quốc, nếu biển Đông thì Việt Nam án ngữ gần nhất, nếu không có sự ủng hộ của Việt Nam thì Trung quốc rất khó để biến nó thành chỗ tập kết lực lượng. Cho nên tôi nghĩ Trung quốc cần cả biển Đông lẫn Việt Nam để thực hiện được mục tiêu quan trọng của họ, kinh tế là phụ, khai thác dầu khí là phụ, đánh cá là phụ. Vậy làm thế nào để thương lượng với Trung Quốc khi chúng ta biết chắc chắn rằng họ cần cả biển Đông lẫn Việt Nam? Nếu tất cả lực lượng Trung quốc mà tập trung ở đấy để đối đầu với Việt Nam thì cũng không dễ dàng gì. Chúng ta còn dám đánh Mỹ cơ mà. Người ta nghĩ chúng ta ở gần Trung quốc, mà Trung quốc thì ghê lắm mà quên mất rằng Mỹ cũng ghê lắm mà chúng ta đã đánh bại đấy thôi. Có lẽ chiến tranh lâu rồi nên chúng ta quên mất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn