Không có nô lệ, có thể hình thành nhà nước?
Người bạn gửi cho tôi đường link bài"Lúa, nô lệ và nước Văn Lang", yêu cầu đọc và cho ý kiến. Mở file thì gặp người bạn cũ, Phó giáo sư Đại học Manoa Liam Kelley. Nhận thấy sự băn khoăn chân thành của tác giả, tôi xin có đôi lời thưa lại...
Nguyên văn bài của Liam Kelley:
Lúa, nô lệ và nước Văn Lang
Tối hôm qua, tôi đến tham dự một buổi thuyết trình của một học giả rất nổi tiếng nói về Cách mạng Đồ đá mới. Anh này đưa ra luận điểm là tất cả các nhà nước sơ khai trên thế giới mà anh ta biết (Mesopotamia, Trung Quốc, Hy Lạ, La Mã,…) đều cần đến 2 thứ hợp lệ để hình thành – một dạng ngũ cốc (lúa mì, lúa gạo,…) và nô lệ.
Theo học giả này, ở bất kỳ nơi nào bạn thấy có những quốc gia sớm nhất đang hình thành, bạn sẽ thấy một lượng ngũ cốc dư thừa được sản xuất ra, và một lượng nô dân phải làm việc rất nhiều.
Điều này khiến tôi nghĩ tới miêu tả sớm nhất mà chúng ta có về Đồng bằng sông Hồng – một ít dòng trong một văn bản có tên Giao châu ngoại vực kí [交州外域記, Jiaozhou waiyu ji]được trích trong cuốn Thủy kinh chú [水經注, Shuijing zhu] của Lịch Đạo Nguyên [Li Daoyuan] ở thế kỉ VI:
“Giao Châu ngoại vực kí chép rằng ‘trong quá khứ, trước khi Giao Chỉ có quận và huyện, vùng đất này đã có ruộng Lạc. Ruộng này theo sự lên xuống của nước lũ, và vì vậy người dân đã khai khẩn ruộng này để trồng cấy, họ được gọi là dân Lạc. Lạc vương và Lạc hầu được bổ nhiệm để cai trị các quận huyện khác nhau. Nhiều huyện có các lạc tướng. Lạc tướng đeo ấn đồng treo trên dây thao xanh” [交州外域記曰,交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,名為雒民。設雒王雒侯主諸郡縣。縣多為雒將。雒將銅印青綬。]
Người ta nói nhiều về nghĩa của chữ “thủy triều”. Nghĩa đen của nó là “nước triều”, nhưng tôi đã thấy những định nghĩa của chữ “triều” trong đó nó đơn thuần chỉ có nghĩa là “nước dâng”, và vì vậy “thuỷ triều” có thể có nghĩa là “nước lũ”.
Bất kể chúng ta muốn dịch nó như thế nào, có vẻ như nó cho thấy một kiểu làm nông dựa trên dòng chảy tự nhiên của con nước. Diễn giả tôi nghe tối qua gọi nó là “nền nông nghiệp dựa vào nước lũ”. Về cơ bản cách thức hoạt động của nền nông nghiệp này là khi một con sông dâng nước lũ, người ta vãi hạt thóc xuống nước và rồi khi nước lũ rút đi, cây lúa mọc lên. Đây là một trong những cách thức trồng lúa đơn giản nhất.
Vì vậy nó khiến tôi băn khoăn về nước Văn Lang – một vương quốc mà các học giả Việt Nam cho là đã tồn tại ở thiên niên kỉ đầu trước Công lịch. Nếu để một nhà nước xuất hiện mà cần phải có ngũ cốc/lúa gạo và nô lệ, thì chúng ta có chứng cứ gì cho thấy 2 nhân tố đó đã tồn tại ở đồng bằng sông Hồng vào thiên niên kỉ thứ nhất trước Công lịch?
Nền nông nghiệp dựa vào nước lũ có thể sản xuất ra một lượng lúa gạo dư thừa, nhưng không phải là một lượng lớn, vì vậy nếu có một nhà nước dựa trên dạng làm nông như thế, thì có lẽ nó bị giới hạn về quy mô và của cải.
Và rồi về nô lệ, tại sao có hiện tượng là tôi chưa hề nghe ai nói về nô lệ ở nước Văn Lang? Nếu đây là tiêu chuẩn ở các nhà nước sơ khai, thì tại sao không có ai nói về nó trong trường hợp của Văn Lang? Không có nô lệ ở nước Văn Lang chăng?
Nếu không có, thì làm thế nào chúng ta có thể giải thích được vì sao Văn Lang lại khác với tất cả ác nhà nước sơ khai khác trên hành tinh này?
*
* *
Vấn đề ở đây là cần giải tỏa hai điều mà PGS Liam Kelley băn khoăn:
- Không có nô lệ, vậy Văn Lang có thể là nhà nước được không? Và
- Thủy triều hay nước lũ?
Xin được trình bày như sau.
1. Nhà nước sơ khai không chỉ hình thành trên chế độ nô lệ.
Trước hết, phải xem xét, nhận định “tất cả các nhà nước sơ khai trên thế giới mà anh ta biết (Mesopotamia, Trung Quốc, Hy Lạ, La Mã,…) đều cần đến 2 thứ hợp lệ để hình thành – một dạng ngũ cốc (lúa mì, lúa gạo,…) và nô lệ,” có chính xác?
Muốn phân định điều này phải đi tới tận cùng lịch sử nhân loại. Các tài liệu khảo cổ học, văn hóa và di truyền học cho thấy, có hai phương thức sống khác nhau giữa phương Tây và phương Đông.
Ở phương Tây, 10.000 năm trước, khi thời kỳ Băng Hà cuối cùng chấm dứt, con người ra khỏi những hang băng và tiếp tục săn bắn, hái lượm trên những đồng cỏ hoang và rừng thưa. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng không thuận lợi cho việc trồng trọt. Tận dụng ưu thế của thiên nhiên là nguồn cỏ vô tận, bằng sự dịu dàng và kiên nhẫn, Người Mẹ phương Tây thuần hóa những con vật ăn cỏ như dê, cừu, bò… và sáng tạo nghề chăn nuôi gia đình. Do thú hoang ngày càng hiếm, kiếm sống bằng săn bắn thêm khó khăn, người đàn ông càng bị yếu thế. Trong khi đó đàn gia súc mang lại thu nhập chính cho bộ lạc, vai trò người mẹ được nâng cao. Chế độ mẫu hệ vốn có từ thời săn hái được đẩy lên tột đỉnh. Nhờ dinh dưỡng tốt hơn, nhân số tăng nhanh. Nhưng tới một lúc, đàn gia súc quá đông, bãi chăn thả trở nên chật hẹp, cằn cỗi, đe dọa cuộc sống cộng đồng. Lúc này bộ lạc cần được tổ chức lại theo hướng vũ trang hóa để đủ sức bảo vệ con người, gia súc, bãi chăn, nguồn nước... Đồng thời đánh phá, cướp bóc các bộ lạc khác để trở nên giầu có và hùng mạnh. Người phụ nữ mất vị trí chủ thể. Vai trò của thủ lĩnh và chiến binh được đề cao. Phụ hệ thay mẫu hệ và chế độ phụ quyền ra đời. Lúc đầu người ta giết tù binh vì không biết dùng để làm gì, lại còn phải nuôi ăn tốn kém. Nhưng sau đó tù binh được dùng làm công cụ lao động. Chế độ nô lệ hình thành. Tuy nhiên nhà nước chưa xuất hiện.
7000 năm cách nay, người nông dân Trung Đông đem lúa mì và nho vào châu Âu, gầy dựng kinh tế nông nghiêp trồng khô*. Được cung cấp lương thực, những bộ lạc liên kết nhau, định cư trên những vùng đất thích hợp để xây dựng thành bang. Nhà nước nô lệ ra đời. Đúng như nhận định của Karl Marx: xã hội đi từ công xã nguyên thủy tới chế độ nô lệ.
Tuy nhiên, ở phương Đông là bức tranh trái ngược. Từ 70.000 năm trước, do định cư ở đồng bằng Sundaland và Hainanland, hưởng khí hậu ôn hòa, nguồn thức ăn phong phú, người phương Đông sớm định cư. Cùng với hái lượm, săn bắn mà đánh cá là nghề kiếm sống quan trọng, dân cư phương Đông sớm thuần dưỡng cây lương thực là khoai sọ, bẩu bí. 18000 năm cách nay, tức là trước phương Tây 8000 năm, người Hòa Bình đã bước vào Thời đại Đá Mới. Nhưng cũng từ lúc này, nước biển bắt đầu dâng, dân cư của Hainanland và Sundaland dần dần di cư lên các vùng đất cao xung quanh: các đảo Đông Nam Á, Đông Dương, Nam Dương Tử…
Hai con vật được người Hòa Bình thuần dưỡng sớm nhất là gà và chó. Nhưng đó là những loài ăn lương thực chứ không ăn cỏ. Mặt khác do địa bàn đồi núi chia cắt, người phương Đông không thể du mục. Khoảng 15000 năm trước, cây lúa nước ra đời, tạo cuộc cách mạng trong sản xuất lương thực. Xã hội phương Đông chuyển từ công xã nguyên thủy sang công xã nông thôn trên cơ sở sản xuất tiểu nông. Cách thức sở hữu đất của người Việt cổ được hình thành như sau: một số gia đình chung tay vỡ khoảng đất rồi chia làm chín phần đều nhau, theo hình chữ Tỉnh (井) . Tám nhà sở hữu tám phần xung quanh và cùng nhau chăm sóc phần ruộng thứ chín ở giữa, lấy hoa lợi nộp vua, coi như một thứ thuế. Sử gọi đó là chế độ Tỉnh điền. Nông nghiệp lúa nước phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên đòi hỏi kỹ thuật cao cùng sự chăm sóc tỷ mỷ cần mẫn. Vì vậy nông nghiệp lúa nước không thể sản xuất lớn mà chỉ dựa trên kinh tế hộ gia đình, được gọi là tiểu nông. Trong cộng đồng làng xóm, người nông dân dùng phương thức vần công, đổi công hoặc thợ cấy thợ gặt di chuyển theo thời vụ để cung cấp nhân công cho sản xuất. Không có nhu cầu nhân công lớn nên không có nhu cầu nô lệ. Mặt khác, do xã hội phương Đông là xã hội hòa bình, chiến tranh ít xẩy ra. Tù binh bắt được trong chiến trận thuộc quyền sử dụng của nhà nước, làm những việc nặng nhọc như xây thành trì, vỡ đất. Đất vỡ xong được chia cho dân. Do vậy, xã hội Á Đông từ công xã nguyên thủy chuyển sang công xã nông thôn.
Ở thời của mình, do chưa biết điều này nên Marx rất lúng túng khi nói về phương Đông. Ông đã đưa ra thuật ngữ bí hiểm phương thức sản xuất châu Á. Không những thế, ông còn khái quát một cách sai lầm: toàn thể nhân loại đều từ công xã nguyên thủy đi tới chế độ nô lệ. Ở đây, cha đẻ của thuyết Cộng sản đã áp đặt cho phương Đông những điều mà nó hoàn toàn không có!
Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào nhà nước của Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ… Đó là nhà nước xây dựng trên cơ sở công xã nông thôn. Từ thặng dư lương thực: kê, lúa mì, lúa nước và sự huy động sức dân, nhà nước trị thủy Hoàng Hà và nhiều việc lớn khác...
Nói các nhà nước sơ khai Trung Quốc hình thành trên cơ sở nô lệ là hoàn toàn không có cơ sở và là sự xuyên tạc trắng trợn lịch sử phương Đông
Tuy chưa được làm rõ nhưng nhà nước Xích Quỷ hình thành gần 200 năm trước vương triều Hoàng Đế cũng dựa trên cơ sở cộng đồng dân cư tiểu nông.
Như vậy, khác với phương Tây, ở phương Đông, dù không có chế độ nô lệ, các nhà nước của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Ba Thục cổ và Hoàng Đế đã hình thành từ rất sớm trên cơ sở công xã nông thôn. Có thể khẳng định:nhà nước nông nghiệp phương Đông không hình thành trên chế độ nô lệ.
2. Về “nền nông nghiệp dựa vào nước lũ”.
Liam Kelley viết: Người ta nói nhiều về nghĩa của chữ “thủy triều”. Nghĩa đen của nó là “nước triều”, nhưng tôi đã thấy những định nghĩa của chữ “triều” trong đó nó đơn thuần chỉ có nghĩa là “nước dâng”, và vì vậy “thuỷ triều” có thể có nghĩa là “nước lũ”.
Tuy trích Thủy kinh chú: 其田從潮水上下(kỳ điền tòng trào thủy thượng hạ)nhưng do chưa hiểu thực tế nông nghiệp Việt Nam nên vị “học giả rất nổi tiếng” hiểu nhầm “trào thủy” là nước lũ và tưởng tượng ra phương cách làm ruộng không hề có.“Diễn giả tôi nghe tối qua gọi nó là “nền nông nghiệp dựa vào nước lũ”. Về cơ bản cách thức hoạt động của nền nông nghiệp này là khi một con sông dâng nước lũ, người ta vãi hạt thóc xuống nước và rồi khi nước lũ rút đi, cây lúa mọc lên. Đây là một trong những cách thức trồng lúa đơn giản nhất.”
Xin thưa, chẳng bao giờ có “nền nông nghiệp dựa vào nước lũ”, dù là “phương cách trồng lúa đơn giản nhất.” Không ai dại gì mà gieo hạt khi con sông dâng nước lũ: hạt giống bị nước cuốn trôi. Nếu không thì cũng làm mồi cho cá hoặc đội ngũ chim cò hùng hậu. Những hạt sót lại bị thối vì ngâm lâu trong nước! Xa xưa, khi thủy lợi chưa tốt, đồng bằng sông Hồng chủ yếu làm một vụ, gọi là lúa mùa. Lúa trồng là giống cao cây để thích ứng với mức nước cao vào tháng Bảy, tháng Tám. Trước khi cấy lúa phải gieo mạ. Cây mạ cũng cao, nhiều khi cấy xuống nước gần lút mạ. Một vụ lúa rất dài, tới 4 tháng.
Chữ “trào thủy” là nói về thủy triều. Thời Văn Lang chưa có đê sông nên chắc chắn người dân phải đắp bờ bao để khoanh từng vùng đất rộng. Trong phạm vi của bờ bao, có bờ thửa thấp và nhỏ hơn, bao phần ruộng của từng gia đình. Nông nghiệp dựa vào thủy triều là dựa vào con nước lên xuống. Do vận hành của Mặt trăng nên đồng bằng sông Hồng có chế độ nhật triều: mỗi ngày nước lên một lần. Ngày con nước là ngày nước dâng cao nhất. Con nước lớn nhất thường mang theo phù sa. Lúc này người dân đi “lấy nước”. Chờ khi nước dâng cao (vào ban đêm) thì tháo cho nước tràn vào ruộng. Khi thủy triều rút thì đắp bờ lại. Nước này được gọi là “nước béo”, tức nước đục, nhiều phù sa. Họ giữ nước trong ruộng, gọi là “sống nước” ít ngày. Khi phù sa lắng xuống, nước trên ruộng trong lại, được gọi là “nước gầy” thì tháo cho nước chảy đi để lấy lượt nước khác và cũng là vệ sinh đồng ruộng.
Những công việc có vẻ đơn giản, nhẹ nhàng đó là kết quả của kinh nghiệm truyền đời mà cũng là tâm huyết của người chủ ruộng, không thể thực hiện bằng lao động nô lệ. Thất bại của hợp tác xã hông nghiệp ở Việt Nam thế kỷ trước, về bản chất là sự phá sản của chế độ bán nô lệ được áp dụng trong nông nghiệp lúa nước. Xin nhắc nhẹ vị giáo sư Đại học Manoa: nghe người khác nói cũng phải thận trọng. Nghe mẹ mìn có ngày mất mạng!
Chú thích:
*Bryan Sykes. Bảy nàng con gái của Eva. NXB Trẻ, 2008
Nước Văn Lang năm 500 TCN (chữ Hán: 文郎) là nhà nước đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử. Nhà nước Văn Lang được cai trị bởi các vua Hùng. Theo "Lĩnh Nam chích quái" (嶺南摭怪), quyển 1, Hồng Bàng thị truyện (鴻龐氏傳) thì nước Văn Lang: - đông giáp Nam Hải (南海), tức biển Đông
|
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn