Đánh thức đất trong Tết nguyên đán
Nguyên đán là từ Hán – Việt. Như vậy từ “Tết” có tên gọi khi nước ta tiếp xúc với văn hóa Hán. Cái tên Tết mà các cụ xưa dùng để chỉ Tết Nguyên đán thì cũng là diễn nôm chữ “Nguyên”. Nguyên có nghĩa là bắt đầu, lớn, đứng đầu. Kinh Dịch cũng bắt đầu bằng quẻ Nguyên.
Trước thời Bắc thuộc, ở ta, Tết là một loại hội mùa, tổ chức vào thời gian rỗi rãi, gặt hái đã xong, cày đất đã vãn, bất đầu chuẩn bị một vụ mùa mới, làm màu hoặc lúa chiêm. Do có giao lưu với văn hóa Hán mà từ hội mùa chuyển thành loại hình Tết Nguyên đán ở người Kinh, người Mường, người Tày, người Nùng…với sự gia cố thêm vào ý nghĩa hội mùa một ý nghĩa khác nữa là đánh dấu một "tiết", tức một cung đoạn của thiên nhiên trong chu kỳ nông lịch.
Động thổ xưa...
Do là hậu thân của các hội mùa nên xem ra các nghi thức tiến hành của Tết Nguyên đán Kinh, Mường v.v…đều giống nhau ở những điểm cơ bản:
1. Tết là dịp để phô bày những thành quả, sản phẩm của lao động, những của ngon vật lạ làm ra trong quá trình sản xuất: mọi người bày mâm ngũ quả, làm các loại bánh, nấu các loại cỗ...
2. Tết còn nhằm lý giải sự hòa đồng giữa cá nhân, gia tộc và làng xóm, cũng như giữa con người và thiên nhiên. Điều này thể hiện tục lệ xông đất, mừng tuổi, hái lộc...
3. Tết còn là dịp để mọi người biểu thị những sáng tạo văn hóa như tổ chức các lễ hội, đặc biệt có một nghi thức mà ở hai tộc người Kinh và Mường rất giống nhau, đó là nghi thức lễ động thổ trong ngày Tết Nguyên đán.
Trong phong tục Tết của người Kinh xưa có lệ kiêng kỵ là ở ngày đầu năm, khi làng chưa làm lễ động thổ thì không ai được động đến đất, không được cuốc xới đã đành mà cả chẻ củi, giã gạo cũng kiêng. Có vẻ là dị đoan, nhưng thực chất là bảo lưu một tín ngưỡng cổ nảy sinh từ vũ trụ quan của người thời nguyên thủy.
Người xưa vốn lấy con người làm gốc để suy luận và giải thích về vũ trụ . Như xét về sự đắp đổi của thời gian thì cứ mỗi lần xuân tới, thiên nhiên bừng sáng, cây cỏ tươi tốt lên, đâm chồi nảy lộc, nhựa đào ứ trong thân cành. Đó là nhờ đất mẹ đã tiếp cho nguồn sinh lực mới.
Đất giống như bà mẹ có khả năng sinh sôi, nuôi dưỡng muôn loài. Nhưng cũng như bà mẹ, đất cũng có lúc nghỉ. Sau vụ mùa, vào tháng cuối năm giá lạnh, đất ngủ. Khi xuân về, con người phải đánh thức đất dậy để đất lại làm việc nuôi sống muôn loài. Nhưng trước khi đánh thức thì hãy để bà mẹ đất ngủ say vào khoảng thời gian thiêng liêng là lúc giao mùa. Thời gian ấy, đừng làm kinh động giấc ngủ của bà mẹ từng bao lâu vất vả.
Đó chính là nguồn gốc của lễ động thổ. Trải bao đời, chế độ phong kiến đã khoác vào lễ này nhiều nghi thức phiền toái, như bày biện lễ vật, nào vàng mã, nào chè rượu, phải có chủ tế, mũ mão, cân đai, lạy quỳ, hương bái v.v... Nhưng cốt lõi đánh thức đất thì vẫn được bảo lưu:
- Nhất thiết lễ này phải tiến hành ở một bãi đất rộng hay ở cánh đồng chứ không làm trong đình, trong nghè như các lễ khác (hồi quang của lễ tế thời công xã nguyên thủy).
- Chủ tế không phải là hương lý mà là một người cao tuổi nhất làng dù không có chức vị gì (vang bóng hình ảnh người già làng).
- Nghi thức chính là việc ông chủ tế đích thân cầm thuổng động xuống đất ba lần rồi xắn ra ba miếng đất; ông bồi tế lần lượt đem ba miếng đó đặt vào chỗ đất cao nhất (đánh thức đất và bày tỏ sự tôn kính đất).
...Động thổ nay
Ở người Mường, bà con gần gũi của người Việt, cũng có lễ này, gọi là lễ đỗng thố. Nghi lễ có khác chút ít song cốt lõi thì như nhau: Hôm làm lễ này thì người già làng, tức ông cai khung, cai giáp dậy thật sớm. Ông xuống thang, tới bên cối giã gạo, được gọi là cái đuông. Trong lòng cối đã có sẵn vài hạt thóc. Ông cai cầm chày giã ba lần. Sau đó, ông cùng một người nhà vác cuốc đi ra suối, nơi người làng vẫn lấy nước để cày cấy. Suối này thường có đắp một cái đập con để ngăn nước, gọi là pài. Đến chỗ pài, ông cai xắn một miếng đất rồi người nhà đi theo ông đem miếng đất ấy ném xuống pài. Nghi thức này gọi là tắp pài (tức đắp đập).
Như vậy, ở lễ đỗng thố, nghi thức đánh thức đất rõ nét hơn (giã vào cối) và ông cai cùng người nhà đi theo ông sau này đã hóa thân thành chủ tế và bồi tế trong lễ động thổ đã phong kiến hóa của người Kinh.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)