Hai lần chỉ thị
(Chuyện xảy ra từ một thời xa xưa…)
Ai cũng biết, bản chất con người là tốt. Cái làm cho họ hư hỏng là xà bông bột, kem đánh răng, chổi quét nhà, dao cạo râu, dầu chải tóc, bịch ni-lông, bao đựng kẹp, nhựa vá xe, keo hàn nối… cùng với khoai lang chiên, mè bóc vỏ, cá bống kho… tóm lại là tất cả những thứ thuộc về vật chất.
Cho nên mới có chỉ thị:
“Kể từ ngày mai, không chỗ nào được coi trọng vật chất nữa. Mọi sự mua bán, trao đổi, ký gửi, hưởng thụ đều phải được tiến hành trên cơ sở tinh thần. Mọi sự chuyển nhượng, thừa kế, thuê, sang đều phải được thực hiện bằng những giá trị thiêng liêng, phi vật chất. Mọi vàng bạc, tư trang, đồ ăn thức dùng đều phải thay thế bằng những thứ không cụ thể, nhưng bảo đảm trong sạch, mới mẻ, bổ dưỡng và thích hợp với mọi lứa tuổi”.
Chỉ thị được quán triệt triệt để. Một thời đại mới bắt đầu, lợi ích của nó thật không sao kể xiết:
Ở cơ quan, người ta ăn điểm tâm bằng một lời hứa, dùng bữa trưa với một bản nhạc và lĩnh lương bằng một bài diễn văn.
Ở trong nhà, bố ngủ trên những dòng xã luận, mẹ trang điểm bằng quyết tâm thư, còn con trai diện chiếc áo may bằng những lời trong hội thảo.
Ở ngoài đường, quán cà phê biến thành phòng họp, bà bán xôi chè chuyển sang buôn tên tuổi, bác kẹo kéo bán lẻ danh hiệu, còn chị bún bò phân phối quyết tâm.
Ở chợ, người ta đã quen với những từ: Cho tôi mua một ký lô đạo đức, ba bịch tương lai, hai trăm gờ-ram quá khứ, bốn đĩa tình yêu, năm tô kiên quyết.
Bếp núc, xoong nồi ai cũng sạch sẽ, không cần chùi rửa mà vẫn sáng choang. Để xơi một bài ca ngợi, đâu việc gì phải nấu chín, còn để chén một bản tổng kết, chẳng ai cần xắt mong cho lôi thôi.
Mùa trung thu, các em nhỏ được dắt vào bảo tàng, còn đêm giao thừa, các gia đình đi xem triển lãm.
Không khí lành mạnh, vui tươi, phấn khởi lan tràn khắp nơi.
Nhưng thật đáng căm phẫn, một số bọn còn luyến tiếc cái cũ thời kỳ vật chất. Chúng liên kết với nhau, bắt đầu tổ chức phá hoại, công khai hay ngấm ngầm, chúng muốn được phục hồi những tệ nạn ngày xưa.
Đầu tiên, nạn ăn chơi phung phí, hưởng thụ bừa bãi sống lại. Ai có thể tưởng tượng được, có những đám cưới xài tới hai chục câu khẩu hiệu, lại còn kèm theo mười lăm phút dặn dò, bốn mươi trang nhắc nhở.
Có những sinh nhật mà khách mời xem tới bảy chương trình thời sự, đọc hết ba bản nhận xét thi đua, và quá quắt hơn nữa, cả bọn sau đó kéo nhau đi dự mít tinh tới sáng.
Có những cuộc liên hoan thuê hẳn diễn giả về nói chuyện, có những buổi gặp mặt mà riêng thời gian đứng dậy vỗ tay đã kéo dài một giờ hai mươi phút rưỡi.
Và cũng hệt như ngày xưa, nạn buôn bán lòng vòng, trao đổi lung tung bắt đầu xuất hiện. Để có hy vọng, người ta buộc phải bán tình thương, muốn xài ban ơn, nhiều nơi xuất kho lòng trung thực.
Bọn cửa quyền, quan liêu cũng chui ra nhanh chóng. Ai cần xem ca nhạc phải dự đủ ba cuộc họp tổ dân phố, ai gửi tâm hồn vào tín dụng, lúc rút ra lại phải chứng minh là mình đã ngây thơ tới mười năm.
Chợ đen hình thành. Có những tháng, các quán hàng bị mua gom sạch phấn khởi, lại có quý, tìm đâu cũng chả thấy một ký lạc quan, cần dùng chỉ còn cách đi cửa sau hoặc bằng lòng với giá cắt cổ. Mà đầu cơ để làm gì, nếu không nâng giá? Nhiều lúc ba bao dũng cảm chỉ bằng một chén bâng khuâng.
Nhưng vô lương tâm nhất là bọn làm hàng giả, làm cho người tiêu dùng nghi ngờ, chẳng biết tin ai. Đã xảy ra trường hợp sự thô thiển được dán nhãn chân thành, còn trí thông minh đựng trong chai thuốc trừ sâu, bên ngoài đề “không dùng quá liều chỉ định”.
Bao nhiêu nỗi khổ đó tưởng đã tận cùng, đùng một cái, thêm vấn đề nhập lậu. Tinh thần ngoại tràn lan, lấn át tinh thần nội đủ mọi bề. Một sự biết ơn lậu thuế bền và rẻ hơn sự biết ơn trong nước tới ba bốn lần, còn chở một xe văn hóa qua biên giới là đủ mua được hai tạ lòng tự hào đã sơ chế sẵn.
Cho nên mới có chỉ thị:
“Kể từ ngày mai, không chỗ nào được tồn tại vật chất và tinh thần nữa. Mọi sự mua bán, ký gửi đều phải thực hiện trên cơ sở một thứ mà chúng tôi chưa nghĩ ra, nhưng nhất định sẽ thông báo sau. Mọi sự chuyển nhượng, thừa kế, thuê, sang đều phải được thực hiện bằng những giá trị thiêng liêng mới, tạm thời chưa tồn tại. Mọi vàng bạc, tư trang, đồ ăn thức dùng đều phải thay thế bằng những cái chẳng bao giờ có nhưng cần phải đảm bảo trong sạch, mới mẻ, bổ dưỡng, phù hợp với xu thế đi lên của thời đại”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý