Không nên chỉ loay hoay với chương trình và sách giáo khoa
Giáo sư Văn Như Cương đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh những biểu hiện quá tải và lệch lạc của chương trình - sách giáo khoa (SGK) THPT.
* Tại hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện chương trình - SGK THPT nhiều ý kiến cho rằng chương trình - SGK hiện nay là nặng nề và quá tải đối với người học. Ý kiến của giáo sư về nhận định này?
- Việc dạy và học chương trình - SGK hiện nay là nặng. Đối với môn Toán, chúng tôi cũng vừa có dịp ngồi với nhau để tìm ra nguyên nhân sự nặng nề, quá tải này là do đâu. Tất cả các ý kiến đều khẳng định rằng, so với chương trình - SGK cũ thì không nặng hơn, so với các nước khu vực xung quanh thì lượng kiến thức đưa vào cũng không nặng hơn.
Vậy thì nặng ở cái gì? Tôi cho rằng nó nặng so với chính thiết kế của chương trình này. Ví dụ, môn Toán được thiết kế là 3 tiết/tuần cho chương trình cơ bản và 4 tiết/tuần cho chương trình nâng cao. Trong khi đó, môn thể dục và giáo dục quốc phòng cũng chiếm 3 tiết/tuần. Tất cả các ý kiến đều cho rằng, với nội dung của SGK hiện nay đối với môn Toán thì dạy 5-6 tiết/tuần hoàn toàn không có vấn đề gì, nhưng 3 tiết/tuần thì lại quá nặng.
Khi tham gia viết sách, tôi đã thắc mắc điều này với Hội đồng chương trình thì được trả lời rằng: chương trình này được thiết kế để thực hiện trong một thời gian dài, trong tương lai khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày thì sẽ thêm thời lượng cho các môn học. Ý kiến đó là đúng, vì một chương trình không thể sửa liên tục được và vì thế SGK cũng không thể vì thế mà thay đổi liên tục được. Nhưng may cái áo quá rộng để chờ đến khi người mặc lớn lên vẫn mặc được thì hiển nhiên có giai đoạn phải chấp nhận nó không vừa vặn và phù hợp. Vấn đề là trong giai đoạn chờ đợi đó thì chúng ta phải có điều chỉnh cho phù hợp, cụ thể với SGK thì người dạy phải lược bớt những phần kiến thức nhất định chứ không phải cái gì trong SGK cũng truyền thụ, cũng kiểm tra, đánh giá hết tất tần tật như hiện nay.
Như trường tôi (trường THPT dân lập Lương Thế Vinh Hà Nội) thì tôi thực hiện giảm tải bằng cách thêm giờ học. Có ý kiến cho rằng học thêm giờ là gây ra quá tải nhưng trên thực tế đây chính là cách để giảm tải. Ví dụ, yêu cầu phải gánh 50 kg lúa trong vòng 1 giờ thì mỗi lần gánh sẽ nặng hơn là gánh 50 kg lúa ấy trong vòng 2 giờ. Tôi sẽ chia nhỏ mỗi lần gánh để đỡ nặng hơn.
* Như vậy, theo ông thì bản thân SGK không phải là nguyên nhân chính gây nên sự quá tải?
- Đúng như vậy. Tất nhiên SGK có những sai sót, nhưng những sai sót đó không lớn và hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách đính chính. Điều mấu chốt là hàng loạt những điều kiện đi kèm theo nó, đó là thời lượng học tập phải tăng lên, người dạy phải đổi mới phương pháp dạy học, điều kiện cơ sở vật chất phải được đầu tư để học sinh có điều kiện thực hành nhiều hơn.
* Như ông đã nói ở trên, Hội đồng chương trình nói rằng chương trình - SGK đưa vào sử dụng hiện nay mục đích là để phù hợp với cả khi có điều kiện dạy học tốt hơn. Tuy nhiên, khi mà các điều kiện đó chưa thực hiện được thì Bộ GD-ĐT lại tiếp tục chủ trương đổi mới chương trình-SGK vào năm 2015. Vậy điều này có vội vàng và mâu thuẫn với mục đích ban đầu không, thưa ông?
- Tôi cũng chưa rõ Bộ GD-ĐT lại tiếp tục đổi mới chương trình - SGK theo hướng nào. Tuy nhiên, nếu cứ loay hoay với việc viết lại chương trình-SGK mà dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi cử... không thay đổi thì sẽ không thể mang lại hiệu quả. Trong khi đó lại rất tốn kém tiền bạc, vất vả cho những người thực hiện. Tôi cho rằng việc cần làm là tập trung vào những điều kiện để thực hiện chương trình - SGK ấy đã là tốt. Còn SGK hiện nay thì sai chỗ nào phải sửa chỗ đó. Để đảm bảo tính cập nhật trong thời đại thông tin thay đổi nhanh như hiện nay thì SGK còn phải sửa.
Tôi nói ví dụ từ trước đến nay chúng ta vẫn dạy trong Thái dương hệ có 9 hành tinh. Nhưng có một đại hội thiên văn quốc tế nào đó quyết định loại bỏ Diêm Vương tinh, nên Thái Dương hệ chỉ còn 8 hành tinh. Vậy thì phải sửa chứ sao. Chỉ có điều, lẽ ra sau khi in xong, cần rà soát lại lần cuối, xem có chỗ nào cần chỉnh thì chỉnh luôn, đính chính luôn tại thời điểm đó. Còn sau này nếu cần cập nhật lại chỉnh lý. Tuy nhiên, thời gian vừa qua Bộ GD-ĐT dự kiến ban đầu là sẽ in 3 cuốn đính chính SGK cho cả bậc phổ thông nhưng sau đó lại chuyển sang in tờ đính chính rời.
* Đối với việc phân ban, có tới hơn 80% học sinh theo học cơ bản và chỉ chưa đầy 2% theo học ban Khoa học xã hội và nhân văn. Ông cho rằng nguyên nhân nào dẫn tới sự lệch lạc này?
- Trường tôi thì 100% học sinh đều đăng ký học ban Cơ bản. Chính cách thi cử như hiện nay khiến cho việc phân ban trở nên lệch lạc như vậy. Bộ đã tự mâu thuẫn với mình bởi cấu trúc đề thi lại chính là nguyên nhân dẫn đến việc phân ban bị “tiêu diệt”. Tâm lý “học gì thi nấy” là có thật và phải chấp nhận điều đó. Nếu thi tốt nghiệp học sinh học ban nào phải làm đề dành riêng cho ban đó; còn thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì muốn chọn phần nào cũng được thì chắc chắn sẽ không thể còn động lực để HS chọn học nâng cao. Học thì vất vả, thi thì khó khăn, dễ bị điểm thấp hơn thì chẳng “tội” gì HS lại chọn các ban nâng cao để học.
* Vậy theo ông phải thay đổi cách thức thi cử theo hướng nào?
- Tôi cho rằng không cần thiết phải có phần đề theo ban nữa. Đã có chương trình chuẩn rồi thì cứ bám theo kiến thức của chương trình đó mà ra đề. Việc tổ chức thi và ra đề thi tốt nghiệp THPT thì để cho các địa phương, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; còn thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì giao cho các trường tự ra đề, đề thi chung là không hợp lý vì yêu cầu tuyển sinh đối với môn Toán của trường ĐH Bách khoa chắc chắn phải khác với môn Toán của trường ĐH Sư phạm... Tôi xin tha thiết đề nghị một lần nữa là Bộ không nên “ôm” những việc này.
* Theo ông có nên tiếp tục tồn tại 3 ban nữa hay không và cách thức tổ chức dạy học ban Cơ bản như hiện nay đã phải là cách làm tốt nhất?
- Thực ra ban Cơ bản ra đời khi triển khai đại trà chương trình - SGK mới là giải pháp tình thế, một đòi hỏi bắt buộc của thực tiễn nên ngành GD-ĐT chưa có chuẩn bị chu đáo khi đưa vào thực hiện. Cụ thể là về tài liệu. Hiện nay, 8 môn học tự chọn nâng cao của ban Cơ bản chưa hề có tài liệu được biên soạn thống nhất. Bộ GD-ĐT giao cho các địa phương, cho các nhà trường và giáo viên tự biên soạn tài liệu. Chính vì vậy tiếng là dạy học tự chọn nhưng học sinh không được chọn mà thầy bắt học sinh... chọn. Chọn theo khả năng đáp ứng của thầy, của nhà trường về tài liệu và một số điều kiện khác. Trong khi đó, những tài liệu mà giáo viên tự biên soạn để dạy cho học sinh như vậy thì có đảm bảo theo yêu cầu hay không? Tôi không dám chắc điều đó.
Trường tôi thì chọn cách làm “an toàn” hơn là lấy SGK nâng cao của ban Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên để dạy các môn học tự chọn theo hướng nâng cao của ban Cơ bản. Bởi vậy nên dạy học tự chọn cũng chỉ được theo từng môn chứ không thể theo từng phần nội dung kiến thức như bản chất của cách dạy học tự chọn mà các nước đang làm.
Nếu chỉ còn ban Cơ bản thì cũng phải đầu tư, thay đổi nhiều vì cách làm như hiện nay là chưa ổn. Bản chất của dạy học phân hóa là phải đáp ứng được yêu cầu phân hóa đến từng học sinh, có nhiều mức độ cho họ lựa chọn. Ngay trong một môn học, học sinh có quyền lựa chọn một số nội dung kiến thức để học nâng cao và khi ấy mỗi học sinh sẽ có một thời khóa biểu riêng, đơn vị lớp cũng không cố định như hiện nay và việc dạy học sẽ theo các phòng học bộ môn chứ không theo lớp học...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh