Từ sách giáo khoa đến chuyện dạy văn
Có lẽ trên khắp thế giới không có nước nào có ngành giáo dục kỳ quái như Việt Nam hiện nay, một ngành giáo dục liên tiếp xảy ra các vụ cải cách thì chất lượng càng rớt, thầy cô càng rỗi, học sinh càng rên, phụ huynh càng run, xã hội càng rầu...
Mà điều kỳ quái nhất là lối cải cách rùm beng ấy xem ra lại là một sự thời thượng kiểu ngẫu hứng chứ không có chút gì là trách nhiệm, cứ cải cách văng mạng rồi lỡ sai thì lờ, trước nay chưa ai cải cách giáo dục làm cho xã hội tổn thất mà phải đi tù cả, cho dù là vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng không. Cho nên người ta cứ cải cách, hết cải cách chữ viết tới cải cách chương trình, cải cách sách giáo khoa, rồi mới nhất gần đây là sách giáo khoa phân ban.
Vụ sách giáo khoa phân ban này quả là một đỉnh cao sự thiếu hiểu biết và vô lương tâm của các nhà cải cách giáo dục, không biết chúng đã được thiết kế bởi những ban bệ nào, thực hiện bởi những chuyên gia nào và nghiệm thu bởi những hội đồng nào, nhưng chắc chắn phải chi phí tiền tỷ bên cạnh nhiều tỷ khác phải chi để những thứ mà rất có thể không bao lâu nữa sẽ phải xếp xó bởi không phải là loại sách mà giáo viên và học tự có thể dùng để dạy và học, như loạt bài trên báo tuổi Trẻ đầu tháng 5/ 2005 mới đây vừa chứng minh. Tôi muốn đề nghị Quốc hội thành lập một ủy ban điều tra chuyện cải cách (trong đó có việc biên soạn sách giáo khoa phân ban mới đây của Bộ Giáo dục). Bởi như người ta thấy, độc quyền sách giáo khoa cũng có thể trở thành một cách thức tham nhũng trong ngành giáo dục, theo một báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc Tế (Transparency International) tháng 7/2004 (Xem Tham nhũng trong giáo dục, Tuổi Trẻ Chủ nhật, 15/5/2005).
Những chuyện sách giáo khoa viết bá láp cũng không phải sự gì mới mẻ. Năm rồi một cháu hàng xóm cầm quyển giáo trình văn học lớp 11, tập một, phần Văn học Việt Nam, sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000, bản tái bút lần thứ hai NXB Giáo dục qua hỏi tôi mấy câu. Tôi tò mò giở ra xem thử phần về Nguyễn Đình Chiểu thì suýt nữa khi thấy người ta dạy học sinh rằng một bài văn tế gồm bốn phần Lung khởi, Thích thực, Ai vãn và Kết. Văn tế có nhiều loại, như văn tế bốn chữ, năm chữ (tứ tự, ngũ tự), phú cổ thể (ví dụ bài văn tế con gái của Tào Thực) và phú cận thể (phú luật Đường), phú cận thể thì thường là độc vận (gieo một vần), đảm thêm một số cụm từ có tính "nghi thức" như "Hỡi ôi" (mở đầu phần Tán), "Nhớ linh xưa" (mở đầu phần Thán), "Khá thương thay" (mở đầu phần Ai), "Hỡi ôi thương thay, Có linh xin hưởng" (kết thúc). Kết cấu hình thức của phú luật Đường gồm Lung khởi (mở đầu), Biện nguyên (giải thích ý nghĩa, nguồn gốc đầu đề), Thích thực (tả thực, diễn giải đầu để), Phu diễn (liên hệ, nói rộng ra ngoài đầu đề), Nghị luận (bình luận nghĩa của đầu đề) và Kết, nhưng nếu hiểu văn tế cũng gồm các phần Lung khởi, Thích thực... thì sai. Sở dĩ người ta gọi văn tế là văn tế vì muốn nhấn mạnh về chức năng nội dung chứ không phải về hình thức. Kết.cấu chức nội dung của một bài văn tế thể phú luật Đường hoàn chỉnh đó đó gồm ba phần: phần Tán (bày tỏ sự nhận định, thường là tán dương, ca ngợi người được tế), phần Thán (than thở, nuối tiếc về tài năng, đức độ, công lao...của người được tế) và phàn Ai (bày tỏ lòng đau đớn, mà thương xót, sự kính trọng... với người được tế). Nghĩa là sáu phần Lung khởi - Biện nguyên - Tính thực - Phu diễn - Nghị luận - Kết trong kết cấu hình thức của một bài phú luật Đường đã chuyển hóa thành ba phần Tán, Thán và Ai trong kết cấu chức năng - nội dung của một bài văn. Song, các tác giả của giáo trình chỉnh lý ấy lại không phân biệt được kết cấu hình thức với kết cấu chức năng. Các thầy cô dạy văn có tán thành thứ lý luận văn học cổ chỉnh lý ấy hay không thì tôi không rõ, song học sinh chắc chắn là cứ phải cắm đầu mà tụng như két, chứ làm sao đủ hiểu biết để hỏi văn tế thì Thích thực cái gì? Giải trình như thế thì học sinh giỏi lắm cũng chỉ có được cái đạo học chân truyền của các vị biên soạn giáo trình, chứ biết gì về văn?
Gần đây dư luận xôn xao về bài thi độc đáo của một học sinh giỏi văn. Phải thẳng thắn để nhìn nhận một sự thật là cái đề thi "nét đẹp..." .ấy không mấy thông minh, bởi nét đẹp văn chương của một tác phẩm văn học nói chung rất khó tìm được thấu hiểu cũng như đồng cản trong một xã hội không có hệ thống quan niệm hay chuẩn mực thẩm mỹ tương ứng, tóm lại khó mà đòi hỏi một học sinh cấp ba, cho dù là một học sinh giỏi văn rung cảm được với những nét đẹp trong văn học Hán Nôm khi mà các em được dạy và học văn với cung cách triệt tiêu trí tưởng tượng và óc sáng tạo phổ biến trong nhà trường hiện tại. Mà nói thẳng ra ngay bốn chữ "Lòng dân trời tỏ" trong câu đầu bài văn tế ấy của Nguyễn Đình Chiểu thì các vị biên soạn quyển giáo trình văn học lớp 11 nói trên cũng còn chưa hiểu, chứ nói gì tới thầy cô và học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các nhà giáo nghĩ gì, các nhà cải cách giáo dục nghĩ gì khi một học sinh cấp ba ở giữa thủ đô đang rầm rộ tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nói thật lòng rằng mình không thích một bài văn tế nổi tiếng như bài Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu vì không từng sống qua thời chiến nên không hiểu "những tác phẩm viết về cái thời các cô cũng chỉ bé như bọn em bây giờ" (sic)?
Chúng ta đã trồng người thế nào, về nguồn thế nào, đã giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc thế nào mà một học sinh giỏi văn cấp ba, một công dân tương lai lại lầm lẫn về thời điểm ra đời và nhất là vô cảm trước một áng văn chương thấm đẫm máu lệ đau nước thương đời của tiền nhân tới mức như thế? Tôi không chê trách gì em học sinh ấy, bởi em còn quá non nớt để có thể hiểu được vì sao mình thích hay không thích, và cũng còn quá xốc nổi để có thể hiểu rằng không phải chỉ cần thích hay không thích là đủ để tự do yêu hay tự do ghét một tác phẩm văn chương. Không có “Hiểu biết” thì “Tự do” chỉ còn là “Nổi loạn”. Cho nên ai khen em học sinh ấy là một người rất có bản lĩnh thì tùy. Có điều nếu không may đây lại đúng là người phát ngôn dũng cảm của không chỉ một thế hệ học sinh như có người đã cám ơn, thì kính thưa khá nhiều thầy cô giáo và các nhà biên soạn chỉnh lý,cải cách sách giáo khoa, tôi xin mạo muội thay mặt sự Ngu dốt, thói Thực dụng và thái độ Vô cảm để ngả mũ nghiêng mình mà bày tỏ sự tôn kính và lòng biết ơn đối với các vị, những kẻ lập công đầu trong việc đào tạo ra một lớp người mồ côi truyền thống mới, đủ trở thành gánh nặng cho con dân của đất nước này ít ra là nửa thế kỷ nữa trong tương lai.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu