Luyện lý trí
Lời tựa
Mãi đến hồi bốn chục tuổi tôi mới được biết có nhiều nhà bác học kiến văn rộng gấp trăm ngàn lần tôi mà cũng nhận thấy rằng phán đoán trăm lần thì có tới bảy mươi năm lần sai, như Benjamin Franklin, hoặc suy nghĩ trăm lần thì chỉ được một lần đúng, như Albert Einstein. Phải chi tôi biết được điều đó hai ba chục năm trước thì có lợi cho tôi biết bao!
Nhớ lại lúc đó tôi hoang mang trong một thời gian khá lâu. Không dám tin sức phán đoán suy xét của mình nữa, tôi vội vàng tìm đọc các sách báo nói về môn luyện trí để học.
Tự biết còn hơn là không biết. Tôi lựa những sách viết cho người lớn; vì những sách viết cho học sinh và sinh viên như các bộ luận lý học có tính cách trừu tượng hoặc chuyên môn quá, không thực tế , nghĩa là không đem những việc hằng ngày ra để tập cho thanh niên suy đoán, giải quyết, thành thử ngay trong cái việc trí dục, học đường cũng vẫn chưa đạt được mục đích; mà ở trường ra, trong việc làm ăn cũng như trong việc xử thế, ta ít khi chịu vận dụng bộ óc, mười lần thì có chín lần dùng trực giác chứ không dùng lý luận, nếu có lý luận thì muời lần sai đến bảy, tám. Tôi nói bảy tám là it đấy.
Bạn cứ thử xét bạn mà xem. Mới trông thoáng vẻ mặt một em bé, bạn bảo ngay: "Thằng nhỏ này thông minh, sau học được", hoặc mới nghe ai trình bày kế hoạch, bạn đã ngắt ngay: "Công việc đó khó thành". Đấy, trong đời sống hằng ngày ta thường dùng trực giác như vậy.
Trực giác là năng khiếu rất quý, giúp ta lãnh hội được rất mau; có người còn cho nó là một hình thức cao đẳng của tư tưởng nữa. Archimède,
Chắc bạn còn nhớ định đề Euclide: Trên một mặt phẳng từ một điểm ta có thể vẽ và chỉ có thể vẽ được mỗi một đường thẳng song song với một đường thẳng khác. Do trực giác ta nhận định đề đó, chứ có cách lý luận nào để chứng minh nó được đâu, mà tất cả môn Hình học của chúng ta ngày nay đều xây dựng trên định đề đó. Vậy không có trực giác thì tri thức của loài người không tiến được.
Nhưng trực giác không luôn luôn đúng. Tôi đã nhiều lần thấy những đứa bé lanh lợi, ai cũng khen là sau học được, mà rồi học dở hơn anh em, bè bạn. Các ông bạn tôi làm nghề xuất bản, thường nhận rằng có những tác phẩm tưởng in ra chỉ bán được vài trăm cuốn mà nội ba tháng bán hết ba ngàn, cuốn tưởng bán chạy lắm mà lại ế, làm cho những nhà xuất bản bạc đầu trong nghề cũng phải thở dài than rằng: “Mười lần, bắt mạch trúng nhiều lắm là được ba lần...”. Tôi lấy ngành xuất bản làm thí dụ, các ngành khác thì cũng thế.
Bạn thử tưởng tượng như vậy thì trực giác có nguy hiểm hay không chứ ! Chả trách Claude Bernard, ông thuỷ tổ của khoa y học thực nghiệm đã phải viết những trang rất nồng nhiệt đả đảo cái lối dùng trực giác để đoán bệnh. Không thể đoán bệnh được. Phải tìm bệnh, mà muốn tìm thì phải nhận xét, phân tích, thí nghiệm tỉ mỉ. Chúng ta thường có cái tật nóng ruột, vội vàng bực mình khi nhà thương cả nửa tháng mà bác sĩ vẫn chưa cho biết ta mắc bệnh gì. Như vậy là vô lý.
Danh tướng Foch của Pháp trong kỳ thế chiến thứ nhất cũng nói: “Tuỳ theo cái hứng tức là để cho vận mệnh sai khiến”. Chữ hứng đó, gần nghĩa với trực giác. Trong việc cầm quân, quyết định phải mau lẹ, mà ông cũng còn chỉ trích cái lối dùng trực giác như vậy đó. Ông luôn khuyên các sĩ quan của ông phải suy nghĩ, lý luận tìm hiểu nguyên nhân, kết quả rồi từ ý này dẫn tới ý khác, tóm lại phải tổ chức tư tưởng của ta chứ không được kết luận và nói hồ đồ được.
Như vậy, tuy chậm thật nhưng khi ta đã tập tổ chức tư tưởng thì lần lần ta lý luận mau có kinh nghiệm, nhiều phán đoán ít sai, lúc đó ta có thể dùng đến trực giác.
Một y sĩ chuyên trị bệnh thương hàn chẳng hạn, khám một con bệnh biết ngay là mắc bệnh đó hay không; một người thợ máy rành nghề, nghe tiếng xe hơi chạy có thể đoán ngay được máy hư ở đâu; một vị danh tướng trong trận địa biết ngay nên đặt quân, đặt súng ở đâu...; những người đó tuy dùng trực giá nhưng trực giác của họ chỉ là kết quả của hàng chục năm nhận xét, phân tích, lý luận. Cho nên những lời trên kia của Claude Barnard và của Foch chỉ để khuyên những người mới vào nghề, hoặc gặp một hoàn cảnh mới; và biết nghe những lời đó, nghĩa là chịu tập lý luận, phân tích thì đồng thời cũng là luyện trực giác nữa. Vậy việc quan trọng nhất vẫn là lý luận. Có quen lý luận đúng rồi thì trực giác mới dễ đúng.
Nhưng khi lý luận, phải dựa vào sự thực, vào kinh nghiệm, nếu không thì nguy, thành ra không tưởng. Descartes đã có công lớn với khoa học khi ông khuyên chúng ta đừng chịu tin bất cứ một điều gì, dù điều đó được nhận là chân lý trong các kinh điển, mà phải suy nghĩ, lý luận xem nó có lý hay không đã, có thể kiểm chứng, thí nghiệm được hay không đã rồi mới được phép tin là đúng. Nhưng ông quá chú trọng đến lý luận, coi nhẹ phần thực nghiệm nên người sau hiểu lầm ông, tưởng rằng hễ ý nào sáng sủa, lý luận không sai thì chắc là đúng rồi; và sau khi ông mất được sáu, bảy chục năm, các triết gia Pháp đua nhau lý luận trên những quan điểm trừu tượng, gây nên một phong trào không tưởng ở thế kỷ 18, mà ảnh hưởng tới nay vẫn còn mạnh mẽ.
Tôi xin nhường lời cho bác sĩ Alexis Carrel, một nhà tư tưởng nổi tiếng hiện nay của Pháp, tác giả cuốn L’hom me cet inconnu, mà cả thế giới nhận là rất có giá trị. Trong cuốn Réflexions sur la conduite de la vie (Plon, 1958) ông viết:
“Nhưng chúng ta thích những trò suy tưởng triết lý của thế kỷ 18 hơn là những khái niệm sáng sủa và bình dị của khoa học. Đáng lẽ tiến tới sự thật cụ thể thì ta lại đình trệ trong sự trừu tượng. Sự thực cụ thể vẫn khó nắm hơn mà óc chúng ta lại ghét sự gắng sức.
(...) Nhận xét không dễ như lý luận. Ai cũng nhận xét ít mà lý luận nhiều thì đưa tới sự lầm lẫn, còn nhận xét nhiều và lý luận ít mới đưa tới chân lý (...) Một điều đúng về lý luận nhưng vẫn có thể sai về thực tế. Vũ trụ luận của Aristotle và của thánh Thomas d’ Aquin chẳng hoàn toàn sai đấy ư? Hình học của Rieman có kém hình học Euclide về phần hữu lý đâu, vậy mà nó áp dụng vào thế giới chúng ta không được. Trong việc tìm sự thực muốn khỏi lầm lẫn thì phải dựa vào kết quả của nhận xét và kinh nghiệm chứ không phải chỉ dựa vào những kiến giải của trí óc”.
Và kết quả là như vầy:
“Những quốc gia dân chủ không biết giá trị những khái niệm khoa học trong sự tổ chức đời sống công cộng. Họ tin quan niệm tự do và quan niệm mác xít, cả hai đều là con sinh đôi của chủ nghĩa duy lý của thế kỷ ánh sáng (tức thế kỷ 18). Cả hai đều không xây dựng trên sự nhận xét triệt để sự thực (...)”
Vậy muốn luyện trí óc, ta phải biết lý luận trên những sự thực có thể kiểm soát được, và một khi tập trở thành được một thói quen thì trực giác của ta cũng phát triển mà ta phán đoán sẽ ít sai. Đó là đại ý của cuốn sách này.
Tôi không có cao vọng làm một nhà lý luận. Tôi chỉ đọc được một số sách báo về vấn đề đó, rồi ghi lại những lỗi lầm trong lý luận mà chúng ta thường mắc phải, và đưa ra ít nhiều quy tắc để chúng ta thỉnh thoảng coi lại cho nhớ, luyện trí cho sáng suốt mà phán đoán may ra được vào cái hạng dưới Benjamin Franklin nghĩa là trăm lần thì sai độ tám chục lần thôi, như vậy cũng đã quý lắm rồi. Những quy tắc đó đều giản dị, dễ hiểu. Tiếc thay, chỉ vì không áp dụng nó, nên biết bao lần ta đã có những ý nghĩ nông nổi, những hành đông vô ý thức mà bây giờ nhớ lại, ta không khỏi mắc cỡ.
Nội dung khác
Một cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời bạn
03/04/2017Gieo hạt giống cho một trí tuệ sâu sắc hơn!
14/12/2016Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì
06/12/2016Bùi Quang MinhBí mật hành trình tình yêu
28/06/2016David NivenBiển cả và Cuộc sống
12/04/2016Tự học như thế nào?
31/10/2005Thiên đường của trái tim
07/10/2005Sửa đổi lối làm việc
01/10/2005Bùi Quang MinhBill Gates đã nói
17/08/2005Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm
03/08/2005Minh triết của giới hạn
03/08/2005Nguyễn Trung Hiếu