Lấy đâu ra con số 40% GDP?
Từ mấy năm nay có các cuộc làm việc của Chính phủ với các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
Tại các cuộc gặp đó, và tại hội nghị năm nay ngày 15-2-2011 cũng thế, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước báo cáo về những thành tích thật hoành tráng và đồng trở đua nhau kêu khó khăn, xin đủ thứ từ cho được tăng giá bán theo “giá thị trường”, cho mua ngoại tệ với giá chính thức, đến cho vay với lãi suất thấp, thậm chí “doạ” nếu không... thì... vân vân và vân vân.
Những điệp khúc muôn thuở và khá dễ hiểu, hệt như những đứa trẻ được nuông chiều thích khoe thành tích và hay vòi vĩnh, thậm chí “doạ nạt” bố mẹ.
Hãy ngó vài con số đẹp của năm nay trên trang thông tin điện tử của Chính phủ.
“Những chỉ số cơ bản về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ nợ trong giới hạn cho phép,... đã cho thấy các doanh nghiệp nhà nước đầu tàu (đóng góp xấp xỉ 40% GDP cả nước) đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước sớm vượt qua tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nằm trong nhóm 10 nước có mức tăng trưởng cao trên thế giới”.
Tổng vốn chủ sở hữu của các tập đoàn và tổng công ty này tăng lên 540.701 tỉ đồng, tăng 11,75% so với 2009.
Tổng doanh thu năm 2010 ước đạt 1.173.489 tỉ đồng, vượt 22% kế hoạch năm và tăng 36% so với năm 2009.
Có 20/21 tập đoàn, tổng công ty làm ăn có lãi, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 70.778 tỉ đồng. Tổng nộp ngân sách ước đạt 173.549 tỉ đồng, tăng 31% so với thực hiện năm 2009.
Các con số, nếu chính xác, thì thật là ngoạn mục!
Hãy ngó kỹ hơn vào chính các con số trên. Lợi nhuận trước thuế bằng 6,03% tổng doanh thu, bằng 13,1% tổng vốn chủ sở hữu. Lạm phát ở mức 11,75% và 13,1% vẫn lớn hơn 11,75% một chút, nói cách khác, mức lợi nhuận thực cũng vẫn dương (1,35%).
Con số nộp ngân sách chẳng nói gì mấy về thành tích của chúng (chủ yếu là thu từ dầu thô, tức là từ tài nguyên vốn có của đất nước, và thuế chủ yếu là người khác nộp cho Nhà nước chứ không phải là thành tích của các doanh nghiệp này).
20/21 đơn vị có lãi. Ai cũng nghĩ cái doanh nghiệp lỗ duy nhất chắc chắn phải là Vinashin. Không phải! Theo Vietnamnet đó là Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Nếu Vinashin cũng lỗ thì số trên phải là 19/21 đơn vị có lãi chứ! Hay Vinashin vẫn có lãi trong năm 2010? Chẳng biết số liệu chính xác đến mức nào, nhưng hãy cứ tin vào các số liệu ấy khi xem xét ở dưới đây.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2010 tính bằng giá thực tế là 1.980.914 tỉ đồng. Nếu so với GDP thì tổng doanh thu của các doanh nghiệp này lớn bằng 59,24% của GDP. Chúng “đóng góp xấp xỉ 40% GDP cả nước”. Con số 40% này là gì?
Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước của các năm 2000 đến 2008 là: 38,52%; 38,40%; 38,38%; 39,08%; 39,10%; 38,40%; 37,39%; 35,93% và 34,35%.
Cũng nên lưu ý rằng đóng góp của “kinh tế nhà nước” cho GDP, theo Tổng cục Thống kê, bao gồm cả đóng góp của nhà nước trong các lĩnh vực: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (2,77% năm 2008); giáo dục đào tạo (2,61% năm 2008); y tế cứu trợ, văn hoá thể thao, Đảng và đoàn thể (1,8% năm 2008) [7,18% năm 2008]. Nếu trừ phần đóng góp này khỏi thành tích của khu vực nhà nước, chúng ta có một ước lượng cho sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào GDP, là trên 30% nhưng dưới 31% trong các năm từ 1998 đến 2003; của năm 2004 và 2005 là 31,29 và 31,33%; của ba năm 2006 -2008 là: 29,46%; 28,15% và 27,17%.
Theo số liệu trên, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 27% cho GDP năm 2008, và phần của các tập đoàn không thể vượt quá con số này.
Năm nay con số 40% GDP ấy vẫn được lặp lại!
Cơ cấu của nền kinh tế chưa có gì thay đổi mấy so với 2009 và các năm trước. Theo Tổng cục Thống kê đóng góp cho GDP năm 2010 của các lĩnh vực ngoài doanh nghiệp của khu vực kinh tế nhà nước là: quản lý nhà nước (2,79%); giáo dục đào tạo (2,55%); y tế, văn hoá, Đảng, ... (1,71%) [tổng cộng là 7,05% GDP, chẳng khác con số của năm 2008 là mấy]. Như thế theo số liệu của Tổng cục Thống kê đóng góp vào GDP của các doanh nghiệp nhà nước chỉ ở mức 27-28% GDP chứ lấy đâu ra 40%!
Giá mà minh bạch được cách tính của mình thì chúng ta đã chẳng phải đau đầu với mấy con số này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá