Con người hiểm độc

10:09 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Mười Hai, 2009

Tập Hoa Đường tùy bút – Kiến Văn, Cảm Tưởng I, với bài cuối cùng Cô Kiều và tôi viết còn dở dang là những lời tâm sự ông rút từ ruột gan mình muốn thổ lộ, nhắn gửi với người đời sau. Đây là bản thảo đầu tiên ông viết chỉ để mình đọc, chưa phải để đưa đi in.PhamTon's blog đã thu thập bản sao chụp toàn bộ 11 bài ấy và công bố nguyên văn.


Ai nói đến người đó cũng phê bình một câu: con người hiểm độc…

Vậy thời cái con người hiểm độc ấy nó thế nào? Có thể tả được bức tranh tâm lý về con người ấy, bằng nét vẽ phác họa, đủ cai quát (Bao quát toàn bộ – PT chú) mà hình dung được một nhân vật chung trong xã hội, không mang tiếng là ám chỉ một cá nhân đặc biệt nào, có thể vẽ được bức tranh phá bút như thế không?

Chắc rằng một bức vẽ “trừu tượng” như vậy, thời không thể đậm đà rõ rệt như bức tranh tả thực, chụp ảnh được con người ấy ra, cho ai cũng có thể chỉ mặt gọi tên được.

Nhưng mà nói chung hơn nói riêng. Vả lại tâm lý cá nhân, dù đặc biệt thế nào, rút lại cũng qui nạp ở mấy nét vẽ lớn, là hình dung thiên cổ của lòng người.

Vậy thử nhân một cá nhân đặc biệt mà tổng quát hóa thành một mô dạng phổ thống (Như: phổ thông – PT chú), dù có thiếu mầu đậm đà, mà có lẽ được thêm vẻ triết-lý.

Trái với lời sách nho ta dạy, con người ấy tính nó vốn ác. Nó ác cũng như con rắn độc, sẵn chứa trong mình một bầu nọc độc, gần gụi hay đụng chạm với ai, phải châm chích được vào người ta một vài giọt độc mới nghe.

Dạ ớt ngâm như vậy, mà miệng lại thơn thớt, cho nên độc mà hiểm. Độc tất hiểm, mà hiểm thường độc. Độc có hiểm mới dễ hại người.

Nghe con người ấy nói năng, thì ngọt ngào hết sức, dễ thương vô cùng. Tưởng không còn ai thành thiệt thân thiết bằng. Nhưng chớ có nhẹ dạ mà vội tin. Nhất là chớ có thật thà mà chuyện trò thân mật, đến thổ lộ can trường. Nguy, tối nguy! Vì câu chuyện, thân tình hay thực tình ấy, ngay sớm mai sẽ truyền đến những nơi không cần phải nghe, mà tẩm thêm mấy giọt nọc độc. Hoặc bị phóng đại, hoặc bị ác-hóa (Làm cho xấu đi – PT chú), mà nghiễm nhiên thành một mối nghi ngờ, ghen-ghét, oán-giận, căm-hờn giữa những người trước kia không có chuyện gì với nhau cả. Giữa những người vốn có hiềm khích với nhau, thời cố nhiên thành một cớ chiến tranh kịch liệt.

Vì miệng thơn thớt, tất mỏng môi hay hớt. Nhưng hớt đây là hớt hiểm hớt độc, không phải hớt cho có chuyện vui chơi. Vì đặc tính con người ấy là có làm hại được người ta mới sướng, như con rắn độc có nhả được nọc độc mới nhẹ mình. Vậy chuyện chỗ nọ hớt sang chỗ kia, chuyện người này mách cho người nọ, nhiều khi không có gì cũng bằng không kết cấu lên thành chuyện mà tuyên truyền đi nữa, không phải là để lấy công với người, không phải là để lấy tiếng thông thạo, bao giờ cũng có cái ác ý hại người.

Đối với con người ấy, bao giờ cũng phải đề phòng luôn luôn, không nên một giây phút nào ngộ hoặc (Nghi lầm, lừa dối – PT chú) vì cái thái độ mềm mỏng dễ thương.

Nó mang sẵn bầu nọc độc, phải nhả được mới yên thân, nên nó đã gian, nó lại ngoan, hết sức kiều mị để cám dỗ người.

Nhưng mà Tạo-vật cho con hổ mang bầu nọc độc để làm khí giới mà tự vệ. Chớ Tạo-vật cho con người ấy bầu nọc độc để làm gì?

Vẫn biết rằng người ta không phải là thánh nhân cả, không thể lấy thiện mà trả ác, nhiều khi cũng phải lấy ác mà trả ác. Nhưng mà con người ấy không phải làm ác để trả thù, không phải nhả độc để tự vệ; con người ấy làm ác để sướng mình, nhả độc để tự khoái. Con người ấy làm ác khống, nhả độc chơi!

Phàm hành vi động tác không có mục đích duy kỷ duy lợi, mà chỉ có mục đích du-khoái (Vui sướng – PT chú) mà thôi, thời là thuộc về phạm vi mĩ thuật vậy. Họa-sĩ vẽ bức tranh đẹp, nhạc-sĩ gẩy khúc đàn hay, trước khi nghĩ đến cầu lợi, cốt để vui tai sướng mắt mình đã.

Con người nọ làm ác để mà chơi, làm ác để cho sướng, có lẽ cũng là một nhà mĩ-thuật chăng? Nó là một nghệ sĩ trong cái thuật làm ác, trong cái nghề quấy hôi bôi nhọ người đời. Có lẽ thế chăng? Nếu không thì sao nó độc ác một cách tự nhiên, một cách dễ dàng, một cách khinh khí (Nhẹ nhàng – PT chú) khoái hoạt (Khoan khoái, thích thú – PT chú) như vậy? Tựa hồ như bản tâm, bản tính, thiên-lương, thiên-năng của nó, là chung đúc cả vào một chữ ác. “Con cá sống về nước”, con người đó sống về ác. Ác là cái không khí tự nhiên cho nó sống; chỉ trong không khí đó nó mới phát-triển được tài năng, vẫy-vùng, bay nhẩy và như nhà mĩ-thuật nọ, tạo nên được những tác phẩm tuyệt luân (Thuộc vào loại giỏi nhất, xuất sắc nhất – PT chú).

Con người lạ lùng, mà con người nguy hiểm thay!

Bản thảo viết tay Hoa Đường Tùy Bút- Kiến Văn, Cảm Tưởng I của Phạm Quỳnh

(Mùa hạ năm 1945)

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các giá trị Đạo đức

    21/05/2018Nguyễn Trần BạtVai trò định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng người thuộc về đạo đức, mà cái gốc của nó là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại: chân, thiện, mỹ...
  • Lương tâm là gì?

    05/04/2018Lương tâm, như từ này cho thấy, là sự ý thức. Nó là loại ý thức đặc trưng – ý thức đạo đức, một cảm thức nội tại về cái đúng và cái sai. Và nó là ý thức có sức mạnh bắt buộc. Chúng ta cảm thấy bị nó thúc ép. Nó ra lệnh cho chúng ta. Nếu chúng ta không vâng phục nó, chúng ta cảm thấy ăn năn hay lo sợ. ...
  • Chỉ buộc chân voi

    24/08/2017Phạm QuỳnhQuần chúng phải buộc bằng những sợi chỉ vô hình của đạo đức, luân lý, phong tục, tập quán, sợi chỉ mong manh nhưng cũng là sợi chỉ thiêng liêng, nhờ đó mà loài người mới thành xã hội có kỷ cương, nếu không thời chỉ là những đám đông ô hợp, hỗn hào, loạn tạp.
  • Cải cách trí tuệ và luân lý

    26/01/2016Phạm QuỳnhTrong một bài viết trước tôi có ám chỉ đến sự cần thiết phải tiến hành một cuộc "cải cách trí tuệ và luân lý" ở xứ này, và tôi đã nói rằng cuộc cải cách đó chủ yếu phải là công việc của giới tinh hoa nước Nam, những người phải có ý thức về chính mình, về bổn phận và trách nhiệm của mình.
  • Nói chuyện một tí về bọn chuột

    07/01/2016Nguyễn Tất ThịnhNhà tôi hay bị bọn chuột quấy quả. Nó làm cho gia đình chúng tôi phát điên lên vì đồ đạc, sách vở đàn sáo trong nhà bị gặm nhấm, thức ăn, đồ thờ cũng bị lôi tha vương vãi... Tôi đã để bao nhiêu công tìm hiểu, tưởng là để đánh đuổi được chúng, thế mà chịu thua, chỉ cóp nhặt được vài nhận xét sơ đẳng về bọn chuột.
  • Thói hư tật xấu của người Việt : Quan lớn như hạ lưu, Ảo tưởng thoái hóa, trì trệ bất lực

    09/04/2015Vương Trí NhànNghĩ như những người quan cao chức lớn, cửa rộng nhà to, mũ áo đai cân, mày đay kim khánh mà gian tham xiểm nịnh, bất nghĩa vô lương hút máu hút mủ của dân thứ để nuôi béo vợ con...
  • Sự an tâm

    01/01/2015Nguyễn Văn TrungThái độ an tâm cho mình là phải là một thái độ rất thông thường, vì ai cũng thường cho mình là đúng, ít người có lương tâm áy náy, sợ đã lầm lỗi. Thái độ an tâm là thái độ của một người cảm thấy mình không có điều gì đáng trách trong những việc mình làm, những lý tưởng theo đuổi hay những quan niệm mình chủ trương. Những quan niệm mình chủ trương là đúng, những lý tưởng theo mình theo đuổi là cao cả, những việc mình làm là tốt...
  • Văn học, chính trị

    16/09/2009Phạm QuỳnhHai phạm vi văn học và chính trị, tuy có thể đắp đổi cho nhau, nhưng thực là cách biệt nhau hẳn. Có thể đắp đổi cho nhau là nhà chính trị mà có văn học thời được sắc sảo thêm ra, như trên đã nói, và nhà văn học mà làm chính trị thời cũng có lẽ được giàu thêm sự kinh nghiệm ra, tăng thêm được tài liệu cho sự nghiệp văn chương của mình. Nhưng mà vốn là hai phạm vi cách biệt nhau, vì khuynh hướng về hai mục đích khác nhau.
  • Phạm Quỳnh: Ngọn gió Nam

    15/07/2009Đỗ Lai ThúyNam Phong (1917-1934) là một trong những tạp chí có công rất lớn trong việc cổ động cho văn học quốc ngữ, cho nền quốc học Việt Nam. Đặc biệt cho việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở kết hợp, dung hòa hai nền văn chương, học thuật, tư tưởng Đông – Tây. Các biên tập viên giữ các chuyên mục của tạp chí đều là những cây bút vững vàng, sắc sảo, nhạy bén với những vấn đề văn hóa, trong đó phải kể đến ông chủ bút là Phạm Quỳnh.
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Đạo đức và suy thoái đạo đức

    23/01/2009Cao Tự ThanhĐạo đức là ánh phản về một trật tự xã hội hay ít nhất cũng thể hiện một quan niệm về trật tự xã hội cụ thể với các lợi ích và nhu cầu xã hội xác định. Cho nên nó là một hệ thống ý thức xã hội, thực tiễn xã hội quy định thế nào là đạo đức cũng như lợi ích và nhu cầu sẽ quy định ý thức đạo đức của cá nhân hay nhóm xã hội...
  • Đạo đức xã hội

    22/03/2007GS, TS. Nguyễn Duy QuýMặt tráicủa kinh tế thị trường đã thâm nhập rất mạnh, ngày càng mạnh và sẽ còn tiếp tục gay gắt hơn nữa trong những thập kỷ tới. Những mặt trái này đã chậm được nhận thức, chậm phát hiện, chậm xử lý.Hiểu biết phiến diện về kinh tế thị trường, trong đó điều đáng nói là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, đạo đức và lối sống tư sản đã không được nghiên cứu đầy đủ, không thấy hết những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của nó vào nước ta khi mở cửa và hội nhập... đã dẫn tới sự xem nhẹ, coi thường những bảo đảm đạo đức và văn hóa nói chung đối với xã hội...
  • Đạo đức và tài năng

    12/09/2006Nguyễn Văn LinhBằng niềm tin vững mạnh, trước sự diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, chúng ta đã lựa chọn và kiên định mục tiêu, con đường phát triển và lối sống sáng sủa của dân tộc, đã xác định những tinh thần vô giá và cao đẹp Việt Nam...
  • Đọc "Người Trung Quốc Xấu Xí"

    13/11/2003Người Trung Quốc xấu xí (Chõu lòu de Zhong Guó rén) tập hợp những bài viết và nói chuyện từ năm 1977, và lần đầu được dịch ra tiếng Việt vào đầu hè 1998 tại Paris do dịch giả Nguyễn Hồi Thủ dịch từ một bản in ở Trung Quốc (TQ) của tác giả Bá Dương (Bo Yang) sau một chuyến đi TQ cách đó năm năm. Sau đó cộng đồng người Việt ở Pháp, Mỹ... đã tham gia tranh luận rất nhiều về "Người Trung Quốc xấu xí" và "Người Việt xấu xí". ChúngTa.com xin đăng tải một bài viết tóm tắt về "Người Trung Quốc xấu xí" và tâm sự của một người Việt đã xa quê hương đất nước 30 năm.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác