Sinh viên đang chịu nhiều áp lực "chết người"!
Những áp lực nặng nề trên giảng đường ĐH...
Nếu ai đó một lần nhìn vào lịch học của Bùi Hoàng Thi, sinh viên năm thứ tư, ngành Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì có thể biết được sinh viên này hiện nay đang học tập như thế nào! Từ thứ hai đến thứ bảy phải trải qua những môn học như sau: kế toán tài chính, kế toán quản trị, thống kê doanh nghiệp, hệ thống thông tin kế toán 3, kiểm toán 2, kế toán đối chiếu, phân tích hoạt động kinh doanh. Đó là chưa kể chương trình ngoại ngữ và vi tính. Trong khi đó, ông Trần Duy Can - người đã có 10 năm thâm niên làm công tác chuyên viên quản lý và đào tạo sinh viên của trường này, cho biết hiện có rất nhiều sinh viên đang “dũng cảm” theo học một lúc cả hai trường hoặc hai ngành ĐH!
Thực tế xã hội phát triển như hiện nay lại yêu cầu sinh viên càng phải ôm đồm một khối lượng kiến thức khổng lồ trong khi cách dạy và học chưa thật hiện đại. Qua khảo sát của chúng tôi, hầu hết sinh viên đều than vãn đó là áp lực lớn nhất đối với họ hiện nay. Bên cạnh những kiến thức học tập nặng nề đó, không ít sinh viên đang mang một tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”. Nghĩa là mặc dù họ đang theo học ngành A nhưng trong lòng lại mong muốn học ngành B, vì trước đó họ đã được may mắn trúng tuyển vào ngành học “vớt vát” ở nguyện vọng 2, 3! Theo kết quả điều tra về động cơ học tập của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM do nhóm giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện mới đây, chỉ có 54,7% trong số 1243 sinh viên hệ chính quy gắn bó với ngành học của mình.
... và trong cuộc sống
Bên cạnh áp lực trên giảng đường ĐH, chi phí để trang trải cuộc sống trong suốt quá trình học tập cũng đang là một gánh nặng kinh hoàng đối với nhiều sinh viên hiện nay. Họ phải đối diện với hàng loạt thứ tiền. Tính bình quân, để theo học một năm sinh viên các trường ĐH công lập phải chi phí 1,8 triệu đồng học phí, một triệu đồng tiền ở trọ, ba triệu tiền ăn, chưa kể sách vở, áo quần, tàu xe đi lại... Như vậy cũng phải mất từ đến bảy đến 10 triệu đồng/năm. Đối với phần lớn sinh viên từ các tỉnh thì mức chi phí này hoàn toàn không nhỏ. Sinh viên các trường ĐH dân lập còn cực hơn: mức chi phí của họ còn lớn gấp đôi gấp ba lần như thế.
Và một khi cuộc sống đòi hỏi phải chi tiêu cho nhiều thứ thì sự túng thiếu đối với nhiều sinh viên lại càng thêm nghiêm trọng, thậm chí trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh đến từng giấc ngủ. Chính vì vậy ngày càng nhiều sinh viên phải lao vào cuộc kiếm sống, làm thêm với mọi công việc: dạy kèm, hướng dẫn viên, chạy bàn, bán hàng, tiếp thị Trong số hàng ngàn sinh viên ở các trường ĐH dân lập Kỹ thuật, ĐH dân lập Văn Lang, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Bách khoa đã bị ban giám hiệu buộc thôi học trong hai năm 2001 và 2002, phần lớn do sinh viên dành quá nhiều thời gian “chạy sô” làm thêm nên không thể hoàn tất nổi chương trình học.
Chưa kể trước khi vào ĐH nhiều sinh viên đã đặt ra (hoặc do từ phía gia đình áp đặt) quá nhiều điều kỳ vọng, các bạn nghĩ rằng vào được ĐH sẽ thực hiện được mơ ước thành đạt. Nhưng khi va chạm thực tế, do cách dạy và cách học đã tạo ra áp lực nặng nề trong học tập khiến cho nhiều sinh viên chịu không nổi! Mặt khác, viễn cảnh những lớp đàn anh đàn chị đi trước ra trường chạy tìm việc làm không mấy sáng sủa: chạy ngược xuôi tìm kiếm việc làm, thậm chí là thất nghiệp, khiến cho các bạn trẻ sinh viên trên cảm thấy chùn bước, chán nãn về tương lai! Ngoài những áp lực thường nhật trên, mối quan hệ tình cảm phát sinh mạnh mẽ ở sinh viên cũng là một trong những tác nhân khiến cho không ít người cũng gặp phải những bế tắc. Lê Nam Anh, sinh viên khoa Quản lý Công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong một lần tham gia diễn đàn về tình yêu sinh viên đã nói: “Khi chia tay, tôi thấy mọi chuyện tưởng chừng như sụp đổ trước mắt. Biết còn tin tưởng vào ai trên đời?”
Nạn tự tử trong giới sinh viên hiện nay đang gia tăng trong các nước khu vực Châu Á, không chỉ riêng gì ở Việt Nam. Sau Nhật Bản là đến Hàn Quốc báo động thực trạng này và các nhà quản lý giáo dục cũng đang đau đầu tìm giải pháp khắc phục. Nguyên nhân lớn nhất là chương trình học tập hiện nay của sinh viên quá căng thẳng, tạo nên những mâu thuẫn và bế tắc cho sinh viên. Tôi cho rằng nếu chúng ta không tìm cách chấn chỉnh kịp thời thì vấn nạn tự tử sẽ ngày càng bùng phát nghiêm trọng hơn.
Quan trọng là chúng ta hiện chưa có những bộ phận hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học, hoặc có lác đác thì cũng chưa hiệu quả. Chúng ta cũng chưa có những chuyên gia kinh nghiệm về tư vấn và giúp đỡ sinh viên trong những hoàn cảnh bế tắc trong cuộc sống. Đó là một thiếu sót rất lớn trong ngành Giáo dục của chúng ta hiện nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuProtagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi