Câu chuyện cổ tích thứ nhất
Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua. Vua trị vì một đất nước bằng cách ngồi trong cung điện. Đến mức khi vua đang ngắm tranh, đọc thơ hay đo chiều rộng các gian phòng, có người hỏi:
- Thánh thượng đang làm gì đấy?
Quần thần liền trả lời:
- Đang vạch ra kế hoạch cai trị.
Lâu lâu, để nắm tình hình, vua vời quan Tể tướng vô:
- Thiên hạ ra sao rồi?
Tể tướng trình bày:
- Muôn tâu, khá hơn trước ạ.
Vua yên tâm, nghĩ mọi thứ đều tốt.
Một hôm, vua ra ngoài kinh thành chơi. Cưỡi ngựa xem... dân chúng. Cờ xí rợp trời, đèn hoa rực rỡ. Ngài hài lòng lắm. Thấy một gã ăn mặc rất đẹp, vua cho gọi lại, hỏi:
- Nhà ngươi là gì?
Gã nọ khúm núm:
- Tâu Bệ hạ, thần là kẻ lái buôn.
Vua gật gù, mặc dù không hiểu buôn thực chất là thế nào.
Thấy một kẻ đeo nhiều vàng bạc, vua hỏi tiếp:
- Nhà ngươi là gì?
Kẻ đó vui vẻ:
- Tâu Thánh thượng, là kẻ kiểm soát bọn buôn.
Vua mỉm cười, mừng cho xã tắc thịnh vượng, người nọ biết nâng đỡ người kia.
Bỗng thấy một tên quần áo rách rưới, đầu tóc bơ phờ, lấp ló ở xa. Vua truyền cho đòi. Nhìn kỹ thấy thân thể gầy gò, lộ ra mười cái xương sườn. Vua thắc mắc:
- Nhà ngươi là gì?
Người đó buồn rầu:
- Muôn tâu, là dân chúng.
- Nhà ngươi sống ra sao?
- Muôn tâu, con sống khá hơn "Trước".
Vua nghe vậy thất kinh:
- Thế khá hơn "Trước" là khá ra sao?
- Dạ, là chỉ nhìn thấy chín xương sườn thôi, tâu Bệ hạ.
Vua quay lại phía quan Tể tướng:
- Thiên hạ thế này cả ư?
Tể tướng thưa:
- Dạ, thế này thế khác chẳng qua chỉ là một khái niệm. Cái chính tuy họ đói, nhưng họ trong sáng, lành mạnh, ít phạm tội.
Vua phân vân:
- Tội là sao?
Tể tướng giảng giải:
- Là mắc vào những điều như trộm cắp, gian tham, cướp kho, phá phú.
- Tội có đáng sợ không?
- Muôn tâu, có! Nhưng Bệ hạ không nên sợ, vì cung vua có tường cao, hào sâu, then to khóa lớn, cho nên những tội ấy dân chỉ phạm với nhau thôi. Cái đáng lo là tội nói xấu Bệ hạ, khó canh phòng chỗ nào được.
Vua buồn bực:
- Mình chịu ư?
Tể tướng đắc chí:
- Đâu có chịu. Tội trạng nào hình phạt ấy. Tội độc đáo, sự trừng trị cũng độc đáo. Kẻ nói xấu vốn sợ nhất không còn ai nghe mình nói. Cho nên với kẻ phạm điều này, ta không thèm chém đầu nó, mà chém kẻ nào tiếp xúc với nó.
Vua nghi ngờ:
- Như thế công hiệu chứ, khanh?
- Công hiệu lắm. Hắn sẽ sống với đồng loại mà như chết rồi. Không nói, không cười, không ăn, không ở được với ai cả.
Vua gật đầu, về cung, truyền quan Tể tướng làm ngay thành văn bản, đóng triện. Để cẩn thận, vua tự tay đề thêm:
"Luật này áp dụng từ ngày hôm nay, sẽ không có bất cứ sự sửa đổi nào cho tới vĩnh viễn".
Ký tên: VUA.
Đến bữa, quân lính giải tới một người:
- Tâu Bệ hạ, tên này phạm tội với Bệ hạ.
Vua nổi giận:
- Nhà ngươi nói xấu gì ta?
Người ấy hiên ngang:
- Thần không nói xấu Bệ hạ, mà nói xấu kẻ dưới quyền. Nhưng chúng cứ mang danh Bệ hạ ra mà bắt.
Vua gắt:
- Dưới quyền ta thì cũng là ta phần nào.
Người ấy được thả cho đi, nhưng có một toán lính theo sát. Hễ ai chào, hỏi, an ủi hay khuyên bảo điều gì đều bị xử chém.
Tội nhân cô đơn, lang thang giữa dòng đời như trên sa mạc. Hắn cả sợ, muốn gặp vua xin được chết cũng không xong. Bởi tới vua, phải qua bao nhiêu nấc, mà nấc nào lắng nghe hắn, nghĩa là cũng tiếp xúc với hắn, phải bị trừng trị liền.
Nhưng đến một ngày kia, lại có một tên nữa được giải tới. Vua hỏi:
- Ngươi nói xấu gì về những việc ta làm?
- Muôn tâu, thần chỉ nói xấu về những thứ Bệ hạ không làm mà thôi.
Vua cười khẩy:
- Cũng là tội.
Rồi xếp tên đó cùng loại với tên trước.
Nhưng gay quá, luật quy định không ai được tiếp xúc với chúng, nhưng chẳng hề cấm chúng tiếp xúc với nhau. Hai tên tội phạm trở nên có bầu có bạn, và tha hồ nói xấu vua.
Kinh nghiệm ấy được lan truyền khắp vương quốc. Thiên hạ bất bình về vua, không nói một mình nữa, mà rủ cả nhà, cả họ, thậm chí cả xóm, cả làng cùng nói.
Số ấy ngày càng trở nên đông đảo. Đến nỗi nếu không tiếp xúc với chúng, sẽ chẳng còn tiếp xúc được với ai. Từ kẻ thổi xôi, nấu cháo cho tới người chạm bạc đúc vàng cũng phải nói xấu nhà vua, nếu muốn thiên hạ chấp nhận.
Tình huống trở nên nan giải, tới lúc cả vương quốc phạm tội, còn trơ lại bọn quần thần. Chúng cũng đành quay sang nói xấu vua, hy vọng còn có người cho ăn và phục vụ.
Vua và quan Tể tướng thất thểu, bơ vơ. Tới đâu mọi người cũng xô nhau chạy tới đấy, không chào hỏi, bẩm thưa gì cả. Rồi quan Tể tướng cũng phản bội. Ông ta hét vang giữa chợ:
- Bệ hạ xấu lắm!
Vua mắng:
- Nhà ngươi còn xấu hơn. Nhà ngươi đã từng lợi dụng cái xấu của ta mà tồn tại.
Tể tướng hòa vào đám đông. Vua quát theo:
- Mi tưởng thoát được à? Ta sẽ đổi mới - tự nói xấu ta. Thế là ta cai trị như cũ!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý