Chỉ buộc chân voi

02:47 CH @ Thứ Năm - 24 Tháng Tám, 2017

Tập Hoa Đường tùy bút – Kiến Văn, Cảm Tưởng I, với bài cuối cùng Cô Kiều và tôi viết còn dở dang là những lời tâm sự ông rút từ ruột gan mình muốn thổ lộ, nhắn gửi với người đời sau. Đây là bản thảo đầu tiên ông viết chỉ để mình đọc, chưa phải để đưa đi in.PhamTon's blog đã thu thập bản sao chụp toàn bộ 11 bài ấy và công bố nguyên văn.


Tục ngữ có câu: Chỉ buộc chân voi. Sợi chỉ mà buộc được chân con voi, một cái hãm rất mong manh mà cầm được một cái sức rất to mạnh. Phàm dùng những phương pháp, những kế hoạch thuộc về đạo lý, thuộc về tinh thần mà ngăn ngừa cầm giữ những thị dục thuộc bản năng của cá nhân, hay là những lực lượng vô ý thức của quần chúng, toàn là dùng sợi chỉ mà buộc chân con voi cả. Vì thói quen, vì giáo dục, con voi kính cẩn sợ hãi, không dám đụng chạm đến, thời sợi chỉ vẫn thiêng liêng, vẫn đủ sức cầm giữ con voi không đâm quàng đạp bậy. Nhưng nếu thốt nhiên vì duyên cớ gì, không còn lòng kính cẩn sợ hãi đó nữa, thời ôi thôi! sợi chỉ chỉ là sợi tơ mành, thấm tháp chi mà cầm giữ được chi! Con voi bấy giờ sẽ tự do chạy ùa vào trong cửa hàng đồ sứ, theo như lời ngạn ngữ tây, rồi đâm quàng đạp bậy vài cái, bao nhiêu bát kiểu đồ mẫu loảng xoảng tan nát cả.

Nền nếp của gia đình, trật tự trong xã hội, kỷ luật của cá nhân, phần nhiều cũng chỉ căn cứ ở mấy sợi chỉ vô hình do đạo đức tôn giáo đời đời dùng để ngăn cái thị dục vô nhai (không có bờ bến – PT chú) của người ta, ngăn sự xuẩn động vô ý của quần chúng. Nếu những sợi chỉ ấy mà trùng mà đứt, thời có nguy hiểm đến văn minh của loài người. Vì cả cái lâu đài văn minh của nhân loại cũng ví như hàng đồ sứ nọ, chớ để cho con voi quần chúng ùa vào mà phá bậy.

Đời này là đời mị chúng, nhất thiết cái gì cũng kêu gào đến quần chúng, không biết rằng quần chúng là một sức mạnh cần phải điều khiển, chứ không để cho phóng túng được. Quần chúng phải buộc bằng những sợi chỉ vô hình của đạo đức, luân lý, phong tục, tập quán, sợi chỉ mong manh nhưng cũng là sợi chỉ thiêng liêng, nhờ đó mà loài người mới thành xã hội có kỷ cương, nếu không thời chỉ là những đám đông ô hợp, hỗn hào, loạn tạp.

Cho nên những sợi chỉ vô hình đó, chúng ta phải biết giữ gìn mà tôn trọng. Mỗi khi đụng chạm đến, phải hết sức cẩn thận, vì đã đứt rồi không sao nối lại được nữa.

Thứ nhất là kẻ có trách trị dân trị nước, lại càng phải thận trọng lắm và phải nhớ rằng: một dân không biết kính nữa là một dân bất trị vậy.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những lời tâm sự

    05/06/2016Phạm QuỳnhMột hôm tôi nhận được những lời tâm sự của một người bạn trẻ. Quả rất bi thảm. Chúng bộc lộ sự rối loạn của một tâm hồn hoàn toàn hoang mang không còn tìm thấy các chuẩn mực cho cuộc sống của mình và buông mình như một cái xác mặc cho dòng nước cuốn trôi. Chúng rất tiêu biểu cho trạng thái bất ổn của phần đông giới trí thức tinh hoa của đất nước này.
  • Tư tưởng Keyserling

    28/11/2009Phạm QuỳnhXét đời người phải xét đến sự sống, vì đời người là cái khoảng người ta sống trên mặt đất. Nhưng người ta cũng là một giống trong muôn vàn giống sinh vật khác; xét sự sống của người ta là xét sự sống của hết thảy các sinh vật trên mặt đất.
  • Thơ ta thơ tây

    03/07/2009Phạm QuỳnhNhư muốn vẽ bức tranh thì con mắt phải nhìn trong cảnh vật mà thu lấy cái hình ảnh, rồi mới tìm cách truyền thần ra giấy ra lụa. Muốn làm bài thơ cũng vậy, trong trí phải tưởng tượng ra một cái cảnh, hoặc là cảnh thiên nhiên, hoặc là cảnh trong tâm giới, rồi dùng những âm hưởng thích đáng mà gọi, mà kêu nó lên, khiến cho người nghe cũng phảng phất tưởng tượng như thế. Hai đàng cùng là vẽ cả, một đàng là vẽ cách trực tiếp, một đàng là vẽ cách gián tiếp, nhưng đều muốn khêu gợi ra mối tư tưởng cảm tình trong tâm trí người ta vậy.
  • Bài học của tổ tiên

    28/05/2009Phạm QuỳnhCó những kẻ sẽ nói với các con rằng đó là những khái niệm lỗi thời, những quan niệm của một thời đã qua, rằng con người hiện đại cần phải là một con người cá nhân chủ nghĩa toàn vẹn, hay một người xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh nghĩa là hắn ta chỉ phải chăm lo cho hạnh phúc cá nhân và riêng rẽ hay, ngược lại phải làm việc vì hạnh phúc của toàn nhân loại, và gia đình với tổ quốc, đấy là những điều nhảm nhí cũ kỹ chỉ để thoả mãn những đầu óc câu nệ của đám tiểu tư sản ù lì trong những định kiến phản động của chúng. Những kẻ sẽ nói với các con như vậy, thì đấy là những người cuồng tưởng nguy hiểm hay những tên hề xấu xa. Chớ mà nghe theo họ...