Lối ra cho nền giáo dục hiện thời của đất nước nên bắt đầu từ đâu?

07:12 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Bảy, 2013
Đúng là dư luận xã hội, báo chí, các mạng, đặc biệt là các bậc thức giả, kể cả nhiều Việt Kiều ở hải ngoại đều đã và đang thiết tha mong muốn làm sao đưa được nền giáo dục hiện thời của nước nhà ra khỏi tình trạng ì ạch, nhiều bất cập. Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gần đây cũng đã đề ra chủ trương sẽ đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Như thế thì ở đây, nhất định phải có vấn đề đầu tiên là tìm chỗ lối ra cho nền giáo dục nên bắt đầu từ đâu?

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều chủ trương, nhiều động thái, nhiều kiến nghị. Nào là:

- Đổi mới tư duy quản lý giáo dục

- Quyết tâm đưa nền giáo dục từ chỗ học để biết tới chỗ học để biết, để làm, để sống và để làm người chân chính.

- Xây dựng chiến lược giáo dục

- Xây dựng triết lý giáo dục

- Xây dựng nền tảng khoa học và xã hội nhân văn vững chãi cho giáo dục

- Sắp xếp lại hệ thống giáo dục quốc dân

- Cải cách lại hệ thống chương trình và sách giáo khoa

- Đẩy mạnh cuộc cách mạng về phương pháp giảng dạy

- Cải thiện đời sống và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

- Thực hiện phong trào “ hai không”

- Xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực

- Khẩn trương đào tạo hai vạn tiến sĩ, mở thêm các trường đại học

-Đẩy mạnh việc hội nhập thế giới trong lãnh vực giáo dục nói chung,giáo dục đại học nói riêng.

- Đưa lại sự trung thực trong nền giáo dục

v.v…

Xin được hỏi: những chủ trương, những động thái, những kiến nghị như thế dù là đích đáng, cơ bản, rất cần thiết  (dĩ nhiên cũng có điều không đích đáng như chuyện mở thêm các trường đại học, tăng số lượng đào tạo tiến sĩ một cách vô tội vạ), nhưng đã đúng là chỗ bắt đầu của lối ra cho hiện tình giáo dục chưa? Tôi xin thưa rằng: chưa. Bởi lẽ, ở đây cần phân biệt hai khái niệm: chỗ bắt đầu của lối ranhững trọng tâm, trọng điểm của công việc trên một lộ trình đi tới đích. Quả là vậy. Trong cuộc sống, đi đâu, làm gì, lộ trình nào cũng đều phải có chỗ bắt đầu, mà việc lữa chọn chỗ bắt đầu đó cũng không phải là điều đơn giản. Nó đòi hỏi một năng lực lữa chọn tối ưu. Bởi nó là chỗ bắt đầu nhưng lại trực tiếp liên quan, chi phối, cũng có thể nói là quyết định một phần đáng kể chất lượng công việc trọng tâm trọng điểm về sau trong vai trò tiền đề, cơ sở nhận thức, điều kiện góp phần tạo khả năng đồng thuận tối đa, gộp lại là theo kinh nghiệm đầu đi đuôi lọt.Nó là cách làm tối ưu trong lề lôi làm việc, phương pháp hành động. Chẳng phải vì thế mà người Việt Nam ta từ xưa tới nay vẫn rất coi trọng việc chọn hướng chọn nơi mở cổng đi ra của nhà. Phải dựa vào phong thủy, phải nhờ các thầy địa lý chọn cho. Mà đến vận nước, cũng thế.  Nhất là những lúc gặp khó khăn, bế tắc, chọn đâu cho đúng chỗ ra bắt đầu là vô cùng quyết định, thường phải cần đến một trí tuệ lớn, đến các bậc vĩ nhân, cứu tinh. Cho nên, với nền giáo dục hiện thời của đất nước mà từ nhân dân đến lãnh đạo đều đang mong muốn thoát khỏi tình trạng ì ạch, bất cập như thế, không thể không đặt vấn đề tìm chỗ bắt đầu của lối ra là ở đâu thông qua một sự bàn bạc của nhiều người, đặc biệt là của những vị có tâm huyết, có tuệ giác, hiểu biết sâu rộng về giáo dục.

Đây là vấn đề mà năm 2000, trong cuộc gặp mặt đầu năm chào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ III do Thủ tướng Phan Văn Khải mời, có đông nhân sĩ trí thức tham dự; rồi trên báo Nhân Dân số Tết năm 2004 trong bài Hợp âm đa thanh và hai điều ước; rồi nữa năm 2006, trong bài Nhân có bức thư của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục -  Đào tạo đăng trên Văn nghệ trẻ, tôi đã phát biểu. Nay xin được nói lại rõ và đầy đủ hơn. Mong được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà khoa học giáo dục, các bậc thức giả trong và ngoài nước từng nhiệt tình, thiết tha với sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, quan tâm xem xét, bàn bạc thêm, chỉ bảo thêm, kể cả đối thoại nữa, để may gì được chấp nhận và thực thi một cách có hiệu quả.


Vấn đề I: Bắt đầu phải từ việc đánh giá lại hiện tình giáo dục của nước nhà căn bản và toàn diện hơn những gì đã đánh giá

     1. Muốn hành động có kết quả thì với ai cũng vậy, phải biết mình đang là gì? Đang ở đâu? Đã có cái gì? Ở mức nào? Chưa có cái gì? Chất lượng của việc làm về sau lệ thuộc vào trình độ đánh giá đó. Vậy thì với tình hình giáo dục của nước nhà hiện thời, việc đánh giá đang ở trạng thái nào? Phải chăng là thế này:

       1.1.Với bộ phận lãnh đạo từ cấp trung ương cho đến các cấp địa phương thuộc các tỉnh, thành, huyện, phường, xã, trường học, nói chung thì: thành tích là cơ bản, tuy cũng còn hạn chế này, khuyết điểm nọ cần khắc phục. Cách đánh giá và nội dung đánh giá này còn rất xa với thực tiễn giáo dục vô cùng phong phú và phức tạp vì nó quá ư đơn giản, chỉ phù hợp với yêu cầu chính trị trước mắt một cách chủ quan mà chưa đủ đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục bền vững lâu dài. Nó có liên quan tới một thứ bệnh thời đại đã ở độ trầm kha là chủ nghĩa thành tích vốn có gốc gác từ căn bệnh tự kiêu vô sản mà Lênin từng phê phán. Một thực trạng đánh giá như thế hẳn cũng là bất lợi cho việc tìm chỗ bắt đầu của lối ra dù có thiết tha với nó đến mấy.

       1.2. Với dư luận xã hội, báo chí, các mạng trong và cả ngoài nước, ý kiến của nhiều bậc thức giả, thì đúng là “trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng” mà nét chủ đạo lại thiên về phê phán, chê bai dựa trên tình trạng thường ít nhiều còn là gặp đâu nói đấy, nóng đâu sờ đấy, cục bộ, phiến diện, thiếu hệ thống, kể cả cảm tính, mặc dù có không ít điều bổ ích, cần thiết, tạo thêm điều kiện để các nhà lãnh đạo quan tâm hơn hiện tình giáo dục mà có chủ trương này khác, đặc biệt là có nghị quyết đổi mới căn băn và toàn diện về giáo dục.

    2, Việc đánh giá nền giáo dục quả là một việc làm vô cùng khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ trong cuộc sống của đất nước, không một ngành nào được/  bị toàn dân để mắt vào và sẵn sàng có ý kiến như với ngành giáo dục. Chẳng cần đến một vị đại sư như Hoàng Tụy, một văn sĩ có tên tuổi như Nguyên Ngọc, một nhà khoa học giáo dục lừng danh như Hồ Ngọc Đại,… đã bằng lòng nhiệt thành và trí tuệ sắc sảo mà góp ý cho giáo dục nhiều điều bổ ích. Một cụ già ở quê nào đó, không biết chữ nhưng nay có cháu nội cháu ngoại được đi học, hàng ngày cứ phải đến trường với một ba lô sách giáo khoa mang vẹo cả lưng, cụ buột ra một câu: học gì mà nặng thế! Câu nói đơn giản và rất dễ có của cụ đã đánh rất trúng vào một khuyết tật gần như là thâm căn cố đế của nền giáo dục hiện thời là quá tải. Đúng là không một ngành nào trong xã hội đụng chạm đến quyền lợi của mọi nhà, đến toàn dân do đó mà thường xuyên bị đặt lên bàn cân dư luận như ngành giáo dục. Chứ như ngành Y tế, tuy cũng được dư luận xã hội quan tâm nhiều nhưng chủ yếu cũng chỉ với các bệnh nhân và gia đinh bệnh nhân mà thôi. Hay như ngành Giao thông cũng được dư luận bình phẩm, thắc mắc nhiều nhưng cũng chỉ là chuyện của người dân thành thị và người dân sống gần các đường  có nhiều xe cộ qua lại mà thôi. Đó là chưa kể có ngành có tổ chức này nọ lại giường như được phép đặt ngoài sự phán xét của báo chí, dư luận,  mặc dù với các ngành đó, tổ chức đó không phải không có chuyện, thậm chí là chuyện lớn. Từ nét đặc thù này, vấn đề đặt ra là cần phải có một khoa học đánh giá, kể cả một nghệ thuật đánh giá ngành giáo dục sao cho thật sâu sát, cặn kẽ, đến nơi đến chốn đã đành nhưng còn sao cho thật thỏa đáng, chứ như hiện nay thì xem ra đã có không ít sự bất lợi, thậm chí là nguy hiểm cho vận nước. Bởi học sinh là tương lai của đất nước. Vậy mà hôm nay học sinh đến trường nhưng đã ít nhiều không tin vào nhà trường, coi thầy cô giáo không ra gì thì hiệu quả giáo dục sẽ là gì.Thưở trước, cha ông đặt thầy trên cha, (quân sư phụ) hẳn là điều con cháu đời nay phải suy nghĩ. Phải làm sao từ nhiều phía để giữ được niềm tin của học sinh, kể cả dư luận xã hội đối với sự nghiệp giáo dục, với nhà trường, với thầy cô. Bài toán khó là thế, nhưng không được né tránh. Né tránh là có tội với đất nước.

    3. Cái khó của việc đánh giá ngành giáo dục là  cả ở hai phía. Phía  đánh giá và phía tiếp nhận đánh giá vốn là bá nhân bá ý.Về phía đánh giá, thử lấy một ví dụ là chuyện so sánh hơn thua giữa giáo dục thời sau có các Bộ trưởng khác với thời trước có các Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên,Tạ Quang Bửu, thì trong dư luận xem ra dễ dàng cho là thời sau thua thời trước, nhưng thực tế lại không hẳn là thế. Bởi xét về trình độ văn hóa học thuật và bản lĩnh quản lý thì có thể cho rằng các vị sau chỉ đáng bậc đàn em thậm chí là học trò của hai vị trước, nhưng về nền giáo dục của nước nhà thì đúng là thời sau có nhiều mặt thua thời trước nhưng lại vẫn có không ít mặt hơn thời trước kia mà. Đâu đó trên báo chí đã mơ ước có lại được một Tạ Quang Bửu cho nền giáo dục thời nay. Điều mơ ước này vừa có căn cứ vừa không có căn cứ. Bởi nếu có được một cụ Bửu tái sinh để làm Bộ trưởng giáo dục  thời nay thì có thể là giáo dục không ì ạch đến mức như hiện có. Nhưng chắc gì cụ Bửu tái sinh để làm Bộ trương giáo dục thời nay thì sẽ được sùng bái  như thời trước cụ đã làm. Mỗi thời một hoàn cảnh. Mỗi thời có bài toàn khó của giáo dục. Cụ Bửu có tài ba lỗi lạc đến mấy cũng đâu dễ giải hết mọi bài toán khó của giáo dục ở mọi giai đoạn của lịch sử. Vậy thì ở đây, phải có một phương pháp so sánh như thế nào mới là hợp lý nhất, dù là tương đối, để được đại đa số đồng thuận nhất và có lợi cho tâm lý của tuổi trẻ học đường. Lại như chuyện so sánh hiện tình giáo dục của nước nhà với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới mà ý kiến chung gần như đều cho rằng thua kém. Dĩ nhiên là đúng nhưng sự thua kém ra sao thì đâu đã có sự tường minh một cách hệ thống. Vả chăng, ở đây, trong sự so sánh, bên cạnh chuyện hơn thua còn có chuyện khác nhau vốn là một yêu cầu không thể thiếu thì đâu đã được chỉ ra một cách rõ ràng và đầy đủ. Đúng là việc so sánh, học tập kinh nghiệm thế giới để vươn lên ngang tầm với họ là cần thiết cho của nền giáo dục hiện thời của nước nhà nhưng cũng không phải là chuyện đơn giản, dễ dại.

   4. Từ những gì đã được nói trên đây sẽ dẫn tới vấn đề là: nếu muốn thực sự đổi mới căn bản và toàn diện nhằm đưa nền giáo dục hiện thời sang một dạng thái mới để giành lại niềm vui cho đất nước, không thể không bắt đầu từ một cuộc tổng đánh giá, một cuộc đại phẫu, vượt hẳn lên trạng thái đánh giá đã và đang có từ  phía lãnh đạo và phía dư luận xã hội, báo chí. Cuộc tổng đánh giá, đại phẫu này phải mang đầy đủ các tính: toàn diện, triệt để, sâu sát, hệ thống, khách quan, khoa học, kể cả nghệ thuật, mặc dù vẫn là tương đối và cũng phải có quá trinh. Trong đó, trước hết là phải có một dự án thuộc chương trình khoa học cấp quốc gia mà đề cương có thể gồm ba cụm vấn đề lớn như sau trong nội dung tổng đánh giá:

      4.1. Cụm I:  Các vấn đề có liên quan đến sinh mệnh của sự nghiệp giáo dục, gồm:

- Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển giáo dục ở cấp tổng thể và bộ phận theo yêu cầu giáo dục là quốc sách hàng đầu một cách đích thực.

-  Những vấn đề thuộc về khoa học xã hội và nhân văn cần có để làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục một cách lâu dài.

-  Thành tựu của khoa học giáo dục Việt Nam cần cho yêu cầu phát triển giáo dục trong thời hiện đại.

-  Mối quan hệ hữu cơ và tương tác giữa cuộc sống của đất nước hiện thời với nền giáo dục.

-  Mối quan hệ giữa giáo dục của gia đình với giáo dục của nhà trường trong thời hiện đại. Vấn đề giáo dục gia đinh từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công  đến nay.

-  Chính sách đầu tư của Nhà nước cho giáo dục tương quan với các ngành khác trong phạm vi quốc gia, tương quan với một số nước trong khu vực.

-  v,v…

      4.2. Cụm II:  Những vấn đề thuộc bản thân nền giáo dục, gồm:

 -  Mục tiêu của nền giáo dục từ cấp độ tổng thể đến bộ phận.

-  Nội dung khoa học xã hội và nhân văn hiện có trong nền giáo dục.

-  Trình độ hiểu biết về truyền thống giáo dục của Việt nam xưa.

-  Triết lý giáo dục  từ cấp độ vĩ mô đến cấp độ vi mô.

-  Chiến lược giáo dục trước mắt và lâu dài.

 - Hệ thống tổ chức ngành giáo dục bao gồm hệ thống quản lý từ trung ương đến các tỉnh, thành, huyện, phường, xã và hệ thống trường học các cấp và các loại trường học.

 - Việc lữa chọn những người đứng đầu ngành giáo dục vốn đòi hỏi cao về trình độ văn hóa đa ngành, về trình độ hiểu biết giáo dục của đất nước và thế giới.

 - Chương trình, sách giáo khoa ở mọi cấp học, môn học, loại trường học.

 - Phương pháp giảng dạy.         

- Đội ngũ giáo viên ở mọi cấp học, loại trường học trên các phương diện: phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, điều kiện sống và làm việc trong tương quan so sánh với các ngành khác trong phạm vi quốc gia. Tình hình đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

- Chính sách giáo dục đối với các vùng miền có sự cao thấp khác nhau về kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là các vùng có khó khăn về điều kiện sống, trình độ văn hóa.

-  Tính dân chủ, công khai và sự công bằng trong nền giáo dục hiện thời.

 -  Mối quan hệ giữa vai trò quản lý của nhà nước với chính sách xã hội hóa giáo dục.

-  Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm của trường học các cấp trong cả nước, bao gồm cả quốc lập và dân lập. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi.

-   So sánh giáo dục hiện thời với giáo dục trước 1975 tại hai miền Nam Bắc.

-  So sánh giáo dục Việt Nam hiện thời với giáo dục một số nước trong khu vực thuộc hai đối tương hơn và thua.

-    Hiệu quả sử dụng ngân sách đầu tư cho giáo dục.

-v.v…

    4.3. Cụm III: Khoa học đánh giá

         4.3.1. Trước hết phải thống nhất quan điểm rằng: để cuộc tổng đánh giá, đại phẫu này có kết quả, dù là tương đối, ở cấp tổng thể hay bộ phận, nhất thiết phải đặt lên hàng đầu yêu cầu về khoa học đánh giá bao gồm quan điểm (phương pháp luận), hệ phương pháp và phương pháp sao cho thật đích đáng, tự giác, tường minh, hệ thống và được quán triệt từ cấp tổng thể đến cấp bộ phận.

         4.3.2. Để có được một trình độ khoa học đánh giá đích đáng như thế, cũng nhất thiết phải có những điều kiện sau:

   a) Đảm bảo tự do tư tưởng theo tinh thần của hiến pháp, cho phép việc đánh giá được vượt qua các rào cản, đi qua vùng cấm một cách chính đáng và phải chịu trách nhiệm.

   b) Thành lập một bộ phận chuyên trách về khoa học đánh giá bao gồm những trí thức lớn, những nhà khoa học giáo dục có thực chất, một số nhà giáo có danh tiếng, một vài trí thức Việt kiều giàu kinh nghiệm và tâm huyết với giáo dục nước nhà, kể cả một vài chuyên gia giáo dục của nước ngoài. Bộ phận chuyên trách này đảm nhiệm việc xây dựng quan điểm và phương pháp đánh giá ở cấp tổng thể và chỉ đạo việc xây dựng quan điểm và phương pháp đánh giá ở các cấp bộ phận. Thành quả xây dựng khoa học đánh giá của bộ phận chuyên trách sẽ được công bố trước toàn dân để lấy thêm ý kiến trên đường đi tới hoàn thiện cuối cùng, Sau đó mới tiến hành tổng đánh giá.

   c) Việc đánh giá các kết quả đánh giá ở cấp độ nào cũng phải bắt đầu từ việc đánh giá quan điểm và phương pháp đánh giá đã phải được ghi ở đầu văn bản. Cách làm này có vẻ như bày biện, nhiêu khê, nhưng có thế mới đảm bảo chất lượng đánh giá và mới có khả năng tạo sự đồng thuận trong việc đánh giá các kết quả đánh giá.

    Vấn đề II: Nghiên cứu một cách công phu mối quan hệ giữa thực trạng của đất nước và thời đại với sự nghiệp giáo dục trên hai bình diện: môi sinh, yêu cầu gắn bó.

       1. Qui luật của sự sống là: Đất nước thế nào, thời đại thế nào  thì giáo dục thế ấy. Giáo dục với đất nước và thời đại như thuyền với nước. Nước lên thuyền lên. Nước xuống thuyền xuống. Dĩ nhiên lại phải hết sức coi trọng vai trò chủ thể chủ động của giáo dục, trong đó đặc biệt có vai trò của người cầm lái. Trong tình hình đánh giá giáo dục vào những năm qua có hiện tượng phi lý nhưng khá phổ biến là coi giáo dục như một ốc đảo để từ đó mà chê bai, lên án nó. Ví như lên án nhà trường dạy trẻ con nói dối mà quên rằng nói dối đâu chỉ là chuyện riêng trong nhà trường. Thử hỏi trên trái đất này, đất nước này, nhất là thời nay, ở đâu không có sự nói dối một khi nó là qui luật của trần gian mà tạo hóa đã an bài. Lại nhớ thời ông Nguyễn Minh Hiển làm Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, cứ mỗi lần quốc hội họp là mỗi lần ông bị chất vấn, phê phán về tình trạng dạy thêm học thêm, cũng là mỗi lần ông nhận khuyết điểm để rồi không khắc phục được đến mức có bận bị một vị đại biểu quốc hội nói năng có phần xúc phạm làm ông phát cáu, và báo chí đã có bài Bộ trưởng cáu. Không dấu gì quí vị, ngày đó, thấy Bộ trưởng Hiển trả lời như vậy, tôi cứ ước gì mình được thay ông trả lời bằng cách: trước hết vẫn phải nhận khuyết điểm nhưng chỉ là phần thuộc phạm vi nhà trường. Còn phần ngoài nhà trường thì xin để nhà nước, quốc hội, xã hội lo liệu là chính. Quan trọng hơn là xin quốc hội để ý đến cái qui luật cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua, mà Darwin đã phát hiện trong học thuyết Tiến hóa luận. Nó có hai mặt: khốn nạn và cần thiết mà tạo hóa cũng đã an bài cho loài người trong đó có Việt nam ta. Khốn nạn ở chỗ nó gây nên tình trạng cá lớn nuốt cá bé, gây bất bình đẳng, làm suy thoái đạo đức xã hội. Cần thiết ở chỗ không có nó thì không phát triển được sự sống. Bài học rút ra từ sự thất bại của Liên Xô, của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, xét đến cùng là thế, do không chấp nhận qui luật cạnh tranh sinh tồn. Chuyện dạy thêm học thêm là thuộc qui luật có tính chất hai mặt đó. Nó khốn nạn vì nó làm mất tuổi thơ của học sinh, làm khổ các bậc phụ huynh nhất là những gia đình nghèo và gây bất bình đẳng trong xã hội, nhưng chính nó cũng đưa lại không ít điều lợi ích mà thiết tưởng chẳng cần nói ra cũng đã rõ. Người dân chẳng dại gì một khi họ cho con, bắt con học thêm rất tốn kém. Đã là qui luật thì làm sao mà xóa bỏ hoàn toàn nó được. Xin phép được hỏi trong quí vị đại biểu quốc hội có vị nào không cho con cho cháu học thêm không. Ở đây, vấn đề chính là phải bằng năng lực chủ động của con người để hạn chế mặt khốn nạn, đối phó và điều tiết sao cho nó hợp lý vậy thôi. Mà trách nhiệm đó là thuộc cả xã hội, đứng đầu là Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Ngành giáo dục xin đóng vai trò trợ lý, tham mưu tích cực.

     2. Nói qua như trên là để thấy rằng trong việc tìm chỗ bắt đầu của lối ra cho giáo dục, liền theo cuộc tổng đánh giá, không thể không đặt vấn đề nghiên cứu mối quan hệ giữa thực trạng của đất nước và thời đại với sự nghiệp giáo dục ở tầm cao, tầm sâu, tầm khoa học đích thực chứ không thể ngừng lại ở một vài kiến giải quá đơn sơ nên vô bổ. Có như thế mới tạo được cơ sở vững chắc cho mọi sự hoặch định và thực thi chính sách, chiến lược, trọng tâm, trọng điểm về giáo dục theo yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện  mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Dĩ nhiên cũng là để dễ có sự đồng thuận của xã hội với giáo dục. Trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và đào tạo đã bỏ khá nhiều công sức và tiền của vào việc xây dựng chiến lược giáo dục mà nghe nói đã sửa đi sửa lại hơn hai chục lần (riêng tôi cũng được một lần góp ý) mà vẫn chưa thông qua được chính là do chỉ quen với tư duy làm nghị quyết mà chưa có tư duy và lề lối làm chiến lược ở độ cần và đủ, trong đó có sự bắt đầu cho ra bắt đầu mà ở đây đang bàn tới. Nội dung nghiên cứu mối quan hệ này sẽ bao gồm hai phương diện: môi sinh, yêu cầu gắn bó.

        2.1. Môi sinh cho giáo dục:

 2.1.1. Thực trạng đất nước và thời đại với tư cách môi sinh của sự nghiệp giáo dục, vốn là đa diện, là thiên hình vạn trạng, là vô cùng phức tạp. Ở đây chỉ từ góc nhìn và yêu cầu của sự nghiệp phát triển giáo dục mà nghiên cứu xem xét thực trạng đó đã có những gì thuận và những gì chưa thuận thuộc các lãnh vực nền tảng: kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là nền  tảng khoa học xã hội và nhân văn.Trên cơ sở đó mà quyết tâm tìm cách cải tạo, xây dựng lại một môi sinh sao cho thuận với yêu cầu phát triển giáo dục tiên tiến hiện đại mà cả nước hằng mong ước nóng bỏng. Dĩ nhiên, đây là một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp ví nó đụng chạm đến những vấn đề cốt tủy của đất nước, không dễ gì được chạm tới, chưa nói là vượt qua. Dù vậy, vẫn không thể né tránh một khi đã có nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện  về giáo dục. Ở đây, trước hết phải trông chờ vào tầm tư duy, tư tưởng và lòng quyết tâm đột biến vượt bậc của Đảng lãnh đạo, của Chính phủ, tiếp đó là tâm huyết, trí tuệ của các bậc đại nhãn đại thức, sự hưởng ứng cao trào cao độ của toàn dân. Ở đây, cũng nhất thiết phải có những điều kiện tối thiếu: tự do tư tưởng theo đúng tinh thần hiến pháp; vận dụng đúng đắn quan điểm dân tộc, nhân dân, nhân bản và hiện đại làm hệ qui chiếu; vượt qua trình độ tư duy chính trị thô thiển và cơ hội, tư duy xã hội học giản đơn, tư duy cảm tính; có thái độ trung thực khách quan và năng lực tư duy phân tích xã hội theo hướng triết học vốn có khả năng ưu việt trong việc phát hiện qui luật của cuộc sống, nhìn cuộc sống ở độ sâu sắc, phức tạp nhất. Ví như trong việc nhận thức về những mặt suy thoái đạo đức của hiện tình đất nước mà cả xã hội đã thừa nhận và xót xa, kể cả sự suy thoái đạo đức thuộc phạm vi Đảng cầm quyền mà gần đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lại thẳng thắn nêu lên để tìm cách chấn chỉnh, thì không chỉ ngừng lại ở những biểu hiện bề ngoài mà còn phải thấy nó nằm ngay trong những qui luật của cuộc sống trần gian mà Việt Nam ta vừa là chung vừa là riêng. Quả là đất nước hôm nay đang sống với những qui vừa tất yếu vừa khắc nghiệt mang tính chất hai mặt đó, không thể khác. Đó là qui luật về sự hội nhập thế giới với khẩu hiệu hòa nhập mà không hòa tan nhưng thực tế vẫn bị hòa tan khá rõ. Qui luật về sự vênh nhau, ngược chiều nhau giữa yêu cầu cấp thiết làm giàu cho đất nước với sự suy thoái đạo đức xã hội ngày một trầm trọng. Qui luật về sự cạnh tranh sinh tồn vừa khốn nạn vừa cần thiết như trên đã nói. Qui luật về sự trổi dậy của con người cá thể, của cái TÔI theo hai hướng: một cái TÔI chân chính, nhân bản, cần cầu nguyện cho nó sớm trổi dậy ngày nào thì lợi cho đất nước ngày ấy và một cái TÔI khốn nạn, phi nhân bản. đang phá hoại đất nước, chà đạp lên cuộc sống của nhân dân, cần tiêu diệt được triệt để chừng nào thì nhân dân được nhờ chừng ấy. Qui luật về sự trổi dạy của đời sống tâm linh đáng mừng nhưng không phải không có mặt đáng lo vì chưa có trình độ nhận thức thật chuẩn xác và tường minh về đời sống tâm linh, về tôn giáo. Cũng có thể nói đến một qui luật bao trùm nhất của sự sống trần gian mà thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã phát biểu trong Giấc mộng con tập I cách đây gần một thế kỷ, đoạn ông lên chơi Cõi đời mới nhìn về Cõi đời cũ mà nhận xét rằng: Sự văn minh càng tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiêu. Đây là những qui luật sống của cả nhân loại chứ không riêng gì của Việt nam mặc dù ở Việt nam nó cũng đang diễn ra không kém phần rõ nét trước mắt mọi người và trực tiếp ảnh hưởng tới sự nghiệp giáo dục không nhỏ. Trước thực trạng hiển nhiên đó, chả lẽ, cứ ngồi mà nhìn và chịu buông xuôi trước mặt trái của qui luật? Buông xuôi hay bất lực đều là có tội với đất nước.

       2.1.2. Để phát huy vai trò chủ động, tích cực của con người trước những qui luật sống mang tính chất hai mặt và khắc nghiệt đó, nhất thiết phải nhận thức đấy đủ và chính xác vai trò của khoa học xã hội và nhân văn đối với nền giáo dục. Mà thực ra không chỉ với giáo dục, ngay với đất nước, muốn có được sự phát triển bền vững, lâu dài, cũng phải có một nền tảng khoa học xã hội và nhân văn đích đáng. Cứ nhìn vào các nước Âu Mỹ, Nhật Bản…thì rõ. Còn nước ta, đang là gì ở phương diện này hẳn là chuyện hoàn toàn không đơn giản trong nhận thức thuộc cả phía chính thống và phi chính thống. Không ai có thể phủ nhận hoàn toàn thành tựu của ngành khoa học xã hội Việt nam từ sau ngày Cách mạng thành công. Nhưng cũng không thể không thừa nhận những mặt yếu kém, bất lực của nó trước nhiều vấn đề cốt tủy của đất nước.  Cứ theo dõi tình hình tư tưởng, quan điểm xã hội và nhân sinh không kém sôi động, kể cả hỗn tạp trong những năm tháng gần đây từ nhiều phía thì không sợ sai, nếu được nói thật là đất nước ít nhiều, thậm chí là nhiều, đang có sự khủng hoảng về tư tưởng nói chung, lý tưởng nói riêng. Mà như thế là quá bất lợi cho giáo dục. Còn riêng với giáo dục, cũng cần thấy rằng để phát triển vững chắc thì dứt khoát phải coi khoa học công nghệ hiện đại là động lực chính nhưng vẫn không phải là nền tảng. Nền tảng phải là khoa học xã hội và nhân văn. Khoa học xã hội và nhân văn vừa là nển tảng cho việc hình thành nhân cách chân thiện mỹ của tuổi trẻ học đường thuộc mục tiêu cuối cùng và cao cả của giáo dục, vừa đóng vai trò điều tiết để tạo ra sự hài hòa cân đối, nhịp nhàng trên đường tiến lên của giáo dục. Trong giáo dục, hiện đang có khát vọng vươn lên trình độ giáo dục tiên tiến trong khu vực và thề giới là điều không thể khác nhưng bản sắc dân tộc phải có là gì? Đang có xu hướng coi trong khoa học công nghệ hiện đại là điều không thể khác nhưng thế nào mà không làm méo mó, phiến diện về nhân cách tuổi trẻ học đường? Đang có trào lưu học tiếng Anh cũng là điều không thể khác nhưng làm sao để tiếng Việt thuộc chân lý tối thượng là “ Tiếng Việt còn nước ta còn” không bị lép vế, suy thoái?... Chỉ có khoa học xã hội nhân văn vững chãi và đích thực mới làm được vai trò điều tiết, tạo được sự hài hòa, cân đối đó. Cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, với nền giáo dục hiện thời của đất nước, chưa có một nền tảng khoa học xã hội và nhân văn thật sự đích đáng cần có. Nó vừa thừa vừa thiếu mà không dễ gì có nhận định thống nhất dù được nói ra. Hạn chế đáng lo ngại này cũng chính là do hạn chế của nền khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà qui định. Rất mong  trong dịp tìm chỗ bắt đầu của lối ra cho giáo dục với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện lần này sẽ có bước tiến đích đáng trước vấn đề đang nan giải nhưng phải quyết giải đó cho giáo dục trong quan hệ giữa nó với cuộc sống.

      2.1.3. Rút cuộc lại, vẫn là chuyện nghiên cứu làm sao có được một môi sinh lành mạnh, tốt đẹp cho giáo dục phát triển thuận chiều từ sức mạnh của toàn Đảng toàn dân và bằng sự dũng cảm, bằng con đường khoa học đich thực mà đây phải chăng là mấy hướng chính đại và cơ bản nhất:

         2.1.3.1. Trước hết, vẫn là chuyện nghiên cứu thuộc vấn đề trọng đại và cốt lọi nhất của đất nước và thời đại là đổi mới thể chế chính trị xã hội theo hướng dân chủ hóa thực sự chân chính và có được một nhà nước pháp quyền chính phẩm chính hiệu, cùng với yêu cầu đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, đã được đặt ra từ phía lãnh đạo đất nước và cũng là nguyện vọng cháy bỏng của đại đa số nhân dân, đặc biệt là với giới thức giả, nhưng lại chưa đúng tầm do đó còn khá lúng túng, còn thất nhân tâm, còn bất lực trước một số quốc nạn trời không dung đất không tha. Dĩ nhiên,với việc trọng đại này, vai trò chủ công trước hết thuộc Đảng cầm quyền và hệ thống chính trị xã hội của đất nước trong đó có ngành giáo dục, thuộc quí vị đang cầm lái đưa con thuyền TỔ QUỐC đi vào đại dương đầy phong ba bão táp. Lịch sử sẽ ghi danh quí vị nếu quí vị vững được tay chèo.

         2.1.3.2.  Thứ đến, phải làm sao có được một cuộc phục hưng  dân tộc trong đó có hai truyền thống đặc sắc, có giá trị cho muôn đời là truyền thống đức trị (mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy đó làm đầu để xây dựng và mở mang đất nước nhưng thực tế đất nước lại như đang đi ngược lại) và truyền thống tâm linh vững chãi nhưng đã bị xuyên tạc, hạ bệ, làm hao hụt nặng nề do có sự áp đảo dữ dội của phương Tây trên phương diện văn hóa và tinh thần truyền thống; do có sự thay chữ viết Hán Nôm bằng chữ quốc ngữ (trong khi cả khu vực không nước nào thay chữ viết), tuy cái được rất lớn nhưng cái mất cũng không nhỏ là tạo sự gián cách lịch sử đúng như cố đạo Puginíé, người tích cực cổ động thực dân Pháp bấy giờ nhanh chóng thay chữ viết đã nói: “ thay chữ viết là thay cả một nền văn hóa”và Toàn quyền Đông dương Decoux về sau, năm 1943, cũng đã tự nhân đó là một tội ác trong việc làm cho con cháu người Việt Nam không hiểu tổ tiên nữa; do sự tiếp thu chủ nghĩa Mác một cách thiếu bản lĩnh… mà tất cả đến nay, rất tiếc vẫn chưa tỉnh ngộ. Đảng đã có nghị quyết Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nhưng thực tế  vẫn rất lúng túng. Lại phải nói thẳng ra rằng chừng nào mà cả lãnh đạo và nhân dân chưa có sự thức tỉnh tới độ cần có trước những mất mát đó, thiếu bản lĩnh đó để có một cuộc phục hưng dân tộc đích đáng thì chừng đó khó mà xây dựng được một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc xứng đáng là môi sinh thuận lợi cho công cuộc đổi mới nền giáo dục một cách căn bản và toàn diện.

      2.1.3.3. Thứ đến nữa là phải được Đảng lãnh đạo làm sao có một nghị quyết riêng về đạo đức trong thời đại công nhiệp hóa, hiện đại hóa và thời đại kinh tế thị trường, bằng cách tách khái niệm đạo đức khỏi các khái niệm văn hóa, văn minh từng được nói nhiều trong các văn kiện gần đây, mặc dù giữa chúng có liên quan khăng khít với nhau nhưng không hẳn là một. Từ đó mà bằng tư thế, tâm thế khoa học đích thực làm sáng tỏ mối quan hệ giữa đạo đức và chính trị thuộc hai phạm trù: chính trị chưa gắn với quyền lực quyền uy và chính trị đã gắn với quyền uy quyền lực; giữa đạo đức với kinh tế vốn là oái oăm, vừa cần thiết vừa đối kháng: phi thương bất phú, vi phú bất nhân mà Nho giáo đã phát hiện dù có phần cực đoan khi nói vi phú bất nhân; quan hệ giữa đạo đức và tôn giáo mà kinh nghiệm xử lý của cha ông thuở trước nhìn chung là rất lợi cho sự sống, nhưng với hậu thế đã có lúc dại dột làm sai vì xơi phải những thứ lý thuyết vu vơ,  ngoại nhập vô cùng tai hại mà đến nay tuy đã tỉnh nhưng chưa tỉnh tới mức cần có; giữa đạo đức và pháp luật một khi mà nhà nước pháp quyền đích thực đang còn là điều phải phấn đấu gian khổ, đang là điều toàn dân phải mong ước chờ đợi…Đi đôi với việc làm sáng tổ các mối quan hệ với đạo đức đó, lại phải làm rõ thêm truyền thống đạo đức của tổ tiên vừa mang tinh chất bản địa vừa chịu ảnh hưởng các học thuyết ngoại lai, biết đâu là những điều cần khôi phục, đâu là những điều cần bổ sung; tim hiểu thêm những truyền thống đạo đức tiến bộ của nhân loại để biết cái gì  đất nước người có mà ta chưa có cần học lấy. Cuối cùng phải xây dựng được một mô hình đạo đức cho đất nước vừa mang tinh truyền thống vừa mang tính hiện đại. Mô hình đạo đức mà Nho giáo đã xây dựng theo lôgich “ Chính tâm- thành ý- cách vật trí tri- tu thân- tề gia-trị quốc- bình thiên hạ”. Khẩu hiệu của Nhật Bản trong thời Minh Trị duy tân với phương châm:  kỹ thuận phương Tây, tinh thần Nhật Bản gồm bốn cây cột cái: Nho giáo được Nhật Bản hóa, Phật giáo được Nhật Bản hóa, tinh thần Võ sĩ đạo, thần đạo dân gian; vẫn rất đáng được tham khảo.

    2.1.3.4. Nói đến môi sinh của giáo dục lại không thể quên được một vấn đề trọng yếu là lo liệu đầu ra cho giáo dục. Nhớ lại thời bao cấp, tuy trái qui luật sống nên phải chấm dứt nhưng có một thực tế mà tới nay vẫn phải nuối tiếc là ở tất cả các trường đại học, sinh viên được đào tạo đến đâu ra trường được bố trí việc làm đến đấy. Có được tình trạng đó là do thời đó số trường và số sinh viên còn ít. Còn nay thì tình hình các trường đại học mọc lên như nấm, số lượng sinh viên tăng lên gấp bội nên ra trường rơi vào tình trạng không kiếm được việc làm với một tỷ lệ không nhỏ mà xã hội không thể bỏ mặc. Gần đây nhiều trường, đặc biệt là các đoàn thanh niên, hội sinh viên đã có sáng kiến tổ chức hội chợ giới thiệu việc làm cho sinh viên nhưng kết quả vẫn còn xa với yêu cầu. Trách nhiệm chính ở đây vẫn là thuộc các nhà quản lý đất nước và vấn đề phải dược giải quyết một cách thật sự khoa học trong đó có khoa học về sự phối hợp giữa sự phát triền của đất nước với sự phát triến giáo dục, khoa học dự báo về khả năng tiếp nhận của xã hội để hạn chế càng nhiều càng tốt tình trạng sống chết mặc bay, mạnh ai nấy được, không có sự điều khiển chung. Dĩ nhiên, đây không phải là sự bao cấp của thời dĩ vãng.     

      2.2. Giáo dục gắn bó với cuộc sống:

         Cùng với việc nghiên cứu làm sao có lại được môi sinh thuận chiều cho giáo dục, là phải nghiên cứu sứ mạng gắn bó, đáp ứng của giáo dục đối với sự nghiêp xây dựng phát triển đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà dự định vào năm 2020 đã là một nước công nghiệp trong xu thế hội nhập thế giới. Bài toán khó mà giáo dục còn có nhiều sự bất lực cũng là thế:

         3.1. Ngó lại ngày xưa: Vấn đề học đi đôi với hành thật ra đã được đặt ra từ rất lâu đời trong lịch sử giáo dục của nhân loại. Chỉ nói riêng ở phương Đông thì chính vị “vạn thế sư biểu” Khổng Tử cách đây hai ngàn rưởi năm đã có ý niệm sơ khai về yêu cầu tri hành hợp nhất. Đăc biệt đến đời nhà Minh, Vương Dương Minh là người hăng hái phát triển chủ thuyết tri hành hợp nhất từ đó mà được coi như người mở đầu tư tưởng duy tân của Nhật Bản. Ông là người Trung Hoa nhưng lại không được quê hương đón nhận. Trong khi Nhât Bản đã biết tiếp nhận để ứng dụng vào giáo dục và thực tiễn cuộc sống, tạo tiền đề cho cao trào Duy tân dưới thời Minh Trị về sau. Việc hiểu thế nào là tri hành hợp nhất,cũng có vấn đề.Thường là hiểu đơn giản rằng gắn những gì được học về lý thuyết trong nhà trường với việc thực hành những lý thuyết đó ở cuộc sống.Ví như đã học về điện ở trường lớp thi về nhà biết mắc giây điện, sử dụng điện...Trong khi đáng ra còn phải hiểu tri hành hợp nhất ở cấp độ tổng quát hơn, bản chất hơn và có nhiều trạng thái, nhiều mức độ trong quan hệ giữa giáo dục với cuộc sông chứ không đơn thuần chỉ là chuyện học gì làm được nấy một cách cụ thể. Ở nước ta, với nền giáo dục dưới thời phong kiến thì sách báo ngày nay chủ yếu đã phê phán, phủ nhận, cho là sách vở, xa rời thực tế. Quả có mặt đáng chê trách như thế và không chỉ thời nay chê trách. Chính không ít tiền nhân vốn là sản phẩm của nền giáo dục đó đã chê trách. Nhưng xét tổng thể thì lại hoàn toàn không đơn giản như thế. Bởi chính nền giáo dục đó, không chừng lại cao hơn so với nền giáo dục hiện thời ở phương diện gắn với cuộc sống, phục vụ đắc lực cho cuộc sống, tựa như là chuyện nồi nào vung nấy. Bởi nó đã có được một hệ thống triết lý giáo dục vô cùng đích đáng và được hiện thực hóa, có thể kể như: nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi (Người không học thì không biết lẽ phải, tuổi nhỏ không học thì đến khi già biết làm gì), tiên học lễ hậu học văn, học nhi bất yểm hối nhân bất quyện (học không biết chán, dạy người không biết mỏi), tiên giác giác hậu giác, hiền tài là nguyên khí quốc gia…Tôi xin dược nói rằng chính nền giáo dục này đã thực sự là quốc sách hàng đầu trong xã hội phong kiến. Bởi nó thực sự là lối đi độc đạo dẫn vào đường chấp chính. Đành là dưới thời phong kiến có chế độ thế tập, chế độ tập ấm, ưu tiên con em quí tộc nhưng so với cả nước vẫn là thiếu số và lại được trí thức hóa một cách có ý thức và biện pháp hữu hiệu. Một ví dụ là triều Nguyễn. Đời vua Gia Long thì chưa có điều kiện học hành mấy vì còn bận chuyện tranh đoạt vương triều, nhưng đến lớp con cháu là Minh Mạng,Thiệu Trị,Tự Đức…thì đã là một dòng họ quí tộc có văn hóa bề thế. Trong hai câu thơ mà chưa biết chắc tác giả là ai ca ngời 4 cây đại thụ văn chương của đất nước: “ Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường” thì hai là con vua Minh Mạng: Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương. Đó là chưa kể đến Huệ Phố nữ sử, Mai Am nữ sử, con gái của vua cũng nổi danh trên thi đàn. Chế độ thế tập là không hay nhưng thế tập mà biết coi trọng giáo dục để có văn hóa cao từ đó mà tham gia chính sự thì hẳn là hơn kiểu thế tập ít nhiều đã có trên đất nước thời nay, đúng không. Lại nói chuyện thi cử dưới thời giáo dục phong kiến mà sách báo thời nay cũng đã chê bai hết lời. Thì cũng là đúng nhưng vẫn lại chưa đúng, nếu xét về cơ bản. Chịu khó tìm đọc lại các chế sách (đề ra văn sách đình thí của nhà vua) thì thấy sự thật là thế nào? Ví như trường hợp  vua Tự Đức với ba khoa thi đình, mà chế sách có nội dung đại ý: (1) Đất nước đã bị xâm lăng, vậy nên đối phó thế nào? (2) Hiện thời quan lại tham nhũng gây bất bình nặng nề trong dân chúng mà triều đình cũng đã có nhiều biện pháp nghiêm trị nhưng vẫn vô hiệu, vậy bằng hiểu biết sách vở và thực tế cuộc sống mà hiến kể xem sao? (3) Nhật Bản học tập phương Tây mà giàu lên như thế. Ta có nên bắt chước không. Nếu theo Nhật Bản thì vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc phải thế nào?... Và đọc tiếp các bài  đối sách (bài làm của thí sinh), sẽ thấy các sĩ tử đình thí tinh hoa của đất nước bấy giờ làm bài thế nào? Đúng, vẫn có chuyện lục hết sách này sách nọ chủ yếu của Trung Hoa xưa ra nói mà hậu thế chê là sách vở vô dụng. Trong khi  chính đó là từ sách vở của người xưa, lại là người xưa thuộc một nền văn hóa khổng lồ để rút kinh nghiệm cho đất nước lúc này. Vả chăng, cùng với chuyện rút kinh nghiệm từ sách vở còn là chuyện hiểu biết thực tế đất nước vừa ở tầm bao quát vừa ở tầm cụ thể như nhiều bài đối sách đã có đó thì ai dám bảo là xa rời thực tế, là vô bổ, trừ những người không đọc không hiểu mà quen phán liều. Không dấu gì quí vị, tôi là người từng hướng dẫn nhiều luận văn thạc sĩ và không ít luận án tiến sĩ thời nay đã không thể tránh khỏi sự so sánh đối chiếu việc làm của mình (và đâu chỉ một mình) với việc làm của tiền nhân mà tự biết mình dang ở trạng thái nào và từ đó là nền giáo dục của đất nước đang ở trạng thái nào khi nghĩ đến mối quan hệ đáng ra phải và được gắn bó hữu cơ, máu thịt với cuộc sống đất nước không chỉ ở những chuyện bình thường mà còn là chuyện quốc gia đại sự để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu. Tôi cũng nhiều phen tự hỏi, nền giáo dục thời phong kiến từng bị sách báo thời nay chê bai như thế nhưng sao lại để lại cho đất nước những Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…và…, kế cả những bậc vua chúa như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông. Lê Thánh Tông, … sừng sững lên trong lịch sử dân tộc như thế! Và cả Hồ Chí Minh, nếu không có cái phần văn hóa thuộc nền giáo dục phong kiến Hán học lấy sự tu thân làm đầu được truyền dạy thì liệu là thế nào? Đó không phải là thành quả chứng minh rằng triết lý giáo dục thời phong kiến “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đã là sự thật sao? Còn nền giáo dục thời nay mà chính tôi cũng đã suốt đời, 66 năm rồi gắn bó, phục vụ và cũng đã được nhà nước ban cho danh hiệu Giáo sư Nhà giáo nhân dân thì liệu có cùng nhiều đồng nghiệp khác để lại được cho đất nước một vài tên tuổi sáng giá trong mai sau? Cũng cần nói thêm về trường hợp trường Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX dù chỉ tồn tại được chín tháng nhưng đã thành điểm son chói lọi trong lịch sử giáo dục của nước nhà, trước hết là ở phương diện giáo dục gắn bó với cuộc sống, với vận nước. Đúng là thế, mục tiêu cơ bản của trường Đông Kinh nghĩa thục là nhằm đưa nền giáo dục nước nhà đi theo con đường thực nghiệp mang tính chất hiện đại của thế giới. Nhưng không chỉ là thế mà nó còn là một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa đối với đất nước đang thua kém nhiều so với thế giới. Nó là một trường học nhưng cũng là một phong trào ăn sâu trong dân chúng. Tư tưởng về văn hóa, giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục là thuộc giá trị vĩnh cửu bởi nó được hình thành từ một lập trường dân tộc vững chãi, một nhãn quan văn hóa chuẩn xác và tinh ròng nhờ có màng lọc hiệu nghiệm, không bị pha tạp. Thiết tưởng đời nay cần phải học tập thực sự bài học từ trường Đông Kinh nghĩa thục, nếu muốn xây dựng một nền giáo dục tiên tiến và thực chất hơn.

        3.2. Nhìn vào thời nay: Trở lên là chuyện trong quá khứ. Đến đây là chuyện thời nay tính từ sau ngày Cách mạng thành công thì vấn đề giáo dục gắn với cuộc sống là thế nào? Chuyện này, thiết tưởng cũng rất cần được tổng kết đành giá một cách thực sự công phu, nghiêm túc. Bởi đây là điều kiện trực tiếp cần rút kinh nghiệm để tiến lên theo hướng gắn giáo dục với cuộc sống. Tôi chỉ xin mạo muộn nói sơ qua một đôi ý như sau. Trước hết vẫn phải công nhận nền giáo dục mới đã phục vụ tích cực và có hiệu quả cuộc sống mới của đất nước cả ở hai phương diện kháng chiến và kiến quốc theo một quán tính tự nhiên. Còn về trình độ khoa học để xử lý vấn đề sao cho chững chạc thì lại đã có quá trình riêng mà xem ra cũng dích dắc, còn rất lúng túng đáng bị chê trách.Thời chống Mĩ, dù là chiến tranh gian khổ và thiếu thốn đủ bề nhưng trong phạm vi giáo dục ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì lại nổi lên khẩu hiệu và phong trào nhà trường gắn với sản xuất, với cuộc sống, học đi đôi với làm, bằng nhiều hình thức như coi trọng việc xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, vườn trường, thi đua làm đồ dùng dạy học. Mở hệ đào tạo vừa học vừa làm. Phát động phong trào ba sẵn sàng, phong trào cần công kiệm học. Trong nhà trường nhiều nơi có xưởng mộc, xưởng may, xưởng làm bánh làm bún, làm ruộng, chăn nuôi trâu bò để bán…huy động thầy cô giáo và học sinh tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, giúp dân gặt hái, đắp đê, chống hạn, cứu lụt, hàng tuần làm vệ sinh làng xóm, đường phố, dọn thùng phân của các gia đình ở thành phố… Trong các đợt học chính trị, thế nào cũng có phần nói về nhiệm vụ gắn nhà trường với lao động sản xuất, coi đó là mục tiêu phương châm tối thượng của giáo dục, không ai được nghĩ khác. Do đó, đã có chuyện quyết định dời trường Đại học sư phạm Vinh từ thành phố lên Nghĩa Đàn thuộc miền núi Nghệ An làm cho thầy trò cả trường cuống cuồng cả lên, phải vận động hết chỗ này chỗ khác để thôi mà vẫn không xong. May là sau đó đến cắm đất để lấy chỗ đời trường thì bị quân đội ra ngăn lại ví đó là đất thuộc bộ quốc phòng quản lý. Nhờ thế mà thoát nạn dời trường để vẫn có được trường Đại học Vinh bề thế hôm nay. Chính Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu trong một lần giảng chính trị cho chúng tôi tại hội trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong buổi khai mạc thì tỏ ý không tán thành cách cục gắn nhà trường với lao động sản xuất với cuộc sống kiểu như thế nhưng hôm bế mạc chắc bị uốn nắn thế nào đó lại quay lại theo cách nói chính thống. Đúng là ngành giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã một thời vùng vẫy theo nguyên lý gắn nhà trường với cuộc sống rất sôi động theo kiểu đó để rồi sau năm 1975, giường như không ai bảo ai, rút lui một cách không kèn không trống và sau này thành chuyện cổ tích kể với nhau cho vui. Nhưng có điều đáng nói là sau đó cho tới nay thì lại giường như rơi đã vào tình trạng tắm cho trẻ trong chậu xong đổ nước đổ luôn cả trẻ nghĩa là không hề đoái hoài gì đến chuyện gắn nhà trường với lao động sản xuất nữa và đua nhau một bề chạy theo sách vở đơn thuần. Trong nhà trường, chỉ còn lại là chuyện thầy cô thuyết giảng và các trò ghi chép học thuộc lòng mà lấy điểm. Các phòng thí nghiệm, các vườn trường về sinh vật hầu hết cũng đã biến đi đâu cả, không chỉ ở bậc giáo dục phổ thông mà cả đến các trường đại học, trừ loại trường dạy nghề không thể khác.

    Đúng là chuyện gắn giáo dục với cuộc sống là vấn đề cốt tử nhất thuộc sinh mệnh của nền giáo dục nhưng trong thực tiễn xử lý là vô cùng khó khăn mà với nền giáo dục hiện thời của đất nước là đang rất yếu kém. Cho nên để đổi mới căn bản và toàn diện mà không bắt đầu bắng sự nghiên cứu công phu bài bản về vấn đề cốt tử đó thì kết quả là gì cũng có thể đoán trước.

Kính thưa quí vị độc giả!

Là người Việt Nam không ai không mong muốn đất nước giàu mạnh lên từ một nền giáo dục đích thực là quốc sách hàng đầu nhưng hiện tình giáo dục lại đang là yếu kém để nhân dân vừa thèm khát vừa đòi hỏi một sự đổi mới cho ra đổi mới và Đảng lãnh đạo cũng đã có nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện. Nhưng làm thế nào để đổi mới được căn bản và toàn diện quả không phải dễ dàng, nếu không có một quyết tâm mới, một tư duy mới, một nhãn quan mới, một cách thức làm mới mà trong đó trước hết phải chọn chỗ bắt đầu của lối ra sao là tối ưu. Nếu không như thế thì dễ thường lại là chuyện triêu tam mộ tứ (sáng bốn chiều ba, sáng ba chiều bốn, chung qui vẫn là bảy). Quốc gia hưng vong sất phu hữu trách. Bản thân tôi, gắn bó với sự nghiệp giáo dục của nước nhà từ năm 1946 đến nay, đã ở tuổi 84, nghỉ hưu nhưng vẫn chưa thôi hẳn công việc của một giáo viên đại học, xin có bài viết này với những nội dung đề xuất như trên. Rất mong quí vị bớt chút thì giờ đọc, góp ý, chỉ báo thêm cho, đặc biệt thông cảm và lượng thứ chỗ nào tôi vì chính tâm nhưng chưa đạt ý, thất thố nếu có. Xin cảm ơn trước.

 Thăng Long- Hà Nội – Nhâm Thìn- Minh niên khai bút

Yên Hòa thư trai
Nguồn:Viet-studies
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chỉ giáo dục mới làm lan toả các giá trị

    17/06/2018Kim Yến thực hiện“Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, giáo dục kỹ năng sống, văn hoá sống không thể làm theo kiểu ăn xổi, phải bắt đầu từ khi còn rất nhỏ
    trên ghế nhà trường, để mọi kiến thức ăn sâu, bắt rễ, mới có thể trở thành vô thức, bản năng. Xây dựng cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, phải có con người đủ trình độ để thích nghi. Sự chuẩn bị của xã hội, điều kiện vật chất cũng chưa chu đáo...
  • Gạch nối giữa giáo dục và tự do

    30/10/2017Alan PhanCái đòi hỏi của bao tử và hormone rất cần thiết (một người đói dài sẽ bỏ quên mọi thứ khác); nhưng muốn cuộc đời thăng hoa đúng nghĩa, chúng ta cần trí tuệ....
  • Vô tâm, vô giáo dục và… vô cùng lí tưởng

    30/12/2016Khải ĐơnLại những đứa trẻ cuồng và những người lớn phẫn nộ...
  • Giáo dục chưa làm được sứ mạng khai sáng

    12/08/2016Kim YếnNguyên là giám đốc sở Giáo dục đào tạo TP.HCM, từng là người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng, hơn ai hết ông cảm nhận rõ những thất bại của giáo dục, và coi chấn hưng giáo dục là món nợ suốt đời mình. Nên dù đã nghỉ hưu, ông vẫn cùng đồng nghiệp ở viện Nghiên cứu giáo dục thực hiện những nghiên cứu sâu và toàn diện hơn, hướng tới một nền giáo dục khai minh...
  • Giáo dục khai phóng- đâu phải nói cho "sang"

    07/03/2016Nguyễn Trọng BìnhỞ phương diện này, GD khai phóng phải làm sao trả cái đầu lại cho cái đầu của con người.
  • Để có một nền giáo dục - khoa học hiện đại, cần một nền văn hóa khai phóng

    09/10/2015Phan Thắng (thực hiện)Là một nhà khoa học, đồng thời là nhà giáo, người am hiểu và quan tâm nhiều đến đời sống văn hóa, nền văn hóa của đất nước, lại làm việc ở Paris – một trung tâm văn hóa lớn của thế giới, xin đề nghị giáo sư phân tích mối liên hệ hữu cơ của ba nhân tố này trong tổng thể một nền văn hóa? Yếu tố nào có vai trò tiên phong, định hướng sự vận động của nền văn hóa? Và yếu tố nào đóng vai trò động lực, chi phối sự vận động của nền văn hóa, của xã hội?
  • Giáo dục phải dạy trẻ em tư duy

    11/10/2014Phạm Anh TuấnBài phỏng vấn Philippe Meirieu và Marcel Gauchet do Báo Le Monde (Pháp) thực hiện và được đăng ngày 2/9/2011 trong khuôn khổ cuộc tranh luận mang chủ đề Làm thế nào để thay đổi nhà trường...
  • “Nền giáo dục nước mình còn… nghênh ngang lắm”

    23/08/2013“…phải cố ngăn mình đừng nản, vì quả thật là rất dễ nản. Bởi nỗi, nền giáo dục nước mình, tôi thấy nó vẫn còn có vẻ “nghênh ngang” lắm, thế nên mới khó dịch chuyển…”
  • 'Vấn đề của giáo dục Việt Nam là sự tha hóa'

    16/03/2013Hoàng ThùyLấy dẫn chứng về vụ tiêu cực Đồi Ngô (Bắc Giang), Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của cả một hệ thống - khi nhiều người cả trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi...
  • Đất đai, giáo dục và tự do

    14/12/2012Phạm Hồng SơnNăm 1215 tại Anh quốc một nhóm chủ đất đã hợp nhau lại bắt vua phải cam
    kết tôn trọng một số quyền tự do của họ, trong đó, đương nhiên, có quyền
    định đoạt, sở hữu về đất và các lợi tức từ đất. Cam kết đó có cái tên
    Latin rất nổi tiếng: Magna Carta (Đại Hiến chương 1215). Tinh thần tự do
    cho đất, độc lập với kẻ cầm quyền của Magna Carta, dù phải trải qua rất
    nhiều thử thách, đã được duy trì và bảo tồn cho tới tận ngày nay...
  • GS Hoàng Tụy chỉ đích danh "căn bệnh" tàn phá giáo dục Việt Nam

    24/11/2012Kiến nghị của GS Hoàng Tụy về Cải cách giáo dục (CCGD) nêu vấn đề cấp bách số 1 cần giải quyết là cần cải thiện chính sách đối với người thầy. Theo ông, lương thấp đương nhiên nhà giáo phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Chính đó là cái lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm hầu hết các căn bệnh trầm kha đã ra sức tàn phá giáo dục.
  • Triết lý giáo dục của người Việt

    02/11/2012Tống Văn CôngCách đây mấy thập kỷ, khi giáo dục bắt đầu lâm vào khủng hoảng, người ta cho phục hồi câu “tiên học lễ, hậu học văn”, một triết lý giáo dục của nho giáo từng được cả châu Á vận dụng, nhưng lần này đã không cứu vãn nỗi đà xuống cấp của nền giáo dục Việt Nam...
  • Triết lý giáo dục

    24/02/2012Kim ĐịnhVấn đề giáo dục và văn hóa khỏi nói ai cũng nhận là quan trọng. Vì vậy ngoài bộ quốc gia giáo dục còn có nhiều hội nghị giáo dục cũng nhóm họp để tìm giải đáp cho những vấn đề liên hệ...
  • Giáo dục trong mối quan hệ với triết học - quan điểm từ châu Âu

    23/02/2012Trần Thị Phương HoaGiáo dục, như là một phương thức để lưu giữ và truyền thụ kiến thức cho đời sau đã được các nhà tư tưởng châu Âu đặc biệt quan tâm. Có thể nói, giáo dục là đối tượng nhắm tới của nhiều trào lưu tư tưởng lớn ở châu Âu, kể từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến ngày nay. “Việc các triết gia can thiệp vào giáo dục không phải là ngẫu nhiên mà do mối liên quan chặt chẽ giữa triết học và giáo dục”...
  • xem toàn bộ