Tản mạn về câu đối tết

11:35 SA @ Thứ Tư - 22 Tháng Giêng, 2020

Sáng tác câu đối là một thú chơi tao nhã của bậc trí thức nhiều thời, có nội hàm văn hóa rất cao, thể hiện luân lý của người Á Đông nói chung, tính nhân văn của dân tộc ta nói riêng. Mỗi độ xuân về, ngoài việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, nhà nào cũng dán câu đối.

Theo sử sách, câu đối lúc đầu là bùa bát quái được người Trung Hoa cổ xưa dùng để treo ở giữa đòn dông nhà và dán hai bên cửa để giữ yên nhà cửa, xua đuổi không cho ma quỷ đến gần. Các bùa chú này phải được đặt đúng nơi, đúng lúc và phải làm lễ cúng bái mới phát huy được tác dụng. Không chỉ dán bùa chú, người Trung Hoa cổ xưa còn vẽ hình các vị thần thánh, các nhân vật huyền thoại theo tín ngưỡng, đem dán ở cửa nhà cũng để trừ tà ma. Tương truyền, Thần Thư và Uất Luật là hai vị thần chuyên bắt những con ma hung dữ, trói chúng lại bằng cỏ lau rồi đem cho hổ ăn. Vì vậy, trong những ngày giáp tết, người ta thường vẽ hình hai vị thần này rồi dùng cọng lau treo hai bên cửa để trừ ma quỷ. Người Trung Hoa cổ xưa cũng tin rằng cây đào là linh thụ chứa tinh anh trong ngũ hành nên được gọi là cây tiên đào và có khả năng trừ ma quỷ. Do đó, vào ngày tết, người ta thường vẽ hình của Thần Thư và Uất Luật trên ván bằng gỗ đào đế trấn giữ tà ma. Sau này, gỗ đào được thay bằng giấy và các vật khác. Nội dung hình vẽ và bùa chú cũng được thay bằng các câu văn rút ra từ kinh điển hay tác phẩm văn học, hoặc những lời chúc tụng cho năm mới tốt lành và hạnh phúc. Như vậy, từ hình thức tín ngưỡng có phần mê tín ban đầu dần dần việc dán câu đối vào ngày tết đã trở thành một mỹ tục của người Á Đông.

Ngày nay, câu đối được chạm khắc hoặc viết trên gỗ rất hiếm. Trong dịp tết, câu đối thường được viết trên giấy hồng điều bằng mực tàu, chữ Hán (hoặc chữ kim nhũ vàng). Cũng có khi câu đối được viết trên giấy đó dát vàng. Nội dung của các câu đối thường mang nghĩa chúc tụng, thể hiện ước vọng an lành, cầu an khang, thịnh vượng:

Gia đình hòa dẫn xuân phong mãn

Diên kí quang đăng thọ diện cao

(Nhà đầu ấm gió xuân phơi phới

Tiếc mừng vui sao thọ ngời ngời)

Tết đến, người người thêm một tuổi, trướng thành hơn. Đó cũng là sự hãnh diện, là niềm hạnh phúc của mỗi người. Xuân về, trăm hoa đua nở, không khí mát lành là thời gian đế mọi người nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động mệt nhọc. Để tổng kết lại chặng đường trong năm qua và định hướng cho năm tới tốt lành hơn trong ngày xuân, người ta cũng thích dùng câu đối:

Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

(Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ

Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà)

Phúc là điều tốt lành được dân gian quan niệm là trên hết. Theo triết lý phương Đông, có phúc thì sẽ có con cháu đầy đàn, giúp ích cho việc tăng gia sản xuất, nối dõi tông đường. Vì vậy, trong tam tinh (Phúc, Lộc, Thọ) thì Phúc đứng đầu. Trong các mùa của năm, mùa xuân đứng đầu vì mùa này giúp cho cây trái tươi tốt, đem đến bao ước vọng an lành, vì lý do đó, chúc xuân là phải chúc phúc:

Tứ thời xuân tại thủ

Ngũ phúc thọ vi tiên

(Bốn mùa xuân trên hết

Năm phúc thọ đầu tiên)

Ngày tết cũng là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, nhớ đến công ơn dưỡng dục, sinh thành của ông bà, tổ tiên nên bàn thờ gia tiên ngoài hương đăng trà quả còn có các hoành phi, câu đối thể hiện sự biết ơn tổ tiên, ông bà:

Cúc dục ân thâm Đông hải đại

Sinh thành nghĩa trọng Thái Sơn cao

(Ơn dưỡng dục sâu tựa biển Đông

Nghĩa sinh thành cao hơn núi Thái)

Ngoài ra, còn có các hoành phi, liễn đối khác dán khắp nhà cũng không ngoài mục đích ước mong sự thái bình, làm ăn phát đạt, cát tường. Trước cửa nhà, người ta thường dán câu: Xuất nhập bình anh hay Ngũ phúc lâm môn. Trên tủ quần áo hoặc trên trái cây thờ cúng thì dán chữ đại kiết, còn ở lu gạo thì người ta dán chữ Mãn thể hiện ước muốn gạo trong lu đầy mãi. Riêng những gia đình chuyên buôn bán thì dán câu đối với sự cầu mong mua may, bán đắt, dập dìu khách đến, tấp nập người mua:

Xuân đáo khách phòng xung hỷ khí

Hoa khai tương điếm phức hương phong

(Phòng khách xuân sang đầy vẻ đẹp

Cửa hàng hoa nở nức mùi hương)

Bên cạnh các câu đối mang nội dung chúc tụng trong các dịp hiếu hỷ, lễ tết, một số nơi ở Nam bộ còn cho dán câu đối ở trước cửa nhà để nói lên chí hướng và hoài bão của gia chủ.

Phục kế tổ huấn lập đại chí

Thân công đạo lộ chấn gia thanh

(Khôi phục và nối tiếp lời dạy của tổ tiên để lập nên chí lớn

Con đường thành công của bản thân mình cũng sẽ làm cho thanh thế của gia đình nổi lên)

Ngoài ra, những gia đình có đặt tên hiệu cho nhà mình cũng dùng lối chiết từ để tạo thành câu đối. Tên hiệu của mỗi gia đình thường là để nói lên ý chí, ước vọng của gia chủ về những điều lành, sự giàu sang, phú quý. Cho nên, chiết tự từ cửa hiệu để tạo thành câu đối cũng nhằm khuếch trương quang đại cho gia đình và dòng họ. Ví dụ, một gia đình ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có cửa hiệu là Mộc Lợi, đã dùng câu đối sau:

Mộc gia tiên đức sáng cơ nghiệp

Lợi phát tài nguyên chấn gia thanh

(Cái đức đời trước của gia đình họ Mộc an dựng nên cơ nghiệp

Nên lợi lộc tiền tố đời nay làm uy danh gia tộc mình thêm)

Một gia đình khác có tên hiệu là Kim Lợi, thì sẽ tương ứng với câu đối sau:

Kim ngọc mãn đường tích thiên tứ

Lợi lộ hanh thông vạn đại xương

(Vàng ngọc đầy nhà là do thụ hưởng được ơn của trời

Con đường lợi lộc có tốt đẹp là do gia tộc: muôn đời làm điều tốt)

Một số tỉnh, thành Nam bộ, câu đối không chỉ được viết trên giấy màu đỏ (Câu đối đỏ), mà còn được viết ra giấy màu xanh (câu đối không chỉ viết bằng chữ Hán hay chữ quốc ngữ, mà còn bằng chữ Khmer. Dán câu đối màu xanh là việc chẳng đặng đừng vì chỉ có màu đỏ mới thể hiện cho sự cát tường, may mắn. Câu đối xanh chỉ do trong trường hợp gia đình có chuyện buồn vào những ngày vui, chẳng hạn không may trước ngày tết có người thân qua đời. Câu đối xanh là "trung hòa" cho việc buồn xảy ra trong ngày vui đó. Dán câu đối xanh cũng giúp cho những người đến viếng đỡ bối rối, ngại ngùng khi ngày tết mà phải đi viếng đám tang.

Nội dung câu đối xanh thường là nói về tình nghĩa của người đang sống với người đã khuất hoặc ca ngợi công đức của người quá cố.

Câu đối được viết bằng chữ Khmer là do sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa, Khmer trên mảnh đất Nam Bộ, viết bằng mực đen và giấy đỏ, cũng được dán trước cửa nhà, cửa buồng, dán ở cột nhà, nội dung các câu đối cũng là chúc mừng năm mới, đón chào quý khách, giàu sang phú quý…

Ngày xưa, trong các phiên chợ tết, người ta thường mua vài câu đối của các ông đồ viết sẵn mang về nhà treo. Thật là thiếu sót nếu ngày xuân mà không có câu đối. Nói đến câu đối, ta không thể không nhắc đến hai câu nổi tiếng:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mạn đàm tập tục Tết

    22/01/2020Bùi Đức Anh TúNăm nào cũng vậy, sau lễ cúng ông công ông táo, mọi gia đình quét dọn nhà cửa, sắm lễ, treo câu đối, đoàn tụ ăn bữa cơm tất niên để đón năm mới. Tết đến, mọi người chúc nhau mạnh khỏe, may mắn, chúc bạn bè gần xa nhiều tài nhiều lộc.
  • Chăm chút bàn thờ ngày Tết

    22/01/2020Kim ThoaThờ phụng tổ tiên là một trách nhiệm có tính cách luân lý đối với người Việt Nam, nó thể hiện cho nhu cầu được phát lộ tình cảm và niềm tin huyết thống trong môi trường gia đình.
  • Tâm lý ngày Tết

    22/01/2020Phạm QuỳnhNhững dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.
  • Chuyện phong tục Tết

    19/01/2009Nguyễn Vinh PhúcLễ tết là thuộc về phong tục. Trong phong tục của cả nước có phong tục riêng của từng vùng. Mỗi vùng đóng góp những phong tục của mình vào phong tục chung. Hà Nội cũng vậy, từ xưa để hình thành một vùng “Văn hóa kinh kỳ” cũng có tục đón Tết riêng.
  • Đánh thức đất trong Tết nguyên đán

    01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcNguyên đán là từ Hán – Việt. Như vậy từ “Tết” có tên gọi khi nước ta tiếp xúc với văn hóa Hán. Cái tên Tết mà các cụ xưa dùng để chỉ Tết Nguyên đán thì cũng là diễn nôm chữ “Nguyên”. Nguyên có nghĩa là bắt đầu, lớn, đứng đầu. Kinh Dịch cũng bắt đầu bằng quẻ Nguyên.
  • Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán

    15/01/2009Hồng Anh (st)Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Từ những thế kỷ trước, từ đời Lý - Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.
  • Lễ, Hội, và Tết

    16/02/2007Nguyễn Tiến VănLễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn...
  • Ngày Tết nói chuyện về nguồn

    29/01/2006Vũ HạnhNếu nhiều loài sinh vật quay quắt về nguồn như một thôi thúc từ trong sâu thẳm bản năng, thì người về nguồn là biết đi quanh về nẻo tương lai, bởi với con người không chỉ có mỗi nhu cầu tìm về quá khứ như nhiều loài vật, mà quay về ấy là tìm những chất liệu bồi dưỡng cho những chặng đường dài đi tới.
  • xem toàn bộ