Khi những biểu tượng đổi thay
Giáo sư nhân chủng học Jean Tardif, Tổng đại diện của tổ chức quốc tế PlanetAgora, đã có cuộc trò chuyện với SVVN về chuyện toàn cầu hóa tác động đến việc dạy và học của giảng viên và sinh viên.
Khi giảng đường cũng bị tác động
Toàn cầu hóa tác động thế nào đến giới trẻ, nhìn ở góc độ truyền thông, thưa ông?
GS Jean Tardif: Thực ra, toàn cầu hóa về văn hóa được truyền tải qua các phương tiện truyền thông. Nghĩa là từ phương tiện truyền thông mà người ta mới thấy được toàn cầu hóa về văn hóa. Qua các phương tiện truyền thông như Internet (audio, video,…) giới trẻ tìm ra được những hình mẫu, những giá trị mới để có thể học hỏi.
Ví dụ, bạn lên Internet, bạn có thể tìm hiểu xem mẫu quần áo nào đang thịnh hành và mặc theo trào lưu đó; bạn cũng có thể tìm thấy những hình mẫu anh hùng để có thể học tập. Nếu như trước kia, trong đời sống làng xã - khi chưa có toàn cầu hóa về mặt văn hóa, thì kiểm soát về mặt xã hội khá chặt, người ta kiểm soát cá nhân rất mạnh. Bây giờ, với toàn cầu hóa, sự kiểm soát đó dần dần giảm đi, và dần dần biến mất.
Do đó, toàn cầu hóa giống như một cái cửa, một lối ra, dẫn người ta đi sang một thế giới khác, không chịu sự kiểm soát đó nữa.
Theo ý của ông thì đời sống cá nhân sẽ tự do hơn?
GS Jean Tardif: Đúng là có quá trình tự vận động tự do hóa cho mỗi cá nhân. Chúng ta có thể quan sát được tình trạng phát triển, cá nhân hóa chủ nghĩa vị kỉ, nhất là ở các thành phố công nghiệp ở các nước phương Tây. Trước đây, mỗi một cá nhân nằm trong sự kiểm soát của xã hội gắt hơn.
Nhưng giờ đây, người ta ít bị kiểm soát hơn, và sống cho cá nhân nhiều hơn. Trong đời sống, và trong hoạt động chính trị - xã hội,… trước đây thanh niên tham gia rất nhiều, nhưng giờ đây không ít người chỉ quan tâm tới tiêu dùng. Không những thế, toàn cầu hóa về văn hóa còn tác động đến công việc học tập.
Nghĩa là toàn cầu hóa cũng làm cho giảng viên và sinh viên đều phải thay đổi?
GS Jean Tardif: Đúng vậy. Sinh viên hiện nay ít viết, ít đọc hơn, thích những cái gì thật cụ thể… và lên internet tìm kiếm kết quả. Điều đó tác động đến cả giảng viên. Giảng viên không thể giảng theo cách truyền thống nữa, mà phải thay đổi, thích nghi với sinh viên của mình. Giảng viên bây giờ cũng không thể giảng dạy như cách cũ được nữa.
Bây giờ để tập trung sự chú ý của thanh niên là rất khó, nên giảng viên phải quan sát xem sinh viên của mình thế nào. Nếu nói quá trừu tượng, quá dài, quá chán… thì sinh viên sẽ giảm chú ý, thậm chí "tẩy chay". Lúc đó phải thay đổi cách dạy. Chứ không thể chỉ mỗi một cách dạy theo kiểu "một mình một chợ", rồi cứ mặc kệ sinh viên muốn làm gì thì làm.
Biểu tượng anh hùng và miền đất hứa
Nhưng toàn cầu hóa sẽ thiết lập nên những giá trị mới?
Một số tác phẩm của GS Jean Tardif: Các thách thức của toàn cầu hóa văn hóa (HC, 2006, cùng Joëlle Farchy); "Hướng về một diễn đàn về Toàn cầu hóa văn hóa", trong Đa dạng văn hóa và toàn cầu hóa (Autrement, coll. Mutations, 2004); "Bản sắc văn hóa và những thách thức địa văn hóa", trong Hợp tác, đa dạng và hòa bình (2003). |
GS Jean Tardif: Thế giới của Internet, TV…, và những cảm xúc mà nó mang lại như một đế chế của sự quyến rũ, mình như bị hút vào đó và thấy hoan lạc với nó. Hình ảnh được truyền tải trên màn hình tivi mang đến cho công chúng cảm xúc nhất định. Con người không bao giờ đi tìm sự đau đớn cả, mà đi tìm cảm xúc và sự vui thú.
Trên TV có hình ảnh những vị anh hùng, các hình mẫu, những giá trị, những biểu tượng khác nhau (chủ yếu nhờ Hollywood, Bollywood)… Và khi nhìn thấy những hình ảnh đấy, mình cảm giác như là muốn tìm gặp những hình mẫu, những giá trị này… ở một "miền đất hứa" nào đó, và mình bị thúc giục để đi đến "miền đất hứa" ấy. Và chúng ta có thể đặt chân đến được "miền đất hứa" này nhờ xã hội tiêu dùng thực dụng: Mình chỉ có tivi là mình có thể đặt chân vào được.
Như vậy, Internet (video, audio…) là thế giới của cảm xúc, chứ không phải là thế giới của tư duy. Cảm xúc rất tự nhiên, chứ không suy nghĩ gì cả. Và hậu quả sẽ rất lớn đối với người trẻ nói chung, và sinh viên nói riêng…
Nghĩa là nó góp phần triệt tiêu tư duy?
GS Jean Tardif: Nó không triệt tiêu tư duy, nhưng nó sẽ khiến cho việc người ta nghiêng về hướng cảm xúc sẽ dễ dàng hơn. Bởi vì so với cảm xúc, tư duy có nhiều khó khăn hơn, có nhiều ràng buộc hơn. Người ta thấy cái gì dễ thì người ta sẽ ngả theo cái đó.
Tôi rất thích khái niệm "hệ biểu tượng giá trị" mà ông đã trình bày. Phải chăng, một người đàn ông Việt Nam ở tuổi 60, và một thanh niên Việt Nam ở tuổi 30 có những "hệ thống biểu tượng giá trị" khác nhau, và quan niệm khác nhau về các giá trị?
GS Jean Tardif: Theo tôi thì có. Và điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở các nước khác nữa. Ví dụ như thế giới và thời điểm tôi sinh ra so với hiện tại thì nó không còn nữa. Bố mẹ tôi làm nông, có một trang trại, sống tự cung, tự cấp. Địa điểm của cái nông trang đó vẫn còn, nhưng cái văn hóa và cái lối sống ấy (mặc dù có cách đây mới chưa đầy một thế kỷ) giờ không còn nữa. Rõ ràng là hệ biểu tượng đã khác đi rồi.
Hệ biểu tượng đó vận động một cách chậm rãi, từ từ… Cũng giống như cái màng tế bào của cơ thể. Khi có một tác động từ bên ngoài, ngay lập tức nó sẽ có phản ứng. Và hệ biểu tượng đó nó cũng thế, khi có nguy cơ tác động từ bên ngoài thì nó sẽ có phản ứng ngược trở lại, có thể đẩy tiến trình diễn ra nhanh hơn.
Vậy toàn cầu hóa tác động đến cá nhân ông thế nào?
GS Jean Tardif: Có chứ. Toàn cầu hóa có thể giúp chúng ta tiếp xúc thực tiễn với các địa phương khác, các nền văn hóa khác một cách rất dễ dàng. Tôi là nhà nghiên cứu về nhân chủng học, tôi đi nhiều và tôi thích trải nghiệm, sống ở những nơi khác nhau để nghiên cứu. Thế nhưng bây giờ, với sự toàn cầu hóa về văn hóa, người ta không nhất thiết phải dịch chuyển theo phương thức địa lý để có thể hiểu được thực tiễn ở nơi khác. Người ta có thể ở tại nhà, và hiểu được ngay.
Phải làm gì nếu muốn hội nhập nhưng lệch "tông" tư duy
Trong sự chống chiếng của chiếc xe toàn cầu hóa, người ta nói đến cái "chân phanh" văn hóa, cái "chân ga" kinh tế - chính trị… Vậy đời sống cá nhân được định vị thế nào trên cỗ xe kia, thưa ông?
GS Jean Tardif: Thực ra, tôi không thích quan niệm toàn cầu hóa như cỗ xe anh ví von. Bởi cỗ xe quá cơ học, trong khi toàn cầu hóa về văn hóa nó như một mạng lưới vận hành phức tạp, đan xen với nhau, giống như hiện tượng thời tiết: Có lúc có bão, có lúc mưa, có lúc nắng… Nó là một hiện tượng phức tạp. Đối với các khái niệm cỗ xe, chân phanh, hay chân ga… thực ra đó là những cái lực, để tác động đến sự vận động của toàn cầu hóa mà thôi.
Toàn cầu hóa sẽ giúp người ta hội nhập tốt hơn, xóa tan không gian địa lý, nhưng làm thế nào để xóa được các khác biệt trong cách tư duy giữa các nền văn hóa khác nhau?
GS Jean Tardif: Việc hiểu được một thực tiễn nào trong đời sống hàng này, nó phụ thuộc vào việc mình sinh ra ở nền văn hóa nào. Tôi là người Québec, tôi đến Việt Nam, khi tôi đi thăm một số đền, chùa của Việt Nam, tôi thấy hình ảnh những con rồng. Nhưng bản thân con rồng, với tôi, nó không nói lên điều gì cả, trong khi trong văn hóa của các bạn, con rồng đó nói lên rất nhiều điều.
Hoặc là hình ảnh trên những bức tranh kính ở các nhà thờ thiên chúa giáo châu Âu. Mỗi một bức tranh kính nó muốn truyền tải một thông điệp nào đó, nhưng nhiều người châu Âu bây giờ không hiểu ý nghĩa của những bức tranh đó. Cùng một nền văn hóa như vậy, nó cũng biến đổi theo thời gian. Và thời gian qua đi, nếu người ta không cùng một thế hệ, thì cũng không thể hiểu được. Đấy là chưa nói đến hai nền văn hóa khác nhau, thì lại càng không hiểu được nữa.
Bản thân con người thường là không thích sự đổi thay, nhưng toàn cầu hóa làm cho con người phải thay đổi. Liệu nó có gây nên sự xung đột trong mỗi cá nhân không?
GS Jean Tardif: Thực chất, bản thân mỗi cơ thể sống của chúng ta đều có bản chất tự vệ. Nên khi có một tác động, là cơ chế tự vệ được kích hoạt. Nhưng thực ra, mình cũng không nhất thiết phải chủ động đi tìm kiếm sự thay đổi, mà nó sẽ đến cùng với thời gian, cùng với tuổi tác…
Cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý