Làm bổn phận của mình
Thưa tiến sĩ Adler,
Bổn phận là đức hạnh cao nhất của người chiến sĩ. Nhưng cũng có những bổn phận về chính trị, đạo đức, và tôn giáo, như chúng ta vẫn thường được nhắc nhở. Các triết gia phải nói gì về bản chất của bổn phận và vai trò của nó trong cách cư xử của con người.
J.D.
J.D. thân mến,
Có lẽ không có vấn đề nào thiết yếu trong luân lý hơn là vấn đề giữa đạo đức học về bổn phận và đạo đức học về khoái lạc hay hạnh phúc. Theo nguyên lý đạo đức về bổn phận , mỗi hành vi sẽ được phán đoán tùy theo nó tuân thủ hay bất tuân luật lệ, và sự phân biệt đạo đức cơ bản là giữa cái đúng và cái sai. Nhưng ở đâu sự khoái lạc hay hạnh phúc là chủ yếu, thì sự phân biệt cơ bản sẽ là giữa thiện và ác, và sự thèm muốn chứ không phải luật lệ thiết lập chuẩn mực đánh giá. Tất nhiên, bất kỳ nền Đạo đức học về bổn phận nào cũng phải ít nhiều tính đến hạnh phúc, cũng như bất kỳ nền Đạo đức học về hạnh phúc và khoái lạc nào cũng có điều để nói về bổn phận. Nhưng có những khác biệt lớn trong vai trò được giao cho bổn phận.
Có một lập trường cực đoan hoàn toàn loại trừ khái niệm bổn phận. Thái độ này, hơn bất kỳ thái độ nào khác, là đặc trưng cho trường phái Khoái lạc(1) của Lucretius(2).
Trong Đạo đức học về hạnh phúc của Aristotle, bổn phận không hoàn toàn bị loại trừ, nhưng cũng không được trao cho một ý nghĩa độc lập nào. Nó đơn thuần là một phương diện của đức công bằng, và chẳng khác gì hơn sự thừa nhận của một người công chính về những món nợ với người khác: hoặc sự nhìn nhận của người ấy rằng người ấy có nghĩa vụ tránh xúc phạm người khác và phụng sự lợi ích chung. Tương tự, đối với Plato, đức công bằng làm rõ thêm bổn phận hay nghĩa vụ. Nhưng đối với ông, công bằng, mặc dù chỉ là một trong nhiều đức hạnh, không thể tách rời với ba đức hạnh khác – ôn hòa, dũng cảm, và khôn ngoan. Do vậy, không đáng quan tâm chuyện ai đó cho rằng nghĩa vụ đạo đức là do cảm thức về công bằng của chúng ta hoặc do đức hạnh nói chung.
Một lập trường cực đoan khác đồng nhất ý thức bổn phận với ý thức đạo đức. Theo trường phái Khắc kỷ(3) của Marcus Aurelius(4) và Epictetus(5), hành động đúng là làm bổn phận của mình và gạt qua một bên mọi ham muốn đi ngược lại.
Triết học về đạo đức của Kanttinh vi hơn nhiều trình bày một học thuyết nền tảng tương tự. Không có gì được xem là “tốt hoàn toàn”, ngoại trừ thiện chí. Hạnh phúc không phải là điều tốt tuyệt đối. Nó là ý thức của con người thuần lý về sự dễ chịu của cuộc sống không ngừng gắn liền với toàn bộ cuộc hiện hữu của người đó” và nền tảng của nó là “nguyên tắc của tự ái”. Cả nền luân lý dựa trên hạnh phúc lẫn nền luân lý dựa trên khoái lạc đều phạm cùng một sai lầm. Cả hai đều “làm xói mòn đạo đức và phá hủy sự cao cả của nó, bởi vì chúng gán những động cơ cho đức hạnh và tật xấu ở cùng một cấp độ, và chỉ dạy chúng ta biết tính toán tốt hơn.” Cả hai đều thừa nhận sự khao khát là một chuẩn mực đạo đức về điều tốt và điều xấu. Cả hai đều đo lường hành vi đạo đức bằng cách xem xét cứu cánh mà nó hướng tới.
Đối với Kant, “một hành vi được thực hiện bởi bổn phận có nguồn gốc giá trị đạo đức của nó, không phải từ mục đích mà nó đạt được, mà từ châm ngôn qua đó nó được quyết định…”Và vì thế ông tiếp tục nói rằng “bổn phận là điều tất yếu của hành vi xuất phát từ sự tôn trọng qui luật.” Từ đây ông biện luận rằng bổn phận, và sau đó là mọi hành vi đạo đức, phải được thực hiện vì nó đúng, vì qui luật ra lệnh như thế, và không vì lý do gì khác. Kant viết:
“Một hành vi được thực hiện bởi bổn phận,” “phải hoàn toàn loại trừ ảnh hưởng của khuynh hướng, và cùng với nó mọi mục tiêu của ý chí, để cho không còn gì có thể quyết định ý chí ngoại trừ, một cách khách quan, qui luật, và sự tôn trọng thuần túy chủ quan đối với luật thực hành…”
Qui luật, nguồn gốc của bổn phận và của mọi hành vi đạo đức, là “mệnh lệnh tuyệt đối” (categorical imperative)thời danh của Kant. Theo mệnh lệnh này, Kanttuyên bố, “Tôi sẽ không bao giờ hành động theo một cách khác đi để cho tôi có thể ước muốn rằng châm ngôn của tôi sẽ trở thành qui luật phổ quát.” Bằng cách tuân theo mệnh lệnh phổ quát, chúng ta có thể thi hành bổn phận của mình và cảm thấy chắc chắc rằng ý chí của chúng ta là tốt về mặt đạo đức.
Do đó, đối với Kant, bổn phận là khách quan. Nó cốt ở việc làm theo những chỉ dẫn của mệnh lệnh tuyệt đối, độc lập với những khuynh hướng, những ước muốn, và nhu cầu chủ quan. Trong khi làm bổn phận của mình, chúng ta chỉ nghe theo tiếng gọi của lý trí.
(1)Trường phái Khoái lạc(Epicureanism):một trường phái triết học do triết gia cổ đại Hy Lạp Epicurus sáng lập, theo đó họ chủ trương một lối sống hướng về hạnh phúc trần gian và sự giải thích bản tính vật chất theo thuyết nguyên tử.
(2)Lucretius( khoảng 95 – 52 tr. CN): nhà thơ La Mã với tác phẩm De Rerum Natura(Bàn về Bản tính Sự vật) vừa là một nguồn lý luận quan trọng cho họcthuyết của Epicurus, vừa là một tuyệt tác về văn chương La tinh.
(3)Trường phái Khắc kỷ(Stoicism): một trường phái triết học do triết gia cổ đại Hy Lạp Zeno sáng lập, chủ trương nhẫn nhục chấp nhận các nỗi bất hạnh mà không phàn nàn kêu ca.
(4)Marcus Aurelius(121 – 180): hoàng đế và triết gia La Mã.
(5)Epictetus(55? – 135?): triết gia Hy Lạp.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn