Điều băn khoăn từ một môn học

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Trung ương có chỉ thị xem xét lại chương trình phổ thông hiện nay vì nó quá nặng. Theo chúng tôi, đó là một chủ trương hết sức đúng đắn.

Riêng phần sinh học, xin được nêu một vài suy nghĩ tản mạn về nội dung.

Tôi nhớ sinh thời, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Phải - một trong những tiến sĩ khoa học về di truyền học đầu tiên của Việt Nam thường phàn nàn với chúng tôi: "... Sao bên giáo dục các cậu cứ quá chú trọng bài toán di truyền thế nhỉ? Trong 10 điểm của bài thi vào đại học môn sinh học thì năm nào cũng dành tới 4 điểm cho bài toán di truyền. Phần đó có ai dùng đâu! Học trò không dùng tới. Thầy của nó cũng có mấy ai dùng! Cả nước may ra có vài người dùng, thế sao cứ bắt hàng triệu học sinh chúi mũi vào đó mà học. Học để làm gì? Còn bao nhiêu vấn đề cần thiết khác sao không chọn cho học sinh học... Có phải đây là cái bẫy để các ông bắt học trò luyện thi hay không?...". Tôi thấy ý kiến đó rất xác đáng. Tôi nêu lại trong một hội nghị. Các quan chức thờ ơ và lạnh nhạt ngồi nghe. Chắc họ không muốn tiếp thụ ý kiến đó. Vì vậy, mọi việc vẫn như cũ.

Một lần khác, tôi dẫn sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội đi thực tập. Anh sinh viên say sưa giảng bài. Anh nêu một thí dụ: "... Nếu mèo nhiều thì thỏ ít, nếu mèo ít thì thỏ nhiều...". Cả lớp cười ồ. Một cậu con trai nói to: "Thưa thầy, mèo đi Trung Quốc hết rồi ạ". Cả lớp lại cười ngặt nghẹo.

Hết giờ, tôi hỏi nhỏ: "Em không có thí dụ nào phù hợp Việt Nam hơn nữa à?". Anh vội lấy sách giáo khoa ra và phân trần: "Thưa thầy, đây là thí dụ của sách giáo khoa". Tôi lặng người, thầm nghĩ: Ta có nên xem xét để đưa vào sách giáo khoa những nội dung mới, những thí dụ mới sát cuộc sống và thực tế sản xuất hơn hay không?

Có một lần, nhân dự hội nghị về chương trình giảng dạy sinh học, tôi đề nghị với một vị chuyên sắp xếp nội dung: xin cho thêm vào chương trình phần ứng dụng sinh học. Phần này rất cần cho học sinh phổ thông, đặc biệt là nêu tất cả ý nghĩa quan trọng và tính thiết thực của bộ môn này, rồi trình bày cả nội dung và phương pháp. Vị này ngồi im như không muốn nghe. Ông hất hàm về phía cái bảng đã được sắp xếp chương trình và buông câu nói lạnh lùng: "Hết chỗ rồi, còn đâu mà chen vào!". Tôi thật sự thất vọng.

Rất may có một nhà quản lý luôn coi trọng ý kiến đóng góp của mọi người. Đó là Giáo sư Phạm Quý Tư, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi nêu tên ông và trình bày lại ý kiến của mình. Tôi đề xuất, nên cho sinh viên khoa sinh - kỹ thuật nông nghiệp học thêm phần "ứng dụng sinh học" để sau này về phổ thông có thể dạy cho học sinh ứng dụng được nhiều điều... Ông lắng nghe suy nghĩ và chậm rãi quyết định: "Tôi... đồng ý. Các... anh... làm đi". Chúng tôi phấn khởi, hối hả bàn bạc với các em trong khoa và cả ở các cơ quan nghiên cứu và sản xuất ngoài trường xây dựng chương trình. Sinh viên rất thích học bộ môn này. Họ hào hứng thật sự. Tuy nhiên, vì Bộ Giáo dục và Đào tạo không xếp vào chương trình cứng cho nên chúng tôi chỉ được coi là bộ môn tự chọn, năm dạy, năm nghỉ! Việc này đã diễn ra 14 năm và chúng tôi vẫn ở trạng thái chờ!

Có một thực tế, cần mạnh dạn nhìn tới. ở một số người có trách nhiệm, sau khi đã có được "vị trí", họ ít gắn tri thức của mình với thực tiễn. Càng ngày, họ càng xa với cuộc sống. Vì vậy, họ thường lảng đi khi nói tới những vấn đề họ không còn nắm chắc nữa.

Việc xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa là một việc hết sức quan trọng. Nó quyết định tới trí tuệ cho nhiều thế hệ nối tiếp nhau, vì vậy cần sự quan tâm của tất cả giới khoa học ở Việt Nam. Sách giáo khoa không nên chỉ giao cho các nhà sư phạm biên soạn. Ta nên tổ chức để có được ý kiến tham gia trực tiếp của nhiều nhà khoa học ở nhiều ngành. Đối với ngành sinh học, nên có ý kiến đóng góp của các chuyên gia ở các viện nghiên cứu và các trường đại học khác (như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, y khoa, v.v.). ở phần này, cần tránh tư tưởng cục bộ, hình thức, v.v.

Vào mùa hè, giáo viên phổ thông bắt buộc phải dự các lớp học bồi dưỡng. Đây là một chủ trương đúng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, cũng có vấn đề phải bàn, đó là: nên dạy thêm cho anh chị em những vấn đề gì?

Rất nhiều sinh viên cũ phàn nàn với chúng tôi: "Các thầy dạy chúng em nhiều vấn đề mà chả bao giờ chúng em dùng tới. Trong lúc, có rất nhiều việc chúng em muốn biết thì lại không được học...". Việc này, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thêm. Được biết, việc thù lao cho dạy các lớp bồi dưỡng hè có phần hấp dẫn. Vì vậy, nhiều người cố "vẽ" ra nội dung. Nội dung thì thiếu gì. Điều quan trọng là chúng ta phải cân nhắc dạy cái gì để học sinh phổ thông có thể vận dụng tốt nhất, phục vụ việc đào tạo học sinh.

Tóm lại, nhìn vào chương trình đào tạo ta thấy có nhiều điều băn khoăn phải sắp xếp lại, tinh lọc nội dung để chương trình học không mất nhiều thời gian mà lại có hiệu quả. Học là để sử dụng và phục vụ đất nước. Đã đến lúc, nên để cho mọi ngành, mọi giới góp ý cho công tác giáo dục và cùng tìm ra những hướng đi mạch lạc nhất, hiệu quả nhất.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: