Chỉ giáo dục mới làm lan toả các giá trị
Hơn 100 đầu sách về ẩm thực, cắt may, làm đẹp, trang trí nhà cửa… của bà thực sự là những cẩm nang cho nhiều thế hệ phụ nữ học làm vợ, làm mẹ. Xinh đẹp, bình dị, bà là hiện thân của một nhà giáo mẫu mực trong sự nghiệp trồng người.
- Theo bà, thách thức lớn nhất với người phụ nữ đương đại là gì?
Trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam, người phụ nữ không chỉ lo nội trợ, mà còn lăn lưng ra ngoài xã hội kiếm tiền, nhiều phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình. Thách thức lớn nhất với họ là hoàn thành tốt cả hai vai trò, giữ được mái nhà lúc nào cũng ấm áp, và ra ngoài được mọi người nể trọng. Muốn thế, họ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với đàn ông, ấy là chưa kể đến chuyện sinh nở, nuôi con… Đã qua rồi cái thời ăn no mặc ấm, người phụ nữ bây giờ phải lo cho chính mình và chồng con ăn ngon, mặc đẹp… Nhưng hầu như cả một quãng dài sau ngày đất nước thống nhất, nhà trường phổ thông gần như bỏ hẳn việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Chẳng có ai dạy các em những kiến thức để chuẩn bị ra đời như chăm sóc bào thai thế nào, nuôi con ra sao, đối xử với bên chồng, bên vợ thế nào cho trọn tình vẹn nghĩa… Các em cũng không được trang bị những kiến thức sơ đẳng nhất bao gồm kỹ năng chăm sóc gia đình, trang trí nhà cửa, kế hoạch chi tiêu, dinh dưỡng, làm đẹp, thời trang, may vá thêu thùa… Rất nhiều gia đình trẻ gãy gánh giữa đường chỉ vì những nguyên nhân hết sức nhỏ nhặt. Hành trang các em có được chỉ từ kinh nghiệm dân gian.
- Nỗ lực của riêng bà để đưa bộ môn kinh tế gia đình vào chương trình giảng dạy của nhà trường? Số phận “con ghẻ” của chương trình có làm cho bà suy tư nhiều không?
Tôi chọn học ngành nữ công gia chánh (sau này được gọi là kinh tế gia đình) xuất phát từ bản thân muốn được trở thành người phụ nữ của mái ấm gia đình. Là sinh viên khoá đầu tiên ngành nữ công – gia chánh trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ (sau này là đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), chúng tôi được các bà thứ phi trực tiếp giảng dạy, thiết kế may mặc thì do các chuyên gia nổi tiếng trong và ngoài nước hướng dẫn. Tính đa dạng và phong phú của chương trình đã trang bị cho tôi nền tảng khoa học để tham gia giảng dạy và đào tạo giảng viên. Nhưng rất tiếc những gì thuộc về “gia vị cuộc sống” ấy đã bị coi thường suốt một thời gian dài. Học sinh lơ là, nhà trường thì coi đó là bộ môn thứ yếu, người thầy không được coi trọng, cứ lẹt đẹt phía sau, mất đi nhuệ khí để học hỏi thêm cho nghề nghiệp, đội ngũ dần mai một, giống như đèn hết dầu. Làm thế nào để bộ môn này có vị trí chính thống, được trân trọng trong nhà trường, như một đòn bẩy thiết thực trong giáo dục nhân cách là điều làm tôi suy nghĩ. Suốt bao nhiêu năm làm ở sở Giáo dục và đào tạo, từ 1983 – 1984, tôi âm thầm biên soạn hoàn chỉnh bộ sách giáo khoa cho học sinh và sách cho giáo viên, nhưng mãi đến năm 2003, môn kinh tế gia đình mới chính thức được bộ công nhận, trở thành môn học bắt buộc dưới nhiều cái tên. Nhưng đáng tiếc đội ngũ giáo viên thiếu hụt, hầu như dùng giáo viên sử, địa kiêm nhiệm, nên chưa tạo được sự đam mê cho học sinh. Bằng mọi cách, tôi cố gắng hết sức để bộ môn này có được vị trí xứng đáng trong xã hội, lợi dụng mọi lúc, mọi vị trí, lồng ghép, làm sao để đưa ngành này lên. Vừa tham gia giảng dạy, đào tạo, vừa cùng CLB Phụ nữ, hội Trí thức, nhân rộng các khoá học nữ công gia chánh, biên soạn đủ loại sách… để khơi gợi, định hướng, giúp các em hoàn thiện bản thân. Chọn viết sách và giảng dạy, tôi nghĩ đó là con đường tốt nhất tác động đến sự thay đổi về ý thức. Chỉ có giáo dục mới làm lan toả các giá trị.
- Làm thế nào bà có thể hoàn thành nhiều vai trò, viết nhiều loại sách thuộc các lĩnh vực khác hẳn nhau?
Cách đây 20 năm, những vấn đề mình đặt ra không dễ tìm được sự đồng tình, nhưng mình cứ ôm ấp, vượt qua khó khăn, tìm nhiều cách “mở”, mỗi nơi mỗi khác, riết rồi cũng tạo thành trào lưu. Nhìn vào xã hội hôm nay, biết bao nhiêu hoàn cảnh đau lòng, nhất là thân phận người phụ nữ, tôi chỉ tâm huyết một điều: làm sao thế hệ con cháu không phải khổ như thế hệ mình ngày trước. Xã hội phát triển mà người phụ nữ vẫn bị thiệt thòi, đầu tắt mặt tối trong xó bếp, ra ngoài thì quần ống thấp ống cao… là lỗi của giáo dục. Viết sách là để giúp cho chị em trong bếp cũng như ra ngoài đều tươm tất, nhận thức về những giá trị gia đình, để cuộc sống tốt đẹp hơn. Quản lý chi tiêu trong gia đình cũng cần có kế hoạch. Hiểu về giá trị đồng tiền để chi tiêu tiết kiệm, biết để dành phòng lúc ốm đau, và không bị đồng tiền dồn đuổi là điều tối cần thiết trong xã hội kim tiền…
Có quá nhiều người tốt buông xuôi thì cái xấu sẽ lấn dần, lôi kéo cái tốt thành cái xấu. Những người có chức có quyền phải là tấm gương trong để người dân cảm thấy có niềm tin, từ đó cái xấu sẽ mất dần. Nếu họ để mất niềm tin với nhân dân, sẽ nguy hại vô cùng cho đất nước. |
Nhưng hay không bằng hên. Nếu không có những việc làm cụ thể từ CLB Phụ nữ, làm sao sở Giáo dục và đào tạo thấy được nhu cầu phát triển của ngành. Đi nhiều, tham quan nhiều mô hình giảng dạy của các nước, tôi thấy bộ môn kinh tế gia đình hầu như không có. Tự suy nghĩ, nghiên cứu, có xúc cảm với ngành này, và nhất là học hỏi từ các bậc trí thức hàng đầu, các chuyên gia, nhà khoa học… từ đó hấp thụ kinh nghiệm để dần làm chủ những việc tưởng chừng quá tầm.
- Trong cách dạy của mình, bà coi trọng điều gì nhất?
Hồi mới ra trường, tôi nhút nhát lắm. Cách giáo dục áp đặt đã làm mình mất đi tính tự chủ. Vì vậy, khi biên soạn sách giáo khoa cũng như khi giảng dạy, tôi luôn chủ trương để mở, cho học sinh và giáo viên phải đầu tư thêm. Mỗi vùng miền có nhu cầu khác nhau, sản vật khác nhau, thói quen ẩm thực, thời trang cũng khác. Nếu áp dụng như ở thành thị, các em ở vùng sâu, vùng xa sẽ bị “bơi”, rất thiệt thòi. Mặc dù môn học của mình không đi sâu vào nghề nghiệp, cũng phải có kiến thức khoa học, có cơ sở lý luận, nhưng từ trước tới giờ, môn này chưa bao giờ ổn định vì chưa có chương trình cụ thể. Hướng nghiệp, dạy may thêu, nấu ăn mà thiếu con người, thiếu cơ sở vật chất thì làm sao thực hiện. Để rèn luyện tư duy tích cực, phát huy tính tự chủ, tôi luôn tạo điều kiện cho các em mạnh dạn phát biểu, đánh giá cao tính sáng tạo, và luôn bắt đầu bài học bằng cách đặt câu hỏi. Dám đặt câu hỏi chính là cách hình thành vấn đề. Nếu không suy nghĩ, chuẩn bị chu đáo sẽ không đặt được câu hỏi. Những gì mình gieo trong sách giáo khoa là để các em cùng làm, cùng thảo luận, tranh cãi đã đời, rồi mới khép lại trong sách giáo viên. Cách dạy đó tập dần thói quen dạn dĩ, thói quen làm việc theo nhóm, kích thích húng thú, khắc sâu tri thức, cho các em nhiều kinh nghiệm hơn là đưa trước ra một công thức có sẵn bắt học thuộc. Tuy nhiên, để có được thế hệ giáo viên mới, thích nghi được với ngành này cũng cần thời gian.
- Để gìn giữ hạnh phúc gia đình trọn vẹn, đâu chỉ người phụ nữ phải học làm vợ, làm mẹ?
Chính vì thế mà tôi đã đổi tên “nữ công gia chánh” thành “kinh tế gia đình”, để người đàn ông không ngần ngại tham gia. Đàn ông cũng cần phải học làm chồng, làm cha, làm chủ gia đình. Nếu người chủ gia đình mà thất thế, làm sao gìn giữ được tình yêu. Phải ngang tài ngang sức chứ. Sinh đẻ kế hoạch nếu chỉ có người phụ nữ làm mà đàn ông không hiểu dễ xảy ra tệ nạn, người phụ nữ bị ức hiếp, trở thành lép vế. Đàn ông Á Đông mang nặng tư tưởng phong kiến kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Bình đẳng bình quyền chỉ thành hiện thực khi hai bên có sự thông cảm, cộng đồng trách nhiệm, trên cơ sở tình yêu thương đối với nhau. Tất cả đều xuất phát từ nhận thức. Chúng ta còn phấn đấu nhiều lắm mới trả lại vị trí xứng đáng cho người phụ nữ như các nước phương Tây. Tất nhiên thiên chức, giới tính là chuyện của muôn đời. Nhưng không thể đổ mọi trách nhiệm gia đình lên vai người vợ, còn đàn ông bỏ đi nhậu nhẹt mịt mù. Mọi thành viên trong gia đình đều phải có sự đóng góp cho ngôi nhà chung…
- Hiện nay có rất nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống, giá trị sống, giới trẻ cũng đổ xô đi học, nhưng sao thấy họ vẫn hụt hẫng kinh nghiệm sống?
“Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, giáo dục kỹ năng sống, văn hoá sống không thể làm theo kiểu ăn xổi, phải bắt đầu từ khi còn rất nhỏ trên ghế nhà trường, để mọi kiến thức ăn sâu, bắt rễ, mới có thể trở thành vô thức, bản năng. Xây dựng cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, phải có con người đủ trình độ để thích nghi. Sự chuẩn bị của xã hội, điều kiện vật chất cũng chưa chu đáo. Phải có sự đồng lòng hợp sức của nhiều người, phải có cái nhìn khoa học, không thể đốt cháy giai đoạn được.
- Đổ vỡ những giá trị sống đang làm xã hội có nhiều mảng đen có làm bà nghĩ ngợi?
Quan tâm lẫn nhau, bằng việc làm hàng ngày, bằng cách sống, tôi cố gắng cho con hiểu bản chất con người là tốt đẹp, để con có cái nhìn tích cực trong một môi trường mà xấu tốt, thật giả lẫn lộn. |
Những người tâm huyết với đất nước còn nhiều lắm, người xấu chỉ là thiểu số, nhưng tại sao sự vô cảm, giả dối lại lên ngôi? Chính vì giáo dục chưa tới nơi tới chốn, chính vì những người có chức có quyền chưa mẫu mực, nên người dân mất dần niềm tin. Có người không hoàn toàn xấu nhưng do hoàn cảnh xã hội đẩy đến cái xấu, bởi những người có chức có quyền thi nhau tham nhũng, hối lộ, khiến họ trở thành bất mãn. Có quá nhiều người tốt buông xuôi thì cái xấu sẽ lấn dần, lôi kéo cái tốt thành cái xấu. Những người có chức có quyền phải là tấm gương trong để người dân cảm thấy có niềm tin, từ đó cái xấu sẽ mất dần. Nếu họ để mất niềm tin với nhân dân, sẽ nguy hại vô cùng cho đất nước.
Mỗi chúng ta cũng đừng ngồi đó mà oán trách. Xã hội rộng lớn, phải coi đó là việc của chung, không chỉ của lãnh đạo. Chúng ta là số đông, tại sao lại để cho người có chức có quyền tự tung tự tác? Bằng việc làm cụ thể, hàng ngày, sự tiếp tay của mọi người sẽ làm cuộc sống tốt hơn. Cái thiếu lớn nhất của chúng ta bây giờ là chưa có sự đồng thuận của toàn xã hội cho những vấn đề lớn của đất nước. Nếu chỉ biết vun vén cho gia đình mình, cho cá nhân mình, mà không lo gì cho cộng đồng thì làm sao có thể gọi là người có đạo đức. Tôi tin vào bản chất thiện của con người.
- Cuốn The food of Vietnam của bà do Periplus Editions (Singapore) ấn hành đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, như ấn bản đầu tiên về ẩm thực Việt đi khắp thế giới. Trải qua một thời gian rất dài nghiên cứu và viết sách về ẩm thực, bà đánh giá thế nào về sự chuyển động của ẩm thực Sài Gòn?
Ẩm thực Sài Gòn biến đổi rất nhanh theo trào lưu thế giới, thích nghi với thời đại mới, vì đây là cửa ngõ giao thương nhiều nền văn hoá. Thói quen ăn uống của người Sài Gòn mang tính cải biên rất mạnh, “cái khó ló cái khôn”. “Ló” cái khôn mới sống được ở vùng đất này. Tính cách Sài Gòn ưu việt ở chỗ chịu khó tiếp thu nhiều nguồn trên thế giới, chịu khó học tập, để sáng tạo, thêm thắt vào đó, biến nó thành mới lạ và hấp dẫn hơn. Rất nhiều món ăn nước ngoài có tính Việt Nam trong đó, như lẩu Thái chẳng hạn. Xuất phát từ Thái, nhưng món ăn này biến hoá linh hoạt tuỳ theo điều kiện vật chất của từng vùng miền, tạo nên hương vị mới, khiến chính người Thái phải ngạc nhiên. Bánh mì vốn từ phương Tây, nhưng những chiếc xe bánh mì thịt đặc thù thì chỉ Việt Nam mới có. Người dạy ẩm thực muốn theo đuổi chuyên môn của mình cũng phải luôn nghĩ ra cái mới, nếu chỉ sao chép người khác sẽ lạc hậu. Tham gia Đại sứ hàng Việt, tôi rất vui vì được cổ vũ, quảng bá cho những thương hiệu ẩm thực Việt Nam bước ra thế giới. Ẩm thực mình có nhiều cái hay lắm mà thế giới chưa biết.
- Với hơn 100 đầu sách được tái bản nhiều lần, có lần tới 70.000 cuốn, thu nhập từ sách của bà hẳn không nhỏ?
Nếu ở nước khác có lẽ mình giàu to! Nhưng tôi không giàu nhờ viết sách, mà giàu ở tình cảm mọi người dành cho mình. Tôi chỉ là người viết sách, không phải người bán sách. Bản thảo mình giao hết cho nhà xuất bản, tiền thù lao không quá 10%.
Vợ chồng tôi đều là giáo viên, cuộc sống cũng chẳng dư giả gì. Khéo co thì ấm thôi. Tự nhận vào mình trách nhiệm của người mở đường, mong muốn nhất của tôi là để những thế hệ sau có được nền tảng khoa học, số phận không hẫng hụt.
- Đa đoan, bận rộn, làm thế nào để bà duy trì sức sáng tạo không ngừng?
Nếu làm việc gì thích hợp với khả năng thì luôn cảm thấy yêu thích, dù mệt mỏi vẫn vui. Ở không thấy mình đầu óc nặng nề, thần kinh mất đi sự nhạy bén, còn mệt hơn nữa. Cũng nhờ làm việc hăng say mà tinh thần minh mẫn, cách nhìn cuộc sống luôn tích cực.
- Quan niệm sống nào giúp bà giữ được sự tươi tắn, yêu đời?
Sống rộng lượng. Không nhỏ nhen, ích kỷ, tránh tức giận, bởi những điều đó sẽ làm héo hắt chính cơ thể mình, căng thẳng thần kinh, rất mau già. Tập luyện hàng ngày và ăn đủ chất, chăm sóc bên trong và cả bên ngoài sẽ giúp mình tự tin, thấy cuộc đời đẹp hơn. Khi người phụ nữ có nhận thức, có trình độ, biết quan tâm đến người khác, sẽ ít hụt hẫng hơn trước những bất trắc của cuộc đời.
- Trong gia đình, bà là người như thế nào?
Từ hồi cưới nhau đến giờ, tôi thấy mình lúc nào cũng quần quật, hết công việc tới gia đình. Dù bận rộn đến đâu vẫn phải duy trì bữa ăn chiều, để quy tụ mọi thành viên trong gia đình. Đó là khoảng thời gian trao đổi những chuyện gia đình, cha mẹ uốn nắn con cái, và ngược lại, học từ con cái, vì không phải bao giờ người lớn cũng đúng. Người trẻ có cái hay của người trẻ, lớn tuổi mà không động não cũng không thể dạy dỗ con, phải bổ sung cho nhau mỗi ngày. Vẫn biết quy tụ được nhau mỗi ngày là rất khó, nhưng khi quan tâm thực sự, sẽ sắp xếp được ổn thoả. Vợ chồng tôi ý thức rất rõ về chuyện giáo dục con cái, không vì chạy kiếm tiền mà khoán trắng cho nhà trường. Quan tâm lẫn nhau, bằng việc làm hàng ngày, bằng cách sống, tôi cố gắng cho con hiểu bản chất con người là tốt đẹp, để con có cái nhìn tích cực trong một môi trường mà xấu tốt, thật giả lẫn lộn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015