Khoa học “Tết”
Có lẽ vì tính tham gia với số lượng đông thành viên cộng đồng, mà “Tết” luôn được xem như một hiện tượng đầy thú vị cho giới nghiên cứu. Trên căn bản ngày Tết, hay thời điểm chuyển từ năm cũ sang năm mới chỉ là một quy ước mang tính định chế, quy ước này lại có thể dẫn giải từ nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Xét về văn hóa, tết là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người Việt, thời điểm mà theo như ông bà ta thường nói là ngày trời đất giao hòa với nhau, mùa khởi mầm của vạn vật. Ở đây, một mặt biểu hiện yếu tố tâm linh, khi tết luôn là một dịp mà người Việt chúng ta tưởng nhớ về những đấng tổ tiên, tiền nhân qua bàn thờ cúng, hay mâm trái cây ngũ quả.
Mặt khác, là yếu tố văn hóa, khi đến hẹn lại lên, cứ đến những ngày cuối năm, những người con phương xa hướng đầu về quê hương, đất tổ. Anh em nào ở xa thì tranh thủ những ngày nghỉ đáp tàu, bắt xe, đoàn tụ với gia đình. Anh em nào ở gần, thì tụ họp với nhau ở nhà mẹ cha cùng nhau đón mừng năm mới. Các cụ thường dạy: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy". Yếu tố văn hóa người Việt ngoài tâm linh với các đấng tổ tiên, còn thể hiện trực tiếp lòng biết ơn với những người có công sinh thành, dạy dỗ. Mà lòng biết ơn thì muôn hình muôn vẻ. Nó có thể là một lời chúc, một câu đối, một tấm thiệp, một gói trà xinh hoặc là một buổi thăm viếng và chúc tết lẫn nhau.
Bản sắc dân tộc cũng là một đề tài khi bàn về tết. Ai cũng biết tết ta, hay tết cổ truyền là lễ của ta nhưng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Ngay cả ở nhiều nước phương Tây, khi hỏi về tết, họ thường hiểu rằng đó lễ mừng năm mới của người Trung Hoa. Không phủ nhận rằng trong “văn hóa tết" của người Việt phần trăm từ anh bạn láng giềng đóng một vai trò đáng kể. Ta có màu đỏ của sự may mắn trên phong bao lì xì, cuốn lịch mới xé, hay những thanh pháo đỏ nổ giòn quá khứ khi xưa. Ngay cả hai chữ “Nguyên đán” cũng bắt nguồn từ chữ Hán, với ý nghĩa là sự khởi đầu của một buổi sáng mới. Tuy vậy, chính từ sự giao thoa văn hóa đó, mà “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam mới khẳng định. GS Cao Huy Thuần viết: “Bản sắc chỉ đích thực là bản sắc khi phải đối phó với nhiều thách thức, cạnh tranh. Nó chỉ là hoa hậu khi nó đánh bạt một giai nhân khác. Còn nếu không có đối thủ, cái gọi là bản sắc cũng không có, bởi bì bản sắc được định nghĩa là cái gì khác, cái gì đặc biệt" (trích: “Bản sắc và toàn cầu hóa", DNSGCT 160, 18/8/2006). Tóm gọn: bản sắc dân tộc là yếu tố còn lại cuối cùng sau khi va chạm với những nền văn hóa khác. Và đó là gì nếu không phải: câu chuyện tiễn ông Táo Việt 23 về trời, đón xuân bằng cành đào, cành mai cùng thịt kho, dưa giá, củ kiệu, bánh chưng, bánh tét?
Mối liên hệ nào giữa tết và khái niệm thời thượng trên cửa miệng ngày nay "toàn cầu hóa”? Hỏi là tìm cách trả lời: toàn cầu hóa gắn kết thế giới và kéo tết lại gần với mọi nhà hơn, đặc biệt với những người Việt ở phương xa. Chênh lệch múi giờ, chênh lệch thời tiết, chênh lệch hoàn cảnh địa phương, chính sự giao lưu thương mại toàn cầu, mà kết quả của nó là hàng Việt Nam có mặt khắp nơi trong cách siêu thị Á châu, đã mang lại một cái tết hương vị quê nhà cho những người con xa xứ. Cũng thịt kho, củ kiệu, dưa giá, bánh chưng, một cành hoa đào nhập khẩu, đài truyền hình phát thẳng từ Việt Nam. Giao thừa trong khung cảnh 6, 7 giờ chiều, trời lạnh và tuyết, xung quanh im ắng, và ngày mai vẫn phải đi làm. Còn với các du học sinh, nghiên cứu sinh, những người thường đón tết bên con CPU chạy o o từ sáng đến tối thì chính nhờ sự vượt trội của khoa học kỹ thuật, Internet, mà ngày lễ truyền thống quê nhà tận bên kia bán cầu dường như vẫn san sát bên tay. Không gặp mặt, nhưng lời chúc "ảo" như những cánh thư ôm vào lòng nỗi niềm cố quốc. Hôm nay chợ hoa Tao Đàn, ngày mai chùa Vĩnh Nghiêm cầu lộc,…những hình ảnh, những bài viết từ khắp nơi trên toàn đất nước được cập nhật liên tục trên các báo điện tử, mạng online mở cầu nối tết đến mọi nhà.
Kinh tế học là bộ môn mà phân tích của nó cũng không tách rời tâm lý xã hội. Vì vậy, sẽ là thiếu sót nếu không bàn về “kinh tế tết". Thứ nhất, tết là một trong những ngày lễ tinh thần quan trọng trong năm, thời điểm mà tâm lý của cộng đồng đang bước vào giai đoạn hồ hởi nhất. Đây là thời điểm mà các quyết định về tiêu pha trở nên dễ dãi và phi kinh tế hơn. Người người tiêu tiền, nhà nhà tiêu tiền: bộ cánh mới, bình trà mới, chậu mai, cành đào, kẹo, trà, bánh, mứt,…Ai có ít xài ít, ai có nhiều xài nhiều. Ngay cả ai trong nguyên năm tiết kiệm, tằn tiện, năm hết tết đến, cũng bỏ ra một chút vui cửa đẹp nhà. Một điềm lạ là trong khi vật giá ngày tết tăng, nhu cầu tiêu xài của những ngày này lại không hề giảm. Mà có cầu thì chắc chắn có cung. Kinh doanh sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ tết trở thành một thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp tận dụng kiếm lời. Thứ hai, tết có thể xem như một ngày mà các nhu cầu “phô trương" nở rộ. Ngày xưa, chúng ta thường xem những bộ phim các gia đình phú hộ thể hiện sự giàu có của mình qua đội lân sư hay giàn pháo kéo từ trên nóc đến tận sân nhà.
Ngày nay, với sự đa dạng về hàng hóa, dịch vụ, các phương thức khoa trương tết cũng muôn hình muôn vẻ hơn. Đó có thể là những đại tiệc với hàng trăm khách mời từ chiều đến sáng, những đồ vật trang hoàng ngày tết với giá trị hơn gấp nhiều lần so với những vật trang trí thông thường, những món quà trao tay đắt giá,…Quy tắc cung cầu kinh tế học trong một phút chốc vừa sai vừa đúng. Đúng, bởi vì đây là một nhu cầu có thật trong xã hội giữa một tầng lớp thượng lưu nhất định. Sai, vì có khi cung không thể hiện đúng giá trị của mình, vì phần nào đó bị hiệu ứng "hồ hởi tết” làm sai lệch.
Cần phải mở ngoặc thêm là tết 2009 sẽ đặc biệt vì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong khi khủng hoảng tài chính đã lan qua ảnh hưởng nền kinh tế thật, thì những hậu quả của nó ở Việt Nam bắt đầu dần dần cảm nhận được qua những chỉ số tăng giảm khác nhau. Có thể sau năm nay, “khoa học tết” sẽ tiếp tục đào sâu thêm một chuyên ngành mới. Một cái tên khả dĩ có thể là: “Tết thời khủng hoảng kinh tế”!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005